Điện ảnh Iran và những khác biệt trong nghệ thuật phim
Sáng ngày 29/8/2023, tại Hà Nội, Hội Điện ảnh Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm “Nghệ thuật xây dựng kết phim của điện ảnh Iran”. Đến dự có đại diện Ban Chấp hành Hội và đông đảo các nghệ sĩ, hội viên.
Nhắc tới nền điện ảnh thế giới hiện nay, khán giả sẽ nghĩ ngay tới các nước như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp, Hàn Quốc… Đây là các quốc gia có nhiều phim bom tấn, với dàn đạo diễn/ diễn viên nổi tiếng, mang về lượng lớn doanh thu phòng vé cho nền công nghiệp điện ảnh của nước sở tại. Nhưng nhắc tới quốc gia giành được nhiều giải thưởng điện ảnh danh giá tầm quốc tế lại không thể không kể tới Iran. Điện ảnh Iran là một trường hợp thú vị, khi đối lập với lượng lớn giải thưởng danh giá mà điện ảnh họ giành được là các phim có lượng doanh thu phòng vé không cao, thậm chí là doanh thu thấp.
Vậy điều gì ở điện ảnh Iran đã chinh phục Ban Giám khảo các giải điện ảnh danh giá trên thế giới? Ban Chấp hành Hội Điện ảnh Hà Nội đã giới thiệu về bộ phim Melbourne của Nima Javidi để các hội viên cùng tham khảo và thảo luận về điện ảnh Iran cũng như những trải nghiệm điện ảnh có thể học hỏi.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Hà Nội – đạo diễn Đào Duy Phúc cho biết: Iran là quốc gia theo đạo Hồi với những phong tục, quy định đầy tính tôn giáo nghiêm khắc. Đó là lý do khiến cho phim của Iran không có các cảnh yêu đương, tình dục và bạo lực như điện ảnh các nước khác. Thế nhưng, Iran đã có những bộ phim nổi tiếng và giành được nhiều giải thưởng danh giá như phim Những đứa trẻ thiên đường của Majid Majidi, Cuộc chia ly của Asghar Farhadi hay phim Cái chết của người chào hàng, Melbourne của Nima Javidi.
Melbourne là một bộ phim chính kịch. Bối cảnh phim hoàn toàn tối giản, chỉ tập trung phần lớn trong một căn hộ của đôi vợ chồng trẻ với những hành động diễn ra theo trình tự thời gian thực. Phim kể về cặp đôi Amir và Sara đang trên đường đến Melbourne để tiếp tục việc học. Tuy nhiên, chỉ vài giờ trước khi chuyến bay khởi hành, họ vô tình dính vào một sự kiện bi thảm. Một tình huống lạ lùng nhưng hợp lý dẫn đến câu chuyện đầy căng thẳng, bấn loạn, cao trào rồi đi đến một kết thúc mang đầy chất Iran – đó là đức tin và cậy nhờ vào đức tin tôn giáo. Một câu chuyện bắt đầu từ tình huống rất đỗi đời thường nhưng lại cuốn khán giả xem đến tận phút cuối vì những suy đoán xem nhân vật sẽ làm gì tiếp theo và tại sao nhân vật không hành động như thế này hay như thế kia…
Melbourne hoàn toàn tối giản về không gian, số lượng nhân vật cũng như khoảng cách của sự di chuyển. Melbourne vốn là tên gọi một thành phố ở Úc, nhưng trong phim, đó là một ẩn dụ. Đó là nơi lý tưởng cho một cuộc thoát khỏi những bế tắc, rắc rối và căng thẳng mà cặp đôi vợ chồng trẻ Amir và Sara đang gặp phải.
Giống như mọi bộ phim khác của Iran, Melbourne không có một cảnh sex hay bạo lực, không kỹ xảo, không mang tới những trầm trồ bất ngờ về không gian đa chiều hay sự hiện đại vượt bậc của trí tuệ nhân tạo như ta thường thấy trong các phim của Hollywood… Nhưng Melbourne chinh phục khán giả bằng độ sâu của tâm lý nhân vật, độ sâu của tâm hồn và những giá trị cốt lõi của con người.
“Iran cũng là một đất nước không mạnh về kinh tế, thế nên việc sản xuất một bộ phim cũng gặp không ít khó khăn về kinh phí. Phim của Iran không có sex, bạo lực hay kỹ xảo như phim Hollywood nhưng vẫn khiến thế giới yêu điện ảnh say mê. Cũng là những câu chuyện thường ngày và rất đỗi giản dị, gần gũi nhưng tại sao họ lại có được thành tựu đó? Ngoài yếu tố diễn xuất của diễn viên, còn là tư duy trong cách làm phim, khiến cho các câu chuyện xảy ra rất lạ kỳ. Trong những rào cản, khó khăn mà các đạo diễn Iran gặp phải từ những điều luật khắt khe, họ đã biết cách bảo tồn suy nghĩ cá nhân, mang đến những sự khác biệt, độc đáo và lôi cuốn trong điện ảnh. Đó là điểm khác của nghệ thuật. Đó cũng là điều mà ta cần học hỏi ở họ. Điện ảnh Iran là một trường hợp, một bài học cần suy nghĩ”, nhà biên kịch Lưu Nghiệp Quỳnh nhấn mạnh./.
“Melbourne” là một bộ phim chính kịch Iran năm 2014 do Nima Javidi viết kịch bản và đạo diễn, với sự tham gia vai chính của Payman Maadi và Negar Javaherian. Phim được công chiếu lần đầu tại Liên hoan phim quốc tế Fajr lần thứ 32 ở Iran. Bộ phim đã giành được Giải thưởng Kim tự tháp Vàng cho "Phim hay nhất trong cuộc thi quốc tế" tại Liên hoan phim quốc tế Cairo lần thứ 36…