Văn hóa - Xã hội

Triển lãm Di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

KT 15:39 21/12/2024

Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam cho biết, từ ngày 25-28/12, tại Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh Hà Tĩnh (số 21 Phan Đình Phùng, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) sẽ diễn ra triển lãm Di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Lễ khai mạc diễn ra vào 9 giờ ngày 25/12.

a3-1-.jpg
Chân dung Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-1791).

Triển lãm “Di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác” nằm trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, khẳng định cống hiến to lớn của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác với ngành y học, văn học, văn hóa, lịch sử của Việt Nam và thế giới.

Triển lãm được Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Hà Tĩnh giao Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam phối hợp cùng các đơn vị liên quan thực hiện.

Triển lãm nhằm tôn vinh các giá trị di sản của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và vinh danh ông là Danh nhân văn hóa thế giới, đồng thời giáo dục truyền thống, khơi dậy lòng tự hào về quê hương, đất nước; kế thừa và phát huy các giá trị di sản của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác trong giai đoạn mới.

Triển lãm “Di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác” tổ chức tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh sẽ tập trung 4 chủ đề chính: "Lê Hữu Trác - cuộc đời, sự nghiệp và con đường đến với nghề thuốc" (bao gồm những hình ảnh, tư liệu giới thiệu về tiểu sử, gia đình, dòng họ, quá trình đến với nghề y và trích những tác phẩm nổi tiếng của Lê Hữu Trác); "Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - Nhà y dược học, Danh nhân văn hóa xuất sắc" (các hình ảnh làm rõ Hải Thượng Lãn Ông là ông tổ của ngành Y học cổ truyền dân tộc; nhà tư tưởng lớn, nhà khoa học cần mẫn, trung thực, không ngừng nỗ lực, sáng tạo; nhà văn có phong cách độc đáo với tư tưởng nhân đạo lớn lao; danh nhân văn hoá thúc đẩy sự hiểu biết văn hóa giữa các quốc gia, dân tộc...); "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác" (hình ảnh những hoạt động tôn vinh, tri ân Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác thể hiện sự kế thừa, phát huy giá trị y lý, y thuật, y dược của Hải Thượng Lãn Ông với nền Đông y và Y học Việt Nam, các di tích liên quan đến Đại danh y tại các địa phương trên cả nước); "Đổi mới trên quê hương Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (bao gồm các hình ảnh về những thành tựu phát triển trên quê hương Hà Tĩnh hôm nay).

Ngoài ra, triển lãm còn có khu vực trưng bày của các đơn vị y học cổ truyền nhằm phát huy giá trị y lý của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác trong việc khám chữa bệnh.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sinh ra ở làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương, nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Tuy nhiên, phần lớn cuộc đời và sự nghiệp của ông lại gắn bó với quê mẹ ở thôn Bàu Thượng, xã Tình Diệm, nay là xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Là con của Tiến sĩ Thị lang Bộ Công triều, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sớm được theo cha học tập ở kinh thành Thăng Long và nổi tiếng là cậu học trò thông minh, toàn diện. Ông từng thi đậu tam trường, rồi theo học binh thư và được sung vào quân đội chúa Trịnh.

Là người quyết đoán, thẳng thắn, cương trực nhưng cũng rất hiền từ, có chí khí thanh cao nên Lê Hữu Trác sớm chán nản khi chứng kiến những rối ren, ngang trái của xã hội. Sau một thời gian tham gia việc quân chính, viện cớ anh trai mất và phải nuôi mẹ, ông xin về quê mẹ ở ẩn. Tại quê Hương Sơn, ông dành phần lớn thời gian của cuộc đời để nghiên cứu về y học, sinh lý học, dược học.

Dựa trên thực tế dược liệu Việt Nam, ông đã có những sáng tạo độc đáo, tạo nên nhiều bài thuốc quý hiếm, chữa bệnh cứu người thành công. Đại danh y đã phát hiện 305 vị thuốc Nam, sưu tầm, thu thập 2.854 vị thuốc Nam hay của các bậc tiền bối, nhất là Nam dược của thiền sư Tuệ Tĩnh. Với sự đóng góp to lớn trong nghiên cứu y thuật, chữa bệnh cứu người, Lê Hữu Trác được xem là đại danh y, ông tổ của ngành y học cổ truyền Việt Nam.

Ông còn là một nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học xuất sắc trong thế kỷ XVIII, để lại sự nghiệp đồ sộ với các tác phẩm nổi tiếng như: “Hải Thượng y tông tâm lĩnh”, “Thượng kinh ký sự”, “Đạo lưu dư vận quyển”, “Nữ công thắng lãm”, “Bảo thai thần hiệu diễn ca”, “Vệ sinh yếu quyết”... Trong đó, bộ “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” gồm 66 quyển, chia thành 28 tập, được coi là cuốn Bách khoa toàn thư về Đông y Việt Nam, được nhiều quốc gia trên thế giới nghiên cứu, ứng dụng.

Bên cạnh các công trình, tác phẩm, Lê Hữu Trác còn để lại cho hậu thế một tấm gương về nhân cách cao đẹp của người thầy thuốc hết lòng tận tụy với nhân dân. Năm 2023, ghi nhận những công lao, đóng góp của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, UNESCO đã vinh danh ông là Danh nhân văn hóa thế giới./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Giáng sinh ấm áp với sách Kim Đồng
    Chào đón mùa Giáng sinh năm nay, NXB Kim Đồng ra mắt nhiều tựa sách mới đa dạng về thể loại, giúp bạn đọc có thêm nhiều thông tin thú vị về lễ Giáng sinh, những cuốn sách ấm áp về tình yêu thương, sự sẻ chia, hàn gắn, cùng nhiều cuốn sách kiến thức mới lạ, bất ngờ về thế giới xung quanh.
  • Phim lịch sử Việt Nam: Sợ hãi, ngại ngần ngăn cản sáng tạo
    Dòng phim lịch sử của điện ảnh Việt Nam từng ghi dấu những cái tên đã trở thành biểu tượng như Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1973), Sao tháng Tám (1976), Bao giờ cho tới Tháng Mười (1984), Hà Nội mùa đông năm 46 (1997),… hay những bộ phim gây được tiếng vang trong thời gian gần đây như Đừng đốt (2009), Long Thành cầm giả ca (2010), Mùi cỏ cháy (2012), Những người viết huyền thoại (2013), Đào, phở và piano (2023)… Nhưng những tác phẩm thể loại lịch sử ấn tượng tiếp theo dường như vẫn mắc kẹt đâu đó trong giấc mộng của những nhà làm phim khi bị bủa vây bởi muôn vàn nỗi sợ và thách thức từ kịch bản, kinh tế, chính sách, tiêu chuẩn kiểm duyệt.
  • Hội Sân khấu Hà Nội năm 2024: Hoạt động hiệu quả, gặt hái nhiều giải thưởng
    Sáng ngày 20/12, Hội Sân khấu Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025 tại trụ sở Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội (19 Hàng Buồm).
  • Ấm tình người dân vùng biên huyện Bảo Lạc từ nghĩa cử cao đẹp của người Việt xa xứ
    Thời gian vừa qua, đặc biệt là sau khi cơn bão số 3 gây ra thiệt hại rất lớn đến đời sống của người dân huyện Bảo Lạc (Cao Bằng), bên cạnh sự hỗ trợ khắc phục hậu quả của chính quyền các cấp, người dân địa phương đã nhận được sự sẻ chia từ nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân. Trong đó, đáng kể là tấm lòng của anh Đoàn Quý, một người Việt đang sinh sống và làm việc tại Canada.
  • Khai mạc Tuần hàng “Made in Vietnam 2024”
    Tuần hàng Việt có quy mô 170 gian hàng với sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp đến từ 30 tỉnh, thành phố trưng bày, giới thiệu hơn 1000 sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ.
Đừng bỏ lỡ
Triển lãm Di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO