Văn hóa – Di sản

Trao bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật trình diễn hát Dô

Quỳnh Phạm 19:14 19/02/2024

Sáng 19/2/2024 (mùng 10 tháng Giêng năm Giáp Thìn), tại xã Liệp Tuyết, UBND huyện Quốc Oai (TP. Hà Nội) long trọng tổ chức Lễ đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật trình diễn hát Dô – xã Liệp Tuyết.

Trước đó, tháng 3/2023, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có quyết định về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Nghệ thuật trình diễn dân gian Hát Dô, xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội.

di-san.jpg
Thừa ủy quyền Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng (ngoài cùng bên phải) trao Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia hát Dô cho đại diện lãnh đạo và nhân dân xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai.

Theo nghệ nhân nhân dân - Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Dô xã Liệp Tuyết Nguyễn Thị Lan – người “giữ lửa”, hồi sinh và trao truyền nghệ thuật hát Dô, sự ra đời của hát Dô không ai biết thời gian cụ thể nhưng gắn với truyền thuyết về Tản Viên Sơn Thánh. Lời ca hát Dô vừa mang phong cách dân gian vừa có nhiều điểm tích, chữ nghĩa đặc sắc. Hát Dô đã hoàn thiện và định hình bài bản từ sau thế kỷ thứ X, đặc biệt từ thế kỷ XV trở đi. Hát Dô có tới hơn 20 làn điệu, gồm có hát nói, hát ngâm, hát và xô, trong đó hát và xô là hình thức diễn xướng chủ yếu.

Nội dung các bài hát Dô phản ánh nhận thức thiên nhiên của người dân lao động, thể hiện ước mơ của họ về một cuộc sống bình yên no ấm, nhân khang vật thịnh. Ngoài hát chúc nghi lễ, ca ngợi thần linh, hát Dô còn là tiếng ca chữ tình trong sáng về tình yêu nam nữ, hạnh phúc lứa đôi, về cuộc sống lao động sinh hoạt đời thường. Những nghệ nhân vùng Liệp Tuyết hiện vẫn lưu giữ được những bài bản hát Dô truyền thống. Họ là những kho tàng sống về làn điệu hát Dô cổ. Dù tuổi cao, sức yếu, họ vẫn đem hết sức mình để truyền dạy cho con cháu vốn quý của cha ông.

Hiện tại, hát Dô xã Liệp Tuyết đã thoát khỏi tình trạng mai một, hiện có khoảng 60% người dân trên địa bàn hiểu về ý nghĩa, biết về một số làn điệu hát Dô. Câu lạc bộ hát Dô xã Liệp Tuyết cũng đã được trẻ hóa, với gần 30 em nhỏ tuổi từ 11 đến 16 tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ.

hat-do.jpg
Người dân trình diễn hát Dô tại Lễ hội hát Dô diễn ra ở đền Khánh Xuân, xã Liệp Tuyết. (Ảnh tư liệu do nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Lan cung cấp).

Điểm đặc sắc và độc đáo của hát Dô là không có nhạc, chỉ có phách và quạt để làm đạo cụ. Tuy mộc mạc, giản dị như vậy nhưng hát Dô vẫn truyền tải đến người nghe những giai điệu ngọt ngào, đầm ấm và thanh thoát của quê hương xứ Đoài. Theo tục lệ xưa, người tham gia hát Dô phải thuộc dòng dõi con nhà gia giáo, phải là những cô gái chưa chồng, trai chưa vợ và không vướng tang. Nội dung diễn xướng hát Dô phản ánh nhận thức của người dân lao động về thiên nhiên, mơ ước một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Tại buổi lễ sáng 19/2/2024, thừa ủy quyền Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng trao Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hát Dô cho đại diện lãnh đạo và nhân dân xã Liệp Tuyết.

hat-do3.jpg
Các thành viên Câu lạc bộ hát Dô xã Liệp Tuyết biểu diễn hát Dô tại Lễ đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

“Di sản hát Dô được Nhà nước công nhận không chỉ là niềm vui của nhân dân xã Liệp Tuyết mà còn là niềm vinh dự, tự hào chung của người dân Quốc Oai. Do vậy, để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, đề nghị các cấp, các ngành, người dân xã Liệp Tuyết tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn.

Đề nghị cấp ủy, chính quyền xã Liệp Tuyết và Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quốc Oai khuyến khích cộng đồng tích cực tham gia bảo vệ, phát huy giá trị của di sản; hỗ trợ câu lạc bộ và các nghệ nhân trong duy trì, truyền dạy cho thế hệ kế tục để hát Dô mãi trường tồn”, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Hoàng Nguyên Ưng nhấn mạnh tại Lễ đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hát Dô./.

Chúng tôi đã tổ chức nhiều lớp truyền dạy và đến nay đã đào tạo được hơn 1.000 em thanh thiếu nhi biết hát Dô. Ngoài ra, Câu lạc bộ hát Dô xã Liệp Tuyết đã được mời tham gia biểu diễn ở tại các chương trình nghệ thuật, lễ hội, du lịch tại Hà Nội cũng như trong nước. Năm 2008, tôi đã giới thiệu hát Dô tới bạn bè quốc tế tại một sự kiện ở Malaysia.

Nghệ nhân nhân dân - Chủ nhiệm CLB hát Dô xã Liệp Tuyết Nguyễn Thị Lan.

Bài liên quan
  • Bài 3: Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Dô - vàng son còn mãi
    Trong nhiều di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội thì hát Dô (xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội) có nét đặc sắc không thua kém gì ca trù Lỗ Khê, chèo tàu Tân Hội. Hát Dô gắn liền với việc thờ thánh Tản Viên Sơn, ngày càng được quan tâm và lan tỏa trong cộng đồng.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Hình ảnh người mẹ qua các tác phẩm trong sách giáo khoa Ngữ văn hiện nay
    Trong thơ ca Việt Nam, hình tượng người mẹ không chỉ mang ý nghĩa sinh thành, dưỡng dục mà còn là biểu tượng của sự hi sinh thầm lặng, lòng bao dung vô hạn và những giá trị văn hóa truyền thống bền vững.
  • “Hồn Việt” và “dặm đời” trong thơ Lê Cảnh Nhạc
    Nhà báo, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc từng đảm nhiệm chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dân số, Tổng biên tập báo Gia đình và Xã hội, hiện đang là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội. Anh đã in bốn tập truyện và truyện kí cùng nhiều tập thơ như: “Khúc giao mùa” (2005), “Không bao giờ trăng khuyết” (2010), “Khúc thiên thai” (2015), “Non nước đàn trời” (2015). Tập thơ thứ 5 của anh có tên là “Đi về phía mặt trời”, do cơ duyên mà đến tay tôi. Tôi đọc và không khỏi ngạc nhiên, khâm phục trước sức cảm, sức viết của anh. Nhan đề của tập thơ giàu tính biểu tượng, thể hiện khái quát nội hàm hướng về mặt trời, hướng về ánh sáng.
  • Hương hoa mùa xuân tụ trong chén trà
    Năm nay mọi thứ dường như trôi qua chậm hơn, Lập Xuân rồi mà vẫn cứ rét ngọt và nắng hanh hao mãi. Phải đến qua Nguyên tiêu mới thấy lác đác mưa phùn cùng gió nồm ẩm thổi vào Giêng hai Bắc bộ. Chiều nay trà thất của tôi đón khách quý từ phương xa ghé thăm.
  • Huyện Chương Mỹ: Chuyển đổi số, cải cách hành chính, Đề án 06 là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá để phát triển
    Với quyết tâm cao, bám sát chủ đề công tác năm 2025 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 24-CT/TU của Thành ủy Hà Nội, Chỉ thị số 39-CT/HU của Huyện ủy, quý I năm 2025, huyện Chương Mỹ (TP. Hà Nội) đã đạt được những kết quả nổi bật, trong đó có công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06.
  • "Nhượng quyền thông minh – Thành công bứt phá"
    Vừa qua, tại Hà Nội, Công ty TNHH TMDV Viên An Group (VAG), đơn vị độc quyền thương hiệu Yi He Tang tại Việt Nam đã tổ chức Lễ công bố chính sách nhượng quyền Yi He Tang Việt Nam năm 2025 với chủ đề Nhượng quyền thông minh – Thành công bứt phá.
Đừng bỏ lỡ
Trao bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật trình diễn hát Dô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO