Văn hóa – Di sản

Trần Nguyên Hãn – người anh hùng tài đức

Lưu Minh Trị - Nguyễn Hữu Sơn 04/12/2023 10:29

Trần Nguyên Hãn (?-1429) sinh ra ở làng Sơn Đông, phủ Vĩnh Tường, nay là xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc; là con ông Trần Án và bà Lê Thị Hoàn, là cháu nội của Tư đồ Trần Nguyên Đán - nhà thơ, nhà thiên văn và lịch pháp nổi tiếng cuối thời Trần.

Thuở nhỏ, Trần Nguyên Hãn rất thông minh, học đâu nhớ đấy và ngày càng tỏ rõ là người có chí lớn. Sinh ra trong hoàn cảnh rất khó khăn, Trần Nguyên Hãn được mẹ nuôi nấng và dạy dỗ nên người. Bà đã rau cháo nuôi con ăn học, mua binh thư cho con nghiền ngẫm; bà khuyên con chịu khó học hành, rèn văn, luyện tập võ nghệ để giúp ích cho đời.

tran-nguyen-han.jpg
Tượng đài danh tướng Trần Nguyên Hãn.

Trần Nguyên Hãn lớn lên trong cảnh quân Minh đã chiếm được nước ta, chúng thi nhau cướp bóc, giết hại dân lành. Thấy con trưởng thành và có ý chí, bà Lê Thị Hoàn đã trao cho con thanh kiếm gia truyền của cụ bảy đời là Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải.

Trần Nguyên Hãn đã bí mật chiêu tập trai tráng trong vùng Sơn Đông, lấy Rừng Thần làm nơi luyện tập để chờ thời cơ đánh giặc, cứu nước. Trong bối cảnh nhà Trần suy tàn, Trần Nguyên Hãn đã suy nghĩ kỹ rằng, con đường ông chọn không phải là con đường theo nhà Hậu Trần xướng nghĩa, mà là con đường chống giặc vì dân vì nước, vì phúc lành của muôn họ. Trần Nguyên Hãn được dân chúng che chở, đêm đêm chong đèn đọc binh thư, ngày quẩy dầu đi khắp vùng dò xét nội tình giặc, khích lệ lòng ái quốc trong dân chúng, ngấm ngầm thu phục nhân tâm, mưu việc lớn.

Năm 1415, Trần Nguyên Hãn đã dẫn đầu một đội quân, hạ được thành Tam Giang, làm cho quân Minh phải kinh hồn bạt vía. Nghĩa quân Trần Nguyên Hãn đã làm chủ cả vùng Bạch Hạc (Vĩnh Phúc).

Gần tết năm Mậu Tuất (1418), trong lúc Lê Lợi, Nguyễn Trãi và trên ra chục võ tướng - khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ, Lê Lợi có dưới trứng 35 võ quan và một số quan văn - đang dốc sức cho ngày khởi sự, thì một tin vui chợt đến: danh tướng Trần Nguyên Hãn, người đã từng làm cho quân Minh nghe oai danh kinh hồn, vừa đem gần hai trăm quân cùng cả trăm ngựa chiến từ vùng Bạch Hạc về tụ nghĩa. Lê Lợi và các tướng quân ra đón Trần Nguyên Hãn và nghĩa quân Rừng Thần. Ngày hôm sau, Lê Lợi đón nhận thanh kiếm quý gia truyền của Trần Nguyên Hãn dâng lên tưởng như được đón nhận kiếm từ tay Tướng quốc Thái úy Trần Quang Khải. Tin vui và câu chuyện cảm động đầy ý nghĩa ấy như mở cờ cho lòng nao nức xuất trận của nghĩa quân Lam Sơn.

Ngày 2 tháng Giêng năm Mậu Tuất (7-2-1418), trong cảnh tết tung bừng mùa xuân mới, Lê Lợi tự xưng là Bình Định vương, truyền hịch đi các nơi kêu gọi dân chúng nổi dậy hưởng ứng. Trần Nguyên Hãn, con người nặng lòng yêu nước thương dân, có chí lớn, có tầm nhìn xa trông rộng, viên dũng tướng giỏi thao lược và táo tợn, được Lê Lợi phong làm Tư đồ, đứng đầu hàng quan võ. Gặp được người minh chủ có chí lớn trùm thiên hạ, có được bên cạnh những người đồng sự văn võ kiêm toàn, có tài kinh bang tế thế như Nguyễn Trãi, tài năng của Trần Nguyên Hãn như được nhân lên gấp bội. Ở cương vị của mình, kể từ ngày dấy binh, Trần Nguyên Hãn đã dốc lòng giúp Lê Lợi bàn định mưu lược. Và nơi nào gặp khó khăn, chỗ nào giặc tập trung liều chết chống lại, đặc biệt là những trận lớn phải giành cho kỳ thắng, Lê Lợi đều phái Trần Nguyên Hãn đích thân đem quân đi đánh.

Tháng 7 năm Ất Tỵ (1425), vâng lệnh Bình Định vương, Trần Nguyên Hãn cùng Thượng tướng Lê Lỗ, Chấp lệnh Lê Đa Bồ đem hơn một ngàn quân, theo hướng núi tiến vào Tân Bình, Thuận Hóa để mở rộng địa bàn hoạt động và để nghĩa quân tránh thế bị đánh cả hai đầu. Quân của Trần Nguyễn Hãn vừa vượt qua sông Cố Chính (tức sông Gianh) thì gặp đại binh của giặc do bổ tướng Nhậm Năng đốc xuất đi chặn nghĩa quân. Tình thế trở nên rất phức tạp. Song, do mưu trí và tài chỉ huy tuyệt vời của mình, Trần Nguyên Hãn đã đưa quân Minh vào thế trận của nghĩa quân Lam Sơn. Trận chiến diễn ra rất quyết liệt và nhanh chóng. Tướng giặc Nhậm Năng bị chém chết, hơn một nghìn tên giặc bị giết. Ngay chiều hôm ấy 70 chiến thuyền chở đầy nghĩa quân do Lê Ngân đốc suất cũng đã tới. Trần Nguyên Hãn liền thống suất toàn quân thủy bộ không nghỉ ngơi, tiếp tục lên đường. Quân đi đến đâu, dân chúng nô nức ra đón chào hưởng ứng. Nghĩa quân khí thế tưng bừng, lại có tướng giỏi chỉ huy nên chỉ có ít ngày, toàn bộ vùng đất Tân Bình, Thuận Hóa (trừ hai thành Tân Bình, Thuận Hóa) đã được khôi phục. Theo lệnh của Trần Nguyên Hãn, nghĩa quân mở kho lương của giặc cấp phát cho dân những nơi có nạn đói. Nhân dân trong vùng vô cùng cảm ơn cứu mệnh của nghĩa quân Lam Sơn, hâm mộ tài đức của Trần Nguyên Hãn, hai vạn trai tráng các nơi lũ lượt kéo đến xin theo nghĩa quân. Thành Tân Bình, Thuận Hóa của giặc bị quân dân chen vai thích cánh bủa vây, bức đầu hàng.

Người đời sau làm thơ ca ngợi chiến công của Trần Nguyên Hãn ở Tân Bình, Thuận Hóa và vùng sông Gianh như sau:

Đàn giao Bắc Lỗ tàn vô địa,

Tiện thị Đông A hiệt hữu thiên.

Nguyệt ánh Lam Sơn, thiên tử kiếm,

Triền thanh Linh thủy tướng quân thuyền.

Bản dịch thơ:

Giặc Minh hết đất dụng thân.

Trời riêng còn để họ Trần tiếng thơm.

Tráng Lam lấp lánh bóng gươm,

Sông Linh sóng nhạc xuôi buồm tướng quân.

Trong đợt phản công đánh quân Minh, Trần Nguyên Hãn được cử thống lĩnh các lực lượng thủy binh, từ cửa sông Hát tiến lên Đông Bộ Đầu (nay thuộc khu vực dốc Hàng Than, đầu cầu Long Biên, Hà Nội) để phối hợp với hai đạo quân khác, tấn công ồ ạt vào lực lượng của Vương Thông. Trận này, cánh quân do ông chỉ huy đã thu được hơn một trăm chiến thuyền của giặc cùng vô số vũ khí và các thứ quân trang. Bởi chiến công này, mùa thu năm 1427, ông được Bình Định vương Lê Lợi phong hàm Thiếu úy.

Tháng Giêng năm 1427, nhà Minh huy động 15 vạn quân, chia làm hai đạo kéo vào nước ta chi viện cho quân Vương Thông nhằm giành lại thế chủ động để tiêu diệt nghĩa quân. Đạo thứ nhất do An Viễn hầu Liễu Thăng và Lương Minh, Thôi Tụ chỉ huy theo đường Quảng Tây tiến vào Lạng Sơn. Đạo thứ hai do Kiều Quốc công Mộc Thạnh và Từ Hạnh, Đàm Trung chỉ huy theo đường Vân Nam tiến vào.

Lê Lợi cho triệu các tướng lĩnh đến bản doanh, rồi theo kế của quân sư Nguyễn Trãi đã nhận định: “Viện binh bị phá thì thành tất phải hàng, làm một việc mà được cả hai, đó mới là kế vẹn toàn” (Đại Việt sử ký toàn thư). Và Lê Lợi quyết định phải hạ thành Xương Giang trước khi viện binh của Liễu Thăng đến.

Lại một lần nữa, Trần Nguyên Hãn vâng lệnh Lê Lợi đem quân đến một mặt trận khó khăn và quan trọng. Vừa đến Xương Giang, Trần Nguyên Hãn đã ra sức khích lệ quân dân quyết hạ thành bằng được. Là người tinh thông binh pháp và có dụng binh, sau khi đi xem xét địa thế, Trần Nguyên Hãn đã có một kế sách đánh thành táo bạo.

Ngày 8 tháng 9 năm Đinh Mùi (1427), trận đánh thần diệu đặt dưới quyền thống lĩnh của Trần Nguyên Hãn đã diễn ra quyết liệt và nhanh chóng. Lòng dũng cảm của nghĩa quân Lam Sơn và dân chúng đã buộc quân giặc phải quỳ gối đầu hàng, tướng giặc là bọn Lý Nhậm và Kim Dận đều phải tự sát. Chiến trận diễn ra chưa đầy một giờ. Các tướng giặc đều bị bắt sống và bị giết trong đám loạn quân (Đại Việt thông sử – Chư thần truyện).

Theo lệnh của Lê Lợi, Trần Nguyễn Hãn lại một lần nữa thể hiện tài cầm quân xuất chúng của mình. Ngày 20 tháng 9 năm Đinh Mùi (10-101427), Liễu Thăng kiêu ngạo tự đốc xuất quân tiên phong từ ải Pha Lũy tràn xuống Chi Lăng. Lập tức Trần Nguyên Hãn, Lê Sát, Lưu Nhân Chú, Trần Lựu... nhử Liễu Thăng sa vào trận địa mai phục, tướng Trần Lựu đã chém được đầu Liễu Thăng ở núi Mã Yên. Các trận đánh ác liệt diệt viện binh diễn ra suốt tuyến đường từ Chi Lăng về Xương Giang. Nghĩa quân Lam Sơn dưới sự chỉ huy của viên dũng tướng tài giỏi, dày dạn kinh nghiệm, chỉ trong 25 ngày đã đánh bại 10 vạn binh hùng tướng mạnh của nhà Minh, chém chết và bắt sống hầu hết tướng giặc. Trong các chiến công ấy, Trần Nguyên Hãn nổi lên như một ngôi sao sáng.

Mười vạn binh của Liễu Thăng bị đại bại, đạo quân của Mộc Thạnh không đánh mà tan. Vương Thông cùng kế phải “xin hòa”.

Ngày 22 tháng 11 năm Đinh Mùi (15-12-1427), ở ngoài cửa thành Đông Quan, bọn Vương Thông mở cửa thành chui ra làm lễ tuyên thệ trước mặt Lê Lợi và các tướng nghĩa quân, xin nộp thành để bảo toàn tính mạng rút về nước. Trong tờ hòa ước kể tên những người đầu mục cả nước, thì Trần Nguyễn Hãn đứng hàng thứ nhì, liền với tên vua (Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí)...

Tháng 11 năm Mậu Thân (1428), Lê lợi mở đại hội các văn võ luận công ban thưởng, đã phong cho Trần Nguyên Hãn chức Tả tướng quân, chức quan võ cao nhất lúc đó và được ban họ vua.

Nhưng, trong triều đình nhà Lê, trước sự tranh quyền vị của nhiều thế lực và thái độ nghi ngờ của vua Lê Thái Tổ, Trần Nguyên Hãn xin về hưu ở vùng Lập Thạch. Nhà vua chấp nhận và bảo mỗi năm phải về kinh chầu hai lần. Ông về làng làm nhà cửa và đóng thuyền. Đầu năm Kỷ Dậu (1429), ông bị tâu lên vua là mưu phản và bị bắt về triều hỏi tội. Trên đường đến kinh thành, ông nhảy xuống sông tự vẫn. Tất cả ruộng đất, tài sản của ông đều bị tịch thu.

Cuộc vận hành tiến hóa của lịch sử vừa hoàn tất những trang thắm đỏ về công cuộc giải phóng dân tộc thì buộc phải ghi thêm những dòng bi thảm, những nỗi oan khuất, nghịch cảnh trớ trêu. Có thể coi Trần Nguyên Hãn là người lâm nạn đầu tiên mà tiếp sau đó là cảnh ngộ bi kịch của những Phạm Văn Xảo, Lê Sát, Lê Ngân, Nguyễn Trãi... Tất nhiên, hành trạng, hoàn cảnh và nhân cách mỗi con người trong mỗi tấn bi kịch là khác nhau, thậm chí khác xa nhau.

Đối với Trần Nguyên Hãn, vừa mới đầu năm trước ông được tuyên dương công trạng thì ngay năm sau có chiếu chỉ bắt về triều. Vậy tội trạng của ông là gì? Sử sách đã chép, đại thể: có kẻ tố cáo ông mưu phản, bảo rằng ông liên kết với các nghịch đảng như bọn Nông Đắc Thái ở châu Thượng Lang, bọn Bế Khắc Thiệu ở châu Thạch Lâm (Thái Nguyên). Sự thật về tấn bi kịch trên đây, chính sử cũng hé mở cho hậu thế thấy rõ nguyên cớ. Xét riêng trên phương diện này, nhân cách Lê Thái Tổ quả có phần đáng chê trách. Bởi lẽ, dù bọn cơ hội nịnh thần có tác oai tác quái đến đâu thì nhà vua vẫn là người có quyền quyết định cao nhất, trực tiếp nhất. Thực chất của mọi hành động mù quáng sát hại công thần tuy không thể nào bào chữa được về ý thức nhằm tới tác dụng trước mắt cũng như hệ quả di hại lâu dài, song có thể cắt nghĩa, giải thích được tâm trạng, tính mục đích và lô gic tất yếu trong mối lo toan vị kỷ của nhà vua. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Trước kia Thái Tổ tuổi già nhiều bệnh, lại thêm quận vương Tư Tề ngông cuồng bậy bạ, vua thì còn trẻ thơ mà Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo đều có công giúp nước, rất được người đương thời trọng vọng. Nguyên Hãn lại là con cháu nhà Trần, mà Văn Xảo cũng là người kinh lộ, lo rằng sau này có chí khác, ngoài mặt tuy lấy lễ tôn sùng, nhưng trong lòng vẫn ngờ”... Xét lẽ, mối lo trên càng tăng lên ám ảnh tâm trí nhà vua khi chúng ta biết rằng nhà Minh liên tục dụng chiêu bài “con cháu nhà Trần” làm áp lực đe dọa. Chẳng hạn, liên tục trong hai năm 14281429, nhà Minh sai bọn La Nhữ Kính, bọn Lễ Bộ thị lang Lý Kỳ, Hồng lô tự khanh Từ Vĩnh Dật... mang sắc thư hiểu dụ tìm kiếm con cháu nhà Trần. Để đối phó lại, nhà Lê phải giải trình với sứ nhà Minh, phải cử Hộ Bộ lang trung Lê Quốc Khí, Lê Thiếu Dĩnh, Hà Lật, Đỗ Như Hùng sang trần tình với nhà Minh về vấn đề trên. Sự kiện càng trở thành ấn tượng nặng nề sau cái chết của ông vua hờ Trần Cảo, mà nếu không thì nội tình triều chính đã ở vào thế lưỡng phân theo lối “vua Lê chúa Trịnh” ở giai đoạn sau này. Với Trần Nguyên Hãn, ông đã cảm nhận được mối hậu họa đúng như tâm trạng Trần Cảo, chỉ có khác một bên không công mà làm vua hờ, một bên chính là bậc khai quốc công thần của tân triều Lê. Hiểu được điều đó, ông đã xin nhà vua cho lui về nghỉ ở quê nhà, chủ ý đoạn tuyệt con đường công danh. Sự lựa chọn này càng thể hiện sáng tỏ nhân cách của Trần Nguyên Hãn, một sự nhận thức đúng đắn, một bản lĩnh cao cả, biết “dũng tiến” mà cũng biết “dũng thoái”. Bởi lẽ, nếu cần ở lại triều đình, ông có thể khoanh tay rủ áo trong tư thế “tự trói mình”, một điều vâng dạ và bỏ qua mọi lẽ thị phi; hoặc nữa, ông có thể bám víu vào lời hiểu dụ của giặc Minh tìm lập con cháu nhà Trần mà hiệu triệu cuộc ứng nghĩa mới. Nhưng chắc chắn ông cũng thấy rõ tâm thế dân tộc đã hướng về nhà Lê và căm thù giặc Minh đến như thế nào! Điều quan trọng hơn, ông không thể làm kẻ nối giáo cho giặc. Nhân cách và bản chất ông không cho phép ông phiêu lưu vào con đường chống lại vương triều mà mình vừa góp công tạo lập, cho dù vạn nhất ông có thể giành thắng lợi. Có lẽ chính vì lẽ đó mà cho đến phút cuối, khi có chỉ dụ của nhà vua, ông vẫn không thực hiện một cuộc “nổi loạn” bất đắc dĩ cuối cùng. Lựa chọn cái chết bằng việc tự sát, chứ không phải sự phản kháng đến cùng - chắc chắn là một hành động có cân nhắc, có suy tính. Cảm nhận được cái chết là không tránh khỏi nhưng ông vẫn cam chịu đón chờ: Cam chịu sau khi đã dành trọn tâm huyết phục vụ vương triều mới; cam chịu sau khi đã hoàn tất công cuộc giải phóng dân tộc và bước đầu đi vào quĩ đạo bình trị. Nhân cách ông càng trở nên lớn lao, sáng trong bởi ý thức “cam chịu” vì nước vì dân ấy.

Viết về những vụ án công thần thời Lê, các sử thần thời Lê trong Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Nguyên là khi Thái Tổ tuổi già nhiều bệnh tật. Con trưởng là Quận vương Tư Tề thì điên cuồng bậy bạ, còn thái tử Nguyên Long thì còn nhỏ mà Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo đều là các bề tôi mở nước, có công đầu rất được người đương thời trọng vọng. Nguyên Hãn lại là con cháu tông tộc nhà Trần mà Phạm Văn Xảo cũng là người kinh lộ. Vua Thái Tổ lo rằng sau này chúa nhỏ cầm quyền, những người này sẽ có chí khác. Nên bề ngoài thì lấy lễ ý tôn sùng trọng vọng, nhưng trong lòng vẫn nghi ngờ. Bọn Đinh Bang Bản, Lê Quốc Khí, Trình Hoàng Bá, Nguyễn Tông Chí, Lê Đức Dư đoán biết ý vua, tranh nhau dâng mật sớ khuyên vua nên sớm quyết ý trừ đi. Người mà bọn Lê Quốc Khí không bằng lòng đều bị vu là bè đảng của hai nhà ấy, bị án xử tử và tù giam rất nhiều. Các quan đều sợ miệng chúng”. Sau này vua Thái Tổ hối hận, thương hai người bị oan, lại biết bọn Quốc Khí đều là dạng tiểu nhân xảo quyệt. Đến khi bọn chúng bị tội, vua xuống chiếu bảo các quan rằng: “Bọn Lê Quốc Khí, Trình Hoàng Bá, Lê Đức Dư dầu có tài năng cũng không dùng được nữa, mà trong thần hạ có kẻ mưu phản, cần phải tố cáo cũng không cho bọn ấy được tố cáo. Dư luận không ai là không thỏa lòng”...

Sau khi ông mất, nhân dân thương tiếc lập đền thờ ở quê nhà. Đến năm 1455, vua Lê Nhân Tông thương ông vô tội, mới xuống chiếu trả lại ruộng đất để minh oan cho người có công lao. Đến đời vua Lê Thánh Tông đã làm lễ đại xá, truy phong ông là Thái Bảo Thắng Quận công và trả lại điền sản cho con cháu.

Sự nghiệp anh hùng và tài đức của danh tướng Trần Nguyên Hãn sống mãi với non sông đất nước./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Lê Phụng Hiểu – trung thần dẹp loạn tam vương
    Có phần đột ngột chăng khi người ta chỉ thấy Lê Phụng Hiểu lần đầu tiên cũng là lần duy nhất xuất hiện giữa kinh thành Thăng Long - dĩ nhiên là qua những trang dòng biên niên của sử cũ - vào ngày mồng ba, tháng ba, năm Mậu Thìn (1028).
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Trần Nguyên Hãn – người anh hùng tài đức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO