Trần Mạnh Thường, sinh năm 1936 ở vùng quê quê nghèo gió Lào và cát trắng Quảng Bình, nhưng lại gắn bó với mảnh đất Thăng Long nghìn năm văn hiến đến gần cả đời người. Từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường ông đã rất mê văn chương, nhưng ông lại được đào tạo về nghệ thuật nhiếp ảnh bậc đại học tại CHDC Đức, vì thế nhiếp ảnh là nghề nghiệp chính của Trần Mạnh Thường, ông là tác giả của nhiều cuốn sách viết về văn học nghệ thuật.
Sau khi tốt nghiệp đại học ở nước ngoài, Trần Mạnh Thường về nước làm việc trong lĩnh vực xuất bản và sáng tác ảnh rồi trở thành hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Nhà lý nghiên cứu luận phê bình nhiếp ảnh, đây là tước hiệu do Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam chính thức phong tặng. Sử dụng thành thạo tiếng Đức và tiếng Anh, Trần Mạnh Thường làm công tác biên tập ở NXB Văn hóa từ năm 1965 đến năm 1999 là thời điểm ông về hưu. Đây là quá trình ông âm thầm tích lũy, học hỏi để phát sáng một khả năng sáng tạo, có độ chín, chiều sâu về các công trình sáng tác văn học nghệ thuật.
Trong những năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, Trần Mạnh Thường công tác ở chiến trường khu 4 cũ. Năm 1979, ông là phóng viên độc nhất có mặt tại trận chiến biên giới ở Cao Bằng ghi nhận tinh thần chiến đấu ngoan cường của quân dân Cao Bằng trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược. Đầu năm 1980, ông có mặt tại mặt trận Campuchia cho đến 1985 trong cuộc chiến chống bọn diệt chủng Pôn Pốt - Iêngxari. Tại đây, ông cùng với một đồng nghiệp giúp cho nước bạn xuất bản hai cuốn sách ảnh: “Campuchia ngày mới” và “Campuchia hôm nay”.
Những bức ảnh của ông chụp trong các cuộc chiến này đã trở thành tài sản quý giá đi cùng năm tháng cho một giai đoạn lịch sử của dân tộc ta. Chính vì những đóng góp đó mà Trần Mạnh Thường đã được Chính phủ tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Hai. Đồng thời ông còn được Chính phủ tặng bằng khen vì có công đóng góp vào việc xây dựng và hoàn thiện bộ sách “Tổng tập ngàn năm Văn hiến Thăng Long”.
Trần Mạnh Thường yêu văn thơ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cho đến tuổi nghỉ hưu khi đọc một bài báo, giai thoại hay đoạn bình luận hay ông đều lưu giữ lại. Chính đức tính đó đã góp phần giúp ông trở thành một cây bút bình luận sắc sảo và đặt ra yêu cầu cao nhất về tính chính xác cho mỗi bức ảnh. Dù là những bức ảnh hay viết sách về văn học cho đến những bài bình luận phê bình ảnh thì cách viết của Trần Mạnh Thường cũng đều rất cẩn trọng, tôn trọng lịch sử và hiện thực khách quan.
Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường là tác giả của 4 cuốn sách ảnh, 7 cuốn sách về kỹ thuật nhiếp ảnh và lý luận phê bình nhiếp ảnh. Ông cũng đã biên soạn trên 50 đầu sách về khoa học kỹ thuật và văn học nghệ thuật.
Cần mẫn và đam mê, số đầu sách ông ra hàng năm gần bằng số năm làm nghề của ông. Gần đây nhất, vào tháng 12/2020, cuốn sách ảnh được ông ấp ủ 40 năm mang tên “Nhìn lại cuộc chiến biên giới phía Bắc 1979” được công bố và được Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam trao giải xuất sắc. Cuốn sách gồm hơn 120 bức ảnh đen trắng, bao gồm những hình ảnh hiếm hoi chụp tại mặt trận Cao Bằng từ sáng 17/2/1979, thời điểm bắt đầu cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc của quân dân ta cho đến khi kết thúc chiến tranh ngày 5/3/1979.
Đánh giá về cuốn sách ảnh này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh: "Những khuôn hình của nhà nhiếp ảnh Trần mạnh Thường luôn tạo ra những cái nhìn tập trung, sắc lạnh, vừa chi tiết, vừa bao quát và lột tả được toàn bộ diễn biến của cuộc chiến tranh. Những bức ảnh trung thực cho người xem cảm nhận như chính mình đã chứng kiến cuộc chiến tranh ấy".
Kể đến gia tài sách đồ sộ của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường không thể không nói đến “Từ điển tác giả văn học Việt Nam thế kỷ XX” và “Các tác giả văn chương Việt Nam” gồm hai tập, dày trên 3.500 trang với hơn 1.500 tác giả văn chương Việt Nam từ thời Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn đến ngày nay được giới thiệu. Để thực hiện bộ sách này ông đã dành thời gian trên 10 năm để gặp gỡ các nhà văn và thu thập tư liệu… Đây là một công trình khoa học có quy mô về văn chương Việt Nam từ trước đến nay.
Nhận định về “Các tác giả văn chương Việt Nam”, nhà văn Ma Văn Kháng viết: “Sách văn học mang tính nghiên cứu “không đơn giản, vì bản chất việc khảo cứu, vì tính chất của thể loại chân dung, vì sự nghiêm cẩn của phong cách làm việc của chính Trần Mạnh Thường. Quả thật những đức tính riêng của nghề cầm máy đã phù trợ ông, đặt cho ông yêu cầu cao nhất về tính chính xác của nguồn tư liệu về mỗi nhà văn”.
Hoạt động vì nghệ thuật không biết mệt mỏi, gần cả đời người ông rong ruổi khắp nơi, đặt chân đến hơn 40 quốc gia trên thế giới để ghi lại những hình ảnh sống động, chân thực về cảnh quan, con người trong cuộc sống muôn màu. Về cuốn sách “Trên những nẻo đường tôi qua” là hình ảnh đất nước con người của 20 quốc gia ở trên 5 châu lục được ông giới thiệu. Đồng thời ông tranh thủ chụp một số di sản thế giới của các nước và được tập hợp lại trong cuốn sách mang tựa đề: “Các kỳ quan và di sản của nhân loại” dày trên 500 trang. Với mỗi một di sản là một ảnh và đều ghi những thông tin cần thiết về di sản đó ở đâu, thuộc nước nào, xây dựng, trùng tu, sửa chữa năm nào, ý nghĩa nghệ thuật và tâm linh của nó đã tạo nên sự hấp dẫn đến với công chúng.
Ngoài ra, ông còn có nhiều cuốn sách với nhiều thể loại như: “Danh nhân thế giới về khoa học kỹ thuật và văn học nghệ thuật”; “1.000 nhân vật nổi tiếng thế giới”; “Những người phụ nữ lừng danh thế giới”… Sách viết về nhiếp ảnh có: “Những kiến thức cơ bản của nhiếp ảnh”, “Nhiếp ảnh và cuộc sống”, “Lý luận phê bình nhiếp ảnh” “Nhiếp ảnh Việt Nam, một góc nhìn”... trong đó có những cuốn được tái bản nhiều lần, được công chúng nhiệt tình đón nhận.
Với Trần Mạnh Thường, viết và chụp là hai nghề bổ sung cho nhau, gắn bó với nhau, những lúc viết hay lúc chụp rồi bắt tay vào làm sách ông đều cẩn trọng, tỉ mỉ… Ngay cả khi viết giáo trình nhiếp ảnh cho trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, một công việc tưởng chừng như khô khan vậy nhưng ông vẫn rất say mê, nhiệt huyết. Bởi theo Trần Mạnh Thường, nghệ thuật không thể tùy hứng mà là khoa học, là kiến thức cho lớp trẻ… Ở tuổi U90, ông vẫn còn tham gia giảng dạy ở Khoa Nhiếp ảnh Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội.
Ít ai biết rằng, Trần Mạnh Thường thi bằng lái xe ô tô khi đã qua tuổi 70, nhưng với ông chỉ cần có đam mê thì học hay thi bằng lái xe cũng như viết sách, chụp ảnh không phải là vấn đề. Nội lực sáng tác luôn là điều tiên quyết cho những tác phẩm của ông. Ông trở thành tấm gương đặc biệt về tinh thần làm việc, về hiệu suất công việc trước mỗi kế hoạch để biến kế hoạch đó trở thành hiện thực, thành một sản phẩm hoàn chỉnh.
Nhìn người đàn ông lái chiếc xe Dream băng băng kia không ai nghĩ rằng chỉ vài cái Tết nữa thôi là ông tròn 90 tuổi, cái tuổi bao người còn phải nhờ đến con cháu thì Trần Mạnh Thường vẫn đều đều cho ra các đầu sách, vẫn lái xe rong ruổi từ Bắc vào Nam để tìm những khoảnh khắc đắt giá cho ngòi bút hay bộ sưu tập tranh ảnh cho những đam mê nghệ thuật của chính mình.