Toàn cảnh công viên ở TP Huế từng lên báo Mỹ
Công viên hồ Thủy Tiên (TP Huế) bị bỏ hoang nhiều năm, từng nổi tiếng với vẻ “ma mị” khi lên báo Mỹ đã được đầu tư chỉnh trang và trở thành địa chỉ thu hút khách du lịch.
Năm 2017, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế ra quyết định thu hồi dự án Trung tâm vui chơi giải trí hồ Thủy Tiên và tháng 8/2024 dự án chỉnh trang Trung tâm vui chơi giải trí hồ Thủy Tiên thành công viên hồ Thủy Tiên được Trung tâm Công viên cây xanh Thành phố Huế (nay là quận Thuận Hóa) khởi công với tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 1 khoảng 20 tỷ đồng bao gồm làm mới hệ thống đường đi bộ và xe đạp, lát đá granite chống trượt tuyến đường dài hơn 2 km quanh hồ Thủy Tiên, lắp đặt 68 cột đèn trang trí, chiếu sáng dọc theo tuyến đường...

Sau khi công viên hồ Thủy Tiên đang dần hoàn thiện, Trung tâm Công viên cây xanh quận Thuận Hóa (TP Huế) đã mở cửa phục vụ cộng đồng, thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan. Ghi nhận của PV Tạp chí Người Hà Nội cho thấy, tuyến đường quanh hồ Thủy Tiên đã được mở rộng, lát đá granite chống trượt với chiều rộng từ 4,5 đến 5,5 mét, lắp đặt đèn điện và người dân cũng như du khách đi dạo… trong sự vui mừng của công viên “ma mị” ngày trước đã thay đổi với diện mạo mới.
Theo Trung tâm Công viên cây xanh quận Thuận Hóa (TP Huế), sau khi hoàn thành giai đoạn 1 dự án chỉnh trang khu công viên hồ Thủy Tiên sẽ tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 với tổng mức kinh phí gần 14 tỷ đồng. Theo đó, khu vực quanh tượng rồng khổng lồ từng bị bỏ hoang sẽ được phát triển để tạo điểm nhấn cho khu công viên, thu hút du khách đến tham quan, check-in, chụp ảnh lưu niệm…
Trước đó, công viên hồ Thủy Tiên là Dự án Trung tâm vui chơi giải trí hồ Thủy Tiên có diện tích hơn 49ha thuộc phường Thủy Bằng (quận Thuận Hóa, TP Huế) được Công ty Du lịch Cố đô khởi công xây dựng năm 2001 và đưa vào hoạt động phục vụ mục đích du lịch năm 2004 với tổng vốn đầu tư khoảng hơn 70 tỷ đồng gồm nhiều hạng mục như khu du lịch thủy cung, hệ sinh thái và sân khấu nhạc nước có sức chứa 2.500 chỗ ngồi, hệ thống 20 phòng ngủ cao cấp nằm đan xen trên các triền đồi… Tuy nhiên, đi vào hoạt động được một thời gian và khai thác du lịch kém hiệu quả nên dự án bị bỏ hoang.





Năm 2008, công trình được chuyển giao sang cho Công ty TNHH Haco Huế để tiếp tục khai thác với tổng kinh phí dự kiến là 270 tỷ đồng sau khi thiết kế lại. Tuy nhiên, dự án Trung tâm vui chơi giải trí hồ Thủy Tiên vẫn dậm chân tại chỗ và tiếp tục bị bỏ hoang. Trước việc bị bỏ hoang, năm 2016 tờ The Huffington Post của Mỹ có bài viết về Trung tâm vui chơi giải trí hồ Thủy Tiên với tựa đề This Abandoned Waterpark In Vietnam Is Not For The Faint Of Heart (tạm dịch: “Công viên nước bỏ hoang ở Việt Nam, không dành cho những người yếu tim”) phản ánh sự hoang tàn, đổ nát của khu du lịch và từ đó trở thành địa điểm thu hút rất đông khách tham quan, đặc biệt là giới trẻ đến check-in con rồng “khủng lồ”.