Hoạt động hội

Tọa đàm “Văn học Hà Nội từ sau 1975”: Nhìn lại nửa thế kỷ sáng tác, định hướng cho bước chuyển tiếp theo

Linh Nguyễn 18/04/2025 20:28

Sáng ngày 18/4/2025, tại hội trường Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội (số 19 Hàng Buồm), Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Văn học Hà Nội từ sau năm 1975”. Buổi tọa đàm xoay quanh các vấn đề đậm chất học thuật nhưng không kém phần sôi nổi với phần giao lưu và những lời thơ, tiếng hát đầy cảm xúc của các hội viên.

Tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, buổi tọa đàm có sự tham dự của nhà thơ Trần Gia Thái - Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội; nhà thơ Bằng Việt - nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam; nhà văn Bùi Việt Mỹ - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, các thành viên trong Ban Chấp hành Hội và gần 100 hội viên Hội Nhà văn Hà Nội.

z6518033674449_250c0dfc0ee71a261cceb8872df270a6.jpg
Nhà văn Trần Gia Thái phát biểu khai mạc tọa đàm.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, nhà văn Trần Gia Thái nhấn mạnh: Văn học Hà Nội sau năm 1975 không chỉ là nơi lưu giữ những dấu ấn của lịch sử mà còn là tấm gương phản chiếu rõ nét những chuyển động lớn của xã hội và đất nước trong nhiều khía cạnh. Ông khẳng định, các nhà văn, văn nghệ sĩ Thủ đô – dù là những người từng trở về từ chiến trường hay thế hệ tiếp nối sau này đều đang cùng thực hiện một sứ mệnh thiêng liêng: sáng tạo, cống hiến không ngừng cho nền văn học bằng những tác phẩm mới mẻ, sinh động và đầy sáng tạo. Vì vậy, những bài tham luận trong tọa đàm lần này sẽ góp phần phân tích, lý giải một cách khách quan những vấn đề học thuật, từ đó tái khẳng định những đóng góp to lớn của nền văn học nghệ thuật Thủ đô trong suốt nửa thế kỷ qua.

Với chủ đề “Văn học Hà Nội từ sau năm 1975”, buổi tọa đàm đã nhận được 11 bài tham luận gửi về. Không chỉ khái quát tiến trình phát triển của văn học Hà Nội từ năm 1975 đến nay, các bài tham luận còn chỉ ra những "điểm nghẽn" trong giai đoạn hiện tại và đề xuất định hướng sáng tác cần thiết trong bối cảnh xã hội đang có những chuyển biến sâu sắc.

Trong bài tham luận “Vị thế cao cả không thể thay thế của văn học nghệ thuật cách mạng suốt những năm qua”, nhà thơ Bằng Việt nhìn nhận: Suốt 50 năm qua, văn học nghệ thuật đã không ngừng nâng cao vị thế, có những bước phát triển tương xứng. Con người luôn là chủ thể trung tâm, là linh hồn của nền văn học nghệ thuật. Việc chú trọng xây dựng hình tượng con người mới trong xã hội cũng đồng nghĩa với việc thúc đẩy quá trình đổi mới văn học nghệ thuật theo từng giai đoạn lịch sử. Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn chỉ ra 7 vấn đề nổi bật cần phải khắc phục (như đề tài sáng tác, cách tiếp cận sáng tác, công tác đào tạo và bồi dưỡng…) để nền văn học nghệ thuật có thể đạt được vị thế xứng đáng hơn nữa trong đời sống xã hội hiện đại.

Chia sẻ những nghiên cứu trong bài tham luận “Thế hệ nhà văn 1975 trong không gian văn học đương đại”, nhà lý luận phê bình Bùi Việt Thắng nhận định lớp nhà văn sinh từ năm 1975 thông qua quan niệm văn chương và thực hành sáng tác của họ. Ông cho rằng việc đánh giá “thế hệ 1975” là điều không đơn giản bởi đây là một thực thể văn học đang không ngừng phát triển, biến hóa. Tuy nhiên, nếu muốn đi xa, đi lâu cùng văn chương, thế hệ này cần phải trải nghiệm cuộc sống cũng như văn hóa sâu sắc hơn nếu không sẽ dễ “đứt gãy” với truyền thống và thế hệ đi trước. Cuối tham luận, ông đặt ra một câu hỏi đầy gợi mở: “Thế hệ 1975 liệu có thể trở thành những nghệ sĩ ngôn từ đích thực như kỳ vọng của các bậc tiền bối và bạn đọc hôm nay? Câu trả lời thuyết phục vẫn còn ở phía trước.”

z6518033784996_6a9d7caef94a5ba1b58b384cc52a3045(1).jpg
Nhà văn Bùi Việt Thắng đặt câu hỏi đầy gợi mở: “Thế hệ 1975 liệu có thể trở thành những nghệ sĩ ngôn từ đích thực như kỳ vọng của các bậc tiền bối và bạn đọc hôm nay?"

Đóng góp cho tọa đàm với tham luận “Thi ca Hà Nội 50 năm qua có gì mới?”, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho rằng những năm gần đây, yêu cầu đổi mới thơ ca đã trở thành nhu cầu bức thiết và tự thân của mỗi cá nhân sáng tạo. Dù nhiều xu hướng cách tân của thơ trẻ hiện mới chỉ ở giai đoạn tìm tòi ban đầu, nhưng thập niên đầu thế kỷ XXI đã mở ra một vận hội mới cho thơ Việt. “Tôi cho rằng, những nhà thơ đổi mới thực thụ hôm nay chính là những người đang giữ được bản sắc ngôn ngữ thơ trong hành trình cách tân con chữ. Họ không ngừng tìm tòi, suy tưởng để làm tăng vẻ đẹp ngôn ngữ thi ca bằng những ý tưởng mới mẻ, giàu chất sáng tạo”, ông chia sẻ.

Tiếp nối nhận định của nhà phê bình Bùi Việt Thắng về “một nền văn chương mang gương mặt nữ”, PGS.TS Trần Thị Trâm trình bày tham luận “Đôi điều về thơ nữ Hà Nội sau 1975”. Dựa trên số liệu cho thấy có tới 150 trong tổng số 200 nhà thơ là nữ, ngoài khẳng định sự hiện diện đông đảo và nổi bật của đội ngũ nhà thơ nữ Hà Nội trên bản đồ thi ca Việt Nam, bà còn phân tích ở các khía cạnh: Thơ nữ Hà Nội sau 1975 là sự kết tinh của thơ nữ Việt Nam đương đại, đậm nét thiên tính nữ với nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao và đang vận động mạnh mẽ theo hướng hiện đại hóa; Thơ nữ Hà Nội hôm nay không chỉ bó hẹp trong các đề tài quen thuộc đời thường mà đã thể hiện những khát vọng vươn xa, không ngừng đổi mới và sáng tạo.

491954583_1404005567290968_3167831792632851417_n.jpg
Nhà thơ Bằng Việt (giữa) cùng các nhà văn nữ của Hội Nhà văn Hà Nội.

Trong phần đóng góp ý kiến tham luận, nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu chia văn học Hà Nội từ sau năm 1975 thành 3 giai đoạn: từ 1975 đến 1986, 1986 đến 2000 và 2000 - 2025. Ông khẳng định giai đoạn 1986 đến 2000 là thời kỳ thi ca sôi động nhất trong Hà Nội, các câu lạc bộ thi ca mở ra khắp các trường học, cung văn hóa và các nhà thơ rầm rộ, đa cảm hứng, đa trí tuệ, nhiều tác giả có sự tiếp cận với nhiều hệ thống lý luận trên thế giới… Tuy nhiên, từ năm 2001 đến nay - thời kỳ cơ cấu xã hội biến đổi hoàn toàn, đặt ra những nhu cầu, đòi hỏi mới và nhiều nhà thơ cho thấy sự đuối sức, bất lực, không tìm được cá tính riêng trong những sáng tác nói riêng, sự nghiệp nói chung…

Bên cạnh những tham luận nặng tính học thuật, buổi tọa đàm còn đan xen nhiều tiết mục thơ ca đầy xúc động, gắn liền với những con người và địa danh in đậm trong lịch sử dân tộc. Có thể kể đến nhà thơ Trần Trọng Giá với bài thơ “Một lối về” kể về ngày Giải phóng; nhà thơ Lê Đức Minh chia sẻ kỷ niệm xúc động sau ba lần đến hang Tám Cô (Quảng Trị) mới có thể viết nên bài thơ “Đêm từ hang Tám Cô” hay nhà văn Nguyễn Thị Mỹ Dung với bài thơ “Huyền thoại Truông Bồn” cùng những câu chuyện về các nữ thanh niên xung phong năm xưa…

Phát biểu tổng kết tọa đàm, GS.TS Trần Đăng Suyền nhấn mạnh: Những vấn đề trong tọa đàm đã vượt khung vấn đề, không chỉ nói về vấn đề văn học Hà Nội mà còn vươn ra đến các tỉnh, thành khác của cả nước. Một số tham luận có nội dung phong phú, thể hiện sự tích lũy giá trị nghiên cứu trong thời gian dài, rất công phu và bài bản. Cũng vì thế, hội thảo này không khép lại mà mở ra: Những bài tham luận hay, chạm đến vấn đề lớn 50 năm văn học nghệ thuật của cả nước nên phát triển thành những công trình nghiên cứu để vừa có tính bao quát vừa cụ thể hơn./.

Bài liên quan
  • 5 nhóm giải pháp phát huy vai trò tiên phong của văn học, nghệ thuật Thủ đô
    “Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã đưa đất nước ta bước sang một trang sử mới - trang sử hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do, đổi mới và phát triển; đồng thời cũng mở ra cho văn học, nghệ thuật nước nhà một không khí mới, không gian mới, giai đoạn văn hóa, văn nghệ thống nhất, giao hòa, phát triển trong tính tổng thể, toàn vẹn, tiến bộ và cách mạng”, NSND Trần Quốc Chiêm - Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội khẳng định tại hội thảo “Văn học nghệ thuật Thủ đô 50 năm sau ngày đất nước thống nhất” do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội tổ chức sáng ngày 16/4/2025.
(0) Bình luận
  • 5 nhóm giải pháp phát huy vai trò tiên phong của văn học, nghệ thuật Thủ đô
    “Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã đưa đất nước ta bước sang một trang sử mới - trang sử hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do, đổi mới và phát triển; đồng thời cũng mở ra cho văn học, nghệ thuật nước nhà một không khí mới, không gian mới, giai đoạn văn hóa, văn nghệ thống nhất, giao hòa, phát triển trong tính tổng thể, toàn vẹn, tiến bộ và cách mạng”, NSND Trần Quốc Chiêm - Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội khẳng định tại hội thảo “Văn học nghệ thuật Thủ đô 50 năm sau ngày đất nước thống nhất” do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội tổ chức sáng ngày 16/4/2025.
  • Sáng tỏ diện mạo văn học nghệ thuật Thủ đô sau ngày đất nước thống nhất
    Sáng ngày 16/4/2025, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội đã tổ chức hội thảo với chủ đề "Văn học, nghệ thuật Thủ đô 50 năm sau ngày đất nước thống nhất" nhằm đánh giá những thành tựu, hạn chế; đồng thời đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thiết thực để xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật Thủ đô trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Hội thảo quy tụ đông đảo các các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ của 9 hội chuyên ngành với nhiều tham luận và ý kiến quý báu.
  • Hội Âm nhạc Hà Nội giới thiệu những sáng tác mới chủ đề "Bài ca thống nhất"
    Sáng ngày 15/4/2025, Hội Âm nhạc Hà Nội đã tổ chức buổi giới thiệu các sáng tác mới với chủ đề “Bài ca thống nhất” tại hội trường Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, số 19 Hàng Buồm. Hòa cùng sự kiện lớn của đất nước, những ca khúc được giới thiệu mang đến không khí hào hùng, vang vọng.
  • Văn nghệ sĩ Hà Nội - Đồng Nai giao lưu trao đổi kinh nghiệm sáng tác
    Sáng ngày 26/3, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội và Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đồng Nai đã tổ chức chương trình giao lưu trao đổi kinh nghiệm sáng tác văn học nghệ thuật “Văn nghệ sĩ đồng hành cùng đất nước”.
  • Tọa đàm về các nhà văn nữ
    Sáng ngày 7/3, tại trụ sở Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội (19 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã diễn ra buổi “Tọa đàm về các nhà văn nữ”.
  • Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội triển khai kế hoạch tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2025 - 2030
    Hôi Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội vừa ban hành kế hoạch tổ chức Đại hội các Hội chuyên ngành, hướng tới Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2025-2030.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Tọa đàm “Văn học Hà Nội từ sau 1975”: Nhìn lại nửa thế kỷ sáng tác, định hướng cho bước chuyển tiếp theo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO