Tin tức

Tọa đàm “Không gian văn hóa của Hội Trí Tri Bắc Kì và lịch sử chữ Quốc ngữ”

Sơn Dương 15/11/2024 22:00

Trong khuôn khổ lễ khai mạc không gian phát huy giá trị văn hóa lịch sử “Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ và danh nhân Nguyễn Văn Tố”, UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã tổ chức buổi tọa đàm “Không gian văn hóa của hội Trí Tri Bắc Kì và lịch sử chữ Quốc ngữ”. Buổi tọa đàm nhằm giúp độc giả hiểu sâu sắc hơn quá trình hoạt động của Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ, những đóng góp quan trọng của chí sĩ Nguyễn Văn Tố - một trí thức tiêu biểu, tiên phong cổ vũ phong trào học, sử dụng chữ quốc ngữ những năm đầu thế kỷ 20.

d23a7966.jpg
Quang cảnh buổi tọa đàm.

Tọa đàm “Không gian văn hóa của Hội Trí Tri Bắc Kì và lịch sử chữ Quốc ngữ” có sự tham gia của các khách mời: Tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly - Giảng viên trường ĐH Quốc gia Hà Nội; Nhà sử học Dương Trung Quốc - nguyên đại biểu Quốc hội X, XI, XII, XIII, XIV - Tổng Thư kí Hội KH Lịch sử VN; Nhà giáo Phạm Đức Nam - Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX Nguyễn Văn Tố; cùng đại diện Lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm; Phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm và đông đảo các nhà nghiên cứu, bạn đọc.

Cuộc trao đổi giữa các diễn giả xoay quanh chuyến hành trình nghiên cứu, sáng tạo và phát triển, triển khai tuyên truyền, phổ biến chữ Quốc ngữ cách đây 76 năm. Chính tại số nhà 59 Hàng Đàn, nay là 47 Hàng Quạt (Hoàn Kiếm, Hà Nội), Hội Trí Tri với sự lãnh đạo của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Tố đã thực hiện việc truyền bá chữ Quốc ngữ tại Hà Nội và các tỉnh Bắc Kì.

Các chuyên gia nhận định, chữ Quốc ngữ chính là một trong những thành tựu văn hóa nổi bật nhất của nền văn minh. Là một người Việt Nam, chúng ta đã bao giờ thắc mắc chữ viết Tiếng Việt ra đời như thế nào? Tại sao chúng ta hiện nay lại đang dùng thứ văn tự La-tinh, khác hẳn với các nước xung quanh? Chúng ta vẫn nói mình dùng chữ Quốc ngữ. Vậy chữ Quốc ngữ là gì? Ai đã tạo ra nó? Đó chính là những nội dung mà buổi tọa đàm giải đáp.

Với câu hỏi về quá trình hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ? Tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly nhận định, ngày nay có nhiều hỗ trợ về ngôn ngữ nhưng nó cũng lấy đi năng lực tri thức cảm xúc của chúng ta với ngôn ngữ. Cách đây 400 năm các nhà truyền giáo không có gì hỗ trợ ngoài các ký tự. Chúng ta hôm nay được thụ hưởng nhiều giá trị của tiền nhân nên phải biết để giữ gìn và tri ân.

Thời kỳ đầu trong công cuộc sáng tạo chữ Quốc ngữ, các giáo sĩ đã học cùng người bản xứ, còn người Việt chỉnh cách phát âm cho các thừa sai. Sau này, các thừa sai dạy chữ viết hệ La-tinh cho các thầy giảng người Việt và chính họ là những người gìn giữ, chỉnh lý chữ quốc ngữ.

Tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly

Cùng quan điểm này, nhà sử học Dương Trung Quốc - nguyên đại biểu Quốc hội X, XI, XII, XIII, XIV - Tổng Thư kí Hội KH Lịch sử VN cho rằng, mạng xã hội cũng là công lao của các nhà ký tự học, ngôn ngữ học, văn tự học... Có những câu chuyện tưởng không liên quan nhưng điều quan trọng chúng ta đang sở hữu chữ viết và ký tự. Đầu thế kỷ 20, trước sự lựa chọn chính thức của lịch sử là chuyển từ chữ Nôm sang chữ La-tinh, ai không biết chữ bị mặc định sẽ mất quyền công dân. Và vào năm 1945, chữ Quốc ngữ trở thành văn tự chính thức của Quốc gia.

Chia sẻ về điều thôi thúc để nghiên cứu đề tài, cho ra đời những tác phẩm giá trị cũng như thách thức của lĩnh vực, Tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly bộc bạch: Thách thức lớn nhất đó chính là thanh điệu. Hệ thống nguyên âm tiếng Việt cũng vậy và các nhà nghiên cứu phải mất rất nhiều thời gian để tìm hiểu.

Trả lời câu hỏi: những thuận lợi và khó khăn khi truyền bá chữ Quốc ngữ tại Việt Nam? Hội Trí Tri có vai trò như thế nào trong việc truyền bá chữ Quốc ngữ tại Hà Nội? Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, có thể nói Hội Trí Tri là tổ chức truyền bá chữ Quốc ngữ rộng rãi, quy củ và có tổ chức nhất trong thời kỳ cận đại với mục đích dạy cho quần chúng nhân dân biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ. Trong suốt 7 năm hoạt động (kể từ khi được thành lập), Hội Trí Tri đã có những đóng góp quan trọng đối với công cuộc chống nạn mù chữ ở Việt Nam trước năm 1945. Trong đó Hội đã tổ chức được một phong trào học tập sôi nổi, rộng khắp trong nhân dân. Hội biết cách khơi dậy lòng nhiệt huyết của quần chúng, nhất là lòng yêu nước, sự tự hào dân tộc về truyền thống hiếu học vốn đã có trong mỗi con ng­ười Việt Nam; Khơi dậy truyền thống hiếu học của nhân dân gắn liền với lòng nhiệt huyết, sự hy sinh của các nhà trí thức.

Khi mới thành lập, Hội bị mật thám Pháp ngăn cản, truy lùng gắt gao, nhưng nhờ vào các thế hệ trí thức người Việt đã tận tâm, tận lực, dồn bao tâm huyết cải tiến, cổ vũ và phát triển chữ quốc ngữ đến với mọi tầng lớp nhân dân; từ thành thị đến nông thôn; từ đồng bằng đến miền núi, vùng sâu, vùng xa, mà trong đó ngời lên hình ảnh sâu đậm nhất, tiêu biểu nhất là Cụ Nguyễn Văn Tố chính là những nhân tố giúp nước nhà phát triển về giáo dục, khơi dậy tinh thần yêu nước của Việt Nam.

Còn với câu hỏi: Khi được giảng dạy và quản lý trung tâm GDNN - GDTX trên chính không gian xưa kia nhà văn hóa Nguyễn Văn Tố từng làm việc và truyền bá chữ Quốc ngữ, thầy trò nhà trường thấy có những vinh dự và trách nhiệm gì đối với việc tiếp tục giữ gìn chữ viết của chúng ta? Nhà giáo Phạm Đức Nam - Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX Nguyễn Văn Tố bày tỏ niềm vinh dự khi Trung tâm được UBND quận Hoàn Kiếm tin tưởng gửi gắm và tổ chức Lễ khai mạc và buổi tọa đàm. Đồng thời, Nhà giáo Phạm Đức Nam cũng bày tỏ niềm tự hào khi được giảng dạy, học tập ở ngôi trường có truyền thống lịch sử cách mạng.

d23a7987.jpg
Các chuyên gia chia sẻ tại buổi tọa đàm.

“Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử của ngôi trường đã có hơn một thế kỷ làm công tác giáo dục, thi đua dạy tốt, học tốt, đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên liên tục, suốt đời của người dân, góp phần nâng cao chất lượng cuốc sống cộng đồng” - Nhà giáo Phạm Đức Nam chia sẻ thêm.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, việc xã hội sử dụng chữ Nôm đầu triều Lý là dấu mốc cho sự phát triển của dân tộc, ca dao hò vè thời Nho giáo, Phật giáo đều dùng chữ Nôm. Khi giáo sĩ phương tây vào Việt Nam, họ cũng học chữ Nôm trước và có chữ Nôm công giáo. Lịch sử đa dạng hơn chúng ta nghĩ. Di sản chữ Quốc ngữ công giáo và chữ Nôm công giáo rất phong phú
Đầu thế kỷ 20, các di sản phương Tây trở nên phổ biến cả thế giới. Chữ Quốc ngữ sinh ra trong môi trường in ấn... phù hợp với thời đại mới. Thay đổi chữ viết là thay đổi văn minh. Thay đổi ngôn ngữ là thay đổi trí nhớ. Chữ Quốc ngữ là di sản mới. Như vậy, chúng ta có hai di sản lớn về ngôn ngữ.

Theo đó, thái độ tiếp nhận Quốc ngữ của người Việt cũng đóng vai trò quan trọng. Người Việt ai cũng vì lòng yêu nước, muốn dân tộc hưng thịnh hơn, biết nhiều hơn nên đầy khát vọng. Nhiều nhóm trí thức muốn khai mở dân trí đã chọn Quốc ngữ. Những năm 1920-1930, phong trào bình dân học vụ lan tỏa, chính phủ đã theo hướng Quốc ngữ để dạy cho nhân dân.

“Sinh mệnh của văn tự gắn liền với thể chế chính trị. Chữ Quốc ngữ được chọn chính thức cũng vì sinh mệnh của đất nước. Công cụ quan trọng thời đó là bình dân học vụ. Sinh mệnh văn tự liên quan đến ý thức hệ, mục đích chính là chống lại phong kiến” - Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định.

Thông qua cuộc tọa đàm, Ban tổ chức mong muốn độc giả trẻ sẽ hiểu rõ hơn về tiếng việt, truyền ngọn lửa tình yêu tiếng việt, thứ ngôn ngữ rất đẹp của dân tộc Việt Nam.

d23a7976.jpg
Đại diện Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm trao đổi tại buổi tọa đàm.

Trao đổi tại buổi tọa đàm, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục quan tâm khôi phục các không gian văn hóa, nhất là các trường học mang nhiều giá trị truyền thống, lịch sử và văn hóa trên địa bàn quận./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Họa mi vương vấn
    Chọn cho mình một góc quán cà phê ngoài trời, tôi nhìn dọc theo Phố sách Hà Nội. Vài ba người có lẽ là khách du lịch đang thích thú chụp ảnh và lựa sách, thi thoảng so vai, sửa lại khăn choàng khi có cơn gió ngang qua.
  • Thân thương căn bếp mùa đông
    Ngoài kia, gió mùa Đông Bắc ào ạt tìm về, bập bùng trên mái tôn, hun hút luồn vào khe cửa. Những chiếc lá cuối thu lặng lẽ buông mình. Đất trời hanh hao đón một mùa đông mới. Chị em tôi chui ra khỏi chăn chờ mẹ tìm quần áo ấm.
  • [Podcast] Truyện ngắn: Trăng thơm
    Thoan ngồi giặt ở cầu ao. Trăng nhấp nhoáng dưới làn nước. Hoa bèo tím thẫm một mảng bồng bềnh trong âm thanh rền rã của bầy ve kêu trên cây nhãn già. Cây nhãn này mấy năm trước đứt hoa, mùa xuân năm nay bung lại, hoa kết từng chùm vàng nhạt, li ti, đậu quả bện trĩu cành. Ngang trưa nay, chị Hà đi lấy hàng về sớm, thấy thằng cu Minh đánh quần đùi, áo ba lỗ, mũ lưỡi trai đội ngược, cầm sào đi bắt ve qua ngõ, bèn vẫy lại: “Cu Minh, trèo cây vặt nhãn hộ cô”.
  • Liên hoan ẩm thực “Trải nghiệm xứ Trà, đậm đà bản sắc” năm 2024
    Vào ngày 16/12 tới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên sẽ tổ chức Liên hoan ẩm thực “Trải nghiệm xứ Trà, đậm đà bản sắc” năm 2024.
  • Hà Nội bước tới kỷ nguyên mới từ tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm
    Thủ đô Hà Nội đã, đang rất quyết tâm thực hiện định hướng, chỉ đạo chiến lược của Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm về “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”. Điều này đã được chứng minh bởi Hà Nội đã đưa ra nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm...
Đừng bỏ lỡ
Tọa đàm “Không gian văn hóa của Hội Trí Tri Bắc Kì và lịch sử chữ Quốc ngữ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO