Tìm lại kí ức tuổi thơ trong những cơn mưa mùa hè

tuoitrethudo| 20/07/2022 14:24

Mùa hè, mùa mưa bão. Chỉ riêng trong mùa hè năm nay, cứ mỗi lần trời trút xuống một cơn mưa là cả thành phố có biết bao nhiêu chuyện để nói. Bất tiện, đương nhiên rồi. Để khắc phục những thiệt hại, khó khăn do mưa to gây ra thì cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng. Còn với mỗi người, có lẽ tự tìm cho mình chút kí ức tuổi thơ để khơi dậy những niềm vui cũng là cách giúp chúng ta vượt qua mùa mưa một cách nhẹ nhàng.

Ăn, chơi mùa mưa thời thơ ấu

Lại nhớ ngày còn bé, cứ mỗi lần mùa hè về mưa ngập, sông Hồng dâng cuồn cuộn, bà tôi lại chép miệng: "Thần chả kém gì người, đánh ghen gì mà ghê thế, năm nào cũng khiến con dân khốn khổ". Đấy là bà nhắc về tích Sơn Tinh, Thủy Tinh. Ô hay, nếu chẳng có tích này thì chắc con người vẫn chỉ nhìn mưa nắng như một hiện tượng khi thì tích cực, lúc lại tiêu cực của thời tiết mà không biết rằng, dù bất cứ điều gì nếu chịu khó xét soi cũng thấy đầy sự lãng mạn trong đó.

Có lẽ, trong cuộc sống hiện đại, thực dụng bây giờ, dưới mỗi cơn mưa người ta cũng chỉ nhìn thấy sự phiền nhiễu hay hữu ích của nó mà quên hẳn cuộc tình tay ba đã kéo dài vài thiên niên kỉ để "Núi cao sông hãy còn dài/ Năm năm báo oán đời đời đánh ghen" kia rồi.

Ngôi làng nhỏ của tôi nằm ven sông Hồng, thuộc ngoại thành Hà Nội. Mỗi năm hè đến, người lớn trong làng lo thắt lòng bão lũ, lo vỡ đê, lo nước ngập, lo chưa kịp thu hoạch hoa màu, nhà dột, không có cái ăn. Còn bọn trẻ con chúng tôi chỉ lo nhất là không có cái chơi. Tuy vậy, cái sự ăn, chơi của trẻ con nhà quê ngày xưa nó khác với sự ăn, chơi của trẻ con thành phố ngày nay lắm. Chính trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn lại khiến nhiều đứa phát huy tối đa sức sáng tạo, khiến những cái ăn, những trò chơi cũng trở nên hữu ích và thành kí ức chẳng thể phai mờ.

Những mùa nước ngập ngày xưa trong kí ức
Những mùa nước ngập ngày xưa còn mãi trong kí ức

Những ngày mưa bão dữ dội nhất, mưa bão chết cò, kể cả người lớn cũng không dám ra khỏi nhà, đành tự thưởng cho mình những phút giây nghỉ ngơi thì bọn trẻ bồn chồn chân tay, buồn bã mồm miệng. Lúc ấy, các thùng, vại, chum, các vò trong nhà được lục tung ra, và những đứa trẻ lại trở thành bọn hăng hái nhất khi làm các món ăn mùa nước ngập.

Nhà nào còn nhiều thóc nếp, thể nào cũng sẽ có vài mẻ được đổ lên chảo, rang bỏng thơm lừng, khói tỏa nghi ngút, ấm áp và tiếng bỏng nổ lép bép vui tai trong tiếng mưa dồn dập. Bao giờ cũng vậy, cứ một mẻ rang thì chỉ còn lại một nửa bỏng, vì bọn trẻ đã háu táu bốc ăn từ khi bỏng mới nở loáng thoáng rồi.

Sau khi những cái mồm đã gần sưng lên vì vỏ trấu nhàm nhạp, số bỏng còn lại mới được mang ra giã thì thụp, ngào mật, thêm gừng, trộn lạc để làm thành món chè lam, thơm ngọt cay giòn bùi, mới nghĩ đến đã thèm rỏ rãi.

Nhà nào có khoai khô thì cũng bắt đầu bắc cối, chày, ra sức giã. Khoai lang thái con chì, phơi trong nhiều nắng, khô quắt lại, cứng và dai đến mức giã bật cả chày, tuy vậy, những đứa trẻ thèm ăn thì chẳng ngại gì cả. Giã xong, trộn nước, thêm nhân đỗ xanh, nắm lại thành từng nắm như quả trứng gà rồi mang đi hấp. Hấp chín, bánh khoai khô đen như bánh gai, có mùi thơm nhẹ, khi bẻ ra màu vàng ươm của đỗ xanh nổi bật lên trên nền vỏ đen, và khi ăn thì vị ngọt ùa vào đầy khoang miệng, thứ ngọt đậm đà mà lại không ngán, không loại đường nào trên đời có thể so sánh nổi.

Cả hai thứ bánh đều có thể để vài ngày, ăn dần được nhưng bọn trẻ thì đâu phải đã sẵn tinh thần "tích cốc phòng cơ", loáng cái chúng đã chạy tọt từ nhà nọ sang nhà kia, chia, biếu, khoe mỗi nơi một tẹo. Chả mấy chốc, hết bánh, cơn thèm lại đến.

Khi nước ngập cũng có những niềm vui

Trời đã ngớt mưa, nhìn ra ngoài đường bùn nhão lõng bõng, có chỗ nước ngập ngang bắp chân, ao hồ đồng ruộng một màu trắng xóa. Lúc này thì chả cản được nữa, cả bọn đã đầu trần, đổ xô ra vồ những con rô rạch, thả vó kéo cá vỡ đầm theo dòng nước đi hoang. Từng đám kéo vó xôn xao, có khi kéo được cả những con trắm, chép to bằng bắp chân người lớn, hò hét váng cả lên, mặc mưa thấm vào người ướt lướt thướt.

Dù cá to nhỏ, rô diếc đòng đong cân cấn thì cũng đều cho tất vào một nồi, ngả chum tương vàng sọng, thơm phức ra, đổ ngập cá, cho thêm mấy lát gừng, đun nhỏ lửa cho sôi lăn tăn rồi vần kĩ trong tro rơm. Nồi cá bắc ra chín nục, mùi thơm kéo từ nhà nọ sang nhà kia, ăn với cơm gạo mới, ngon tê đầu lưỡi, ngon đến độ nhiều năm sau nghĩ lại vẫn mong mình được ngồi chìa bát, sợ hết cơm trong căn bếp rạ thâm u lộp độp mưa rơi. Bây giờ, đã xa quê mấy chục năm trời, cứ nhớ đến nồi cá kho tương, bát cơm gạo mới lại thấy nôn nao trong dạ.

Bọn trẻ con xóm nhà tôi ở bây giờ thích nhất là những lúc mưa mà người lớn không có nhà. A lô xô, cả lũ ào ra sân khi nước bắt đầu ngập mắt cá chân, ngập bụng chân. Đứa nào đứa nấy hớn hở vùng vẫy tắm mưa, cười ha ha khi chớp giật ngang trời. Rồi thì đứa lớn đặt đứa bé trong chiếc chậu nhựa, xỏ dây vào làm thuyền kéo đi. Có những lúc làm thành cả một cuộc đua thuyền náo động, át tiếng mưa ồn ã, sầm sập.

Nhiều đứa vẫn nhớ những mùa mưa trước có khi lấy rổ xúc được cá nên vẫn có ý... chờ. Có đứa kiên nhẫn hơn thì vác cần câu, ngồi chầu hẫu trên giường, thả mồi và lưỡi câu xuống nền nhà, chăm chăm cả buổi chờ chiếc phao nhấp nháy.

Sau cơn mưa đường phố sạch tinh, cây cối xanh mỡ màng
Sau cơn mưa đường phố sạch tinh, cây cối xanh mỡ màng

Mưa về, cái xóm nhỏ trở nên náo nhiệt hẳn lên. Vì thế, có khi bố mẹ chúng vừa bực dọc vì bị cơn mưa kìm chân lâu ngoài đường, trở về nhà thấy con cái tưng bừng là vậy, thấy giống hình ảnh mình thuở còn thơ ở quê, như được sống lại quãng đời hồn nhiên vô ưu nên cũng chẳng nỡ trách mắng con dù biết có thể nay mai nó sẽ ốm sốt, sẽ tốn tiền thuốc thang, công sức để chăm sóc.

Mưa mùa hạ chẳng dầm dề như mùa xuân, chẳng não nề như mùa thu cũng chẳng rét buốt như mùa đông. Mưa mùa hạ nhanh đến nhanh đi, ngay cả những điểm úng ngập qua một đêm là nước đã rút sạch, trả lại thành phố một bầu không khí trong lành. Sáng ra, người xe đi lại, mặt đường mát dịu, cây cối xanh tươi mỡ màng. Mỗi cơn mưa qua đi để lại trong lòng người rất nhiều cảm xúc khác nhau. Để thấy rằng, cuộc sống còn nhiều gian khó đấy nhưng hết mưa trời sẽ nắng, nỗi buồn đến rồi cũng sẽ nhanh đi, cuộc sống tiếp diễn kia là điều chúng ta đang hòa vào mỗi ngày và cần sống một cách nhiệt thành mỗi ngày.

(0) Bình luận
  • Phượng tím vắt ngang trời thương nhớ
    Đến Đà Lạt vào ngày nắng chói, đôi mắt chị dõi tìm loài hoa gieo thương nhớ, phượng tím. Đà Lạt mùa nào sắc đó, đều là những loài đặc trưng của xứ sở ngàn hoa. Mùa dã quỳ vàng hoang hoải, mùa cỏ hồng bềnh bồng như mây, mùa hoa ban trắng tinh khôi, mùa anh đào ngọt ngào trong trẻo. Với chị, lưu luyến nhất vẫn là mùa phượng tím. Mùa này phượng rải sắc tím ngăn ngắt khắp đất cùng trời, gợi lên trong lòng xiết bao lưu luyến.
  • Phù sa đời cha
    Cha trầm lành như đất, tôi là con gái nhưng lại đáo để, nghịch ra trò. Vậy mà hai cha con lại bện nhau như hình với bóng.
  • Dáng quê
    Ai cũng có trong lòng một dáng hình quê hương để mà thương, mà nhớ. Với tôi, đó là hình dáng con đường đi học, của bụi tre làng thấp thoáng trong đêm trăng; là dáng mẹ gánh lúa trên đê hay dáng cha đang lom khom cày ruộng. Quê hương không chỉ là nơi ta được sinh ra và nuôi lớn, mà còn là nơi chan chứa nhiều kỷ niệm êm đềm của tuổi thơ.
  • Những mùa xuân nối tiếp
    Mùa xuân vẫn về qua cây cầu vắt ngang sông. Một khúc sông rộng đủ để những chuyến đò ngang bối rối, chênh chao. Khi không còn chở đò nữa, bóng người lái đò cứ thế xa dần, mờ dần phía cuối con đê. Bến đỗ, nẻo về ngoằn ngoèo, xa tít tắp. Ai đó còn gọi với: thầy ơi, u ơi. Chiếc lá rơi vào chiều lỗi hẹn. Quê và những mùa xuân nối tiếp làm xao động tấm chân tình.
  • Bà ngoại của tôi
    Bà ngoại tôi có dáng người gầy gầy, lưng bà hơi còng, tóc bà xen kẽ sợi đen, sợi bạc. Khuôn mặt bà nhiều nếp nhăn, nhưng khi bà cười, gương mặt bà vô cùng phúc hậu.
  • Trà Hương vị du ca
    Trong những tinh túy ẩm thực, trà là đồ uống mang hành trình gợi đầy chiêm nghiệm. Trà đến với người bởi nhớ, bởi duyên và bởi sự mê đắm của người, bảo tri kỷ thật chẳng sai.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Xuất bản cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi"
    Nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), NXB Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân" đi nhằm tri ân, ghi nhớ những đóng góp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam; đồng thời khẳng định, vai trò của tư tưởng văn hoá Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị to lớn, định hướng cho công cuộc xây dựng nền văn hoá Việt Nam hiện nay.
  • Huyện Đông Anh khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp nhà lưu niệm Bác Hồ
    Nhân dịp Kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), 60 năm ngày Bác Hồ về thăm thôn Lỗ Khê, xã Liên Hà (1964 - 2024); Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân xã Liên Hà (huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) đã khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp Nhà lưu niệm bác Hồ tại thôn Lỗ Khê.
  • Khai mạc hoạt động nghiên cứu, trao đổi về bảo tồn và phát huy giá trị di sản giữa Hà Nội và Bắc Kinh
    Trong khuôn khổ hợp tác về lĩnh vực di sản văn hóa, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Trung tâm Quản lý Công viên Bắc Kinh, Văn phòng Ban quản lý Cung điện Mùa hè tổ chức Lễ Khai mạc hoạt động nghiên cứu, trao đổi về bảo tồn và phát huy giá trị di sản giữa Hà Nội và Bắc Kinh, bao gồm: Triển lãm “Thăng Long - Hà Nội: Di sản kết nối và hội tụ” và Tọa đàm “Bắc Kinh- Hà Nội, kết nối phát huy giá trị di sản” tại Khu di sản thế giới Di Hòa Viên (Bắc Kinh). Đây là hoạt động bên lề nhân chu
  • “Sinh viên Việt Nam với văn hóa sở hữu trí tuệ trong nền kinh tế số”
    Trường Đại học Luật (Đại học Huế) phối hợp tổ chức Cuộc thi “Sinh viên sáng tạo và quyền sở hữu trí tuệ” lần thứ IV với chủ đề “Sinh viên Việt Nam với văn hóa sở hữu trí tuệ trong nền kinh tế số”.
  • Hơn 2.000 người dân Thủ đô được khám chữa bệnh miễn phí
    Hơn 2.000 người dân Thủ đô được các thầy thuốc trẻ của các bệnh viện tuyến Trung ương và Hà Nội khám tầm soát miễn phí các bệnh ung thư, phổi, tim mạch, thận... Những trường hợp nghi ngờ được chuyển khám chuyên sâu, nhằm phát hiện và điều trị bệnh sớm.
Đừng bỏ lỡ
Tìm lại kí ức tuổi thơ trong những cơn mưa mùa hè
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO