Tiệm hớt tóc một thời “xa hoa” bậc nhất thủ đô
Nằm ở đầu hai con phố Hàng Bông và Quán Sứ (Hà Nội), nhà cổ với biển hiệu "Tiệm hớt tóc và nhà tắm Phạm Ngọc Phúc" đến nay đã có tuổi đời gần 100 năm. Ngôi nhà cổ mang đến những hình ảnh đầy hoài niệm về những tháng năm xưa cũ của mảnh đất Hà Thành.
Ngày nay, ít ai còn nhớ công trình này được xây dựng chính xác vào năm bao nhiêu. Tuy nhiên, dựa vào những dòng chữ được đắp nổi trên biển hiệu, có thể cửa tiệm được xây dựng từ trước năm 1954 bởi đây là lối thiết kế trang trí phổ biến thời Pháp thuộc.
Căn nhà này thuộc quyền sở hữu của ông Phạm Ngọc Phúc – người có thể coi là một trong những nhà tư sản đầu tiên của Hà Nội. Ông có công với cách mạng và từng sở hữu nhiều bất động sản trên phố Hội Vũ, phố Hàng Đào. Ông Phúc làm giàu từ nghề cắt tóc, tiệm hớt tóc và nhà tắm Phạm Ngọc Phúc chính là nơi áp dụng mô hình cắt tóc kết hợp tắm hơi công cộng đầu tiên của Việt Nam và đã nhanh chóng trở thành một thương hiệu cắt tóc nổi tiếng.
Loại hình dịch vụ nhà tắm công cộng được bắt nguồn từ châu Âu và còn khá mới mẻ đối với đa phần người dân Việt Nam thời điểm ấy. Nên khi tiệm hớt tóc và nhà tắm Phạm Ngọc Phúc được đưa vào hoạt động đã nhanh chóng gây ra tiếng vang, gặt hái được nhiều thành công.
Vì là một trong những tiệm cắt tóc nức tiếng Hà Thành, cửa tiệm của ông Phúc đã từng chào đón rất nhiều nhân vật quan trọng. Hơn nửa thế kỷ hoạt động, tiệm hớt tóc và nhà tắm Phạm Ngọc Phúc đã phục vụ những vị khách thuộc đủ mọi tầng lớp, độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp.
Đến nay, phía bên trong nhà vẫn còn lưu giữ hình dạng của các ô tắm thường thấy trong những nhà tắm công cộng xưa.
Vào những năm 70 của thế kỷ trước, ngôi nhà gặp phải một vụ hoả hoạn, khiến phần ban công sang trọng ở tầng hai biến mất. Những mảnh tường bong tróc cùng biển hiệu phủ đầy lớp rêu phong khiến căn nhà trở nên lạc lõng trước những công trình hiện đại, khang trang ngày nay. Cánh cửa sắt gỉ sét luôn được khoá trái khiến nơi đây dường như đối lập hoàn toàn với vẻ sôi động, tấp nập hàng ngày nơi phố phường.
Thời gian trôi qua, giờ đây mỗi khi đi ngang nhà cổ phố Quán Sứ, hiện hữu trước mắt người dân chỉ còn lại dáng vẻ hoang sơ của một cửa tiệm được cho là xa hoa, sang trọng bậc nhất một thời./.