Căn nhà nằm sâu trong con ngõ nhỏ số 6 Đinh Liệt, vốn thuộc sở hữu của vợ chồng cụ Phạm Văn Thanh - Phạm Thị Tề. Ngôi nhà được xây năm 1945, dưới bàn tay thiết kế của kiến trúc sư Phạm Khắc Hệ - một KTS có tiếng, thuộc thế hệ đầu tiên của làng KTS Việt Nam. Mất 3 năm để xây dựng và hoàn thiện, ngôi nhà được xem là mẫu nhà vườn chuẩn thời xưa tại Hà Nội.
Ngôi nhà được xây hướng Đông Bắc, mùa hè sẽ mát, ấm mùa đông. Ngày mới xây, những căn nhà xung quanh chỉ có một tầng nên đứng từ ban công nhà ông Hải dễ dàng nhìn thẳng ra hồ Gươm.
Đi qua hai cuộc chiến tranh, ngôi nhà vẫn giữ nguyên được sự giao thoa giữa văn hoá Đông - Tây nửa đầu thế kỷ XX. Nội thất ngôi nhà có những nét phong cách châu Âu như trần nhà cao, các không gian được chia nhỏ tạo sự riêng biệt. Bên cạnh đó, là nét truyền thống với những nếp ngói tỏa xuống hiên, mái cong vút đầu đao.
Ngày trước, nhà có 2 mặt tiền. Cửa chính hướng phố Hàng Bạc được dùng làm cửa hàng bán vàng lá. Càng tiến vào sâu, càng nở hậu vì từ xa xưa các cụ quan niệm, xây nhà nở hậu thì làm ăn mới thịnh vượng, phát đạt. Nhưng qua thời gian, hiện nay chỉ còn một cổng phụ từ phố Đinh Liệt.
Đặc biệt, ngôi nhà còn lưu giữ bộ bàn ghế cổ hơn 100 năm bằng gỗ núp. Theo ông Hải, thuở ấy, Hà Nội chỉ có 2 bộ bàn ghế có kiểu dáng và được làm từ gỗ này. Một bộ được để ở nhà, một bộ khác đang được đặt tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Tại nơi cao nhất của căn biệt thự, trên tầng thượng là ban công nơi có chín giếng trời với ý thu được ánh sáng để giao hoà âm dương. Đứng tại đây, tâm hồn con người trở nên thanh thoát, nhẹ nhàng.
Nét cổ kính và rêu phong in hằn trên từng bức tường và cột nhà. Từ cánh cửa, hoa văn, bức tường,... đều gợi vẻ trầm mặc và cổ kính, mở ra không gian yên tĩnh và thanh bình đến lạ.
Nhiều người từng tìm đến hỏi mua cả căn nhà và nội thất, tuy nhiên gia đình ông Hải thống nhất không bán vì muốn giữ lại làm kỷ niệm cho các thế hệ sau này.