Phong vị Hà thành

Thụy Phương| 24/01/2023 08:01

Kể từ khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư, Ninh Bình về Thăng Long cho đến nay đã hơn 1000 năm. Trong suốt chiều dài lịch sử ấy Thăng Long - Hà Nội đã thu hút nhân tài, thợ thuyền bách nghệ và thương nhân từ khắp bốn phương để rồi chắt lọc, hun đúc lại, tạo nên nét tinh hoa của đất kinh kỳ. Trong những nét tinh hoa ấy, không thể không nhắc tới ẩm thực Hà thành.

5.jpg

1.Trong cuốn “Phong vị Việt Nam”, cố GS. Đinh Gia Khánh - nhà nghiên cứu văn hóa và văn nghệ dân gian khi viết về ẩm thực Hà Nội đã nhận định “sự hội tụ văn hóa của cả nước và sự giao lưu văn hóa tinh thần của Thủ đô đã thể hiện rất rõ trong văn hóa vật chất và tinh thần của Thủ đô trong đó có nghệ thuật nấu ăn”.

3a.jpg

Hà Nội ở giữa vùng đồng bằng cho nên món ăn Hà Nội được chế biến từ các sản phẩm nông, ngư nghiệp và các thứ rau quả của đồng bằng. Bên cạnh những món ăn đặc sản của đồng bằng còn có những món ngon được chế biến từ những sơn hào, hải vị của miền núi và miền biển.

cha-ca-2.jpg

Cùng với sự phong phú của các sản vật thì sự tài khéo của người chế biến cũng góp phần làm cho các món ăn của Hà Nội thêm đa dạng, hấp dẫn. Chỉ riêng về cỗ đã có nhiều loại với cách thức khác nhau, nào cỗ giỗ thành hoàng và tổ nghề, nào cỗ Tết, cỗ giết sâu bọ, cỗ đơm...

Nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết, một người Hà Nội đã bền bỉ lan tỏa giá trị tinh hoa của ẩm thực đất Thăng Long nhớ lại: “Mâm cỗ Tết xưa của người Hà Nội ít nhất phải có 4 bát 8 đĩa với các món đặc trưng là giò, nem, ninh, mọc, gà luộc, cá chép kho. Ngoài ra, còn điểm xuyết thêm một số rau củ quả. Để nấu một mâm cỗ Tết, có món phải chuẩn bị nguyên liệu trước cả vài tuần...”.

bun-oc-16x9.jpg

Đấy là cỗ, còn những món ăn cố hữu và quen thuộc của người Hà Nội cũng vô cùng phong phú, trong đó có nhiều món ngon đã gắn với tên phố, tên làng. Nào đậu phụ Kẻ Mơ, dưa cà Đình Gừng, măng mực Bát Tràng, ốc hấp Quảng Bá, chả nhái Khương Thượng... Đó là chưa kể tới những món: phở, bún, nem, chả cá... rồi các loại bánh như: bánh cuốn, bánh giò, bánh khúc, bánh cốm... đã trở thành món ăn thông dụng, những thức quà nổi tiếng và rất đáng tự hào của người Hà Nội.

com-vong.jpg



2. Người Hà Nội từ xưa đã nổi tiếng cầu kỳ, tinh tế trong việc lựa chọn nguyên liệu và chế biến món ăn. Món ăn Hà Nội ngon từ cách chế biến, từ chút gia vị, nước chấm, cho đến cách bày biện đẹp mắt, tạo thích thú cho người thưởng thức.

Vẫn là những nguyên liệu của các vùng miền nhưng qua tay chế biến của người Hà Nội, nhiều món ăn được cải tiến, nâng cao trở thành những món ăn đặc trưng, mang hương vị riêng của người Hà Nội. Ví như món chả cá Lã Vọng, dẫu chỉ mới xuất hiện vào đầu thế kỷ XX, nhưng “sáng tác tinh điệu của nghệ thuật ẩm thực Hà Nội” (lời của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc) đã nhanh chóng được người Hà Nội yêu thích đến nỗi sau đó “xóa sổ” cả tên phố Hàng Sơn bằng tên mới là phố Chả Cá. Hay như món phở, trong những trang viết về thức quà Hà Nội, nhà văn Thạch Lam khẳng định “Phở là một thứ quà đặc biệt của người Hà Nội, không phải chỉ riêng Hà Nội mới có, nhưng chính là vì chỉ ở Hà Nội mới ngon”. Còn với nhà văn Vũ Bằng thì “cốm Vòng là một thứ quà đặc biệt nhất trong mọi thứ quà Hà Nội - đặc biệt vì cứ mỗi khi thấy gió vàng hiu hắt trở về thì lại nhớ đến cốm, mà đặc biệt hơn nữa là khắp các nẻo đường đất nước chỉ Hà Nội có cốm thôi”.

Cũng chỉ từ nếp cái hoa vàng nhưng với bàn tay khéo léo và óc sáng tạo của các bà, các mẹ mà ở Hà Nội đã có biết bao loại xôi ra đời, nào xôi xéo, xôi gấc, xôi vò, xôi sắn, xôi vừng dừa, xôi hoa cau... Hay như món chè, người Hà Nội cũng có đủ loại: chè khô, chè con ong, chè bà cốt, chè đậu đen, chè sen long nhãn...

Nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung khi nói về những món ăn mang “hương xưa vị cũ” đất Hà thành đã không quên nhắc tới 2 món chè Tết cổ truyền Hà Nội là chè kho và chè con ong. “Cái khó của chè kho là phải quấy cho mịn mướt, không còn một mảy đậu xanh nào, còn cái khó của chè con ong là phải đảo cho còn nguyên hạt gạo nếp. Xưa, để có món chè này bà và mẹ tôi phải rất vất vả, kỳ công. Nấu xong, múc ra bát và đĩa nông lòng rồi bà ngoại tôi lại sắp chè ra những chiếc mâm nhôm, cứ từng đôi một. Bà lẩm nhẩm đếm đủ các cặp chè con ong, chè kho, dành cho bữa cúng tất niên, cúng ba ngày Tết, cho đến tận bữa cỗ hóa vàng; rồi những đĩa chè để tiếp khách đến chúc Tết nữa...” - nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung nhớ lại.

Sau này, khi Hà Nội sáp nhập với Hà Tây, ẩm thực đất Hà thành lại càng phong phú hơn với những đặc sản của xứ Đoài mây trắng. Có thể kể tới nem Phùng, tương Cự Đà, giò chả Ước Lễ, bánh dày Quán Gánh, bánh trôi làng Lủ, bánh tẻ Cầu Liêu, bánh gai làng Dừa, bánh tro Kẻ Giá, chè lam Thạch Xá, kẹo bột Đông Sàng, cá chình sông Tích, chả nhái Tháp Bãi...
Những món ngon đã gắn với tên đất, tên làng qua thời gian chắc chắn sẽ có sự tiếp nối và biến đổi, nhưng có lẽ những “hương xưa vị cũ” sẽ vẫn còn neo trong miền ký ức của những người Hà Nội, những người yêu Hà Nội.

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Top 7 món quà chiều "nghĩ là thèm" khi tiết trời vào đông
    Hà Nội không chỉ nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử mà còn thu hút du khách bởi nền ẩm thực phong phú và đa dạng. Đặc biệt, những thức quà chiều luôn mang đến cho thực khách những trải nghiệm ẩm thực khó quên.
  • Hàng nghìn phụ nữ Thủ đô tham gia đồng diễn dân vũ và Carnaval Áo dài
    Sáng 5/10, Chương trình đồng diễn dân vũ và Carnaval Áo dài “Phụ nữ Thủ đô hội nhập và phát triển” nằm trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội năm 2024 thu hút đông đảo sự quan tâm của nhân dân Thủ đô cùng du khách trong và ngoài nước.
  • Hà Nội rực rỡ sắc màu chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
    Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), phố phường Hà Nội được trang trí hàng loạt băng rôn, cụm pano, tranh cổ động đầy ý nghĩa.
  • Trưng bày "Hà Nội và những cửa ô" tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long
    Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I - Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và Sở Nội vụ Hà Nội tổ chức Trưng bày tài liệu lưu trữ với chủ đề "Hà Nội và những cửa ô" tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long.
  • Những địa danh tại Hà Nội mang đậm dấu ấn lịch sử Cách mạng tháng Tám và Quốc Khánh 2/9
    Quảng Trường Ba Đình, Nhà khách Chính Phủ, số 48 Hàng Ngang, Quảng trường Cách mạng tháng Tám… là những địa danh mang đậm dấu ấn lịch sử Cách mạng tháng Tám và Quốc Khánh mùng 2 tháng 9 tại Thủ đô Hà Nội.
  • Những đường phố mang tên cha và con ở Hà Nội
    Ở nội thành Thủ đô Hà Nội có hàng trăm đường phố được đặt theo tên các danh nhân tiêu biểu của đất nước. Tên tuổi của họ gắn liền với lịch sử vẻ vang của dân tộc. Trong đó có những vị vua, vị danh nhân có công lớn trong lịch sử dân tộc mà cả cha và con đều được đặt tên cho đường, phố. Đó là: Mạc Thái Tổ - Mạc Thái Tông, Đặng Tất - Đặng Dung, Phan Huy Ích - Phan Huy Chú, Lương Văn Can - Lương Ngọc Quyến, Hoàng Đạo Thành - Hoàng Đạo Thúy...
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Phong vị Hà thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO