Nói đến Quang Dũng, một gương mặt tiêu biểu của thơ ca hiện đại Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, các nhà nghiên cứu thường luận bàn đến nội dung tư tưởng và nghệ thuật làm nên phong cách thơ độc đáo của Quang Dũng qua các bài thơ nổi tiếng với giọng sử thi đầy chất bi tráng như: Tây Tiến, Mắt người Sơn Tây, Quán nước, Đôi bờ… Tuy nhiên, ít nhà nghiên cứu quan tâm đến việc giải mã tâm thức văn hóa Việt, một phẩm tính làm nên hồn thơ Quang Dũng.
Nhà thơ Quang Dũng và bút tích bài thơ Tây Tiến
Dòng sông - biểu tượng văn hóa Việt trong thơ Quang Dũng
Nhà thơ Quang Dũng tên thật Bùi Đình Diệm, sinh ngày 11/10/1921 tại làng Phượng Trì, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Ông rời xa cõi tạm ngày 13/10/1988. Nơi Quang Dũng sinh ra và lớn lên là một vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa. Đan Phượng, trước đây gọi là xứ Đoài, nơi đã để lại trong tâm thức nhà thơ biết bao nỗi nhớ tha thiết, đắm say: “Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm/ Em đã bao ngày em nhớ thương?” (Mắt người Sơn Tây). Đây cũng là vùng đất có hệ thống sông ngòi chảy qua nên địa hình tương đối bằng phẳng, với lượng phù sa màu mỡ tạo nên sức sống của vùng nông nghiệp lúa nước. Cảnh quang sinh thái này là một dấu ấn văn hóa trong tâm cảm thi nhân, từ đó hình thành tâm thức văn hóa Việt trong thơ Quang Dũng, biểu hiện rõ nhất là hình ảnh các dòng sông luôn trôi trong tâm thức văn hóa thi nhân như nỗi ám ảnh của cảm thức hiện sinh. Đó là sông Hồng luôn chất chứa trong đôi bờ những trầm tích văn hóa làng, là hệ giá trị hình thành văn hóa dân tộc, bình dị, lắng sâu, ngọt ngào, ẩn chứa những giá trị nhân văn: “Dòng sông Hồng/ Nước đỏ trường giang đất Bắc/ Có đôi bờ xanh ngô lúa phì nhiêu/ Có những làng quê trăng sáng sáo diều/ Bóng cây đa cổ thụ/ Nước vận phù sa/ Bóng soi lều chợ/ Đò ngang tên bến ca dao/ Nghìn năm miếng nước ngọt ngào/ Nuôi sống quê hương dân tộc/ Ai biết tự bao giờ/ Dòng nước đổ về chở nặng đất nguồn/ Bồi lên xứ sở/ Dựng những làng xanh/ Bãi mía nương dâu/ Tươi tốt mỡ mầu/ Thị trấn mái nhà/ Lên dòng khói biếc. (Sông Hồng)
Không gian văn hóa qua biểu tượng dòng sông của tâm thức văn hóa Việt trong thơ Quang Dũng còn có vẻ đẹp của sông Đáy, dòng sông ôm ấp làng quê Đan Phượng của thi nhân. Sông Đáy đi vào thơ Quang Dũng cũng mang sắc màu văn hóa riêng, với một vẻ đẹp riêng của phù sa văn hóa Việt: “Rặng vải ven sông Đáy/ Um tùm bóng cuối xuân/ Sông cạn phơi lòng cát trắng/ Người qua nâng váy ôm quần” (Đất nước). Và cũng là dòng chảy của tình tự dân tộc Việt: “Sông Đáy xuôi dài cồn cát mênh mông/ Làng bên bờ xanh mía/ Thoảng mùi hoa lan hoa nhài nhè nhẹ/ Tiếng nói xa dần/ Chiều tím cuối mùa xuân/ Sông nước trong xanh/ Những bước chân tròn cát mịn” (Những cô hàng xén). Có thể nói, dòng sông là một không gian văn hóa luôn hiện hữu trong tâm thức của cư dân gốc nông nghiệp như dân tộc Việt. Vì thế, xuyên suốt chiều dài đất nước đã có biết bao dòng sông làm nên phù sa văn hóa của các vùng miền như: sông Thương, sông Lô, sông Lam, sông Hương, sông Thu Bồn, sông Trà, sông Côn, sông Hậu, sông Tiền... Và trong thơ Quang Dũng là sông Hồng và sông Đáy, một biểu tượng văn hóa đã hằn sâu trong tâm thức thi ca của ông.
Làng - biểu tượng văn hóa Việt trong thơ Quang Dũng
Nói đến văn hóa Việt không thể không nói đến văn hóa làng, mà trong đó đình làng là một trong những biểu tượng thiêng liêng, là linh hồn của làng. Kim Định trong công trình nghiên cứu văn hóa Triết lý cái đình đã xác quyết: “Cái đình có thể coi là đỉnh chót vót của nền văn minh Viêm Việt. Nền văn minh này đặt nền tảng trên gia đình, nhiều gia đình hợp thành khu, xóm, ấp và đợt cuối cùng là làng” (1). Vì vậy, tiếp cận tâm thức văn hóa Việt trong thơ Quang Dũng, ta thấy hình ảnh đình chùa, hiện lên trong thơ như những biểu tượng của văn hóa tâm linh, gắn với lễ hội của làng, làm nên sức sống ngàn đời của cư dân Việt. Và đây là một bình diện của văn hóa làng: “Sột soạt khắp đường làng/ Những nếp áo còn mới/ Màu khăn nhiễu tam giang/ Cụ già ấm ly rượu/ Đình chùa vắng khói hương/ Những mẹ già niệm Phật/ Nam vô trong bóng làng” (Có nhớ về đất Bắc). Cùng với đình, chùa là giếng làng, một biểu tượng của văn hóa nông thôn Việt Nam cũng đi vào tâm thức văn hóa trong thơ Quang Dũng như một hiện thân của bản sắc văn hóa Việt: “Giếng làng còn ướt trăng trên đá/ Chim ngủ xôn xao động lá cành (Đường trăng). Sức mạnh tinh thần của văn hóa Việt phải chăng bắt nguồn từ những biểu tượng văn hóa bình dị của nông thôn làng xã Việt Nam. Vì vậy, bên cạnh dòng sông, cánh bèo, giếng làng, đình chùa vốn là những biểu tượng văn hóa Việt gắn cuộc sống ngàn đời của dân tộc, ta còn thấy hiện lên trong thơ Quang Dũng hình ảnh một không gian văn hóa nông thôn Việt Nam hiền hòa, thơ mộng và chất chứa một chiều sâu tâm cảm của làng quê Việt: “Bến cuối thôn xuân hoa gạo rơi/ Sông xanh hiền triết lặng trôi xuôi/ Đò ngang một chuyến qua mưa bụi/ Ấm áp trong mưa tiếng nói cười/ Cái giọng ru con từ ngõ trúc/ Thanh bình như phút sống đang trôi (Đất nước). Và đây chính là căn tố tạo nên niềm tưởng vọng trong ký ức văn hóa làng quê, khiến thi nhân không khỏi chạnh lòng mỗi khi nghĩ về cảnh cũ, người xưa với bao kỷ niệm dấu yêu, hằn sâu trong cuộc đời: “Ngồi đây vời tưởng đường quê hương/ Lúa đã xanh xanh mấy nẻo làng/ Cốm đã thơm mùi, hồng đã chín/ Ao sau vườn cũ nước xanh trong (…) Diều sáo vang không hồn ấu thơ/ Bèo lạnh cầu ao ai đợi chờ?/ Một tiếng sung rơi đo lặng lẽ/ Mùa thu xào xạc lá tre khô”. (Thu). Vẫn là dòng sông đó, giếng nước đó, ao bèo đó, đình làng đó mà sao khi xa cách lòng ta lại thấy nhớ thương đến quặn lòng. Làng quê vì vậy, là tình cảm thiêng liêng sâu kín khó thay thể trong tâm thức trong thơ Quang Dũng.
Người phụ nữ - biểu tượng văn hóa Việt trong thơ Quang Dũng
Văn hóa của một vùng miền bao giờ cũng gắn với cuộc sống và con người vùng miền đó, tâm thức văn hóa Việt trong thơ Quang Dũng cũng không nằm ngoài quy luật này. Đọc thơ Quang Dũng, biểu tượng văn hóa Việt hiện hữu không chỉ thể hiện qua không gian văn hóa của một làng quê mang sắc màu của nền văn minh nông nghiệp với dòng sông, giếng nước, ao bèo, hoa trái, làn điệu dân ca mà còn hiện hữu qua hình ảnh con người kết tinh những mỹ cảm văn hóa đã đi vào văn chương như những tinh tú trên bầu trời văn hóa Việt. Đó là hình ảnh cô hàng xén hiện lên khá tinh tế như một biểu tượng cho vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam: “Những gánh hàng xén bồ căng/ Má hồng thôn nữ/ Thoảng mùi thơm quê mùa/ Hơi thở ấm trầu răng đen rưng rức/ Mẹ già nón nhẹ bay tua/ Tu hú tu hú/ Mùa vải ven bờ/ Nơi quê hương trời xưa ấu thơ/ Mái tóc em vừa vương hương bưởi/ Chân nhẹ nhàng còn dính phấn hoa/ Thôn nào cô mới đi qua/ Gà vừa gáy sáng/ Thắt lưng đào bên sông im lặng/ Kĩu kịt đôi bờ. (Những cô hàng xén).
Mỗi khi viết xong một truyện kí hay thơ, tác giả Quang Dũng đều tự minh họa cho tác phẩm của mình.
Vẻ đẹp văn hóa của người phụ nữ qua hình ảnh cô hàng xén hiện lên trong thơ Quang Dũng, không chỉ có vẻ đẹp ngoại hình trang nhã lịch thiệp, vốn là phẩm tính của người phụ nữ Việt mà còn có vẻ đẹp tâm hồn được nuôi dưỡng bằng những giá trị của văn hóa dân tộc qua những truyện nôm mang sắc màu liêu trai như: Nhị Độ Mai, Phạm Công Cúc Hoa, Truyện Kiều và những truyện huyền thoại trong vườn cổ tích với: Thạch Sanh, Trê Cóc. Và đây cũng là biểu hiện của dấu ấn tâm thức văn hóa Việt trong thơ Quang Dũng: “Các cô hàng xén ngày xưa/ Gương tròn bỏ túi/ Tóc giắt hoa nhài/ Hay ngậm ngùi xem Nhị Độ Mai/ Gấp trang sách lại thương đời Cúc Hoa (...) Đôi cuốn Thạch Sanh/ Một chồng Trê Cóc/ Khi gió mùa xuân/ Xanh cành tươi lộc/ Bói trang Kiều xem chuyện nhân duyên” (Những cô hàng xén).
Có thể nói, trong thơ Quang Dũng vẻ đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc luôn gắn với tài hoa và nhan sắc của người phụ nữ. Thế nên, bên cạnh hình ảnh cô hàng xén đã “gồng gánh trên vai” mình những dấu ấn văn hóa Việt thì hình ảnh người ca nữ ngày xưa cũng hiện lên trong tâm thức của thi nhân với một vẻ đẹp ở sự tài hoa độc đáo của văn hóa Việt: “Em là con hát ở bên sông/ Đàn phách là đôi bạn khốn cùng/ Khách ghé phương nào thây kiếp khách/ Hoài đâu nước mắt khóc tình chung”. (Đêm Việt Trì). Đây cũng là bình diện cho thấy tính nhân văn trong thơ Quang Dũng. Song, hình ảnh người phụ nữ - biểu tượng văn hóa Việt trong thơ Quang Dũng không chỉ có cô hàng xén, cô kỹ nữ mà ẩn sâu trong tâm thức văn hóa của nhà thơ là hình ảnh người mẹ Việt Nam, một biểu tượng cao đẹp của văn hóa Việt, gắn với quê hương, qua tiếng ru hời, lắng sâu trên dòng sông, bến nước, tan hòa trong khúc ca dao, trong câu chuyện cổ, trôi trong tâm cảm thi nhân như hiện thân của linh hồn văn hóa Việt: “Chiều xuống hồn người/ Bến rộng sông dài/ Nước đỏ mênh mông/ (…) Mẹ là Việt Nam hiền hậu vô cùng/ Đã hát ru con những lời cổ tích” (Nhớ về mẹ). Vì vậy, trong tâm thức thi nhân, nhớ về mẹ là nhớ về những ký ức văn hóa, mà ở đó hình ảnh quê hương hiện lên từ những hoài niệm hằn sâu tâm thức văn hóa Việt: “Mẹ sống những ngày đất khách/ Nhớ mẹ ngày xưa thuộc hết truyện Kiều (…) Đi về một miền quê ngoại ngày xưa/ Có khói thui bò/ Có trống làng tế lễ/ Và có những tiếng cười con trẻ/ Cầm nắm xôi phần/ Có hơi rượu cụ già/ Ấm trong hơi mùa xuân” (Nhớ về mẹ). Hình ảnh người mẹ Việt Nam trong thơ Quang Dũng đã hóa thân thành đất nước, quê hương hiện hữu như một biểu tượng cao đẹp của tâm hồn Việt, văn hóa Việt chảy mãi trong thơ ông và tồn sinh cùng dân tộc…
Đọc và tìm hiểu tâm thức văn hóa Việt trong thơ Quang Dũng, một mặt giúp chúng ta giải mã những vẻ đẹp của “dòng sinh mệnh” văn hóa dân tộc kết tinh trong thơ ông, làm nên hệ giá trị riêng của thơ Quang Dũng. Mặt khác, giúp chúng ta hiểu hơn về những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của nền văn minh sông nước, làm nên phong hóa dân tộc mà nhà thơ Quang Dũng đã phản ảnh trong thơ. Từ điểm nhìn này, ta thấy thơ Quang Dũng không chỉ là một tượng đài thi ca mà còn là một tượng đài văn hóa trong tâm thức người đọc cần được gìn giữ và phát triển, nhất là hiện nay, khi nền văn hóa dân tộc đang đứng trước những thách thức của xu hướng toàn cầu hóa, nếu không có ý thức và bản lĩnh giữ gìn văn hóa dân tộc thì việc bị tha hóa và lưu vong về văn hóa ngay trên đất nước mình là một tất yếu khó tránh khỏi.
————————
(1) Kim Định Triết lý cái đình, Nguồn Sáng xuất bản, Sài Gòn, 1971, tr.31