“Thơ Lê Huy Quang” - những vần thơ “phải khác”

Như Trang| 04/08/2017 10:13

Lê Huy Quang là nhà thơ luôn tìm cho mình cái mới, và những mới mẻ trong thơ ông không phải là những gì xa lạ, nó nằm ngay trong cuộc sống đời thường. Nhà thơ luôn trải lòng mình ra để sáng tạo, để cống hiến những vần thơ “phải khác”.

 Tập “Thơ Lê Huy Quang” gồm 116 bài và 5 trường ca trong một hành trình thơ 50 năm từ 1966 đến năm 2016, cũng là “50 năm trĩu nặng duyên tình với thi ca”. Ngoài 116 bài thơ trong “Phải khác”; tập thơ còn có 5 trường ca (Hồ Chí Minh; Hồi ức tuổi hai mươi; Tuổi học trò; Tóc quê; Mắt quê - mà chúng tôi sẽ đề cập trong một bài viết khác).

Đây là tập thơ Lê Huy Quang nói nhiều về tình yêu, tình cảm gắn bó với quê hương, và bộc lộ cả những suy tư, trăn trở về thế thái nhân tình. Đó cũng là cảm hứng chung của nhiều nhà thơ đương thời, nhưng không giống họ, Lê Huy Quang luôn ý thức kiếm tìm những chân trời nghệ thuật mới. Điều này thể hiện rõ qua sự đổi mới ngôn ngữ thơ ca. 

“Thơ Lê Huy Quang” - những vần thơ “phải khác”
Thơ Lê Huy Quang tràn đầy cảm xúc của người con về mẹ, về quê hương, xóm làng, nơi ấy người mẹ đã cho anh cuộc sống, ước mơ và cả niềm khao khát sống. Những vần thơ Lê Huy Quang viết về mẹ thì bao giờ cũng gan ruột và đằm thắm: 

Bài thơ cuộc đời
mẹ viết bằng máu và nước mắt cho con
Mẹ già rồi
Con day dứt yêu hơn
mỗi bước mẹ đi hằn trên đắng cay vất vả
tóc bạc
mắt sâu
lưng còng
vội vàng
tất tả
Mẹ vẫn cười vui khi con lớn khôn hơn
(Mẹ)

Nhà thơ nhớ về mẹ là nhớ về những năm tháng ở quê nghèo, nơi đó vẫn còn in đậm màu tóc bạc của mẹ đã vì con khôn lớn, và nơi đó vẫn còn lưu giữ những kỷ niệm thiêng liêng của cuộc đời. Tiếng gọi của mẹ luôn vọng về trong tâm tưởng và suy nghĩ của nhà thơ, tiếng gọi ấy luôn tha thiết, yêu thương để rồi ám ảnh mãi cuộc đời của đứa con lớn khôn ra đi và đã vuột khỏi bàn tay mẹ từ lúc nào không nhớ nữa: 

Hãy về đây con
Con của mẹ
Đứa con trai từ hai bàn tay mẹ ra đi…
(Những bài hát ru là mẹ) 

Dù đi xa và không mấy khi được trở lại nơi mình đã từng sinh ra, lớn lên, nhưng ở đó kỷ niệm tuổi thơ luôn hiện về với những gì thân thuộc nhất, giản dị nhất: 

Hễ trở trời
muỗi bay vào từ bùn ao cỏ dại
trăng trắng liềm cao
nước vòng chậm mãi...
(Xóm ca)

Ngôn ngữ thơ Lê Huy Quang khi viết về quê hương cũng thật đặc biệt:

Thấm khô cát sau đêm mưa
bất ngờ lên xanh những miền quả chín
gió Lào gai gai nóng
thương quê nghèo một nón lá em đưa...
(Quê cha)

Nhớ mưa Vinh buồn lên từng giọt trắng
Mưa Vinh sao nhiều vị đắng
Thương quê mưa nghèo đong đầy mắt cay
(Mưa Vinh)

Nhà thơ luôn khiến người đọc không khỏi không xót thương cho vùng quê xứ Nghệ khô cằn, quanh năm chỉ có cát trắng với gió Lào. Người đọc cũng dễ dàng cảm nhận được những rung động của hồn thơ ông dành cho quê hương một phần nhờ vào những cách tân trong việc sử dụng ngôn từ tha thiết, chứa chan tình cảm: “gió Lào gai gai nóng”, “mưa Vinh buồn lên từng giọt trắng”, “mưa Vinh sao nhiều vị đắng”, “thương quê mưa nghèo đong đầy mắt cay”…  Lê Huy Quang không sống nhiều ở quê, nhưng những tình cảm ông dành cho quê hương lúc nào cũng sâu đậm và tươi mới. Nếu không phải là một người con yêu quê, luôn tự hào về quê hương mình thì có lẽ ông không có được những vần thơ hay và xúc động đến thế. 

Ngôn ngữ thơ Lê Huy Quang đa dạng, lời thơ đôi lúc đọc lên có cảm giác gồ ghề và trần trụi, cũng một phần bởi ông vẫn thường hay có thói quen bộc toạc ý nghĩ và tình cảm của mình mà không hề giấu giếm, che đậy: 

Anh lang thang em
Anh xanh xao em
Anh mi ni em
(Chân dung)

Với cách sử dụng ngôn ngữ đầy ấn tượng như vậy, thơ ông trở nên độc đáo và rạo rực cảm xúc; có khi thẳng tắp đi đến tận cùng, nhưng cũng có khi lại uyển chuyển đến ngạc nhiên: 

Em
Là vòng tròn khép kín những vòng tròn
Từ cái trung gian
em biến những bắt đầu ra sự cuối
Anh lại quẩn quanh những vòng tròn nối
gấp
khúc
đường
em
(Người con gái ấy)

Trong sáng tác thơ ca, ngôn ngữ bao giờ cũng là ngôn ngữ của nghệ thuật, các nhà thơ thường biểu đạt suy nghĩ và tình cảm của mình bằng những câu thơ giàu hình ảnh và tượng trưng, thì đối với sáng tác của Lê Huy Quang, đó lại là ngôn ngữ của đời sống hàng ngày: 

Em là con toán bất động sản
Anh giải tìm trong lãng quên
Em là phin cà phê pha đêm
Em nhỏ giọt vào mắt anh nóng bỏng
Em nhỏ giọt vào tay anh sóng sánh
Ta nhỏ giọt
giọt giọt
vào nhau
(Chân dung) 
Thơ Lê Huy Quang gây được sự chú ý của người đọc bởi cái cách ông sử dụng ngôn từ rất quen thuộc, mộc mạc trong đời sống, nhưng lại rất lạ lẫm trong thi ca, nhà thơ viết: “Tôi thỏa thuê ngắm nhìn em hợp pháp”, hay: 

phơi trần mình
gió trưa
cát trưa
nắng trưa
muối biển nhuộm màu mây trắng
em - xuôi - một - dải - chân trời…
(Biển động)

Đây là sự cách tân và gợi cảm, những không gian rộng cứ liên tiếp được mở ra. Giữa gió, cát, nắng của buổi trưa “muối biển nhuộm màu mây trắng”, trước cái không gian mênh mang, cao vút và tĩnh lặng vào buổi trưa của biển, hình ảnh người thiếu nữ nằm “phơi trần mình” được liên tưởng như một dải chân trời. 

Sự đóng góp quan trọng và lạ nhất ở những vần thơ của Lê Huy Quang là ông đã đưa cả những cái sần sùi nhất, chân chất nhất, lam lũ nhất, tất bật nhất của cuộc sống thường nhật vào trong thơ một cách sinh động và lãng mạn: 

Riêng ta và em vẫn lầm lì
Ngồi trên chiếc xe chở than tổ ong 
chậm rãi
Con bò lặng lẽ kéo đi
Trườn lên đầu dốc nắng
Và mảnh khăn che mặt em đen thẳm
Cũng... bay... đi” 
(Bài hát mở mùa 1988)

Lê Huy Quang thường ngắt nhịp thơ một cách tự do, thoải mái; điều này làm cho các câu thơ có rất ít thành tố ngôn ngữ, nhưng lại tạo ra được sự phóng khoáng và giàu sức biểu cảm. Vẫn là những từ ngữ miêu tả cái cảm xúc rất tự nhiên, tươi mới, tràn ngập phong vị trong trẻo của đồng nội vào mùa xuân nhưng ở chỗ khác, người đọc lại cảm nhận được sự nâng niu, trân trọng của người nghệ sĩ với mối tình giản dị: 

mương nước sáng bờ cây chiều
dẫy dẫy
cột đèn
chim rũ cánh mưa
em đi làm rửa chân gầu giếng ấm
ao xóm
cầu về
gái xóm
giêng rồi
thấp thoáng
áo em Giêng
(Giêng xuân)

Tập thơ Phải khác còn là những tìm tòi, đổi mới nghệ thuật đầy bất ngờ trong thơ Lê Huy Quang: 

Tôi lọc sạch mùa mưa đông qua đế giày cao cổ
tất những viễn cận liên quan nhau
vòng hút đất sinh sôi
ngoài lề trang vở học sinh tôi nằm dài thừa thãi” 
(Tự khúc đông) 

Chỗ anh đứng lâu ngày
lõm
xuống
Thụ thai người gác cổng
thức
canh em!!!
(Thanh âm)...

Những vần thơ vẫn viết về thứ “xưa như trái đất” là tình yêu, nhưng lại được ông thể hiện chẳng giống ai. Những cách tân ngôn ngữ thơ của Lê Huy Quang không phải là những cách tân từ cái cũ mà ông luôn muốn tự làm mới mình trong mọi lúc, mọi nơi. Cái mới ấy thật muôn hình muôn vẻ.

Tìm cho mình một lối thơ lạ giữa muôn ngàn cái mới đã có là một điều khó đối với một thi nhân, nhưng Lê Huy Quang đã làm được điều đó. Trên thi đàn, tư tưởng cũng như phong cách mới lạ thấm trong từng câu, từng chữ đến quen thuộc như trong thơ ông không nhiều. Thơ ca của Lê Huy Quang, cái mới thuộc về ngôn ngữ nghệ thuật. Cái mới có đôi lúc khiến cho người đọc phải cảm nhận bài thơ bằng trực giác, bởi trong từng câu thơ có sự “gồ ghề, khúc khuỷu”, nhưng hình tượng thơ lại biểu đạt được từng nấc thang của cuộc đời. Những cái “khác” của ông thật chẳng giống người. Nếu ai đã có dịp đi hết những miền thơ của ông thì cũng dễ dàng nhận thấy những điều này, bởi ngay từ khi cầm bút vẽ tranh hay họa cuộc đời bằng thơ, Lê Huy Quang đã tâm niệm: “Cuộc đời. Ai nhớ. Ai quên? Nhưng mà PHẢI KHÁC. Mới nên chữ NGƯỜI”. 
(0) Bình luận
  • Mai nở vì ai
    Từ Huệ Phần (hội viên Hội nhà văn Thượng Hải, Ban Thường trực Trung Quốc Vi hình Tiểu thuyết Học hội) là một nhà văn đương đại Trung Quốc chuyên sáng tác truyện ngắn mini và tản văn. Nhiều tác phẩm của bà được tuyển chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn và các tập tinh tuyển toàn quốc hằng năm. Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu một truyện ngắn của bà qua bản dịch của dịch giả Châu Hải Đường.
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Xuất bản cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi"
    Nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), NXB Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân" đi nhằm tri ân, ghi nhớ những đóng góp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam; đồng thời khẳng định, vai trò của tư tưởng văn hoá Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị to lớn, định hướng cho công cuộc xây dựng nền văn hoá Việt Nam hiện nay.
  • Huyện Đông Anh khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp nhà lưu niệm Bác Hồ
    Nhân dịp Kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), 60 năm ngày Bác Hồ về thăm thôn Lỗ Khê, xã Liên Hà (1964 - 2024); Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân xã Liên Hà (huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) đã khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp Nhà lưu niệm bác Hồ tại thôn Lỗ Khê.
  • Khai mạc hoạt động nghiên cứu, trao đổi về bảo tồn và phát huy giá trị di sản giữa Hà Nội và Bắc Kinh
    Trong khuôn khổ hợp tác về lĩnh vực di sản văn hóa, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Trung tâm Quản lý Công viên Bắc Kinh, Văn phòng Ban quản lý Cung điện Mùa hè tổ chức Lễ Khai mạc hoạt động nghiên cứu, trao đổi về bảo tồn và phát huy giá trị di sản giữa Hà Nội và Bắc Kinh, bao gồm: Triển lãm “Thăng Long - Hà Nội: Di sản kết nối và hội tụ” và Tọa đàm “Bắc Kinh- Hà Nội, kết nối phát huy giá trị di sản” tại Khu di sản thế giới Di Hòa Viên (Bắc Kinh). Đây là hoạt động bên lề nhân chu
  • [Podcast] Truyện ngắn Hố băng
    Huỳnh Trong Khang được biết đến là cây bút tài năng thuộc thế hệ 9x và là một trong những tác giả trẻ đầy triển vọng. Ngay từ khi xuất hiện trên văn đàm 2016 cây bút trẻ quê gốc An Giang Huỳnh Trọng Khang đã gây ấn tượng với chất văn chương già hơn so với tuổi, cái già trong văn chương của Khang được thể hiện rõ nét trong từng tầng nghĩa. Hầu hết các tác phẩm của Khang mang đến cho bạn đọc mênh mang chữ, sâu thẳm nghĩa.
  • “Sinh viên Việt Nam với văn hóa sở hữu trí tuệ trong nền kinh tế số”
    Trường Đại học Luật (Đại học Huế) phối hợp tổ chức Cuộc thi “Sinh viên sáng tạo và quyền sở hữu trí tuệ” lần thứ IV với chủ đề “Sinh viên Việt Nam với văn hóa sở hữu trí tuệ trong nền kinh tế số”.
Đừng bỏ lỡ
“Thơ Lê Huy Quang” - những vần thơ “phải khác”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO