Bộ Xây dựng cho biết tính đến hết tháng 11/2018, tổng giá trị hàng tồn kho bất động sản còn khoảng 22.976 tỷ đồng so với tổng giá trị hàng tồn kho bất động sản được thống kê vào đầu năm 2013 là 128.548 tỷ đồng thì đã giảm được 105.572 tỷ đồng, giảm đến 82,1%. Cần lưu ý là tổng giá trị hàng tồn kho bất động sản được thống kê vào đầu năm 2013 trong giai đoạn thị trường bất động sản bị khủng hoảng đóng băng, chưa bao gồm hàng tồn kho bất động sản phát sinh từ năm 2013 đến nay. Lúc đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 với gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, hỗ trợ giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu bất động sản, và hỗ trợ người có thu nhập thấp tạo lập nhà ở. Qua hơn 3 năm thực hiện, đã có 56.181 căn nhà tồn kho được xử lý, tạo điều kiện cho 56.181 người mua được nhà ở theo chương trình này. Tại thành phố Hồ Chí Minh, năm 2012, Sở Xây dựng và Hiệp hội Bất động sản thành phố đã đi khảo sát 45 dự án ở 24 quận, huyện trong tổng số 1.207 dự án bất động sản, và đã có số liệu thống kê của 36 dự án thì tổng số căn hộ tồn kho của 36 dự án này là 14.490 căn với giá trị khoảng 28.741 tỷ đồng. Thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ, trong giai đoạn 2013-2016, thành phố Hồ Chí Minh đã xử lý được 9.783 căn hộ tồn kho bán cho người có thu nhập thấp theo gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng. Số lượng hàng tồn kho này tại thành phố hiện chỉ còn khoảng 10%.
Theo số liệu thống kê của 65 doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán thì tổng giá trị hàng tồn kho đã lên đến 201.921 tỷ đồng. Cơ cấu hàng tồn kho này bao gồm: (i) Hàng tồn kho trong quá trình phân phối, lưu thông; (ii) Hàng tồn kho do doanh nghiệp chủ động tiến độ đưa hàng ra thị trường; (iii) Hàng tồn kho do chưa tiêu thụ được. Hàng tồn kho bất động sản theo kế hoạch của doanh nghiệp và hàng tồn kho trong quá trình phân phối, lưu thông là điều bình thường. Điều đáng quan tâm là hàng tồn kho đã đưa ra thị trường nhưng chưa tiêu thụ được, vì có liên quan đến tính thanh khoản của doanh nghiệp và quan hệ tín dụng với ngân hàng thương mại trong vấn đề nợ xấu và an toàn tín dụng. Đề nghị các doanh nghiệp hết sức quan tâm xử lý hàng tồn kho đi đôi với xử lý những khoản nợ xấu. Trong đó, có giải pháp cơ cấu lại sản phẩm, giảm giá bán, thậm chí phải chấp nhận cả giải pháp bán lỗ để cắt lỗ.