Thị trường bất động sản Việt Nam 2018 vẫn giữ được sự phát triển ổn định

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 09:12, 02/01/2019

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, trong 10 năm qua, thị trường bất động sản Việt Nam đan xen các giai đoạn thăng - trầm - khủng hoảng - phục hồi - tăng trưởng....
Nhìn chung thị trường bất động sản cả nước và thành phố Hồ Chí Minh năm 2018 vẫn giữ được sự phát triển ổn định, không bị "bong bóng" và vẫn còn nằm trong chu kỳ phục hồi, tăng trưởng, nhưng đã có dấu hiệu sụt giảm cả về nguồn cung dự án, nguồn cung sản phẩm nhà ở và số lượng giao dịch. Phân khúc bất động sản công nghiệp, văn phòng cho thuê tăng trưởng tốt. Phân khúc căn hộ du lịch (condotel) có dấu hiệu chững lại. Phát triển bất động sản xanh, bất động sản thông minh, an toàn, tích hợp nhiều tiện ích và dịch vụ đang dần trở thành xu thế lựa chọn của chủ đầu tư dự án và người tiêu dùng. Tuy nhiên, tình trạng quá thiếu loại căn hộ nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở xã hội, nhất là loại căn hộ cho thuê giá rẻ phù hợp với khả năng tài chính của công nhân, lao động, người có thu nhập thấp đô thị đang tiềm ẩn yếu tố tác động đến ổn định an sinh xã hội.
Trong năm 2018, đã xảy ra hai đợt sốt ảo giá đất nền, đất nông nghiệp nhưng đã được chính quyền các địa phương quyết liệt vào cuộc xử lý và đã được kiểm soát. Vụ cháy tại tầng hầm chung cư Carina Plaza, phường 16, quận 8 ngày 26/03/2018 đã gây hậu quả thảm khốc làm chết 13 người, làm bị thương 51 người. Nhưng vụ cháy này đã làm thay đổi nhận thức và hành động của các chủ đầu tư dự án bất động sản, các doanh nghiệp vận hành nhà chung cư, các ban quản trị chung cư, các Sở, ngành, lực lượng PCCC chuyên nghiệp, Ủy ban nhân dân các cấp, nhất là cộng đồng cư dân sinh sống tại nhà chung cư. Qua đó, công tác đảm bảo chất lượng công trình, an toàn PCCC, cứu nạn, cứu hộ trong chung cư, nhà cao tầng đã được coi trọng hơn bao giờ hết, rất có lợi cho người tiêu dùng và cho sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, có một yếu tố đáng quan ngại là tỷ lệ nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp có xu hướng tăng trong phân khúc thị trường nhà ở cao cấp, trung cao cấp, cần có chính sách điều tiết hiệu quả trong thời gian tới để đảm bảo sự phát triển bền vững. 

Bộ Xây dựng cho biết tính đến hết tháng 11/2018, tổng giá trị hàng tồn kho bất động sản còn khoảng 22.976 tỷ đồng so với tổng giá trị hàng tồn kho bất động sản được thống kê vào đầu năm 2013 là 128.548 tỷ đồng thì đã giảm được 105.572 tỷ đồng, giảm đến 82,1%. Cần lưu ý là tổng giá trị hàng tồn kho bất động sản được thống kê vào đầu năm 2013 trong giai đoạn thị trường bất động sản bị khủng hoảng đóng băng, chưa bao gồm hàng tồn kho bất động sản phát sinh từ năm 2013 đến nay. Lúc đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 với gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, hỗ trợ giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu bất động sản, và hỗ trợ người có thu nhập thấp tạo lập nhà ở. Qua hơn 3 năm thực hiện, đã có 56.181 căn nhà tồn kho được xử lý, tạo điều kiện cho 56.181 người mua được nhà ở theo chương trình này. Tại thành phố Hồ Chí Minh, năm 2012, Sở Xây dựng và Hiệp hội Bất động sản thành phố đã đi khảo sát 45 dự án ở 24 quận, huyện trong tổng số 1.207 dự án bất động sản, và đã có số liệu thống kê của 36 dự án thì tổng số căn hộ tồn kho của 36 dự án này là 14.490 căn với giá trị khoảng 28.741 tỷ đồng. Thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ, trong giai đoạn 2013-2016, thành phố Hồ Chí Minh đã xử lý được 9.783 căn hộ tồn kho bán cho người có thu nhập thấp theo gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng. Số lượng hàng tồn kho này tại thành phố hiện chỉ còn khoảng 10%. 

Theo số liệu thống kê của 65 doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán thì tổng giá trị hàng tồn kho đã lên đến 201.921 tỷ đồng. Cơ cấu hàng tồn kho này bao gồm: (i) Hàng tồn kho trong quá trình phân phối, lưu thông; (ii) Hàng tồn kho do doanh nghiệp chủ động tiến độ đưa hàng ra thị trường; (iii) Hàng tồn kho do chưa tiêu thụ được. Hàng tồn kho bất động sản theo kế hoạch của doanh nghiệp và hàng tồn kho trong quá trình phân phối, lưu thông là điều bình thường. Điều đáng quan tâm là hàng tồn kho đã đưa ra thị trường nhưng chưa tiêu thụ được, vì có liên quan đến tính thanh khoản của doanh nghiệp và quan hệ tín dụng với ngân hàng thương mại trong vấn đề nợ xấu và an toàn tín dụng. Đề nghị các doanh nghiệp hết sức quan tâm xử lý hàng tồn kho đi đôi với xử lý những khoản nợ xấu. Trong đó, có giải pháp cơ cấu lại sản phẩm, giảm giá bán, thậm chí phải chấp nhận cả giải pháp bán lỗ để cắt lỗ. 

KTĐT