Thầy Lê và tâm huyết với Thăng Long - Hà Nội

PGS.TS. Nguyễn Lân Cường| 04/07/2018 10:24

Có những nỗi đau chỉ vài ngày là nguôi ngoai, nhưng lần này thầy tôi - GS Phan Huy Lê ra đi làm giới sử học chúng tôi chẳng những bàng hoàng, mà nỗi đau chung cứ âm ỉ mãi cho đến hôm nay.

Thầy Lê và tâm huyết với Thăng Long - Hà Nội
PGS.TS. Nguyễn Lân Cường trao đổi ý kiến với GS. Phan Huy Lê trên công trường khai quật mộ cổ tại thôn Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội ngày 18/4/2011
Từ lâu lắm rồi trong giới sử học Việt Nam thường truyền tụng câu “tứ trụ triều đình” để nói về 4 cây đa, cây đề của nền sử học nước nhà trong thế kỷ XX: Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng. Thế mà nay 3 vị Giáo sư đã trở về với cõi vĩnh hằng, chỉ còn lại mình GS Hà Văn Tấn…

Tôi không là sinh viên khoa sử, mà học khoa sinh học Trường Đại học Tổng hợp từ thập niên 60 của thế kỷ trước. Nhưng, khi làm luận án Tiến sĩ về đề tài có liên quan đến lịch sử, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp lại yêu cầu tôi về học bổ túc môn sử học để có thêm chứng chỉ. Chính thầy Phan Huy Lê là người đã hỏi thi tôi. Sau này, khi công tác ở Viện Khảo cổ học thầy trò hay gặp nhau. Nhớ lần Sở Xây dựng Hà Nội cho phá đoạn đê đường Văn Cao mà không thông báo cho ngành khảo cổ. Tôi là người đầu tiên “xông” vào công trường bắt đình chỉ và đưa lên báo chí, truyền hình về việc vi phạm Luật Di sản văn hóa này. Tôi cũng là người đầu tiên thông báo cho thầy Lê về chuyện trên và thầy cùng PGS.TS. Tống Trung Tín đã lên ngay hiện trường, để can thiệp và cuối cùng họ phải nhượng bộ cho Viện Khảo cổ học được đào một hố khai quật ngay trong đoạn đê làm cầu vượt.

Ngày 18 tháng 4 năm 2011, khi tôi phụ trách khai quật 2 ngôi mộ thời Lục Triều (TK 4-6) tại xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, TP. Hà Nội (sát cạnh khu đô thị Ciputra), tôi mời thầy Lê lên thăm. Thầy chui vào hẳn trong hầm mộ, xem xét cẩn thận từng viên gạch. Thầy rất thích thú khi tôi chỉ cho thầy xem chiếc giếng thời Lục Triều phát hiện gần đó. Thầy nói với tôi: “Hay lắm cậu ạ. Trong Hoàng thành Thăng Long chỉ phát hiện được giếng thời Lý, thời Trần, Lê… chưa có giếng Lục Triều. Cậu nên tìm cách chuyển cái giếng này về Bảo tàng Hà Nội để trưng bày…”

Tôi hứa với thầy, nhưng rồi 7 năm đã trôi qua mà tôi chưa làm được việc này. 

Chỉ cách đây 1 tháng, sau buổi họp của ban biên tập bộ Lịch sử Việt Nam, thầy hỏi tôi đã có thêm tư liệu cổ nhân học về chủ nhân của văn hóa Sa Huỳnh chưa - một câu hỏi mà thầy luôn trăn trở? Thầy động viên tôi về cuốn sách “Nhân học hình thể” tôi vừa xuất bản và tặng thầy… Bao nhiêu kỷ niệm cứ ùa về ký ức của tôi trong những ngày này… với người thầy vô cùng kính yêu của mình, không chỉ là tài năng của một nhà sử học vĩ đại, mà còn ở nhân cách đáng kính của thầy, một tấm gương sáng cho các thế hệ học trò noi theo. Đúng như lời PGS.TS. Tống Trung Tín – Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam đã viết: “…Ở thời điểm Hoàng thành Thăng Long bắt đầu phát lộ và đầu những năm 2000, GS. Phan Huy Lê, chính là một trong những người có tiếng nói quyết định, cũng như có những quyết định xác đáng, để bảo tồn khu vực Hoàng thành Thăng Long. Để rồi sau đó bộ hồ sơ khoa học do ông làm chủ biên về Hoàng thành Thăng Long đã được gửi lên Unesco, và mang về cho di sản này danh hiệu cấp thế giới vào đúng dịp kỷ niệm Thăng Long – Hà Nội ngàn năm tuổi”. 

Với những đóng góp về lịch sử không phải chỉ cho cổ trung đại mà còn cả về lịch sử quân sự, lịch sử chống ngoại xâm, về Việt Nam học, Đông Phương học… đặc biệt đối với nền văn hóa Thăng Long Hà Nội, bia đá Văn Miếu – Quốc Tử Giám hay hội Gióng Phù Đổng, hoặc đang dừng ở mức ý tưởng như phục dựng điện Kính Thiên, hay lễ hội đèn Quảng Chiếu… GS. Phan Huy Lê đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ, Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội, Giải thưởng Văn hóa châu Á Fukuoka (Nhật Bản), Huân chương Độc lập hạng nhì, ba Huân chương Lao động, Huân chương Cành cọ Hàn lâm (Cộng hòa Pháp)…

Mười năm nữa, tôi tin chắc rằng lúc đó giữa Thủ đô Hà Nội thân yêu, sẽ có một con đường mang tên của thầy – đó là ước vọng của tôi cũng như của cả giới sử học nước nhà – một mong ước hoàn toàn chính đáng đối với GS. NGND. Phan Huy Lê. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Huyện Thanh Oai: Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 30-CT/TU với tuyên truyền các Quy tắc ứng xử
    Huyện Thanh Oai đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
Đừng bỏ lỡ
Thầy Lê và tâm huyết với Thăng Long - Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO