Người Hà Nội

Thanh xuân tươi đẹp dành cho Hà Nội

Hoàng Anh 07:46 07/03/2023

“Quãng thanh xuân tươi đẹp nhất, lúc có thể cống hiến được nhiều nhất, rực rỡ nhất của tôi gắn liền với Hà Nội. Vậy nên, tôi yêu Hà Nội biết bao nhiêu, khó có ngôn từ nào diễn tả hết…”. Khi chia sẻ về tình yêu với Hà Nội, NSƯT Linh Huệ đã bày tỏ như thế trong niềm hạnh phúc cùng lòng biết ơn...

Chạm ngõ từ… Hà Nội

Sinh ra và lớn lên ở Hòa Bình, trong gia đình không có ai làm nghệ thuật, vậy nên, thuở ấu thơ chưa khi nào cô bé Linh Huệ nghĩ có một ngày sẽ trở thành nghệ sĩ. Thế nhưng, một lần, Đoàn Kịch nói Hà Tây về tuyển diễn viên, Linh Huệ đã nhiệt tình “hộ tống” đám bạn dự tuyển. Lúc thi tiểu phẩm, thấy bạn lúng túng, Linh Huệ nhanh nhảu “gà bài”. Ai dè, đoàn trưởng đoàn kịch quay ra bảo, cần gì phải thi nữa, tuyển ngay cô bé này này…

linh-hue.jpg
NSƯT Linh Huệ

Về nhà, dù bố mẹ không muốn nhưng Linh Huệ vẫn quyết tâm đầu quân vào đoàn kịch vì ý nghĩ rất đơn giản: Vào đoàn không chỉ được các chú dạy việc lại còn được trả lương phụ đỡ cho mẹ. Lúc đó, nhà cô bé rất nghèo mà bố mẹ đang phải lo cho 3 em trai đang tuổi ăn, tuổi lớn.
Mười bảy tuổi, Linh Huệ đã xa nhà và bắt đầu cuộc sống tự lập. Ngày ngày, sau giờ học chính thức, cô bé sà vào giúp đỡ các cô chú, anh chị trong đoàn việc gánh nước, nhặt rau, nấu cơm… ở bếp tập thể cũng là để tranh thủ học hỏi thêm. Những mệt nhọc dường như chẳng thấm vào đâu đối với cô bé chịu khó hay lam hay làm và luôn ý thức được xuất phát điểm số 0 của mình như Linh Huệ. Trong nghề, nếu như bạn bè phải nỗ lực một thì cô cần nỗ lực gấp đôi gấp ba để không những bằng chị bằng em mà còn đủ sức khẳng định khả năng và vươn đến những nấc thang mới.

“Thời gian đầu, tôi gặp nhiều khó khăn vì không phải là con nhà nòi giống như nhiều bạn khác. Cái gì cũng bỡ ngỡ, lạ lẫm. Nhưng vì là con nhà chân lấm, tay bùn nên tôi rất chịu khó học hỏi và các cô chú cũng yêu thương mà chỉ dạy. Nhiều khi, vừa uốn nắn đài từ từng tí cho tôi các cô chú vừa động viên: “Cháu có tiếng nói truyền cảm là một lợi thế, xinh đẹp là lợi thế thứ hai, ngoan và chịu khó là lợi thế thứ ba thì không có lý do gì mà không thành công”. Và, tôi đã tình cờ đến với sân khấu rồi trưởng thành từ những người thầy ấy chứ không qua một trường lớp đào tạo chính quy nào. Mỗi bài học của tôi đều gắn liền với thực tiễn và được thực hành ngay nên tôi dễ dàng tiếp thu và khắc sâu…”, NSƯT Linh Huệ nhớ lại.

Cũng từ đó, chị chạm ngõ với nghệ thuật - vai diễn tiểu thư Khuê trong bộ phim điện ảnh “Những ngày tháng đẹp” của đạo diễn Nguyễn Văn Chung. Bộ phim này do một Việt kiều Mỹ trở về Hà Nội “đặt hàng” đạo diễn làm về cuộc đời của cô ấy. Khi đó, NSƯT Linh Huệ phải thay đổi phong cách từ cô thôn nữ lam lũ, hay lam hay làm trở thành thiếu nữ Hà thành nhẹ nhàng, thanh thoát và lịch thiệp. Với chị, người Hà Nội xưa mang cốt cách rất dịu dàng, lịch thiệp, đó cũng là một trong những điều không dễ diễn xuất, thể hiện. Thế nhưng, chị lại có lợi thế của dáng vẻ nhẹ nhàng, thanh thuần thiếu nữ của tuổi mười tám đôi mươi - cái độ xuân thì tươi đẹp nhất. Thêm nữa, trong diễn xuất, chị luôn đặt mình vào nhân vật nên không gặp phải quá nhiều khó khăn khi vào vai thiếu nữ hay người Hà Nội.

Nối tiếp đó, ở lĩnh vực sân khấu, Huy chương Vàng cá nhân đầu tiên của NSƯT Linh Huệ là vai Hậu trong vở kịch “Những người con Hà Nội” do đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang dàn dựng năm 2014. Đây là tác phẩm sân khấu đặc sắc của Nhà hát Kịch Hà Nội (năm 2010 Đoàn kịch Hà Tây sáp nhập về Nhà hát Kịch Hà Nội) cũng giành Huy chương Vàng tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ Nhất. Với vai Hậu, chị hóa thân thành người mẹ ở làng hoa Ngọc Hà có con trai làm giao liên trong những ngày đêm Hà Nội chìm trong khói lửa giao tranh khốc liệt. Vốn sinh ra ở quê nên vai diễn mộc mạc về nông thôn, nông dân một cách chân thực đối với NSƯT Linh Huệ gần như không phải diễn nhiều vì đó là con người chị, một bản ngã tự nhiên đã hằn sâu. Cùng với đó, là con gái liệt sĩ chống Mỹ nên mỗi khi vào những vai diễn trong các vở kịch, bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng chị thường có cảm xúc rất đặc biệt. Có lẽ, một phần vì chị có những thiệt thòi mất mát từ lúc ấu thơ nên mỗi khi diễn những vai đó cảm xúc luôn sẵn có và tiếp tục được đong đầy. Thế nên, dù chỉ xuất hiện 2 cảnh song Hậu của NSƯT Linh Huệ trong “Những người con Hà Nội” vẫn xuất sắc để lại dấu ấn khó quên.

“Có thể nói, các dấu mốc đầu tiên của tôi đều gắn liền với Hà Nội. Đất thiêng này chính là điểm khởi nguồn cho con đường nghệ thuật của tôi dù không ít chông gai, nhọc nhằn nhưng cũng không ít trái ngọt. Bởi vậy, tôi rất yêu và biết ơn Hà Nội đã mở rộng vòng tay chào đón và chắp cánh cho tôi bay đến chân trời nghệ thuật. Tôi cũng rất yêu Đoàn kịch nói Hà Tây sau là Nhà hát Kịch Hà Nội - nơi đây chính là ngôi nhà thứ hai để tôi được trở về…”, NSƯT Linh Huệ xúc động bày tỏ.

Trân trọng từng vai diễn

NSƯT Linh Huệ vừa được nhận giải Diễn viên sân khấu xuất sắc năm 2022 của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Chị bảo, đó là niềm vui bất ngờ đến tận… phút chót vì đến lúc xướng tên nghệ sĩ nhận giải thưởng thì chị mới biết đó là mình.

Vai diễn đem đến cho NSƯT Linh Huệ thành công đó là nhân vật Tú Bà trong vở kịch “Thúy Kiều - một kiếp đoạn trường”. Trước đó, vở diễn đã giành Huy chương Bạc tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần 4 còn vai Tú Bà được trao Huy chương Vàng cá nhân.

Có thể thấy, đây là vai diễn khác với những vai NSƯT Linh Huệ đã xây dựng bền vững trong lòng khán giả cả trên sân khấu lẫn phim truyền hình suốt mấy chục năm qua: Hình mẫu người phụ nữ thôn quê dịu hiền, cam chịu, tần tảo… Vậy mà, sau dịch Covid-19, ngay khi sân khấu hoạt động trở lại, khán giả được gặp một Linh Huệ hoàn toàn khác. Đó là Tú Bà Linh Huệ - người đàn bà làm nghề bán phấn, buôn hương, vì lòng tham không đáy mà không từ thủ đoạn nào để lừa bịp, dập vùi tài sắc, phẩm hạnh của con gái nhà lành. Bởi vậy, không ít đồng nghiệp, khán giả đã tỏ ý nghi ngờ. Nhưng khi đến rạp thưởng thức vở diễn thì tất cả đều thán phục tài hóa thân của NSƯT Linh Huệ. NSND Giang Mạnh Hà cho rằng đây là một sự lột xác khó tin. Cũng bởi “trước nay nhìn thấy cô là thấy sự xinh xắn nhẹ nhàng nên không thể tưởng tượng nổi cô có một vai diễn như thế…”, NSND Giang Mạnh Hà từng chia sẻ ngay sau đêm Nhà hát Kịch Hà Nội công diễn vở “Thúy Kiều, một kiếp đoạn trường” tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ V năm 2022.
Còn với NSƯT Linh Huệ, chị luôn trân trọng từng vai diễn, bất kể vai diễn hợp với sở trường (đào thương) hay mang màu sắc độc, lạ (đào lệch). Chị tâm niệm, khi được giao vai đã là niềm vinh hạnh được ekip sáng tạo tin tưởng vậy nên không có lý do gì mà nghệ sĩ không toàn tâm toàn ý đầu tư thời gian, sức sáng tạo cho vai diễn. Đặc biệt với những vai mang màu sắc khác biệt thì càng cần sự dụng công nhiều hơn để được trải nghiệm và khám phá khả năng tiềm ẩn của bản thân. NSƯT Linh Huệ đã tiếp nhận vai bằng tâm thế ấy để thăng hoa sáng tạo một Tú Bà của riêng mình: Tham lam, độc ác và luôn muốn chiếm hữu tiền - tình... Nhưng Tú Bà Linh Huệ không “Nhác trông nhờn nhợt màu da/ Ăn chi to lớn đẫy đà làm sao” mà là một Tú Bà xinh đẹp, duyên dáng. “Sự độc ác, tham lam từ người đàn bà xinh đẹp lại càng khủng khiếp hơn nữa. Tôi đã sáng tạo nhân vật của mình từ suy nghĩ ấy và thật hạnh phúc vì đã thuyết phục được đồng nghiệp, khán giả ngay khi vở diễn ra mắt. Được vinh danh từ vai diễn mang màu sắc riêng này đem đến cho tôi niềm vui nhân đôi”, NSƯT Linh Huệ chia sẻ.

Hơn 30 năm gắn bó với nghệ thuật, giờ đây NSƯT Linh Huệ đã tích lũy được cả trăm vai diễn lớn nhỏ, trong đó có thể kể đến: Quỳnh trong “Những bóng đen còn đó”, Bâu trong “Chàng kỵ sĩ Điện Biên”, Phương trong “Hai mươi ngày oan trái”, bà Son trong “Mảnh đất lắm người nhiều ma”, Hậu trong “Những người con Hà Nội”, Quế trong “Điệp khúc virus”, Tú Bà trong “Thúy Kiều, một kiếp đoạn trường”… Bên cạnh đó, chị cũng là gương mặt thân quen trên truyền hình với một số vai diễn điển hình như Hậu si-đa trong “Gió qua miền tối sáng”, Hồng trong “Chủ tịch tỉnh”, Hạnh trong “Ngôi biệt thự màu tro lạnh”, cô giáo Thủy trong “Làm mẹ”, Thơm trong “Những người chiếu bóng”, Thương trong “Ngã ba thời gian”, Hà trong “Bánh đúc có xương”… NSƯT Linh Huệ cũng giành được nhiều giải thưởng cá nhân tại các cuộc liên hoan sân khấu như: Giải Diễn viên trẻ xuất sắc năm 1999; Huy chương Bạc - Liên hoan Sân khấu toàn quốc các năm 1999, 2004, 2009; Huy chương Vàng tại Liên hoan Sân khấu toàn quốc 2015; Huy chương Vàng tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2014, 2022…

Tác giả trích dẫn

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Hà Nội tuyên dương 80 gia đình văn hóa tiêu biểu
    UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 125/KH-UBND ngày 15/5/2025 về việc tuyên dương Gia đình văn hóa tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 24 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001-28/6/2025).
  • Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội: Người Hà Nội - một tên gọi không chỉ gợi nhắc địa danh mà còn chuyên chở chiều sâu văn hóa
    Trong hành trình 40 năm đầy tự hào ấy, Người Hà Nội luôn biết làm mới mình, luôn sẵn sàng thích nghi để phục vụ tốt hơn sứ mệnh của tờ báo văn học nghệ thuật Thủ đô.
  • Nhà báo Vương Minh Huệ: “Người Hà Nội vẫn kiên định mục tiêu giữ vững bản sắc văn học nghệ thuật của Thủ đô rộng dài văn hiến”
    Trong niềm xúc động - tự hào, sáng 8/5, tại Lễ Kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Tạp chí Người Hà Nội và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì, nhà báo Vương Minh Huệ - Tổng Biên tập Tạp chí Người Hà Nội, chia sẻ: “Người Hà Nội vẫn kiên định mục tiêu giữ vững bản sắc văn học nghệ thuật của mảnh đất Hà Nội rộng dài văn hiến, góp phần không nhỏ trong việc khẳng định vai trò tiên phong của văn học nghệ thuật Thủ đô trong dòng chảy của văn học nghệ thuật nước nhà”.
  • Để di sản xứ Đoài thành trung tâm công nghiệp văn hóa của Hà Nội
    Thời gian qua, cấp ủy Đảng, chính quyền thị xã Sơn Tây (TP. Hà Nội) đã có nhiều giải pháp nhằm phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) trên nền tảng văn hóa – lịch sử của địa phương. Nhưng để trở thành khu trung tâm CNVH theo quy định đặt ra trong Dự thảo “Nghị quyết Quy định về tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa” của Thành phố Hà Nội xây dựng và đang lấy ý kiến nhân dân gần đây , thị xã Sơn Tây vẫn cần được “tiếp sức” để bứt phá.
  • Nhà thơ Bằng Việt: “Người Hà Nội là bà đỡ cho các sáng tác của văn nghệ sỹ Thủ đô”
    Nhà thơ Bằng Việt – nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, nguyên Tổng Biên tập Báo Người Hà Nội (Tạp chí Người Hà Nội hiện nay) đánh giá, trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, “Người Hà Nội” luôn đứng vững, không ngừng vươn lên. Tác giả bài thơ “Bếp lửa” trong sách Giáo khoa Ngữ văn lớp 8 cũng khẳng định: “Người Hà Nội là nơi chăm sóc, bà đỡ cho các sáng tác của văn nghệ sỹ Thủ đô”.
  • Chuyện về một công dân Thủ đô tự nguyện hiến đất làm đường
    Giữa nhịp sống hiện đại hối hả của Thủ đô Hà Nội, vẫn có những con người âm thầm gieo mầm thiện lành bằng những việc làm giản dị mà cao quý. Họ không cần danh xưng, không cầu ghi công, nhưng chính từ những hành động bình dị ấy đã góp phần làm nên hình ảnh một Thủ đô văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Một trong những tấm gương đáng trân trọng đó là anh Vũ Phương Nam, công dân phường Bưởi, quận Tây Hồ – người đã tự nguyện hiến đất làm đường giúp người dân thôn 6, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất có con đường đi lại khang trang, sạch đẹp.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Khán giả Thủ đô hào hứng đón xem vở chèo cổ "Trinh Nguyên" do NSND Trần Quốc Chiêm phục dựng
    Tối 19/5, tại Rạp Đại Nam, đông đảo khán giả Thủ đô đã đến xem buổi tổng duyệt vở chèo cổ "Trinh Nguyên". Vở chèo được dàn dựng công phu từ sự tôn kính nghề và sự tâm huyết với chèo cổ của NSND Trần Quốc Chiêm.
  • Đẩy mạnh phân cấp trong lĩnh vực văn hóa, du lịch khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp
    Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đang tổ chức lấy ý kiến nhân dân về “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của một số Nghị định quy định về phân cấp, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao, du lịch; báo chí, phát thanh và truyền hình; thông tấn; xuất bản, in, phát hành, thông tin điện tử, thông tin cơ sở và thông tin đối ngoại khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp”.
  • Tinh hoa thơ ca Hồ Chí Minh
    Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), NXB Chính trị quốc gia Sự thật đã ra mắt Tủ sách điện tử Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó đáng chú ý có cuốn sách “Tinh hoa thơ ca Hồ Chí Minh” của tác giả - nhà văn Lê Xuân Đức (1939 – 2022) giúp người yêu thơ ca của Bác thêm thấu hiểu và cảm nhận rõ nét hơn tinh hoa trong từng câu chữ mà Người để lại, rút ra những chiêm nghiệm cho riêng mình và trên hết là những bài học lớn, sâu sắc về tư tưởng, về đầu tranh chính trị, về đạo lý làm người cho hôm nay và mai sau.
  • Hà Nội tiên phong tích hợp thủ tục hành chính trong Đảng lên Cổng Dịch vụ công quốc gia
    Các thủ tục hành chính trong Đảng đã được số hóa và tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đây là bước đi đột phá, thể hiện tinh thần tiên phong, gương mẫu của Thành phố Hà Nội trong triển khai chuyển đổi số, góp phần hiện thực hóa chủ trương chuyển đổi số trong toàn hệ thống chính trị.
  • Hà Nội: Danh sách tập thể, cá nhân đề nghị tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
    Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa có thông báo số 1639/ TB-SGĐT về việc công khai tập thể, cá nhân đề nghị tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đừng bỏ lỡ
Thanh xuân tươi đẹp dành cho Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO