Thân thương hai tiếng gia đình

Thu Đình| 15/08/2019 15:24

Hồi còn nhỏ, mỗi lần đòi mua thứ gì không được hay bị cha mẹ la mắng, đánh đòn, tôi lại giận ba mẹ lắm, thậm chí còn có ý định bỏ nhà ra đi, dù rằng chẳng biết đi đâu. Nhớ cả những lúc anh em giận nhau, tôi lại ích kỷ ước rằng: giá như cha mẹ chỉ có mỗi mình tôi thì tốt biết mấy… Những ý nghĩ non nớt ấy dần tan biến khi tôi ngày một trưởng thành. Và đến bây giờ, trong tôi chẳng gì thân thương hơn hai tiếng gia đình!

Thân thương hai tiếng gia đình

Hồi còn nhỏ, mỗi lần đòi mua thứ gì không được hay bị cha mẹ la mắng, đánh đòn, tôi lại giận ba mẹ lắm, thậm chí còn có ý định bỏ nhà ra đi, dù rằng chẳng biết đi đâu. Nhớ cả những lúc anh em giận nhau, tôi lại ích kỷ ước rằng: giá như cha mẹ chỉ có mỗi mình tôi thì tốt biết mấy… Những ý nghĩ non nớt ấy dần tan biến khi tôi ngày một trưởng thành. Và đến bây giờ, trong tôi chẳng gì thân thương hơn hai tiếng gia đình!

Nghĩ về gia đình, nhớ sao những thức quà quê bình dị một thời cảnh nhà khốn khó. Là mấy viên kẹo mấu thôi mà bốn anh em đoán già đoán non, nôn nao hóng mẹ đi chợ về từ đầu ngõ. Là cái bánh mì lâu lâu đi làm cha mua về, mỗi anh em chỉ được một khúc mà háo hức ăn trong điệu nói cười râm ran. Là gốc mít, gốc ổi trong vườn nhà, mỗi lần nghe hương thoảng thơm, mấy anh em đã dắt díu ra vườn, mắt dáo dác kiếm tìm. Chỉ bấy nhiêu thức quà quê quen thuộc cũng đủ hòa sâu trong nỗi nhớ gia đình.

Gia đình là tình cảm anh em như thể chân tay. Là que kem mút chung, cái bắp bẻ nửa, em nằm vắt vẻo trên lưng ôm lấy cổ anh đi khắp đường làng ngõ xóm. Là cái khóc thét khi cho một miếng bánh mà cắn phạm cả vào tay, lúc dỗi hờn khi bị châm chọc nhưng chẳng thể ngồi chơi một mình, lòng buồn trống trải chỉ mong anh em về nhà đông đủ. 

Gia đình là công ơn cha mẹ không gì có thể đong đếm. Cha ngược xuôi bán buôn. Mẹ sớm tối bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Bữa cơm ngày ba tháng tám, cha mẹ nhẩn nha miếng khoai miếng sắn để phần cơm trắng cho các con. Các con cơm áo đủ đầy, ngày một lớn lên, chỉ có đôi vai áo của cha mẹ vẫn bạc màu sương gió. Ngày bước vào mùa thi cuối cấp, con nhớ đến ly nước chanh mát lạnh mẹ âm thầm đặt trên chiếc bàn học nơi góc phòng, cha thức thâu đêm trong căn phòng trọ chật chội những ngày đưa con đi thi đại học…

Gia đình, ấm áp nhất là những bữa cơm. Bữa cơm quê chua chua, giòn tan vị cà muối trường của mẹ. Bữa cơm quê ngọt lành với tô canh cua ngày nắng. Là hũ muối lạc, muối vừng ăn suốt cả mùa mưa. Mớ cá đồng kho mặn mà đưa cơm đến nỗi mẹ ngồi đầu nồi không kịp xới. Bữa cơm đông đủ thành viên trong gia đình bỗng trở thành nếp nhà, thành nỗi nhớ và niềm mong đợi tự lúc nào chẳng biết!

Gia đình, đẹp biết mấy những đêm trăng thanh gió mát dưới mái hiên nhà. Mái hiên nhà, dù chẳng cao rộng, dù đã lấm tấm màu rêu phủ, nhưng dưới mái hiên ấy là ly nước chè xanh mỗi tối cả nhà vui vẻ chuyện trò, hóng mát. Con nằm gối đầu lên chân mẹ để được mẹ phe phẩy chiếc quạt mo cau đưa gió về. Cha thỉnh thoảng xoa xoa cái đầu tóc rối tổ cu của con, chỉ lên bầu trời cao vợi đầy trăng sao. Để rồi trong ánh mắt thơ ngây, con lại ước gì mình là ngôi sao sáng nhất giữa khung trời quê thơ mộng.

Gia đình, cho ta biết trân quý niềm vui lao động mỗi lúc vào mùa. Mỗi lúc vào mùa gặt hái, cấy cày, cả nhà lại rộn lên như trẩy hội. Thức dậy từ sáng sớm, về nhà khi đã tối mò. Những tay liềm tay hái, cuốc cào, xe cộ cứ nườm nượp xuống đồng. Những giọt mồ hôi lã chã rơi trên từng thửa ruộng. Những ánh mắt, điệu cười tươi rói trên những bông lúa trĩu hạt, những sân phơi vàng ươm một màu no ấm.

Gia đình là gì mà mỗi lúc đi xa, lòng chênh chao, ta lại nghĩ về? Là gì để mỗi khi nghĩ về, ta lại tràn trề niềm vui sống?
(0) Bình luận
  • Trao giải 11 tác phẩm xuất sắc “Truyện ngắn Sông Hương 2024”
    Ban tổ chức đã trao giải 11 tác phẩm xuất sắc cho cuộc thi “Truyện ngắn Sông Hương 2024” do Tạp chí Sông Hương phát động.
  • Thiền đào
    Chàng vẫn âm thầm dõi theo những bài viết của nàng và không bỏ sót bất kỳ phóng sự nào về nàng. Đôi mắt nàng khi bảy tuổi hay của bây giờ vẫn vậy. Xoáy xiết, ám ảnh. Nhấn chàng xuống đỉnh vực. Vẫy vùng. Ngộp thở. Toàn thân không trọng lượng. Đôi vực sâu đồng tử đã xoáy chàng đến một nơi quen thuộc. Là dinh đào, khi ấy chàng đang ở tuổi mười ba.
  • Ăn Tết nay yêu Tết xưa
    Đợt rét ngọt đầu tiên của tháng Chạp đã luồn qua khe cửa, bà Ngân thoáng rùng mình khi trở dậy vào sáng sớm. Loẹt quẹt đi xuống bếp, rót đầy một cốc nước gừng nóng sực đã ủ sẵn trong bình, bà vừa xuýt xoa uống vừa nhẩm tính xem Tết năm nay nên sắm sửa những thức gì. Kỳ thực, quanh đi quẩn lại, năm nào bà cũng bày biện từng ấy món quen thuộc. Nhưng cái việc nôn nao nghĩ suy về cái Tết sắp đến mới ngọt ngào làm sao, nhất là khi năm nay gia đình bà có thêm cô con dâu mới.
  • Lễ phạt vạ
    Ba ngày nữa là đến giao thừa mà Cầm Bá Cường chưa thể về nhà. Đã vậy anh còn mắc vạ trưởng bản, phải chịu phạt. Ký túc xá giáo viên ở Mường Lôm giờ đây còn mỗi mình anh. Ôi chao là buồn! Cầm Bá Cường nhìn ra khoảng sân ký túc xá.
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Thân thương hai tiếng gia đình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO