Trong khi đó, nước ta có khoảng 246.648 người nghiện ma túy (tăng 4,7% so với năm 2020; tỉ lệ nữ giới có xu hướng tăng (4,2%). Gia tăng tình trạng người nghiện sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy; 70-80% sử dụng MTTHP. Tại các tỉnh phía Nam nước ta có tỷ lệ sử dụng MTTH lên đến 80-95%, đang và sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ khi người dùng ma túy tổng hợp (ATS) dễ bị nhiễm HIV/AIDS, bệnh xã hội… do tình dục không an toàn.
Bác sĩ, Đại tá Tạ Đức Ninh cho biết: “Đặc biệt, hiện nay có sự gắn kết giữa ma túy với nhiều loại tội phạm. Mỗi tuần có thêm 01 chất hướng thần, hiện có trên 900 chất hướng thần mới (NPS) chưa có trong danh mục cần kiểm soát. Giao dịch ma túy qua internet đang là xu hướng của tội phạm và dưới nhiều hình thức, thủ đoạn rất tinh vi, xảo quyệt.”
Trong chuyên đề thứ hai, Đại tá, Bác sĩ - Th.S Tạ Đức Ninh đã giải thích một cách chi tiết và khoa học về bản chất của can thiệp dự phòng nghiện ma túy hay còn gọi là dự phòng nghiện ma túy (DPNMT). Đây là thuật ngữ đã thành quen thuộc và thực hiện ở nhiều quốc gia từ hơn 20 năm nay, mang lại những hiệu quả, giá trị phòng ngừa lớn lao dựa trên bằng chứng. Năm 2013, Cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy của Liên hợp quốc (UNODC) đã ban hành “Chuẩn quốc tế về can thiệp dự phòng sử dụng ma túy” để các quốc gia xem xét, áp dụng.
Đó là một hệ thống giải pháp có tính khoa học để phòng ngừa (dự phòng) mà cốt lõi là nâng cao nhận thức, kỹ năng giải quyết vướng mắc - ra quyết định, làm thay đổi hành vi nhằm giảm thiểu nguy cơ sử dụng ma túy, nghiện ma túy, có nhiều điểm giống các giải pháp phòng ngừa của Việt Nam lâu nay nhưng phát triển sâu rộng hơn, đa dạng hơn; kết hợp nhuần nhuyễn các giải pháp, khoa học và thực tiễn, do vậy, hiệu quả hơn. Chương trình được xây dựng, triển khai tại trường học, nơi làm việc, tại gia đình, trong cộng đồng xã hội.
Mục tiêu chung của DPNMT rộng lớn, nhằm đảm bảo sự phát triển an toàn và lành mạnh của trẻ em và thanh thiếu niên để nhận ra tài năng và tiềm năng của mình và trở thành các thành viên có ích của cộng đồng và xã hội. “Mỗi đô la dành cho dự phòng, sẽ tiết kiệm ít nhất 10 đô la dành cho chi phí về y tế, xã hội và tội phạm trong tương lai.” (Tài liệu “Chuẩn quốc tế về can thiệp dự phòng sử dụng ma túy”).
Sự kết hợp đồng bộ các giải pháp giảm cung với giảm cầu, đặc biệt là xây dựng, thực hiện bài bản chương trình dự phòng nghiện ma túy sẽ từng bước làm giảm giảm tội phạm ma túy, giảm người sử dụng, nghiện ma túy ở nước ta. Theo đó, các biện pháp phòng ngừa được tổ chức đa dạng, nhiều tầng nấc: tổ chức các chương trình tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ đoàn, đội; giáo viên, phụ huynh và học sinh, thanh thiếu niên trên cả nước; triển khai Bộ tài liệu Kỹ năng phòng, chống ma túy; xã hội hóa các dự án phòng ngừa ma túy….
Buổi chiều cùng ngày tại lớp tập huấn, PGS.TS Mai Văn Hưng - Phó Viện trưởng điều hành Viện PSD trình bày hai chuyên đề: Cơ chế gây nghiện, tái nghiện ma túy và kỹ năng phòng chống ma túy; Giới thiệu và hướng dẫn sử dụng bộ tài liệu Kỹ năng phòng chống ma túy cho học sinh.
Được biết, ngày 21 và 22/12/2021 Sở GD&ĐT tỉnh Long An sẽ tiếp tục phối hợp Viện PSD thực hiện tập huấn trực tuyến cho cho khoảng 160 chuyên viên Phòng GD&ĐT, giáo viên làm tổng phụ trách Đội trường THCS; 90 cán bộ quản lý, giáo viên làm công tác Đoàn trường THCS&THPT, THPT, Trung tâm GDTX&KTTH.