Mục tiêu nâng xếp hạng chỉ số Nộp thuế và Bảo hiểm xã hội
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và cạnh tranh quốc tế ngày càng gia tăng, các quốc gia, nền kinh tế đều nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và chú trọng đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ, sáng tạo nhằm thích ứng với nền sản xuất mới.
Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng nói trên khi Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19 về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh. Mới đây, Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ cũng đã đề ra những mục tiêu cụ thể về Tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Trong đó, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2021, nâng xếp hạng chỉ số Nộp thuế và Bảo hiểm xã hội (chỉ số A2) lên 30-40 bậc, năm 2019 từ 7-10 bậc.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết chỉ số A2 là một trong 11 chỉ số mà Ngân hàng Thế giới (WB) điều tra, khảo sát để đánh giá mức độ thuận lợi đối với hoạt động kinh doanh của một đất nước, đánh giá mức độ cải cách trong từng lĩnh vực. Việc đo lường thời gian thực hiện nộp thuế và nộp BHXH được xếp hạng dựa trên 04 yếu tố gồm: Số lần nộp (chiếm 25%), thời gian (số giờ nộp thuế và BHXH trong năm, chiếm 25%), tổng thuế suất và các khoản phải nộp (% lợi nhuận chiếm 25%), chỉ số sau nộp thuế (chiếm 25%) với các tiêu chí đánh giá gồm số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và chỉ số đo lường chất lượng các quy định.
Trên cơ sở kết quả khảo sát, WB tiến hành đánh giá, xếp hạng cấu phần nộp BHXH (tức là việc doanh nghiệp thực hiện đăng ký BHXH, BHYT, BHTN và nộp tiền) thông qua báo cáo thường niên Môi trường kinh doanh (DB) đối với 11 lĩnh vực kinh tế của 190 quốc gia trên thế giới.
Việc đo lường, đánh giá cấu phần “nộp BHXH” trong chỉ số “nộp thuế và BHXH” giúp các nhà đầu tư xem xét mức độ cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Việt Nam trong việc tạo thuận lợi cho người sử dụng lao động đối với việc nộp BHXH cho người lao động (NLĐ) theo quy định của pháp luật, đồng thời giúp cơ quan BHXH xem xét kết quả đánh giá độc lập về hoạt động cải cách đối với các TTHC tác động tới doanh nghiệp trong năm.
Cải cách TTHC là nhiệm vụ trọng tâm
Từ nhiều năm nay, BHXH Việt Nam luôn xác định cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách TTHC là một trong những nhiệm vụ quan trọng của toàn Ngành, được thực hiện thường xuyên, quyết liệt nhằm cắt giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và người dân. BHXH Việt Nam đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) ở hầu hết các hoạt động nghiệp vụ chủ yếu của ngành BHXH như: Giao dịch điện tử trong công tác thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và cấp sổ BHXH, thẻ BHYT; giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN; giám định điện tử chi phí khám chữa bệnh BHYT thông qua Hệ thống thông tin giám định BHYT; số hóa hồ sơ lưu trữ; các phần mềm phục vụ công tác tài chính - kế toán, quản lý văn bản và điều hành...
Với những nỗ lực kể trên, đó, công tác cải cách TTHC của Ngành đã nhận được đánh giá cao từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các tổ chức quốc tế cũng như sự đồng thuận của xã hội. Năm 2018, BHXH Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đứng đầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong nhóm các cơ quan thuộc Chính phủ. Theo báo cáo của WB về môi trường kinh doanh năm 2019, xếp hạng chỉ số Nộp thuế và BHXH của Việt Nam tăng 36 bậc so với môi trường kinh doanh năm 2017 (từ 167/190 lên 131/190).
Đặc biệt, việc triển khai giao dịch điện tử trong lĩnh vực thu và cấp sổ BHXH, thẻ BHYT đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Nhờ đó, số lần thực hiện giao dịch điện tử của doanh nghiệp với cơ quan BHXH đã giảm từ 12 lần/năm trước đây xuống còn 1 lần/năm. Cùng với đó là việc đa dạng hóa các hình thức tiếp nhận và trả kết quả (tiếp nhận trực tiếp, tiếp nhận và trả kết hồ sơ qua bưu điện, giao dịch điện tử), đến nay, doanh nghiệp không phải xếp hàng, chờ lấy số làm thủ tục nộp hồ sơ và nhận kết quả tại cơ quan BHXH như trước đây.
Trong 5 năm qua, số lượng TTHC trong lĩnh vực BHXH đã được cắt giảm mạnh từ 115 thủ tục xuống còn 28 thủ tục (giảm trên 75%)…Tất cả những cải cách này hướng đến một mục tiêu nhất quán: Phục vụ ngày càng tốt hơn các tổ chức, cá nhân tham gia, hưởng BHXH, BHYT, BHTN.
Đánh giá về công tác CCHC của BHXH Việt Nam, ông Lê Vĩnh Tân - Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ cho biết, công tác CCHC của ngành BHXH trong thời gian qua đã được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức chuyên ngành trong nước và ngoài nước đánh giá cao, trở thành điểm sáng trong triển khai thực hiện các Nghị quyết số 19 (năm 2016, 2017, 2018) của Chính phủ. Việc ứng dụng CNTT trong các hoạt động nghiệp vụ của Ngành cũng như trong giao dịch, giải quyết TTHC với tổ chức, cá nhân được BHXH Việt Nam quyết liệt triển khai thực hiện, được người dân, tổ chức đánh giá cao.