Tạo dựng niềm yêu thích văn học nghệ thuật cho thế hệ trẻ
Đề án “Giới thiệu và biểu diễn các vở được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới trong chương trình phổ thông, giai đoạn 2022-2030” (Đề án) đã được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt từ giữa tháng 10/2022. Một trong những người khởi xướng, đồng thời tham gia tích cực xây dựng Đề án trên là NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội. Cũng bởi thế, anh hiểu rõ hơn ai hết “đường đi nước bước” cùng những khó khăn của các nhà hát Thủ đô khi bắt tay triển khai Đề án này. Để hiểu hơn về công việc “bếp núc” của Đề án nói chung, biểu diễn thí điểm của Nhà hát Kịch Hà Nội nói riêng, phóng viên Tạp chí Người Hà Nội đã có cuộc trao đổi với NSND Trung Hiếu.
PV: Thưa NSND Trung Hiếu, là người nhiệt huyết và hết mình để xây dựng Đề án, anh có thể chia sẻ với bạn đọc sơ lược ý nghĩa của Đề án này?
NSND Trung Hiếu: Tôi và các đồng nghiệp của Nhà hát kịch Hà Nội như NSND Hoàng Dũng (đã mất), NSND Minh Hòa chính là người khởi xướng Đề án, bền bỉ theo đuổi. Ít ai biết từ năm 2013, Nhà hát Kịch Hà Nội đã xây dựng chương trình sân khấu học đường và thu được nhiều thành công, các em học sinh và giáo viên đón nhận nồng nhiệt. Vừa rồi niềm vui như nhân đôi vì UBND Thành phố Hà Nội đã phê duyệt Đề án, giúp các nhà hát của Thủ đô có cơ hội biến những con chữ trong các tác phẩm văn học nhà trường thành câu chuyện hấp dẫn trên sân khấu, đưa các nhân vật của văn học vào kịch nói, chèo, tuồng, cải lương thậm chí múa rối, xiếc – tạp kỹ, nhạc kịch…
Đề án mang tính nhân văn rất lớn, tạo dựng niềm yêu thích văn học - nghệ thuật cho các thế hệ trẻ, các cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông, thậm chí cả sinh viên đại học. Tôi tin chắc anh chị em nghệ sĩ sân khấu Hà Nội sẽ làm không hết việc và đây sẽ góp thêm nguồn lực để các nhà hát duy trì, phát triển khi dần chuyển sang hoạt động tự chủ. Đề án vừa nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị nghệ thuật trên địa bàn Thành phố Hà Nội, vừa trực tiếp góp phần thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học tại các trường học. Điều này mở ra một hình thức học tập mở, qua việc sử dụng ngôn ngữ của nghệ thuật sân khấu góp phần truyền đạt tới các em những tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới, giúp các em được mở mang tri thức, nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ, góp phần định hướng và hoàn thiện nhân cách, lối sống. Ngoài ra, Đề án sẽ góp phần xây dựng, phát triển nguồn khán giả cho sân khấu Thủ đô và phát hiện tài năng nghệ thuật sân khấu tương lai.
PV: Việc lựa chọn chuyển thể tác phẩm văn học trong nhà trường có khó khăn so với việc chuyển thể tác phẩm văn học nói chung như các nhà hát vẫn thường làm hay không, thưa anh?
NSND Trung Hiếu: Thực ra tác phẩm văn học chỉ dùng con chữ và sự chiêm nghiệm, ít có tính hành động. Kịch thì phải có sự xung đột. Bởi thế chúng tôi phải lựa chọn các tác phẩm văn học trong sách giáo khoa có tính kịch, tính sân khấu để dàn dựng. Chẳng hạn một tác phẩm văn học trong chương trình học của các cháu học sinh cấp tiểu học chỉ nửa trang hoặc một trang giấy như chuyện cây cau, cây khế, con trâu, con hổ… Với các nhà hát, để dựng thành một vở diễn thì phải xâu chuỗi, lắp ghép các tác phẩm văn học ấy lại với nhau. Đây chính là một khó khăn.
Nghe kể chuyện hoặc đọc tác phẩm văn học trong nhà trường có thể rất hay nhưng dựng thành kịch thì khác, vì kịch phải có tính xung đột và hành động. Hiện theo Đề án có 70 tác phẩm văn học của Việt Nam và thế giới được giảng dạy trong nhà trường được chọn, các nhà hát sẽ dàn dựng và biểu diễn theo những tác phẩm văn học này. Chúng tôi sẽ phải chọn lọc các tác phẩm văn học để dựng thành vở diễn, đảm bảo như một bài văn có mở bài, thân bài và kết bài. Những tác phẩm văn học đã và dự kiến được dàn dựng biểu diễn có: “Truyện Kiều”, “Hà thành chính khí”, “Quan âm Thị Kính”, “Hồ Gươm”, “Bác Hồ kính yêu”, “Rừng trúc”, “Dế mèn phiêu lưu ký”, “Cô bé bán diêm”, “Tinh thần thể dục”, “Hoàng tử bé”, “Những ngày thơ ấu”… Trung bình một vở sẽ có thời lượng từ 45 đến 60 phút.
PV: Các hình thức, tổ chức biểu diễn như thế nào, thưa anh?
NSND Trung Hiếu: Nhà hát Kịch Hà Nội là đơn vị được lựa chọn biểu diễn thí điểm đầu tiên, từ năm 2023 đến giữa năm 2024, tiếp đến 5 nhà hát thuộc Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội (Nhà hát Múa Rối Thăng Long; Nhà hát Chèo Hà Nội; Nhà hát Cải lương Hà Nội; Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội; Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long) sẽ tham gia.
Có 3 giai đoạn, thứ nhất các nghệ sĩ biểu diễn cho các em học sinh xem tại nhà hát. Tiếp đến, các em học sinh sẽ được phân vai diễn cùng các nghệ sĩ chuyên nghiệp diễn trong tác phẩm đó. Cuối cùng, các em học sinh tự tổ chức dàn dựng vở diễn và nghệ sĩ chỉ hướng dẫn về chuyên môn. Qua các giai đoạn sẽ tạo đời sống văn hóa văn nghệ sôi nổi trong các nhà trường, hình thành thói quen, khơi dậy niềm đam mê tìm hiểu tác phẩm văn học cũng như sân khấu truyền thống, văn hóa – lịch sử Hà Nội cũng như Việt Nam cho các em học sinh.
Nhà trường nếu có sân khấu đủ điều kiện biểu diễn thì các nghệ sĩ diễn ngay tại trường, hoặc trường không có sân khấu các nghệ sĩ diễn tại các nhà văn hóa của địa phương và các em học sinh tới xem. Đề án đang quy định một trường chỉ được xem một vở diễn. Tất nhiên quá trình thử nghiệm, chúng tôi sẽ điều chỉnh thêm cho phù hợp để các em có cơ hội được thưởng thức nhiều hơn các vở diễn dàn dựng theo tác phẩm văn học trong sách giáo khoa.
PV: Nhà hát kịch Hà Nội là đơn vị sân khấu tiên phong thực hiện thí điểm Đề án, tổ chức chương trình sân khấu học đường từ 10 năm trước. Anh thấy chương trình sân khấu học đường trước kia và Đề án hiện nay thế nào?
NSND Trung Hiếu: Chúng tôi đã dựng các trích đoạn Kiều trong tác phẩm “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du, đặc biệt vở kịch “Thúy Kiều - Một kiếp đoạn trường” do NSND Tuấn Hải đạo diễn, từ khi công diễn năm 2022 đến nay luôn trong tình trạng “cháy vé”. Nhiều trường học cho các em học sinh tới rạp Công Nhân xem “Thúy Kiều - Một kiếp đoạn trường”, các em đều hào hứng và thích thú khi được thấy Thúy Kiều ở một góc nhìn cụ thể hơn, dễ hiểu hơn… Nhiều em học sinh mong muốn xem trích đoạn Kiều với nội dung đã có trong tác phẩm văn học và cả ngoài chương trình học, để các em mở mang thêm kiến thức, chúng tôi đều đáp ứng. Theo kế hoạch, Nhà hát Kịch Hà Nội đã, đang dựng các vở diễn, trích đoạn về thời kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam, các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa trong nước và thế giới được đưa vào sách giáo khoa.
Năm vừa qua, chúng tôi đã đem các vở dựng theo tác phẩm văn học đến nhiều trường cấp 1, cấp 2 trên địa bàn Hà Nội. Năm nay nhà hát vừa dựng xong vở “Tinh thần thể dục” dựa theo truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Học sinh xem “Tinh thần thể dục” thấy cả một không gian phong kiến thực dân hiện lên trước mắt, được xem các nhân vật bước ra từ tác phẩm văn học tung tẩy trên sân khấu. Qua các vở kịch tại chương trình sân khấu học đường trước đây và các vở mới, các em học sinh bàn luận sôi nổi, thêm yêu văn hóa nghệ thuật truyền thống Việt Nam và có những phản hồi tích cực với nhà hát.
Khi được nghe giảng trên lớp, có thể các em học sinh chỉ chạm đến một phần nào đó ý nghĩa của tác phẩm văn học. Nhưng khi được xem tác phẩm văn học dựng thành vở diễn sân khấu, các em có thêm phương thức cảm thụ mới và nó mềm mại, độc đáo hơn từ nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu.
PV: Thưa NSND Trung Hiếu, theo anh, Đề án nếu triển khai hiệu quả và thành công sẽ có tác động như thế nào đối với nghệ thuật sân khấu và ngành giáo dục?
NSND Trung Hiếu: Trong các cuộc gặp gỡ với những đồng nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sân khấu, nhiều văn nghệ sĩ ở các tỉnh, thành phố đều chia sẻ với tôi rằng rất kỳ vọng Nhà hát kịch Hà Nội và các đơn vị sân khấu của Thủ đô sẽ thực hiện thành công Đề án, tạo tiền đề lan tỏa mô hình ra cả nước. Bởi hoạt động này giúp các em học sinh có sân chơi bổ ích, đem lại cuộc sống tinh thần trong sáng, lành mạnh, lạc quan để học tập tốt hơn và bồi dưỡng thế giới nội tâm, nhân cách, lối sống, những khát vọng, hoài bão của tuổi trẻ theo truyền thống của cha ông.
Xin trân trọng cảm ơn NSND Trung Hiếu về cuộc trò chuyện này!