Chuyển động Hà Nội

Tạo đà cho thủ công mỹ nghệ thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn của Thủ đô

Thụy Phương 15:56 14/10/2023

Với hệ thống làng nghề phong phú, sản phẩm đa dạng và đặc sắc, nghề thủ công mỹ nghệ là một trong 6 ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn được Thành phố Hà Nội xác định ưu tiên đầu tư trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này, thì còn có nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.

Chưa tương xứng với tiềm năng

Hà Nội có tới 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm 1/3 làng nghề trên cả nước, trong đó có nhiều làng nghề nổi tiếng như: Lụa Vạn Phúc (Hà Đông), gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm), mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ), thêu Quất Động, sơn mài Hạ Thái (Thường Tín)… Hầu hết các làng nghề có truyền thống từ lâu đời, nhiều nghề đã để lại những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao như sơn mài, đồ gốm, mây tre đan…

Với những sản phẩm phong phú, kỹ thuật thủ công tinh xảo, thủ công mỹ nghệ ở Hà Nội được đánh dấu là ngành có vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng của Thành phố, có tiềm năng xuất khẩu lớn và có tỷ suất lợi nhuận cao. Theo thống kê của Sở Công thương Hà Nội, Thành phố hiện có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 đến 20 tỷ đồng/năm; gần 70 làng nghề đạt từ hơn 20 đến 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt hơn 50 tỷ đồng/năm…

70-x-50-anh-10-10-2023-lang-nghe-x-42-anh-2.jpg
Tác phẩm "700 ngày" của NSNA Lê Việt Khánh - Giải Khuyến khích chủ đề "Làng nghề Hà Nội" tại Cuộc thi ảnh nghệ thuật Hà Nội lần thứ 53.

Hà Nội cũng là địa phương có số nghệ nhân đông đảo nhất. Với kỹ thuật thủ công tinh xảo các nghệ nhân đã cho ra đời nhiều sản phẩm thể hiện sự tài khéo, tinh tế trong kỹ thuật tạo hình và trang trí sản phẩm.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia thủ công mỹ nghệ Vũ Hy Thiều “các làng nghề thủ công còn có thói quen thờ tổ nghề, có phong tục tập quán riêng liên quan đến nghề, có những truyền thuyết, dân ca và lễ hội rất đặc sắc, làm phong phú thêm bản sắc văn hóa dân tộc, khiến cho nhiều khách du lịch và các nhà nghiên cứu phải quan tâm”.

Tuy nhiên, cũng giống như nhiều địa phương trên cả nước, nghề thủ công mỹ nghệ của Hà Nội đang đứng trước bộn bề khó khăn, thách thức mà nguyên nhân xuất phát từ cơ chế, chính sách còn bất cập; nguồn nguyên liệu dần bị khai thác cạn kiệt; chất lượng nguồn nhân lực chưa đồng đều; thiếu sự liên kết giữa các vùng sản xuất, cơ sở sản xuất, các ngành nghề và làng nghề với nhau; tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề ngày càng gia tăng; khả năng tiếp cận, mở rộng thị trường còn thụ động...

Theo lãnh đạo huyện Phú Xuyên, một trong số các yếu tố khiến tiềm năng làng nghề tại địa phương chưa đánh thức, khơi dậy, phát huy được đó là do: Cơ sở hạ tầng ở một số làng nghề chưa đáp ứng yêu cầu, ảnh hưởng đến sản xuất và lưu thông hàng hóa. Chưa có khu thương mại, dịch vụ của huyện để trưng bày giới thiệu sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp. Vấn đề môi trường, khí thải, rác thải rắn, tiếng ồn… ở một số làng nghề vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Chưa xây dựng thị trường tiêu thụ sản phẩm kết hợp được với triển khai chương trình OCOP “Mỗi xã một sản phẩm” để tạo uy tín trên thị trường, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm làng nghề, tham gia ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa, nghiên cứu thị trường khai thác nhu cầu trong dài hạn để phát triển sản xuất làng nghề…

Là người nhiều năm lăn lộn ở các làng nghề ở Thủ đô, dõi theo những thăng trầm của từng làng nghề cùng những tâm huyết và đau đáu của các thế hệ nghệ nhân làng nghề, chuyên gia thủ công mỹ nghệ Vũ Hy Thiều không khỏi trăn trở trước thực trạng phát triển nghề thủ công mỹ nghệ ở Thủ đô. Theo ông, dẫu là nơi tập trung tinh hoa của làng nghề, nhưng thực tế nghề thủ công mỹ nghệ phát triển chưa xứng với tiềm năng. Hiện nay, vẫn đang thiếu một cơ quan quản lý về nghề thủ công mỹ nghệ. Thêm nữa, vấn đề đầu tư đào tạo cho các làng nghề chưa thực hiện được, mà chủ yếu là học theo lối truyền nghề. Bởi thế yếu tố thẩm mỹ, kỹ năng thiết kế mẫu, tìm kiếm thị trường, cách quản lý sản xuất... luôn là những tồn tại ở các làng nghề mà đến giờ vẫn chưa khắc phục được.

Tạo đà bằng sự kết nối và tiếp sức

Để phát huy thế mạnh của các làng nghề trong phát triển công nghiệp văn hóa, nhiều chuyên gia cho rằng cần hoàn thiện thể chế cơ chế chính sách phát triển làng nghề; chú trọng cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh thị trường xuất khẩu, xúc tiến thương mại; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đảm bảo an ninh nguyên liệu cho sản xuất; phát triển thủ công mỹ nghệ gắn với khai thác phát triển làng nghề…

Từ những vướng mắc trong phát triển nghề thủ công truyền thống tại địa phương mình, ông Bùi Công Thản - Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín đề xuất UBND thành phố, các Sở ngành có liên quan cần quan tâm đến cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển làng nghề, hoàn thiện đề án bảo tồn làng nghề, thúc đẩy đào tạo nghề, truyền nghề, cấy nghề những nơi chưa có nghề, có chương trình khuyến công, hỗ trợ chuyển giao, đổi mới công nghệ sản xuất, xử lý môi trường tại các làng nghề cho phù hợp với thực tế hoạt động của các làng nghề truyền thống hiện nay.

70-x-50-anh-10-10-2023-lang-nghe-x-42-anh-17.jpg
"Phơi miến làng So" - Ảnh: Trần Tuấn Việt

Bên cạnh đó, cần có kế hoạch khảo sát tình hình hoạt động tại các làng nghề để nắm vững đặc thù của các làng nghề thủ công truyền thống, phân loại và đánh giá tiềm năng của các làng nghề để có phương án bảo tồn, khôi phục và phát triển; triển khai có hiệu quả Đề án bảo tồn và phát triển làng nghề, du lịch gắn với phát triển làng nghề, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý, kỹ thuật để sáng tác mẫu mã, nâng cao trình độ tay nghề, khả năng sáng tạo, kiến thức tổ chức sản xuất… cho người lao động và các cơ sở sản xuất trên địa bàn Thủ đô; tiếp tục có chính sách chăm lo, hỗ trợ, tôn vinh các thế hệ nghệ nhân có sứ mệnh lĩnh hội, cải tiến, bổ sung và truyền nghề…

“Nghề thủ công truyền thống đang cần sự kết nối và tiếp sức của các nhà thiết kế, các nhà đầu tư và đội ngũ doanh nhân để mỗi sản phẩm thủ công truyền thống mang trong mình thông điệp di sản có tính đại diện của từng địa phương và khu vực. Để các sản phẩm thủ công trở thành món quà được du khách ưa chuộng, việc sáng tạo sản phẩm mới cần dựa trên giá trị cốt lõi truyền thống. Ngoài ra, cần phải chú trọng giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, tìm nguồn nguyên liệu thích ứng, thiết kế mẫu mã bắt mắt, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong nước và quốc tế”, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long nêu quan điểm.

Theo GS.TS Từ Thị Loan (Viện Văn hóa, nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia) ngành thủ công mỹ nghệ ở Hà Nội đang góp phần hình thành hàng ngàn nhà sản xuất, thương gia, nhà xuất khẩu và các công ty dịch vụ. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Thủ đô đang từng bước “lột xác” để trở thành món đồ sáng tạo có giá trị cao, xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới. “Để củng cố và phát triển bền vững ngành Thủ công mỹ nghệ tại Hà Nội như một nguồn vốn văn hóa, chúng ta cần có một chiến lược dài hạn, triển khai các giải pháp đồng bộ thiết thức và hiệu quả. Công việc này, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của các cơ sở sản xuất, các làng nghề, sự tham gia của các Hiệp hội, thì rất cần sự hỗ trợ quản lý, điều tiết vĩ mô thống nhất của Nhà nước, sự liên kết phối hợp giữa các sở ngành, cơ quan chức năng thì mới có thể đi tới thành công và phát triển bền vững”, GS.TS Từ Thị Loan nhấn mạnh./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Nhà văn hoá Nguyễn Đình Thi - người nghệ sĩ tài hoa của Thủ đô và đất nước
    Chiều 12/12/2024, Thành ủy Hà Nội phối hợp cùng Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Báo Nhân Dân và các cơ quan tuyên giáo, văn hóa, văn nghệ tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay” nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của nhà văn hóa lớn, nghệ sĩ tài năng Nguyễn Đình Thi (20/12/1924 – 20/12/2024). Hội thảo là dịp để nhìn nhận, đánh giá, tôn vinh di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi.
  • Trao giải, triển lãm 62 tác phẩm ảnh “Nghề truyền thống Huế - Mạch nguồn di sản”
    62/561 tác phẩm ảnh chất lượng trong cuộc thi ảnh “Nghề truyền thống Huế - Mạch nguồn di sản” được đưa ra triển lãm và trong đó có 11 tác phẩm của 8 tác giả xuất sắc đạt giải.
  • Tổ quốc trong sáng tác của các cây bút trẻ
    Trong trái tim mỗi người con nước Việt, bóng hình đẹp đẽ và thiêng liêng, kiêu hùng và nhân hậu chính là Tổ quốc. Tổ quốc rạng ngời trên trang viết của bao thế hệ đi trước, rồi được kế thừa bởi thế hệ trẻ hôm nay. Mỗi tác giả có một cách thể hiện khác nhau về đề tài Tổ quốc, mỗi tác phẩm là một nét vẽ riêng về dáng hình Việt Nam, góp phần hình thành nên diện mạo chung của đất nước tráng lệ và linh thiêng trong văn chương nghệ thuật. Tiếp nối sự thành công và dấu ấn sâu đậm mà những cây bút thời kỳ trước ma
  • Nguyên Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến thôi nhiệm vụ đại biểu HĐND TP Hà Nội
    Bà Nguyễn Thị Tuyến, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội và ông Nguyễn Quang Đức, nguyên Trưởng ban Nội chính, được cho thôi nhiệm vụ đại biểu HĐND thành phố do được phân công công tác khác.
  • Cơ hội tăng trưởng cho ngành rau, hoa, quả Việt Nam
    Ngày 12/12, tại Hà Nội đã diễn ra buổi họp báo giới thiệu Triển lãm quốc tế chuyên ngành Công nghệ sản xuất và Chế biến rau, hoa, quả lần thứ 7 (HortEx Vietnam 2025).
Đừng bỏ lỡ
Tạo đà cho thủ công mỹ nghệ thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn của Thủ đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO