Chính sách & Quản lý

Tăng thuế VAT với hàng hóa, dịch vụ văn hóa nghệ thuật: Tạo đà hay lực cản?

Quỳnh Chi 04/11/2024 07:38

Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) vừa được trình Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 8. Đáng quan tâm, Dự thảo Luật này quy định các hàng hóa, dịch vụ về văn hóa nghệ thuật như điện ảnh, sân khấu… chịu mức thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%. Câu hỏi được đặt ra: tăng thuế VAT với hàng hóa, dịch vụ về văn hóa nghệ thuật thời điểm này là tạo đà hay là lực cản?

1. Đảng, Nhà nước ta đã xác định việc phát triển văn hóa phải được đặt ngang hàng với phát triển kinh tế, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước. Chính vì thế, Chính phủ giao Bộ VH-TT&DL chủ trì xây dựng “Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035”. Ngày 1/11, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình này.

pht_3420.jpg
Các thí sinh dự thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2023 xem chương trình thực cảnh "Tinh hoa Bắc Bộ" tại Khu du lịch quốc tế Tuần Châu - Hà Nội (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội).

Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 đặt ra 7 mục tiêu tổng quát. Điển hình có nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa, nhu cầu tập luyện, giải trí của nhân dân, thu hẹp sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư, giới tính từ đó nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc. Huy động nguồn lực, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, hiệu quả cho phát triển văn hóa, đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Và để thực hiện được các mục tiêu, tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình dự kiến là 122.250 tỷ đồng.

Như vậy có thể khẳng định, với Chương trình trên, Đảng và Nhà nước đặc biệt chú trọng việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhất là đảm bảo mọi tầng lớp xã hội được tiếp cận, hưởng thụ và thể hiện năng lực trong sáng tạo, gìn giữ và phát triển văn hóa Việt Nam; đảm bảo quyền và lợi ích của các chủ thể khi tham gia đầu tư vào lĩnh vực văn hóa... Kết luận số 100/KL-TW ngày 21/10, Bộ Chính trị cũng đã thống nhất chủ trương đầu tư “Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035”.

2. Trở lại với việc Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) vừa được trình Quốc hội khóa XV. So với Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 (hiện hành), dự thảo Luật sửa đổi đã có nhiều điểm mới. Luật năm 2008 quy định các hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục thể thao, biểu diễn nghệ thuật, điện ảnh được hưởng thuế suất thuế VAT 5% (Điểm n, Khoản 2, Điều 8).

Tuy nhiên, dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) quy định, các hàng hóa, dịch vụ trong Luật 2008 nêu trên đã bị đưa ra khỏi danh mục được hưởng thuế suất 5% và sẽ chịu mức thuế 10% (Khoản 3, Điều 9, dự thảo Luật: Mức thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả dịch vụ được các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam cung cấp cho tổ chức, cá nhân tại Việt Nam qua kênh thương mại điện tử và các nền tảng số) không quy định tại khoản 1 (mức thuế suất 0%) và khoản 2 (mức thuế suất 5%) Điều này).

phim-mai.jpg
Khán giả đến xem phim "Mai" của Trấn Thành. "Mai" cũng là phim điện ảnh Việt có doanh thu cao nhất mọi thời đại ở nước ta, với gần 540 tỉ đồng.

Thực tế chỉ ra, nền công nghiệp điện ảnh ở nước ta không có nhiều tác phẩm có doanh thu hàng trăm tỷ đồng, như: Bố già, Nhà bà Nữ, Mai, series phim Lật mặt, Gái già lắm chiêu, Em chưa 18, Hai Phượng, Tiệc trăng máu, Em và Trịnh, Cua lại vợ bầu, Mắt biếc… Ngược lại, rất nhiều phim Việt rơi vào tình trạng “sớm nở tối tàn”, doanh thu èo uột bởi nhiều nguyên nhân khác nhau khiến nhà sản xuất, đơn vị phát hành chịu cảnh thua lỗ.

Tương tự, chúng ta cũng chưa có nhiều chương trình ca nhạc bán vé với lượng khán giả hàng chục nghìn như trường hợp nhóm nhạc BlackPin (Hàn Quốc) đến Hà Nội biểu diễn hồi tháng 7/2023. Các chương trình ca nhạc của những ngôi sao như Mỹ Tâm, Đen Vâu, Hà Anh Tuấn…cũng chỉ vài nghìn người xem, giá vé từ vài trăm ngàn đến tiền triệu nhưng chi phí để đơn vị, doanh nghiệp đứng ra tổ chức cũng không phải nhỏ.

Nghệ thuật sân khấu lại càng đáng bàn hơn. Sự bùng nổ của nhiều loại hình giải trí thời đại mới khiến sân khấu kịch nói, cải lương, tuồng, chèo, xiếc, múa rối… mất đi thị phần khán giả. Các buổi diễn bán vé của các nhà hát dù diễn viên, nghệ sĩ chuẩn bị, tập luyện kỹ càng, biểu diễn nhập vai nhưng cũng khó lấp đầy vài trăm ghế trong rạp chứ chưa đến hiện tượng “cháy vé”. NSND Trần Lực - người sáng lập đoàn kịch tư nhân Luc Team thẳng thắn chia sẻ, đa phần các vở diễn dàn dựng xong chỉ mong hòa vốn, nghệ sĩ hoạt động vì đam mê và sự yêu nghề.

3. Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) quy định mức thuế suất 10% VAT với các hàng hóa, dịch vụ biểu diễn nghệ thuật, điện ảnh... đồng nghĩa với việc giá vé vào cửa xem phim, xem chương trình ca nhạc, bảo tàng, thư viện tăng lên. Mức tăng thêm 5% so với Luật năm 2008 không quá cao nhưng với chương trình nghệ thuật biểu diễn có giá từ 800.000 - 10.000.000 đồng/vé, sẽ tăng 40.000-500.000 đồng/vé. Trong khi với người tiêu dùng thời điểm nhạy cảm với sự tăng giá, lạm phát, việc phải bỏ ra thêm vài chục đến cả trăm nghìn sẽ khiến nhiều người cân nhắc.

my-tam.jpg
Ca sỹ Mỹ Tâm trong liveshow Tri âm trên sân vận động Mỹ Đình (TP. Hà Nội) với hơn 30.000 khán giả theo dõi.

Nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh nói riêng và văn hóa nghệ thuật nói chung rất cần khán giả, công chúng. Chính khán giả sẽ quyết định sự thành bại của một chương trình, tác phẩm điện ảnh. Câu hỏi được đặt ra: nếu tăng thuế VAT nhưng lượng công chúng thưởng thức phim ảnh, ca nhạc giảm đi thì sẽ thế nào? Việc thực hiện phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta, trong đó có điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn ra sao? Điều này có thể tạo rào cản với công chúng khi muốn tiếp cận các sản phẩm văn hóa hay không?

Phát biểu tại nghị trường về việc Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) quy định mức thuế suất 10% VAT với các hàng hóa, dịch vụ biểu diễn nghệ thuật, bà Trần Thị Thu Đông - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu, đồng thời là Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đánh giá, việc tăng này sẽ làm giảm khả năng tiếp cận các sản phẩm văn hóa của nhân dân, đặc biệt là những hoạt động mang tính công cộng như bảo tàng, thư viện và các sự kiện văn hóa cơ sở. “Khi sửa các luật có liên quan đến văn hóa như Luật Thuế giá trị gia tăng thì cần phải sửa theo hướng tạo thuận lợi cho lĩnh vực văn hóa” – bà Trần Thị Thu Đông kiến nghị.

Như vậy, chúng ta có nên chờ thêm thời gian, từ “đời sống” thực tiễn của nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh… để có thêm dữ liệu, quan sát, thêm cơ chế chính sách thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển hơn, từ đó có quy định tăng - giảm thuế tại Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đối với một số lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật?

Và thời điểm này chúng ta có nên hỗ trợ tối đa, tạo môi trường pháp lý ổn định và có tính tháo gỡ, để các ngành công nghiệp văn hóa như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn chuyển mình, có chỗ đứng vững mạnh hơn không?!

Bài liên quan
  • Hội sách và văn hoá đọc Sơn Tây lần I: Góp phần xây dựng xã hội học tập
    Tối 1/11, UBND thị xã, Ban Tuyên giáo Thị ủy Sơn Tây phối hợp với Công ty Sách và Truyền thông Việt Nam tổ chức lễ khai mạc Hội sách và văn hóa đọc Sơn Tây lần thứ I, hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập thị xã Sơn Tây (1924-2024), 555 năm danh xưng Sơn Tây (1469-2024), 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024).
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Ô Quan Chưởng - Cửa ô cuối cùng của Hà Nội
    Cửa Ô Quan Chưởng nằm ở phía Đông thành Thăng Long xưa, hiện nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là một trong những cửa ô quan trọng của thành Thăng Long còn sót lại cho đến ngày nay. Chứng kiến biết bao biến đổi thăng trầm của Thủ đô, giữa phố phường Hà Nội nhộn nhịp hôm nay, Ô Quan Chưởng vẫn sừng sững uy nghiêm, khoác lên mình vẻ đẹp cổ kính, bình yên...
  • “Vang danh nghề cổ” - series tranh truyện độc đáo về làng nghề thủ công Việt Nam
    NXB Kim Đồng vừa ra mắt bộ sách “Vang danh nghề cổ” - series tranh truyện độc đáo giới thiệu về các làng nghề thủ công truyền thống của Việt Nam dành cho bạn đọc nhỏ tuổi.
  • Ra mắt tập truyện của nhà văn đương đại nổi tiếng Đài Loan
    Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam vừa ra mắt bạn đọc tập truyện “Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành” của nhà văn Ngô Minh Ích - một trong những tên tuổi nổi bật của nền văn học Đài Loan đương đại. Cuốn sách phản ánh những trăn trở và khám phá của Ngô Minh Ích về sự cô đơn, nỗi trăn trở của con người trong xã hội hiện đại và hành trình tìm kiếm ý nghĩa giữa nhịp sống đô thị.
  • Bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từ tháng 12
    Bộ GD&ĐT mới ban hành Thông tư số 13/2024 quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập và giáo viên dự bị đại học. Thông tư này thay thế Thông tư số 34 ngày 30/11/2021 của Bộ GD&ĐT và có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12/2024.
  • Hà Nội gỡ khó 5 dự án chậm tiến độ, tạo động lực và nguồn lực phát triển Thủ đô
    Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành thông báo “Kết luận của Chủ tịch UBND Thành phố tại cuộc họp về tình hình triển khai một số dự án đầu tư kéo dài, chậm triển khai, chậm đưa vào sử dụng trên địa bàn Thành phố” diễn ra ngày 30/10.
Đừng bỏ lỡ
Tăng thuế VAT với hàng hóa, dịch vụ văn hóa nghệ thuật: Tạo đà hay lực cản?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO