Chính sách & Quản lý

Đề xuất thành lập trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài

Việt Thương 18:50 01/11/2024

Sáng 1/11, thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, nhiều đại biểu quan tâm đến đề xuất của Chính phủ về việc đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.

011120241038-z5988131199193_dacc6c09eb178c407733a24ead97c153.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung Phiên họp (ảnh: QH)

Các ý kiến đều bày tỏ đồng tình với chủ trương này. Theo đại biểu Trình Lam Sinh (Đoàn An Giang), việc xây dựng các trung tâm văn hóa ở nước ngoài sẽ giúp giới thiệu và lan tỏa hình ảnh văn hóa đất nước, con người Việt Nam với quốc tế, vì vậy cần có cơ chế đặc biệt để thực hiện.

xxxx.jpg
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn An Giang. (Ảnh: QH)

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) khẳng định, chủ trương xây dựng trung tâm văn hóa ở các nước là xu hướng trên thế giới góp phần giới thiệu, lan tỏa văn hóa quốc gia.

Bên cạnh đó, các trung tâm này còn đóng góp vào việc thu hút đầu tư, thương mại, du lịch, từ đó lan tỏa hình ảnh quốc gia, tạo sức mạnh mềm của đất nước, dân tộc.

Đây là đòi hỏi cấp thiết trong quá trình hội nhập quốc tế toàn diện, sâu đậm của Việt Nam, và cũng là nhu cầu của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Trên cơ sở đánh giá, vận hành của Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp và Lào, xuất phát từ tình hình thực tiễn, yêu cầu của nhiệm vụ văn hóa, chính trị, an ninh của đất nước; ĐBQH Trần Thị Thanh Hương thống nhất với đề xuất đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đầu tư có chọn lọc để phát huy hiệu quả, không để xảy ra tình trạng lãng phí.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương đề nghị Chính phủ cần cân nhắc thêm trước mắt cần quan tâm lựa chọn những nước có mối quan hệ văn hóa lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập và có các đối tác dẫn đầu về đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Bà cũng đề nghị đánh giá kỹ lưỡng hơn về nội dung, phạm vi quy mô cũng như cân đối nguồn lực để xác định danh mục và lộ trình triển khai thực hiện đảm bảo phù hợp, khả thi và hiệu quả.

bbb.jpg
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn Bình Định. Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) cho biết, trước đây ông đã có ý kiến Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài sẽ góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam cần xây dựng Bộ nhận diện bản sắc văn hóa Việt Nam, nâng cao chất lượng các sản phẩm văn hóa để phục vụ cho hoạt động của các Trung tâm văn hóa tại nước ngoài. Bộ VH-TT&DL đồng ý tiếp thu và sẽ thể hiện tại nội dung thành phần số 9 về “Hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới”.

Trong báo cáo chưa nêu rõ nội dung tiếp thu nên đại biểu Cảnh đề nghị trong điểm 9.1 về Phát huy vai trò của các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài cần bổ sung nội dung chi tiết 9.1.2 là “Giới thiệu Bộ bản sắc văn hóa và những nét đặc sắc của văn hóa các dân tộc Việt Nam đến với thế giới”.

“Tôi cũng đã phát biểu chúng ta chưa có Bộ nhận diện bản sắc văn hóa Việt Nam rõ nét như Nhật Bản hay Hàn Quốc. Bên cạnh đó pháp luật cũng chưa quy định cơ quan có thẩm quyền nào được duyệt những bản sắc văn hóa Việt Nam như: Quốc phục, Quốc hoa. Dự thảo Luật di sản văn hóa (sửa đổi) Quốc hội chuẩn bị thông qua cũng chưa có nội dung giao thẩm quyền cho cơ quan nào có thẩm quyền duyệt những bản sắc văn hóa Việt Nam. Nếu không quy định Bộ nhận diện bản sắc văn hóa Việt Nam trong Chương trình này để có căn cứ xây dựng, cũng như quy định thẩm quyền phê duyệt thì sẽ như trước đây, Bộ VH-TT&DL tổ chức đánh giá, bình chọn Quốc phục, Quốc hoa, rồi cũng dừng lại giữa chừng vì không ai có thẩm quyền phê duyệt. Bộ nhận diện bản sắc văn hóa Việt Nam, ngoài những gì đã được pháp luật quy định thì còn Quốc phục, Quốc hoa, Quốc cầm, Quốc vũ, Quốc võ, Quốc tửu, ẩm thực Quốc gia... Đây cũng là những yếu tố để tạo nên một chuẩn mực cho Quốc yến tại những sự kiện Quốc gia, Quốc tế lớn của Việt Nam”, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị tại khoản 5, Điều 1 của Nghị quyết Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 bổ sung thêm 1 cụm từ “giới thiệu Bản sắc văn hóa” ở gạch đầu dòng thứ 7 và viết lại là “Hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, giới thiệu Bản sắc văn hóa và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới”.

“Thời gian qua, giới trẻ đã quan tâm hơn đến áo dài nam và đã mặc nhiều hơn tại các sự kiện văn hóa, lễ, tết và ngày cưới. Tôi nghĩ đây cũng là thời điểm phù hợp để Bộ VH-TT&DL khởi động lại việc chọn Quốc phục”, ĐB Cảnh đề nghị.

ssss.jpg
Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn TP Hà Nội. (ảnh: QH)

Về việc đề xuất thành lập trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cũng đồng tình nhưng đề nghị Chính phủ cân nhắc kỹ khi xác định, xây dựng một trung tâm văn hóa tại nước ngoài vì bản chất đây là hoạt động để “xuất khẩu văn hóa”, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như văn hóa, chính trị, quan hệ giữa hai quốc gia.

Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài phải đảm bảo có tính lưỡng dụng cao, là nơi có thể đứng ra tổ chức các hội nghị, hội thảo, hội chợ... Trung tâm này không chỉ để Việt Nam dùng mà cả nước bạn cũng có thể dùng để tăng tính hiệu quả.

Ông nhấn mạnh, chỉ xây các trung tâm này khi dự kiến thu bù được cho chi. Bởi hiện tại, các đơn vị này có thể có kinh phí của chương trình, nhưng sau đó phải thu được kinh phí để đảm bảo chi phí thuê đất, duy tu, bảo dưỡng... thì trung tâm mới tồn tại lâu dài được.

Phát biểu giải trình về vấn đề trên tại cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, việc đầu tư các trung tâm văn hóa nước ngoài nhằm thực hiện chiến lược văn hóa đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Khi làm, Chính phủ sẽ hết sức lưu ý, dựa trên các hiệp định giữa hai Chính phủ, ưu tiên các quốc gia Việt Nam có mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

“Như nhiều đại biểu khẳng định, đây là sự hiện diện của văn hóa Việt Nam ở nước ngoài và thông qua đó để chúng ta quảng bá, bảo tồn, giới thiệu văn hóa của Việt Nam. Đó cũng là ngôi nhà chung văn hóa của kiều bào nước ta ở nước ngoài. Vì vậy, hướng tới chúng ta sẽ lựa chọn từ 3 đến 5 trung tâm cần thiết và ưu tiên theo thứ tự. Nguồn lực của chúng ta đến đâu, kiều bào của chúng ta sinh sống ở địa bàn nào, nhu cầu ở đó ra sao, khả năng phát triển thế nào..., chúng ta sẽ làm đến đó,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Từ chiếc nôi nuôi dưỡng tình yêu văn học…
    Hè năm 1989, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội chiêu sinh lớp hướng dẫn sáng tác văn học khóa I do nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn phụ trách. Lớp hướng dẫn sáng tác này đã nuôi dưỡng những hạt mầm văn chương, chắp cánh cho những ước mơ văn chương ngày một bay cao, bay xa. Cũng từ đây, CLB Văn học trẻ Hà Nội trực thuộc hội Văn học Hà Nội (nay là Hội Nhà văn Hà Nội) đã được ra đời.
  • Cơ hội thưởng lãm tác phẩm của hai nghệ sĩ tài năng Katsumi Mukai và Nguyễn Quân
    Từ 15/11 đến 1/12/2024, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) diễn ra triển lãm “Chuyển động trong tĩnh lặng” của nghệ sĩ Katsumi Mukai và triển lãm “Nguyện” của nghệ sĩ Nguyễn Quân. Triển lãm do Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Sóng Mây tổ chức với sự giám tuyển của họa sĩ Vũ Hồng Nguyên là sự tôn vinh đầy ý nghĩa đối với hai nghệ sĩ tài năng đã cống hiến cuộc đời mình cho nghệ thuật tạo hình.
  • [Video] Làng nghề Hạ Thái: Lưu giữ hồn dân tộc bằng sơn mài
    Làng nghề sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội) là một trong 7 điểm du lịch làng nghề đầu tiên của Thủ đô. Trải qua hàng trăm năm, từ nghệ thuật sơn mài truyền thống, thô sơ, người thợ sơn mài Hạ Thái đã tìm tòi, sáng tạo ra những kỹ thuật sử dụng những chất liệu mới để tạo nên những sản phẩm mỹ nghệ độc đáo đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, gìn giữ, phát huy những tinh hoa giá trị độc đáo của nghề truyền thống mà cha ông để lại.
  • Thu gom, quản lý được 570 tấn rác thải nhựa từ dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam”
    Từ năm 2021 – 2024 Thừa Thiên Huế thu gom và quản lý được 570 tấn rác thải nhựa thông qua can thiệp của dự án "Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam".
  • Trường THCS Phú Minh long trọng kỷ niệm 60 năm ngày thành lập
    Trong không khí hân hoan cùng cả nước kỷ niệm 42 năm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 và 70 năm ngày thành lập ngành GD&ĐT Thủ đô, sáng ngày 16/11, trường THCS Phú Minh, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội long trọng tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường (1964-2024).
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất thành lập trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO