Siết chặt quản lý chất lượng bánh trung thu

Hà An/Nhân dân| 24/09/2017 16:24

Năm nay, thị trường bánh trung thu tại Hà Nội xuất hiện nhiều sản phẩm mới, tuy nhiên sức mua chưa tăng mạnh. Để siết chặt quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm mặt hàng này, các đoàn công tác của T.Ư và TP Hà Nội tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, nhằm bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.

Siết chặt quản lý chất lượng bánh trung thu
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra cửa hàng kinh doanh bánh trung thu tại khu vực chợ Hàng Da, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: TRẦN VIỆT

Mặc dù các nhà sản xuất bánh trung thu đều chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, thiết kế bao bì bắt mắt, tuy nhiên, đến thời điểm này, sức mua mặt hàng này chưa tăng mạnh. Tại nhiều điểm bán bánh trung thu tại Hà Nội, khách hàng chủ yếu là những người mua buôn đến tìm hiểu mẫu mã, giá cả, mức chiết khấu. Một nhân viên bán bánh trung thu trên đường Cầu Giấy cho biết, trung bình mỗi ngày, chỉ bán được khoảng mười đến 15 chiếc bánh.


Các dòng sản phẩm được nhiều khách hàng chọn mua là loại bánh nhân truyền thống, và loại bánh có nhân cốm hạt dẻ, hạt sen trà xanh, đậu xanh lá dứa, đậu đỏ, sầu riêng có từ một đến bốn trứng. Trên thị trường cũng xuất hiện nhiều loại bánh trung thu có hương vị mới, tạo cảm giác mới lạ với người tiêu dùng. Công ty Mondelez Kinh Đô Việt Nam đưa ra thị trường 84 loại bánh với nhiều hương vị mới. Ngoài những hương vị truyền thống, còn có dòng bánh Trung thu Oreo với các vị sô-cô-la sữa, ca-pu-si-nô, mứt dâu tây… Công ty cổ phần Bibica sản xuất hơn 600 tấn sản phẩm với khoảng 60 chủng loại khác nhau, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó có một số dòng bánh mới như bánh trung thu mô-chi, bánh trung thu trái cây nhiệt đới. Công ty cổ phần Bánh Givral có bánh dẻo nhân kem lạnh, nhân tỏi đen... Các thương hiệu như Hữu Nghị, Hải Hà, Thu Hương... cũng bày bán nhiều sản phẩm mới. Giá bánh nhỉnh hơn so với mùa trung thu trước khoảng từ 3% đến 5%. Trung bình giá một hộp bánh (bốn chiếc) từ 160 nghìn đồng đến 400 nghìn đồng. Đối với dòng sản phẩm cao cấp, giá dao động từ 600 nghìn đến 3,2 triệu đồng/hộp. Lý giải điều này, đại diện các doanh nghiệp đều cho rằng, do một số nguyên liệu đầu vào như đường, đậu, hạt dưa tăng, chi phí nhân công tăng, khiến giá bánh tăng.


Bánh trung thu là loại bánh tươi, mang lại lợi nhuận cao, nhưng là sản phẩm mang tính mùa vụ, thời hạn sử dụng ngắn, được sản xuất đại trà, nếu quá trình sản xuất, bảo quản bánh không bảo đảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, các cơ sở sản xuất bánh trung thu phải tuyệt đối tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Liên tiếp trong những ngày qua, các đoàn kiểm tra của T.Ư và TP Hà Nội tổ chức kiểm tra nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm này, qua đó phát hiện nhiều sai phạm. Tại cơ sở sản xuất bánh trung thu của Công ty TNHH Nhọ Nồi (số 144, phố Phó Đức Chính, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình), chủ cơ sở không xuất trình được các giấy tờ pháp lý liên quan; khu vực sản xuất mất vệ sinh, nguyên liệu không rõ nguồn gốc để lẫn với thành phẩm; trên sản phẩm không ghi tên cơ sở sản xuất. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở này, thu hồi toàn bộ sản phẩm, đồng thời, giao UBND quận Ba Đình xử lý, tái kiểm tra. Tại cơ sở sản xuất bánh trung thu Tùng Lâm (số 100, phố Phó Đức Chính), đoàn phát hiện khu vực làm bánh chưa bảo đảm an toàn thực phẩm. Đáng lưu ý, ngày đoàn kiểm tra là 15-9, nhưng trên vỏ bánh ghi ngày sản xuất là 16-9. Đoàn kiểm tra yêu cầu trong một tuần, cơ sở phải khắc phục, nếu tiếp tục vi phạm, sẽ đình chỉ hoạt động. Tại cơ sở sản xuất của Công ty cổ phần bánh ngọt Anh Hòa (số 55, đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân), đoàn kiểm tra phát hiện nền nhà mất vệ sinh, nhân viên không đeo khẩu trang khi làm việc, nguyên liệu để lẫn trong khu sản xuất, không lưu mẫu theo quy định, trứng làm nguyên liệu làm bánh có nhiều quả bị vỡ, hỏng. Đoàn đã yêu cầu công ty khẩn trương khắc phục và tổ chức tập huấn cho người lao động về công tác an toàn thực phẩm.


Theo số liệu của Sở Y tế Hà Nội, qua kiểm tra 785 cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu trên địa bàn thành phố, các đơn vị đã phát hiện 133 cơ sở vi phạm và xử phạt 50 cơ sở với số tiền gần 115 triệu đồng, buộc hai cơ sở phải tiêu hủy sản phẩm. Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường cho biết, thời gian tới, ngoài cơ sở sản xuất, các đoàn kiểm tra sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất nhân bánh, các cơ sở sản xuất bánh trung thu tự làm rao bán trên mạng xã hội… Công tác thanh tra, kiểm tra không chỉ tập trung trước trung thu, mà sau thời điểm này vẫn tiếp tục được tăng cường, bởi lúc đó thị trường sẽ bày bán những loại bánh tồn kho, bị tẩy hạn sử dụng, ngày sản xuất.


Trước tình hình này, người tiêu dùng khi chọn lựa, mua bánh trung thu nên chọn mua sản phẩm của các nhà sản xuất lớn, có uy tín trên thị trường tại các cửa hàng có đủ điều kiện bảo quản bánh tốt, với các thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng rõ ràng, minh bạch, để bảo đảm quyền lợi và sức khỏe của bản thân và gia đình.
(0) Bình luận
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
  • Bảo tàng Binh chủng Thông tin (quận Ba Đình)
    Bảo tàng Binh chủng Thông tin thuộc loại hình bảo tàng lịch sử chuyên ngành quân sự, là thể chế văn hoá, có chức năng bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử Binh chủng Thông tin liên lạc nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hoá của cán bộ, chiến sĩ trong Binh chủng và nhân dân, bạn bè quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Siết chặt quản lý chất lượng bánh trung thu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO