Tác phẩm “Tình quân dân” của Nguyễn Thị Hòa tham gia trại sáng tác mỹ thuật
“Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống lần 3 - năm 2016”.
Ăm ắp trang văn
Từ những chiến công và những tấm gương chiến đấu mưu trí, dũng cảm, hy sinh anh dũng của lực lượng Công an nhân dân (CAND), cùng với dòng chảy của nền văn học nước nhà, dòng văn học về đề tài CAND và bình yên cuộc sống đã dần được hình thành. Có thể nói, nhà văn Nguyễn Đình Lạp là người đi tiên phong trong sáng tác văn học về lực lượng CAND với tác phẩm Chiếc valy xuất bản năm 1951. Tác phẩm được viết dựa trên nguyên mẫu là chiến công của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Lợi cùng tổ điệp báo A13 của Công an Hà Nội đã đánh đắm thông báo hạm Amyot D’inville trên vùng biển Sầm Sơn, Thanh Hóa ngày 27/9/1950.
Tiếp đó là nhà văn Lê Tri Kỷ với các tiểu thuyết nổi tiếng như: Cây đa xanh (1961), Phố vắng (1965), Một người không nổi tiếng (1970), Đất lạ, Thung lũng không tên (1971), Biến động ngày hè (1976), Những tiếng nói thầm (1978), Sống chìm (1984), Câu lạc bộ chính khách (1986), Không thiện không ác (1988), Cuộc tình thế kỷ (1992). Trong đó, tác phẩm Biến động ngày hè dựa trên nguyên mẫu là chiến công của lực lượng an ninh Việt Nam khám phá vụ án số 7 phố Ôn Như Hầu ngày 12/7/1946. Ở vụ án này, lực lượng an ninh Việt Nam đã kịp thời ngăn chặn âm mưu nham hiểm của bọn phản động hòng lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp theo lời mời của Chính phủ Pháp.
Hình tượng người chiến sĩ CAND với những chiến công hiển hách, mưu trí, dũng cảm cũng được khắc họa đậm nét trong những tác phẩm nổi tiếng như: Ông cố vấn - Hồ sơ một điệp viên của Hữu Mai, Sao đen của Triệu Huấn, X30 phá lưới của Đặng Thanh, Người không mang họ của Xuân Đức, Những lá thư thời chiến của Đặng Vương Hưng, Điệp báo A10 của Nông Huyền Sơn, Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt của Phạm Thắng, Kẻ ám sát cánh đồng và Vầng nguyệt quế cô đơn của Nguyễn Quang Thiều…
Đặc biệt, từ năm 1999 đến nay, Bộ Công an đã phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức các cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện, ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc, vì bình yên cuộc sống” và các cuộc thi viết giải “Cây bút vàng”. Các cuộc thi này đã thu hút nhiều cây viết trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân tham gia và gặt hái được nhiều thành công. Có thể kể đến các tác phẩm mang đậm dấu ấn như: Đêm yên tĩnh của Hữu Mai, Đại tướng Mai Chí Thọ và Phạm Xuân Ẩn, tên người như cuộc đời của Nguyễn Thị Ngọc Hải, Một thế giới không có đàn bà của Bùi Anh Tấn, Yêu tinh của Hồ Phương, Bức thư giải oan và Đứa con lạc mẹ của Trần Diễn, Chạy án, Cổ cồn trắng và Kim tiền của Nguyễn Như Phong, Sát thủ online của Nguyễn Xuân Thủy, Phiên bản và Cô Mặc Sầu của Nguyễn Đình Tú, Trại hoa đỏ của Di Li, Bão ngầm của Đào Trung Hiếu, Bên kia cổng trời của Ngôn Vĩnh, Vực Gió và Người lạ của Phong Điệp; Phố núi của Hồ Thủy Giang…
Vở kịch “Vẫn sống” của Nhà hát Công an nhân dân là một trong những
tác phẩm sân khấu khắc họa rõ đức hy sinh của người chiến sĩ công an.
Cùng với đội ngũ viết văn lớp đàn anh như Lê Tri Kỷ, Văn Phan, Ngôn Vĩnh, Trần Diễn, Hữu Ước, Nguyễn Như Phong, Nguyễn Hồng Thái, Lương Sĩ Cầm… và các nhà thơ nổi tiếng trong ngành như: Khổng Minh Dụ, Đặng Vương Hưng, Hồng Thanh Quang, Trương Nam Hương, Phạm Khải…, ngày nay, lực lượng CAND có trong tay đội ngũ những nhà văn thành danh đầy triển vọng như: Nguyễn Thế Hùng, Như Bình, Bùi Anh Tấn, Chu Thanh Hương, Lê Hồng Nguyên, Trần Hoàng Thiên Kim… Họ là những nhà văn mặc áo lính, vừa công tác, chiến đấu, vừa sáng tác văn học.
Oai dũng trên sân khấu và màn ảnh
Những ai đã sống từ thập niên 70 của thế kỷ XX hẳn còn nhớ, cứ đến 19h thứ bảy hàng tuần, nhiều gia đình quây quần bên chiếc radio chờ nghe chuyên mục Kể chuyện cảnh giác trong chương trình phát thanh Vì an ninh Tổ quốc trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam qua giọng đọc lừng danh của Nghệ sĩ ưu tú Nghi Xuyên (tên thật của ông là Nguyễn Xuân Mỡn). Chương trình đó đã thực sự cuốn hút, đi vào lòng người và tạo dấu ấn cùng năm tháng, góp phần xây dựng hình ảnh người chiến sĩ CAND mưu trí, dũng cảm, vì nước, vì dân mà chiến đấu hy sinh.
Ở lĩnh vực sân khấu, hình tượng người chiến sĩ công an trong cuộc sống đời thường và trong đấu tranh chống tội phạm cũng ngày càng được khắc họa sinh động, rõ nét. Bộ Công an đã phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức 4 đợt liên hoan sân khấu về “Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân” định kỳ 5 năm một lần, thu hút sự tham gia của đông đảo biên kịch, đạo diễn và các đoàn nghệ thuật trong cả nước với nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu như: kịch nói, chèo, cải lương, ca kịch và kịch hình thể. Các cuộc liên hoan đã đem đến cho công chúng cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn ở nhiều góc độ về công việc và cuộc sống, những hy sinh, vất vả của người chiến sĩ công an, làm cho nhân dân hiểu hơn, tin tưởng hơn, gần gũi hơn, từ đó, nhân dân tham gia tích cực cùng lực lượng công an trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Tiêu biểu là các vở diễn đạt giải gần đây như: Nhân danh công lý của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Tái sinh của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, Vụ án am bụt mọc của Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ, Ngày trở về của Nhà hát Chèo quân đội, Tình bạn và công lý của Sân khấu Lệ Ngọc, Kẻ trộm của Nhà hát Kịch Hà Nội, Vẫn sống của Nhà hát Công an nhân dân, Bộ cảnh phục của Nhà hát Tuổi trẻ, Lằn ranh của Nhà hát Kịch TP. Hồ Chí Minh, Những ngày không bình yên của Nhà hát Kịch quân đội, Bão ngầm của Nhà hát Cải lương Việt Nam…
Lĩnh vực điện ảnh cũng không kém cạnh các loại hình nghệ thuật khác khi khai thác mạnh mẽ đề tài an ninh trật tự và hình tượng người chiến sĩ CAND trong thời kỳ mới. Trước đây, đã có một số phim về đề tài này như Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn, Không nơi ẩn nấp, Mật danh ARES, Điệp viên nhảy dù, Câu chuyện từ bản Phiêng Ban… nhưng chưa có sức lôi cuốn cao.
Trước sự thay đổi sâu sắc, toàn diện của đời sống xã hội, tội phạm và các hành vi tiêu cực trong xã hội như: tham ô, tham nhũng, buôn lậu, chạy án, rửa tiền và sự sa đọa, biến chất của một bộ phận cán bộ bị tha hóa bởi sự cám dỗ của đồng tiền thì cuộc chiến đấu chống cái ác của người chiến sĩ công an cũng trở nên cam go, quyết liệt hơn bao giờ hết. Các bộ phim về đề tài này trong thời gian gần đây đã thành công trong việc khắc họa hình tượng người chiến sĩ công an mưu trí, dũng cảm, bản lĩnh, nhân văn nhưng cũng hết sức tài ba, khôn khéo và giỏi nghiệp vụ cũng như kiến thức xã hội để đáp ứng với tình hình mới. Tiêu biểu là những bộ phim có sức sáng tạo, lôi cuốn người xem, tạo hiệu ứng xã hội tốt như: Cảnh sát hình sự, Cổ cồn trắng, Chạy án, Chạm tay vào nỗi nhớ, Ngôi biệt thự màu tro lạnh, Bí mật tam giác vàng, Bản di chúc bí ẩn, Nữ cảnh sát tập sự, Ruby máu, Kẻ giấu mặt, Những đứa con biệt động Sài Gòn, Mê cung, Người phán xử, Sinh tử…
Tạo hình chân thực và sống động
Trong nhiều năm qua, Bộ Công an và công an các địa phương đã phối hợp Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức nhiều cuộc thi ảnh với chủ đề “Vì bình yên cuộc sống” thu hút sự tham gia của đông đảo các nhiếp ảnh gia chuyên và không chuyên. Hàng vạn bức ảnh của các tác giả đã phản ánh trung thực hình ảnh của những chiến sĩ CAND đang ngày đêm giữ bình yên cho cuộc sống. Đó là những bức ảnh chụp các chiến sĩ cảnh sát giao thông ngâm mình dưới làn nước lũ chảy xiết làm cọc tiêu sống cho xe chạy qua. Hình ảnh chiến sĩ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy với khuôn mặt đen nhẻm nhưng có nụ cười tỏa sáng sau khi hoàn thành nhiệm vụ chữa cháy, hình ảnh các chiến sĩ công an giúp dân thoát qua vùng lũ hay gặt lúa giúp dân trong mưa bão…
Tác phẩm “Chúng con đưa mẹ qua đường nhé” của Vũ An Chương tham gia trại sáng tác mỹ thuật “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống lần 3 - năm 2016”.
Gần đây, công chúng đã không khỏi xúc động và ngưỡng mộ khi xem những bức ảnh về các chiến sĩ công an đu dây cứu dân trong nước lũ chảy xiết hay bức ảnh chiến sĩ công an cởi áo trong mưa rét để ủ ấm cháu bé sau khi cứu bé thoát khỏi chiếc xe ô tô bị lũ cuốn trôi. Hình ảnh nữ bác sĩ áp tờ giấy vào kính trong khu cách ly dịch Covid-19 ở Đà Nẵng nhờ chiến sĩ công an mua cháo cho cháu bé hay bức ảnh một nữ chiến sĩ công an lái xe ô tô chở đoàn y bác sĩ Bộ Công an đến tâm dịch Bắc Giang chống dịch Covid-19 cũng làm lay động lòng người.
Với hội họa, Bộ Công an đã tổ chức 3 trại sáng tác mỹ thuật “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”, công an các địa phương cũng tổ chức nhiều cuộc thi cùng đề tài thu hút nhiều họa sĩ đến từ nhiều địa phương tham gia, góp phần xây dựng hình ảnh người chiến sĩ công an trong lòng dân. Một số tác phẩm hội họa gây được ấn tượng cho người xem như: Chúng con đưa mẹ qua đường nhé và Đừng sợ, có chú đây rồi của Vũ An Chương, Vì an ninh Tổ quốc và Ngày bình yên của Phạm Trà My, Chân dung người lính phòng cháy chữa cháy của Phạm Quang Thái, Điểm xung yếu của Nguyễn Hải Nghiêm, Công tác cứu hộ và Khám bệnh vùng cao của Hoàng Sơn Tú, Bản làng bình yên của Nguyễn Thị Tiến, Tình quân dân và Bám biển của Nguyễn Thị Hòa, Hiệp đồng cứu hộ, cứu nạn, Tuần tra trên biển và Những chiến sĩ cảm tử của Đoàn Văn Thân…
Không chỉ vậy, hình ảnh người chiến sĩ công an gần gũi với nhân dân, tận tụy với công việc và những chiến công vang dội, những tấm gương hy sinh quên mình vì Tổ quốc còn luôn là nguồn cảm hứng thôi thúc các nhạc sĩ sáng tác nên những ca khúc hào hùng. Tiêu biểu là những ca khúc: Chúng ta là chiến sĩ công an của nhạc sĩ Trọng Bằng; Từ một ngã tư đường phố, Đêm Cha Lo và Chúng tôi là đồng đội của Lê Đình Chinh và của nhạc sĩ Phạm Tuyên; Hành khúc chiến sĩ Biên phòng của nhạc sĩ Hoàng Long; Biết ơn chị Võ Thị Sáu của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn; Chúng con canh giấc ngủ cho Người của Nguyễn Đăng Nước; Chúng tôi là người chiến sĩ công an Việt Nam của Trần Gia Cường; Hành khúc người chiến sĩ cảnh sát và Hát về anh của nhạc sĩ Lê Việt Hòa; Bài ca người chiến sĩ công an của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân; Thiêng liêng lời Bác của Hồng Thu; Giữ cho cuộc sống bình yên của Mai Công Thắng; Người công an thân yêu nhạc và lời Văn Cao… Những bài hát truyền thống và những ca khúc viết về CAND đã luôn đồng hành cùng các chiến sĩ công an trên khắp mọi nẻo đường của Tổ quốc, cổ vũ, động viên các chiến sĩ vượt qua mọi khó khăn gian khổ, chịu đựng hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vì An ninh Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.