Anh Nguyễn Văn Tòng - người dân Tổ dân phố Quang Minh (phường Dương Nội) cho hay, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của gia đình anh đã bị thu hồi phục vụ các dự án nhà ở, đô thị… Xác định “ly nông không ly hương”, bản thân ở ngưỡng “trung niên”, không dễ dàng chuyển nghề, sau thời gian chững lại, vợ chồng anh Tòng quyết định tìm những mảnh đất nông nghiệp “xen kẹt” gần địa phương, vốn bị bỏ hoang do khó canh tác, thuê lại để trồng đào…
Khi đó, việc thuê đất diễn ra thuận lợi, giá thuê không cao bởi nông dân ở một số phường của các quận: Hà Đông, Nam Từ Liêm hay huyện Hoài Đức mải làm dịch vụ, không thiết tha với ruộng đồng. “Gia đình tôi thuê 5 sào đất nông nghiệp ngay phường Trung Văn và một mẫu tại phường Đại Mỗ để trồng đào cành và đào thế; tiền lãi từ đào hằng năm đủ nuôi con ăn học, trang trải cuộc sống, xây nhà khang trang...”, anh Tòng bộc bạch.
Nói về thị trường đào Tết năm nay, ông Trần Tiến Bổng - một hộ trồng đào lâu năm tại tổ dân phố Quyết Tâm (phường Dương Nội) chia sẻ, nghề trồng đào vất vả cả năm để chờ thu hoạch đúng dịp Tết nên người trồng đào luôn thấp thỏm, lo âu trước những rủi ro của thời tiết. Tâm huyết với nghề, nhiều người tìm cách học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc đào thích ứng với biến đổi khí hậu...
Ông Nguyễn Văn Trung, người sở hữu gần 3.000 gốc đào và có kinh nghiệm trồng đào lâu năm ở Dương Nội bật mí, yếu tố quyết định số lượng nụ và hoa chủ yếu là việc hãm tăm. Công đoạn này được thực hiện vào khoảng tháng Chín âm lịch. Khi cành nảy tăm non, vừa tầm, sẽ được tạo dáng, cắt khoanh xung quanh phần thân sát gốc cây; tiếp đó, bóc lớp vỏ để ngăn gốc cây đẩy nhựa lên nhằm hãm độ dài của tăm và đóng các mắt trên tăm; sau thời gian ngắn, mỗi mắt trên tăm nhú lên một nụ hoa... Thực hiện đúng công đoạn này vừa giữ dáng cây đẹp, vừa làm tăng số nụ hoa. Ngoài ra, việc vặt bớt lộc trên đầu tăm giúp nụ hoa mập hơn, cánh hoa to và lâu tàn…
“Năm nay, thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, có thời điểm nhiệt độ giảm sâu khiến chúng tôi như “ngồi trên đống lửa” khi thấy những nụ đào chuyển thâm đen, cứ ngỡ “mất mùa”. May mắn, dịp này nắng ấm, qua giá rét, gặp tiết xuân, đào càng thắm”, ông Trung phấn khởi nói.
Ông Trung dự kiến, năm nay giá bán đào cành không tăng, dao động 100-500 nghìn đồng/cành; 1-10 triệu đồng/cây đào thế. Gia đình ông sẽ thu khoảng 250 triệu đồng với 5 sào đào các loại.
Chung chuyện nghề, theo chị Nguyễn Thị Vân, ở phường Dương Nội, ngoài những kinh nghiệm trên, người trồng đào ở Dương Nội còn rất nhạy bén với thị trường. Những năm gần đây, người dân có xu hướng mua đào sớm nên khoảng cuối tháng Một âm lịch, tại những chợ hoa lớn đã có đào bán. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, người trồng đào điều chỉnh để hoa nở rộ theo đợt…
“Với những hộ trồng đào năm đầu, chủ yếu bán đào cành. Đặc biệt, nhà nào cũng trồng đào theo kiểu thu hoạch rải vụ (trước, trong và sau Tết Nguyên đán), vừa đáp ứng đa dạng khách hàng, vừa tránh được rủi ro. Với phương pháp này, những năm gần đây, đào không bị ế, nguồn thu của chúng tôi từ việc trồng đào cũng ổn định”, chị Vân hồ hởi nói.
Nói về nghề trồng đào ở địa phương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Dương Nội Lã Quang Thức thông tin, trong tiến trình đô thị hóa, làng đào La Cả thành các tổ dân phố. Toàn phường có 16 tổ dân phố với hàng trăm hộ dân vẫn “say sưa” với đào. Đã có lúc tưởng chừng các vườn đào bị xóa sổ bởi nhường đất cho các dự án. Tuy nhiên, với tập quán canh tác, đặc biệt là sự gắn bó mật thiết với nghề trồng đào nên người dân nơi đây vẫn tìm cách phát triển nghề. Họ thuê đất tại các phường lân cận để tiếp tục trồng đào, qua đó, bảo tồn được nhiều nguồn gen đào quý của La Cả; đồng thời, cung cấp lượng lớn đào cho thị trường Hà Nội.
Người dân nơi đây luôn tự hào đào La Cả đẹp “nhất, nhì” (chỉ sau đào Nhật Tân) bởi cành dày cứng, nụ mập, nhiều nụ, cánh hoa sắc thắm, lâu phai… nên cứ nơi nào quanh vùng La Cả có đất trống là nơi đó đào được mọc lên tươi tốt. Đó chính là cách để người dân La Cả gọi mùa xuân về quê hương và mang sắc xuân tới muôn nơi.