Câu lạc bộ Chèo thôn Tình Lam, xã Đại Thành luôn được người dân địa phương yêu mến và ủng hộ.
Dù tuổi đã cao, thời tiếtlại nắng nóng nhưng bà Nguyễn Thị Mận vẫn trang điểm rực rỡ với yếm thắm, lụa đào cùng các “nghệ sĩ làng” hát tặng khách những câu chèo cổ, giai điệu vui tươi, chứa chan niềm yêu cuộc sống… Không riêng bà Mận, tất cả “nghệ sĩ làng” ở Đại Thành đều say sưa biểu diễn như lời chào khách phương xa đến thăm…
Theo hai nghệ sĩ “gạo cội” của làng là Nguyễn Mai Nguyên, Trần Văn Vỹ thì nơi đây không phải là cái nôi sinh ra nhưng hát chèo đã đi vào đời sống, bữa ăn, giấc ngủ… của người dân Đại Thành. Trên mảnh đất này, từ người già đến trẻ nhỏ đều biết hát chèo, nhất là các làn điệu chèo truyền thống. Để môn nghệ thuật này không bị mai một, những nông dân “quê nhãn” Đại Thành đã làm mới chèo, thu hút khán giả. Không chỉ diễn những vở chèo cổ như: Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình - Dương Lễ, Hoàng Trừu kén vợ, Tấm Cám... những người yêu chèo nơi đây còn cập nhật, dàn dựng nhiều vở chèo mới, hiện đại, mang hơi thở của cuộc sống đương đại như: Mất ví, Tiếng hát trên non Tản, Bông hồng làng Đại, Khi giặc đến nhà…
Trong những năm tháng đất nước có chiến tranh, tiếng hát chèo Đại Thành từng động viên những người con quê hương lên đường bảo vệ Tổ quốc. Hôm nay, hát chèo tiếp tục đồng hành với nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, đoàn kết, phát triển kinh tế, giữ gìn nếp sống văn hóa ở khu dân cư… Về quá trình hình thành, theo ông Nguyễn Phúc Hậu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hát chèo thôn Tình Lam: “Chèo ở Đại Thành phát triển từ những năm 1940-1950 cho đến nay. Chúng tôi tự hào dù chỉ là những nghệ sĩ làng, nhưng luôn “cháy” hết mình với nghệ thuật chèo. Đại Thành đã có 3 người được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân hát chèo. Từ những vở diễn trên sân đình, mấy chục năm qua, các câu lạc bộ chèo của xã Đại Thành lúc nào cũng “hùng hậu” với 60-70 người. Cũng từ chiếu chèo làng, nhiều người đam mê đi theo con đường nghệ thuật chuyên nghiệp và thành danh…
Ở Đại Thành, tiếng hát chèo đã trở thành món ăn tinh thần của người dân địa phương, góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương. Theo ông Lý Đình Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Thành, chèo phát triển trước hết bởi tình yêu với môn nghệ thuật này thấm sâu trong nhiều thế hệ; tiếp đó là được sự quan tâm của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng. Cụ thể, huyện hỗ trợ kinh phí cho các trường học trên địa bàn xã mở lớp sân khấu học đường, trong đó chú trọng tới nghệ thuật chèo; mời các nghệ sĩ chèo nổi tiếng thường xuyên về tổ chức chương trình giao lưu, hỗ trợ đào tạo bài bản cho người dân địa phương.
Nhờ đó, các câu lạc bộ chèo của Đại Thành luôn thu hút nhiều người tham gia, các vở chèo do những giáo viên, công nhân, nông dân, cán bộ... đã nghỉ hưu hoặc đang công tác tranh thủ dàn dựng, biểu diễn tại địa phương đều đạt chất lượng khá, được nhân dân đón nhận nhiệt tình…
Không chỉ là nguồn văn hóa tinh thần bổ ích sau lao động mệt nhọc, hát chèo ở Đại Thành còn trở thành cầu nối yêu thương, đùm bọc và gắn kết tình làng nghĩa xóm… Vừa phục vụ bà con, nhiều vở diễn vừa là “kênh” tuyên truyền hiệu quả chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước trong đời sống. Bởi vậy, ở Đại Thành, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao; tình làng nghĩa xóm luôn khăng khít.