Ra mắt phim điện ảnh “Mưa đỏ”
Phim điện ảnh "Mưa đỏ" là lời tri ân sâu sắc của những người làm nghệ thuật với những người lính đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc.

Showcase phim điện ảnh Mưa đỏ do Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất là dịp để đoàn phim và các diễn viên chia sẻ hành trình thực hiện dự án, những kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình ghi hình tại Quảng Trị. Sự kiện cũng là cơ hội để khán giả có cái nhìn cận cảnh hơn về dàn diễn viên trẻ trung, đầy nhiệt huyết góp phần thổi hồn vào những nhân vật mang đậm chất sử thi giữa khói lửa chiến trường.

Mưa đỏ là phim truyện điện ảnh về đề tài chiến tranh cách mạng với kịch bản của nhà văn Chu Lai. Bộ phim được thực hiện dựa trên cảm hứng và hư cấu từ sự kiện 81 ngày đêm quân và dân ta đã chiến đấu anh dũng bảo vệ đến cùng Thành cổ Quảng Trị vào năm 1972. 81 ngày đêm ấy đã đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc, là một minh chứng cho khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Trận chiến khốc liệt tại Thành cổ đã góp phần quan trọng, tạo ra bước ngoặt trên bàn đàm phán Hội nghị Paris, mở đường cho đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Câu chuyện khốc liệt nhưng bi tráng ấy được tái hiện bằng điện ảnh, những thước phim chân thực, rực sáng tinh thần anh dũng trong phim điện ảnh Mưa đỏ công chiếu dịp 80 năm Quốc khánh.
Tại sự kiện showcase, ban tổ chức giới thiệu mô hình Sa bàn Mưa đỏ – nơi tái hiện không gian chiến trường Thành cổ Quảng Trị năm 1972 với tỷ lệ 1:72. Thông qua sa bàn, khán giả có thể hình dung rõ nét về địa hình, vị trí chiến lược mà còn cảm nhận phần nào sự khốc liệt, khẩn trương và tính chất sống còn của mỗi trận đánh trong suốt 81 ngày đêm. Các đại biểu, khách mời cũng có cơ hội chụp ảnh lưu niệm tại khu vực tái hiện bối cảnh Thành Cổ năm 1972.
Nhà văn Chu Lai, tác giả kịch bản "Mưa đỏ", chia sẻ về lý do viết tác phẩm này: "Phim ảnh không thể lột tả hết được tinh thần Quảng Trị, nhưng nó là một lát cắt quan trọng trong lịch sử mà dân tộc đã trải qua. Tôi viết "Mưa đỏ" vì một người em tôi, người có anh trai là liệt sĩ trong trận Thành Cổ, đã động viên tôi viết kịch bản để gửi tới con trai của anh ấy. Kịch bản này là một món quà tri ân các liệt sĩ, đặc biệt là những người đã hy sinh tại Thành Cổ Quảng Trị".