Quy hoạch phân khu Kinh thành Huế, ưu tiên giao thông xanh
Quy hoạch ra 5 phân khu gắn với bảo tồn, chỉnh trang và ưu tiên giao thông xanh để làm nổi bật hình ảnh Kinh thành Huế hỗ trợ phát triển du lịch.
Bảo tồn tính toàn vẹn cấu trúc, không gian Kinh thành Huế
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là Thành phố Huế) đã có Quyết định số 3280 /QĐ-UBND ngày 19/12/2024 về việc phê duyệt Quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) khu vực Kinh thành Huế (TP Huế) trong phạm vi ranh giới toàn bộ địa giới hành chính các phường Đông Ba, Tây Lộc, Thuận Hòa, Thuận Lộc (quận Phú Xuân) với diện tích quy hoạch khoảng 767,19 ha (trong đó, diện tích khu vực trong Kinh thành khoảng 582,19 ha và diện tích khu vực ngoài Kinh thành khoảng 185 ha).

Quy hoạch để bảo tồn tính toàn vẹn cấu trúc hiện có của không gian Kinh thành Huế trên cơ sở kế thừa các trục không gian cảnh quan dọc theo hệ thống sông gồm sông Hương, sông Đông Ba, sông An Hòa, sông Kẻ Vạn, sông Thành ngoại (Hộ Thành hào) và sông Ngự Hà. Kế thừa hệ thống giao thông liên hoàn theo mạng lưới ô bàn cờ và hệ thống công trình di tích Kinh thành được bố trí đăng đối, nhiều tầng bậc, đa dạng về tính chất, nội dung, hệ thống hồ di tích được bố trí phân tán, xen lẫn giữa các cụm di tích và khu vực dân cư hiện hữu tạo thành cáckhông gian xanh trong đô thị.
Cụ thể, theo quy hoạch được phân chia thành 5 phân khu gồm Khu vực trung tâm Kinh thành (quy mô khoảng 158,7ha) là hạt nhân bao gồm khu vực Hoàng thành ở trung tâm và toàn bộ không gian mặt phía Nam của Kinh thành Huế tiếp giáp sông Hương. Theo đó, chỉnh trang không gian trước mặt Kỳ đài, hệ thống công viên ven sông Hương, nghiên cứu phương án chiếu sáng nghệ thuật…
Khu vực Đông Nam Kinh thành (quy mô khoảng 163,3ha) bao gồm phần lớn diện tích phường Đông Ba là khu vực có hệ thống di tích đa dạng, phong phú và tập trung thành 2 cụm lớn gồm Cụm di tích Tam Tòa - Điện Long An - Quốc Tử Giám - Lục Bộ được bảo tồn thích ứng theo hướng tạo dựng khu phố đi bộ và cải tạo, chỉnh trang cảnh quan công viên Nguyễn Văn Trỗi theo hướng trở thành địa điểm tổ chức sự kiện văn hóa, kết nối hoạt động du lịch di sản giữa Đại Nội, khu Lục Bộ và khu Tam Tòa. Cụm di tích các hồ Tịnh Tâm - lầu Tàng Thơ - hồ Học Hải được tu bổ, phục hồi, tôn tạo cảnh quan để tạo thành không gian mở, là công viên lõi xanh trong đô thị…
Khu vực Tây Nam Kinh thành (quy mô khoảng 105,2ha) bao gồm phần lớn diện tích phường Thuận Hòa, có các di tích như Đàn Xã Tắc, Đàn Âm Hồn, các hồ Võ Sanh, Tân Miếu, hồ Xã Tắc... được trùng tu, bảo tồn gắn với chỉnh trang không gian cảnh quan đô thị.
Khu vực Đông Bắc Kinh thành (quy mô khoảng 154,6ha) bao gồm phần lớn diện tích phường Thuận Lộc. Tổ chức các không gian văn hóa, lễ hội gắn với dịch vụ du lịch tại khu vực Mang Cá, hình thành và khai thác tuyến du lịch đường thủy trên sông Ngự Hà, bổ sung các bãi đỗ xe tập trung tại khu vực bên ngoài Cửa Hậu, bãi đỗ xe kết hợp công viên dọc đường Đinh Tiên Hoàng để phục vụ các hoạt động văn hóa, lễ hội, dịch vụ du lịch.
Khu vực Tây Bắc Kinh thành (quy mô khoảng 185,2ha) bao gồm phần lớn diện tích phường Tây Lộc tập trung các thiết chế đô thị như trung tâm thể dục thể thao, chợ Tây Lộc, bệnh viện Y học Cổ truyền...
Mở rộng không gian công cộng 8 cổng Kinh thành Huế
Theo quy hoạch của UBND TP Huế, phân khu chức năng và nguyên tắc định hướng không gian tổng thể, phù hợp với cảnh quan di tích và đồng bộ với các khu vực lân cận. Khai thác các giá trị kiến trúc cảnh quan hiện có để thiết lập các không gian đa chức năng gắn với các hoạt động văn hóa, lễ hội, dịch vụ du lịch và mở rộng không gian công cộng trước 8 cổng thành gồm cửa Nhà Đồ, cửa An Hòa, cửa Thượng Tứ, cửa Hậu, cửa Đông Ba, cửa Hữu, cửa Chánh Tây và cửa Kẻ Trài để làm nổi bật hình ảnh Kinh thành, hỗ trợ phát triển du lịch.

Cải tạo, chỉnh trang 4 trục đường nối 8 cổng Kinh thành theo hướng trở thành tuyến phố thương mại, dịch vụ du lịch gồm đường Nguyễn Trãi, Đinh Tiên Hoàng, Yết Kiêu – Đặng Thái Thân - Mai Thúc Loan, và Thái Phiên – Cửa Trài. Khôi phục, cải tạo hệ thống mặt nước, sông hồ trong Kinh thành để tạo cảnh quan môi trường, đảm bảo khả năng lưu thông, điều tiết, chống ngập.
Tổ chức các loại hình giao thông đa dạng, ưu tiên giao thông xanh và các loại hình giảm phát thải để bảo vệ cảnh quan môi trường và tổ chức tuyến xe đạp, đi bộ tham quan dọc Thượng Thành, Hộ Thành hào, hình thành các tuyến du lịch đặc sắc, cung cấp thêm sản phẩm du lịch trải nghiệm cho khu khách và người dân địa phương. Chỉnh trang, cải tạo các khu vực Eo bầu theo hướng trở thành công viên kết hợp bãi đỗ xe và các tiện ích đô thị và từng bước chỉnh trang khu dân cư, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị, đáp ứng điều kiện sống của người dân. Triển khai các dự án chỉnh trang đồng bộ với các dự án tu bổ, bảo quản, phục hồi quần thể di tích.