2. PHÂN LOẠI KỸ THUẬT VỀ CHÁY
2.1 Quy định chung
2.1.1 Nhà, các phần và các bộ phận của nhà, gian phòng, vật liệu xây dựng, cấu kiện xây dựng, được phân loại kỹ thuật về cháy dựa trên các tính chất sau:
– Tính nguy hiểm cháy: tính chất làm phát sinh và phát triển các yếu tố nguy hiểm cháy.
– Tính chịu lửa: tính chất chống lại các tác động của đám cháy và chống sự lan truyền các yếu tố nguy hiểm của đám cháy.
2.1.2 Việc phân loại kỹ thuật về cháy dùng để thiết lập các yêu cầu cần thiết về bảo vệ chống cháy cho các kết cấu, gian phòng, nhà, các phần và các bộ phận của nhà phụ thuộc vào tính chịu lửa và / hoặc tính nguy hiểm cháy của chúng.
2.2 Vật liệu xây dựng
2.2.1 Về mặt an toàn cháy, vật liệu xây dựng chỉ được đặc trưng bằng tính nguy hiểm cháy. Tính nguy hiểm cháy của vật liệu xây dựng được xác định theo các đặc tính kỹ thuật về cháy sau: tính cháy, tính bắt cháy, tính lan truyền lửa trên bề mặt, khả năng tạo khói và chất độc.
2.2.2 Theo tính cháy, vật liệu xây dựng được phân thành vật liệu không cháy và vật liệu cháy. Vật liệu xây dựng cháy được phân thành 4 nhóm:
– Ch1 (cháy yếu).
– Ch2 (cháy vừa phải).
– Ch3 (cháy mạnh vừa).
– Ch4 (cháy mạnh).
Tính cháy và các nhóm của vật liệu xây dựng theo tính cháy được xác định theo Phụ lục B, mục B.2.
Đối với vật liệu xây dựng không cháy thì không quy định về tính nguy hiểm cháy và không xác định các chỉ tiêu khác.
2.2.3 Theo tính bắt cháy, vật liệu xây dựng cháy được phân thành 3 nhóm:
– BC1 (khó bắt cháy).
– BC2 (bắt cháy vừa phải).
– BC3 (dễ bắt cháy).
Nhóm vật liệu xây dựng theo tính bắt cháy được xác định theo Phụ lục B, mục B.3.
2.2.4 Theo tính lan truyền lửa trên bề mặt, vật liệu xây dựng cháy được phân thành 4 nhóm:
– LT1 (không lan truyền).
– LT2 (lan truyền yếu).
– LT3 (lan truyền vừa phải).
– LT4 (lan truyền mạnh).
Nhóm vật liệu xây dựng theo tính lan truyền lửa trên bề mặt được quy định cho lớp vật liệu bề mặt của mái và sàn, kể cả lớp thảm trải sàn, theo Phụ lục B, mục B.4.
Đối với các vật liệu xây dựng khác, không xác định và không quy định việc phân nhóm về lan truyền lửa trên bề mặt.
2.2.5 Theo khả năng sinh khói, vật liệu xây dựng cháy được phân thành 3 nhóm:
– SK1 (khả năng sinh khói thấp).
– SK2 (khả năng sinh khói vừa phải).
– SK3 (khả năng sinh khói cao).
Nhóm vật liệu xây dựng theo khả năng sinh khói được xác định theo Phụ lục B, mục B.5.
2.2.6 Theo độc tính của các sản phẩm cháy, vật liệu xây dựng cháy được phân thành 4 nhóm:
– ĐT1 (độc tính thấp).
– ĐT2 (độc tính vừa phải).
– ĐT3 (độc tính cao).
– ĐT4 (độc tính đặc biệt cao).
Nhóm vật liệu xây dựng theo độc tính của các sản phẩm cháy được xác định theo Phụ lục B, mục B.6.
2.3 Cấu kiện xây dựng
2.3.1 Cấu kiện xây dựng được đặc trưng bằng tính chịu lửa và tính nguy hiểm cháy.
Tính chịu lửa của một cấu kiện được thể hiện bằng giới hạn chịu lửa của cấu kiện đó. Tính nguy hiểm cháy của một cấu kiện được đặc trưng bằng cấp nguy hiểm cháy của nó.
2.3.2 Giới hạn chịu lửa của cấu kiện xây dựng được xác định bằng khoảng thời gian (tính bằng phút) kể từ khi bắt đầu thử chịu lửa theo chế độ nhiệt tiêu chuẩn cho đến khi xuất hiện một hoặc một số dấu hiệu nối tiếp nhau của các trạng thái giới hạn được quy định đối với cấu kiện đã cho như sau:
– Mất khả năng chịu lực (khả năng chịu lực được ký hiệu bằng chữ R).
– Mất tính toàn vẹn (tính toàn vẹn được ký hiệu bằng chữ E).
– Mất khả năng cách nhiệt (khả năng cách nhiệt được ký hiệu bằng chữ I).
CHÚ THÍCH 1: Giới hạn chịu lửa của cấu kiện xây dựng được xác định bằng thử nghiệm chịu lửa theo các tiêu chuẩn TCVN 9311-1:2012 đến TCVN 9311-8:2012 hoặc các tiêu chuẩn tương đương. Giới hạn chịu lửa của cấu kiện xây dựng có thể xác định bằng tính toán theo tiêu chuẩn thiết kế chịu lửa được áp dụng.
Giới hạn chịu lửa của các ống dẫn khí xác định theo tiêu chuẩn ISO 6944 hoặc các tiêu chuẩn tương đương.
Giới hạn chịu lửa của các van ngăn cháy của hệ thống thông gió xác định theo ISO 10294.
Giới hạn chịu lửa của cửa đi, cửa sổ và cửa chắn xác định theo tiêu chuẩn TCVN 9383:2012.
CHÚ THÍCH 2: Giới hạn chịu lửa yêu cầu của các cấu kiện xây dựng cụ thể được quy định trong quy chuẩn này và trong các quy chuẩn kỹ thuật cho từng loại công trình. Giới hạn chịu lửa yêu cầu của cấu kiện xây dựng được ký hiệu bằng REI, EI, RE hoặc R kèm theo các chỉ số tương ứng về thời gian chịu tác động của lửa tính bằng phút. Ví dụ: Cấu kiện có giới hạn chịu lửa yêu cầu là REI 120 nghĩa là cấu kiện phải duy trì được đồng thời cả ba khả năng: chịu lực, toàn vẹn và cách nhiệt trong khoảng thời gian chịu tác động của lửa là 120 phút; Cấu kiện có giới hạn chịu lửa yêu cầu là R 60, thì cấu kiện chỉ phải duy trì khả năng chịu lực trong thời gian 60 phút, không yêu cầu về khả năng cách nhiệt và tính toàn vẹn.
CHÚ THÍCH 3: Một cấu kiện xây dựng được cho là đảm bảo yêu cầu về khả năng chịu lửa (giới hạn chịu lửa) nếu thỏa mãn một trong các điều kiện sau:
a) Cấu kiện có cấu tạo với đặc điểm kỹ thuật giống như mẫu thí nghiệm chịu lửa và mẫu này khi thí nghiệm có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn giới hạn chịu lửa yêu cầu của cấu kiện đó.
b) Cấu kiện có cấu tạo với đặc điểm kỹ thuật phù hợp với cấu kiện nêu trong Phụ lục F mà giới hạn chịu lửa danh định tương ứng cho trong phụ lục này không nhỏ hơn giới hạn chịu lửa yêu cầu của cấu kiện đó.
c) Giới hạn chịu lửa của cấu kiện được xác định bằng tính toán theo tiêu chuẩn thiết kế chịu lửa áp dụng không nhỏ hơn giới hạn chịu lửa yêu cầu của cấu kiện đó.
2.3.3 Theo tính nguy hiểm cháy, cấu kiện xây dựng được phân thành 4 cấp:
– K0 (không nguy hiểm cháy).
– K1 (ít nguy hiểm cháy).
– K2 (nguy hiểm cháy vừa phải).
– K3 (nguy hiểm cháy).
CHÚ THÍCH 1: Cấp nguy hiểm cháy của cấu kiện xây dựng được xác định bằng thử nghiệm theo tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành hoặc tương đương.
CHÚ THÍCH 2: Cho phép xác định cấp nguy hiểm cháy của cấu kiện mà không cần thử nghiệm như sau:
– Xếp vào cấp K0, nếu cấu kiện được chế tạo chỉ từ vật liệu không cháy.
– Xếp vào cấp K1, nếu bề mặt ngoài của cấu kiện được cấu tạo từ vật liệu có đồng thời các chỉ tiêu kỹ thuật về cháy không nguy hiểm hơn Ch1, BC1, SK1.
– Xếp vào cấp K2, nếu bề mặt ngoài của cấu kiện được cấu tạo từ vật liệu có đồng thời các chỉ tiêu kỹ thuật về cháy không nguy hiểm hơn Ch2, BC2, SK2.
– Xếp vào cấp K3, nếu bề mặt ngoài của cấu kiện được cấu tạo chỉ từ các vật liệu có một trong các chỉ tiêu kỹ thuật về cháy là Ch3, BC3, SK3.