Phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm là địa điểm thu hút đông đảo khách du lịch, nhất là vào những dịp cuối tuần. Sau nhiều năm đưa vào hoạt động, phố đi bộ đã được coi là thương hiệu của Thủ đô. Bên cạnh là địa điểm gắn liền với nhiều di tích lịch sử, phố đi bộ cũng là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa thể thao quan trọng của Hà Nội và đất nước. Vào những ngày cao điểm, nơi đây có thể thu hút hàng vạn người dân và du khách tham quan. Tuy nhiên, trong những năm qua, hoạt động tại phố đi bộ vẫn còn tồn tại một số bất cập, gây bức xúc cho người dân và du khách.
Các tổ chức, cá nhân khi mang phương tiện, thiết bị âm thanh vào trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận để tổ chức hoạt động phải của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép. Ảnh: Kim Tiến. |
Mới đây, sau một thời gian mở lại phố đi bộ, nhiều người dân khi tới đây có mang theo thú cưng và thả tự do không được rọ mõm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho du khách đến tham quan. Vì vậy, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đã ra Quy chế quản lý hoạt động không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Trong đó, yêu cầu người dân không mang vật nuôi, gia súc, gia cầm vào không gian phố đi bộ; không sử dụng các thiết bị, dụng cụ như loa, đài, kèn, trống để phát tán âm thanh công suất lớn ra môi trường. Các tổ chức, cá nhân khi mang phương tiện, dụng cụ, thiết bị âm thanh vào trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận để tổ chức hoạt động phải xuất trình văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép tổ chức hoạt động.
Quy định mới này được người dân đồng tình. Chị Nguyễn Hồng Nhung (32 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) cho rằng, việc thả rông vật nuôi, không rọ mõm không chỉ khiến nhiều người hoảng sợ mà việc chó phóng uế bừa bãi cũng làm mất mỹ quan không gian đi bộ. Bên cạnh đó, vào những ngày cuối tuần, một số người sử dụng loa công suất lớn, hát karaoke, mở nhạc khiêu vũ… cũng ảnh hưởng không ít đến du khách. Do vậy, chị Nhung cho rằng quy định mới của Thành phố là hoàn toàn đúng đắn.
“Tôi được biết, trước đó, quận Hoàn Kiếm đã vào cuộc xử lý, tuyên truyền cho người dân nhưng tình trạng vi phạm vẫn còn tồn tại. Phố đi bộ là không gian vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật. Chính vì vậy, việc có những quy định rõ ràng giúp cho cơ quan chức năng nâng cao công tác quản lý, giúp không gian du lịch trở nên văn minh hơn. Hi vọng rằng, sau khi có những quy định cụ thể thì người dân sẽ nghiêm túc chấp hành hơn”, chị Nhung bày tỏ.
Để phố đi bộ mang lại hiểu quả tích cực
Được biết, trước đó, hồi tháng 9/2020, UBND thành phố Hà Nội đã tiến hành lấy ý kiến nhân dân hoàn thiện Quy chế quản lý hoạt động trong không gian đi bộ khu vực Hồ Gươm và phụ cận. Động thái này được Thành phố đưa ra nhằm nâng cao công tác quản lý, phát huy hơn nữa giá trị của điểm đến Hà Nội. Ngày 17/5, Hà Nội chính thức ban hành quy định này và sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/5. Ngoài việc yêu cầu người dân không mang vật nuôi, gia súc, gia cầm; không sử dụng các thiết bị, dụng cụ như loa, đài, kèn, trống để phát tán âm thanh công suất lớn ra môi trường thì Quy chế cũng có một số nội dung quan trọng nhằm nâng cao công tác quản lý, tạo không gian văn minh cho du lịch Hà Nội.
Cụ thể, quy chế nêu rõ, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong không gian đi bộ thực hiện nếp sống văn minh, quy tắc ứng xử nơi công cộng, có thái độ ứng xử văn hóa, có trang phục lịch sự; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng chỉ đạo của Trung ương và thành phố Hà Nội; không dừng, đỗ các phương tiện giao thông trước các điểm chốt ra vào của không gian đi bộ; không tuyên truyền các nội dung trái pháp luật. Đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh, cần thực hiện các quy định về văn minh thương mại như: Giao tiếp với khách hàng lịch sự, hòa nhã; không tranh giành lôi kéo, ép giá đối với khách hàng; có bảng niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; sử dụng biển hiệu đúng quy định.
Ảnh: Kim Tiến |
Các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong thời gian hoạt động của không gian đi bộ phải kê khai, đăng ký kinh doanh, chỉ được phép kinh doanh các mặt hàng phù hợp với quy hoạch theo phương án tổ chức hoạt động dịch vụ, thương mại, du lịch được thành phố Hà Nội phê duyệt; kinh doanh đúng giờ; không bày hàng hóa, vật dụng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; bảo đảm an toàn khi sử dụng điện, an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; an toàn thực phẩm…
Nói về việc UBND thành phố Hà Nội ban hành Quy chế quản lý hoạt động trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, PGS.TS Đặng Văn Bài - nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, cho biết, Quy chế được ban hành có thể giải quyết được nhiều vấn đề đang tồn tại trong không gian phố đi bộ như các hành vi thiếu ý thức, để vật nuôi gây nguy hiểm cho người khác hay việc sử dụng các thiết bị âm thanh lớn ảnh hưởng tiêu cực đến không gian phố đi bộ nói chung và cuộc sống của người dân xung quanh nói riêng. Tuy nhiên, để Quy chế đi vào thực tiễn và mang lại nhiều hiệu quả tích cực phụ thuộc phần lớn vào ý thức cộng đồng của người dân. Vì vậy, mỗi người cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và các quy định chung khi tham gia các hoạt động công cộng góp phần xây dựng khu phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, khu vực lân cận văn minh, cũng như thể hiện nét đẹp Thủ đô./.