Quang Lãng vùng quê của lục vị Đại tướng quân

Phùng Quang Trung| 27/06/2019 16:08

Xã Quang Lãng, một vùng ven sông Hồng phía Đông Nam huyện Phú Xuyên (Hà Nội), xưa gọi là gò Cái Ốc (hay trang Cổ Liêu), nay có 8 làng: Mai Xá, Mễ (Gạo), Giáng (Quang Lãng), Sảo Hạ (Trai Mới), Sảo Thượng (Khéo), Tạ (Tè), Tầm Hạ và Tầm Thượng (Tầm Khê). Có bản Ngọc phả (bản chính) ở Bộ Lễ quốc triều về Lục vị Đại Tướng quân họ Nguyễn dưới triều vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân.

Quang Lãng vùng quê của lục vị Đại tướng quân
Đình Mê - một trong số những nơi thờ ngũ vị Đại vương
Thời tiền Lý, hậu Lý, nhà Tùy, Đường, nam bắc phân tranh, Ngô Vương Quyền nối ngôi, họ Ngô bị tiêu diệt, 12 sứ quân thừa cơ nổi lên như ong, tất cả đều xưng hùng xưng bá tình hình thật nhiễu nhương.

Bấy giờ ở trang Thủ Pháp (Thanh Miện, Hồng Châu, Hải Dương) có người họ Nguyễn tên Thanh lấy vợ là Trần Thị Ngọc người ở Đằng Châu. Chẳng bao lâu vợ có thai, bà thường mộng thấy một đôi rồng vàng múa lượn trước sân. Ngày 6 tháng 6 năm Nhâm Dần, bà sinh ra một bọc nở ra hai chàng trai đều mặt rồng mắt phượng, hàm én, mày ngài, tướng mạo như ngũ nhạc chầu thiên, ông bà đặt tên con là Vật và Lôi. Thấm thoắt hai anh em đã 8 tuổi, trời phú khí chất phi thường lại thông minh xuất chúng, văn võ song toàn đứng đầu thiên hạ.

Ngày 12 tháng 5 năm Kỷ Dậu, bà Trần Thị Ngọc bị bệnh rồi qua đời. Từ đó gia tài khánh kiệt, gặp lúc binh hỏa náo loạn, ba cha con gói ghém hành lý lên thuyền dương buồm đến trang Cổ Liêu (Phù Lưu, Thượng Phúc, Đông Đô), thấy địa thế sông Nhị Hà bao phí sau, dân cư phong túc thuần hậu, cha con xin dân cho dựng một túp nhà lá dưới gốc gạo làm chỗ dạy học. Từ đó lưu lại sống bằng nghề dạy trẻ, học trò kéo đến xin học ùn ùn như mây.

Nhà họ Tạ ở trang Cổ Liêu có người con gái tên là Loan, 20 tuổi nhưng vẫn chưa lấy chồng, nhan sắc tuyệt trần. Các sĩ tử một lòng cùng nhau mang sính lễ đến hỏi cô Loan làm vợ cho Nguyễn Công. Một hôm bà Loan nằm mộng thấy người mặc áo xanh, tay cầm cờ đỏ, xưng là sứ giả nhà trời dắt bà đi đến chỗ thấy cung điện nguy nga, quan đi theo hầu la liệt, kim đồng ngọc nữ ngồi đầy bên ngoài.

Bà Loan thấy người áo tía bảo: Nhà ngươi tích thiện đã 3, 4 đời, chưa từng làm điều ác dù rất nhỏ, Nguyễn Thanh là người tốt. Ta sẽ cho 4 vị tướng lạ đầu thai vào nhà ngươi để giúp nước và bảo hộ cho dân, ngươi nên cẩn thận, chớ để lộ. Rồi bà mang thai, ngày 8 tháng 8 năm Giáp Dần, sinh hạ một bọc nở ra 4 người con trai, ông bà đặt tên con là Quán Công, Quảng Công, Linh Công và Lặc Công. Bốn anh em lớn lên ham học, văn chương hiểu hết, võ nghệ tinh thông, bạn cùng lứa đều kinh ngạc và kính phục.

Ngày 16 tháng 9 Nguyễn Công bị bệnh qua đời, rồi ngày 8 tháng 11 bà Loan cũng qua đời. Anh em làm lễ an táng cha, mẹ và thờ phụng chu đáo. Sáu anh em tích cóp binh lương, chiêu tập người lưu vong ngầm mang chí lớn, anh hùng hào kiệt khắp các huyện đều kéo về tụ hội. Các ông bèn chia trang Cổ Liêu thành 5 khu lập đồn đóng quân: Khu ông Tạ và ông Sảo anh cả đóng lập làm đồn Thượng; khu Cây Gạo anh hai lập làm đồn Trung; khu Quang Lãng và Mai Xá thì bốn anh em giữ lập làm đồn Hạ.

Bấy giờ ta bị 12 sứ quân cát cứ, dân chúng khổ cực lầm than. Có người ở động Tất Lư, họ Đinh tên húy Bộ Lĩnh, phất cờ lau khởi nghĩa. Nghe tiếng 6 anh em trí dũng như thần bèn sai sứ giả về trang Cổ Liêu mời các ông giúp Vương dẹp giặc. Nghe hịch, 6 ông rất mừng khí thế hừng hực, cho quân mổ bò, lợn khao thưởng quân sĩ rồi binh mã thẳng Tất Lư ra mắt Đinh Bộ Lĩnh. Thấy các ông tướng mạo phi phàm, uy nghi lẫm liệt, khí giới sáng lòa, Đinh Công cả mừng nói: Trời đã sinh ra các bậc hiền tài để giúp ta, chỉ tiếc sao không gặp nhau từ sớm. Ngay hôm đó phong các ông làm thống lĩnh Đại tướng quân, chia làm 10 đạo cùng tiến đánh… 12 sứ quân đại bại đều bị dẹp tan. 

Đinh Công lên ngôi hoàng đế ở động Tất Lư, đổi niên hiệu là Thái Bình. Vua truyền lệnh quân sĩ mổ bò, lợn khao thưởng ba quân, phong thêm tước và thực ấp cho tướng sĩ. Phong cho Vật Công làm Hữu Vật Đại tướng quân ban thực ấp ở huyện Phù Lưu. Phong Lôi Công là Lôi Điện Đại tướng quân ban thực ấp ở huyện Thượng Hiền. Phong Quán Công là Cửu Quán Đại tướng quân ban thực ấp ở Cửa Cờn (Diễn Châu). Phong Quảng Công là Ba Nồi Đại tướng quân ban thực ấp ở Nồi Châu (tây nước Nam Việt giáp Ba Thục).

Linh Công cùng Lặc Công và các tướng khác ở lại giúp đỡ Vương triều. Lúc đó nước Cô Tôn (Ô Lý) sau là Chiêm Thành cất quân đến xâm lược. Giặc đến Hoan Châu, biên ải chạy thư về cấp báo. Vua sai hai ông Linh Công và Lặc Công đem quân đi đánh. Hai ông lạy tạ rồi tiến thẳng đến Hoan Châu giao chiến với giặc. Đánh nhau vài chục hợp vẫn chưa phân thắng bại.

Đêm tướng Ma Na đem 10 vạn quân đột nhiên kéo tới bao vây, hai ông mở rộng cửa thành đại chiến một trận, chém 5 viên tướng của chúng. Hai ông xung đột trong trận đại phá vòng vây vừa đánh vừa chạy, chỉ còn lại hơn 100 người ngựa trong khi quân giặc tiếp viện rất đông. Biết khó thoát khỏi, hai ông dốc toàn lực ra đánh, phóng ngọn giáo thẳng vào tướng giặc nhưng không ngờ Ma Na đã dùng giáo chém được Linh Công ngay trong trận...

Linh Công bị tướng giặc chém đầu lìa khỏi cổ, ông liền lấy hai tay đặt đầu vào như cũ rồi chạy thẳng về địa đầu khu Mai Xá, gặp một bà cụ bèn hỏi: Từ xưa đến nay không có đầu có sống được không? Bà cụ nói người ta sở dĩ sống được là nhờ thân thể đầy đủ các bộ phận, chưa từng nghe nói không có đầu mà sống được. Vừa dứt lời, ông liền ngã xuống đất, con ngựa cũng hóa theo. Bà cụ thấy thế rất sợ hãi bèn về báo, tất cả dân chúng kéo ra thì thấy mối đã đùn thành một gò đất lớn. Dân chúng rất lấy làm kinh dị, dựng miếu thờ ông nơi ông hóa (khu Mai Xá) viết thần hiệu là Đống Mả Đại vương để thờ. 

Lặc Công phi ngựa về báo, lạy tạ trước mặt vua xin chịu tội: Vua nghe xong bèn triệu các tướng đến bàn kế sách.

Bốn ông Vật Công, Lôi Công, Quán Công, Quảng Công cũng phụng mệnh về chầu. Nghe tin Linh Công đã hóa, 5 anh em đau xót, căm giận khôn xiết, xin với vua rằng: Chúng thần mong muốn được vất vả thay bệ hạ đi tuyển chọn tướng tài, hẹn không đến 10 ngày đầu Ma Na sẽ treo dưới cờ. Vua khen và ưng thuận. Từ tạ nhà vua, 5 anh em kéo quân đến thẳng Hoan Châu đại chiến một trận. Quân giặc thua, các ông thừa thắng xông lên chém đầu tướng giặc Ma Na buộc dưới ngựa, bắt sống vài chục tỳ tướng, thu toàn bộ khí giới mang về, dâng biểu báo tin thắng trận.

Vua lệnh mổ bò, khao thưởng ba quân, gia phong cho các tướng sĩ: Phong Vật Công là Hữu Vật Đại vương, Lôi Công là Lôi Điện Đại vương, Quán Công, Quảng Công là Ba Nồi Đại vương, Lặc Công là Lục Lặc Đại vương, tất cả đều được phong tước và thực ấp theo thứ bậc khác nhau. Năm anh em cùng nhau đi ngao du bốn biển, thăm thú những nơi hưởng thú mây gió, non xanh nước biếc, cõi bồng lai tiên cảnh, những nơi các ông đi qua đều thiết lập hành cung làm chỗ nghỉ ngơi, tổng cộng 42 nơi (sau khi các ông hóa tất cả những nơi này đều lập miếu thờ phụng).

Hôm xa giá của 5 anh em về trang Cổ Liêu, trong lúc tiệc tùng, bỗng nhiên trời đất tối tăm, sấm chớp đùng đùng nổi lên, nhân dân và các cụ phụ lão đều nghe thấy trên không trung có tiếng ngâm thơ: “Sống là danh tướng chết là thần/ Hà tất khư khư ở thế nhân/ Nay triệu 5 ông về cửa khuyết/ Sơn hà giao phó bậc vua hiền”. Dứt tiếng ngâm, trời lại trong sáng, gió mưa tạnh hẳn nhưng không thấy 5 ông, chỉ còn áo khăn để lại. Nhân dân sợ hãi bèn làm lễ, viết thần hiệu, nhất nhất đều rước về từ sở thờ. Vua nghe tin rất thương xót các ông những vị tướng có công lớn đối với quốc gia, bèn gia phong mỹ tự xếp vào Thượng đẳng phúc thần, ban sắc phong cho dân rước về, sửa sang đền miếu thờ phụng mãi muôn đời. 

Trải qua các đời vua, 6 vị Đại tướng quân đều được gia phong mỹ tự là Thượng đẳng phúc thần, mãi thờ phụng: Phong Hữu Vật Đại vương (hai khu ông Tạ, ông Sảo thờ phụng). Lôi Điện Uy Dũng Đại vương (khu Cây Gạo thờ phụng). Cửu Quán Đại vương và Lục Lặc Đại vương (khu Quang lãng thờ phụng).

Ba Nồi Đại vương và Đống Mả Đại vương (khu Mai Xá thờ phụng). Kê khai ngày sinh, ngày hóa của các vị Đại vương, các lễ tiết cùng 6 chữ tên húy phải kiêng: Vật, Lôi, Quán, Quảng, Linh, Lặc. Tên húy của Thánh phụ và Thánh mẫu ghi rõ trong thần tích phải đọc chệch âm. Trong khi làm lễ cấm dùng màu đỏ và màu tía. Ngày mùng 6 tháng 6 là sinh nhật Vật Công và Lôi Công (lễ bằng lợn đen tuyền, bánh dày, gà, xôi, rượu, cỗ chay. Lễ có tổ chức ca hát, đấu vật 3 đêm).

Ngày mùng 8 tháng 8 là sinh nhật của 4 vị Đại vương (lễ dùng lợn đen tuyền, xôi, rượu, tổ chức ca hát, đấu vật 3 ngày). Mùng 10 tháng 10 là ngày hóa của Đống Mả Đại vương (lễ dùng lợn đen tuyền, xôi, rượu, cỗ chay... Trước lễ 1 ngày rước thần từ miếu về đình để tế).

Ngày 16 tháng 12 ngày hóa của 5 vị Đại vương (lễ dùng lợn đen tuyền, xôi, rượu và vật phẩm). Ngày mùng 2 tháng 2 làm lễ mừng 5 ngôi miếu được gia phong mỹ tự (lễ dùng bò, lợn, xôi, rượu, hát xướng một đêm). Ngày mùng 7 tháng 8 làm lễ mừng (lệ dùng cỗ chay, oản, quả, gà, xôi, rượu, tổ chức hát xướng một đêm).

Trên phạm vi cả nước có 42 nơi thờ ngũ vị Đại vương. Riêng Đống Mả Đại vương những nơi ngài chạy qua để lại vết máu, dân lập 28 ngôi đền thờ phụng. 
(0) Bình luận
  • Ô Quan Chưởng - Cửa ô cuối cùng của Hà Nội
    Cửa Ô Quan Chưởng nằm ở phía Đông thành Thăng Long xưa, hiện nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là một trong những cửa ô quan trọng của thành Thăng Long còn sót lại cho đến ngày nay. Chứng kiến biết bao biến đổi thăng trầm của Thủ đô, giữa phố phường Hà Nội nhộn nhịp hôm nay, Ô Quan Chưởng vẫn sừng sững uy nghiêm, khoác lên mình vẻ đẹp cổ kính, bình yên...
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Quang Lãng vùng quê của lục vị Đại tướng quân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO