Khoảng giữa thế kỷ XIX, một số người dân thôn Hà Vĩ đã lên Thăng Long, lập nghiệp ở thôn Cổ Vũ Thượng này. Họ mang theo nghề truyền thống của quê hương mình là làm đồ gỗ phủ sơn ta. Thôn Hà Vĩ xưa thuộc tổng Tín Yên (huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông), nay thuộc xã Lê Lợi (huyện Thường Tín, Hà Nội).
Sau khi lập thành phố nghề, người dân Hà Vĩ đã lập ngôi đình mang tên quê hương mình (nay thuộc nhà số 11 phố Hàng Hòm) để thờ ông tổ nghề sơn Trần Lư (1470 - ?), người làng Bình Vọng (xã Văn Bình, huyện Thường Tín). Ông đỗ Tiến sĩ năm Nhâm Tuất (1502), niên hiệu Cảnh Thống thứ 5, đời vua Lê Hiến Tông và là một Hiến sát sứ. Trong một lần đi sứ sang nhà Minh, ông đã học hỏi được các kỹ thuật sơn dầu, sơn bóng, sơn quang tinh xảo của Trung Quốc để truyền dạy cho dân làng, giúp nghề sơn, đặc biệt là kỹ thuật sơn mài, phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Từ làng Bình Vọng, nghề sơn tỏa ra các làng quanh vùng như Duyên Trường, Hạ Thái, Hà Vĩ...
Cho đến đầu thế kỷ XX, đa số cư dân Hàng Hòm là người Hà Vĩ. Họ mở các cửa hàng chuyên làm các loại hòm đựng quần áo bằng gỗ phủ sơn ta, tráp gỗ đựng giấy tờ hay hòm gỗ mộc dùng sơn nhập của Pháp. Thời gian đầu, họ chỉ sản xuất hòm đựng quần áo. Về sau, có vài nhà làm câu đối, tráp quả, ngai thờ bằng sơn mài. Từ năm 1930, theo nhu cầu mới, phố Hàng Hòm sản xuất các đồ dùng làm từ da bò như va ly, cặp sách, túi du lịch...
Năm 1962, Hợp tác xã Mạnh Tiến được thành lập, chuyên nhận gia công hòm đựng quần áo và va ly gỗ phục vụ người thường xuyên đi công tác. Giai đoạn Toàn quốc kháng chiến (1946 - 1947), phố Hàng Hòm cùng các phố Hàng Gai, Hàng Nón, Hàng Thiếc đã bị bom đạn giặc Pháp tàn phá. Thời kỳ Pháp tạm chiếm (1947 - 1954), phố Hàng Hòm được xây dựng lại theo kiểu kiến trúc mới, gồm 32 nhà số chẵn và 19 nhà số lẻ.
Do biến động xã hội, số gia đình làm nghề sản xuất hòm đựng quần áo ít dần, và nghề này kết thúc vào cuối những năm 70 của thế kỷ XX.