Cộng sinh để tồn tại
Nhịp sống phố cổ đang dần trở lại. Sau những ngày căng thẳng vì phòng, chống dịch, phố phường trở về nhịp điệu thân quen.
Nhà bà Đàm Thị Hòa ở phố Mã Mây (quận Hoàn Kiếm) là điển hình cho “kinh tế đường phố” khi từ sáng tới đêm tổ chức dịch vụ trông xe, bán trà chanh, hoa quả phục vụ thú vui “lan man” bên vỉa hè của người dân, du khách. “Chỉ với việc kinh doanh ở đây suốt mấy chục năm qua mà tôi nuôi dạy con cái nên người. Bởi vậy, khi không còn thực hiện giãn cách xã hội, chính quyền cho phép tiểu thương buôn bán trở lại, chúng tôi càng biết bảo nhau đoàn kết, xây dựng thương hiệu du lịch phố cổ” - bà Hòa chia sẻ.
Tâm sự của bà Hòa như nói thay cho suy nghĩ của người dân phố cổ, và phản ánh một sự thật hiện hữu, đó là qua những ngày có dịch, người dân phố cổ càng cần biết bảo ban nhau, hỗ trợ nhau cùng tồn tại và phát triển. Như quán phở Vui ở 25 Hàng Giấy phải có quán trà đá bên nhà 30 đối diện; quán bánh bao ở ngõ 59 Lương Ngọc Quyến phải có hàng sữa đậu nành kế bên; quán bia hơi ở “ngã tư quốc tế” Lương Ngọc Quyến - Tạ Hiện phải có hàng nem chua, thịt nướng “phối nhịp”...
Sự cộng sinh ở phố cổ xem ra khăng khít hơn sau kỳ nghỉ dài vì dịch Covid-19, cũng bởi người dân đã thấm cái sự thất nghiệp bất đắc dĩ vừa qua. Ông Nguyễn Quang Thành ở 27 Lương Ngọc Quyến kể, các hộ ở từng tầng đã thống nhất với nhau cùng kinh doanh, tận dụng mọi không gian để thu hút khách đến tham quan phố cổ. Nghĩa là nếu khách muốn ngồi ở tầng 1 cảm nhận sự ồn ào phố xá, hay muốn lên tầng 2 để có cảm giác bình yên, có khoảng không ngắm nghía phố xá thì đều được chiều theo ý thích. Nhà tầng 1 giới thiệu khách lên tầng 2, và ngược lại...
Nhiều cơ sở lưu trú vẫn âm thầm chuẩn bị để đón du khách nước ngoài theo những đường bay quốc tế sắp được mở lại nay mai. Bà Nguyễn Thị Huệ, chủ khách sạn 128 Hàng Bông cho biết, cho đến bây giờ khách sạn gồm gần 100 phòng của bà vẫn chưa có khách nhưng đội ngũ nhân viên luôn sẵn sàng, tự tin chờ ngày du lịch khởi sắc trở lại. Cũng theo bà Huệ, ngay từ bây giờ, chính quyền và cơ quan công an đã tạo mọi điều kiện để các cơ sở lưu trú có thể hoạt động trở lại. Họ tổ chức tập huấn về việc đăng nhập dữ liệu quản lý, cách khai báo khách lưu trú qua mạng internet; tuyên truyền về chủ trương, chính sách để chủ cơ sở lưu trú chủ động nắm tình hình...
Thay đổi tư duy
Dù mới về nhận nhiệm vụ chưa bao lâu nhưng Thiếu tá Đinh Đức Hạnh, Trưởng Công an phường Hàng Buồm đã được cả khu phố biết đến qua những việc làm thiết thực nhằm bảo đảm an ninh trật tự. Trước nỗi lo kinh doanh về đêm là thời điểm dễ phát sinh các vấn đề phức tạp, Công an phường Hàng Buồm đã tổ chức cho các hộ kinh doanh, cơ sở lưu trú ký cam kết bảo đảm an ninh trật tự, chuẩn bị các phương án phục vụ cho việc kích cầu du lịch thời kỳ hậu dịch Covid-19.
Theo Thiếu tá Đinh Đức Hạnh, Công an phường Hàng Buồm đã soạn sẵn nội dung cam kết không chứa chấp đối tượng phạm pháp, không tổ chức hoạt động trái pháp luật dưới bất kỳ hình thức nào. Người dân cần sát cánh với lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra để phát hiện các gói, bọc lạ để trong khu vực kinh doanh, nhà vệ sinh, dưới gầm ghế; cảnh giác với thủ đoạn đổi tiền để trộm cắp...
Cách làm này của phường Hàng Buồm đã góp phần nâng cao ý thức xây dựng, bảo vệ môi trường kinh doanh, môi trường du lịch của bà con. Người dân phố cổ không chạy theo lợi nhuận trước mắt mà quên mục tiêu phát triển bền vững. Anh Nguyễn Ngọc Anh, chủ quán bar trên phố Mã Mây khẳng định: Các chủ kinh doanh trên địa bàn chấp hành nghiêm quy định của cơ quan chức năng. Các quán bar còn tự giác in nội quy bằng hai thứ tiếng Anh - Việt, trong đó ghi rõ không mua bán, tổ chức sử dụng trái phép các chất ma túy; không mua bán khí N2O, bóng cười...
Bà Đặng Thị Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Bạc khẳng định: Từ tháng 9-2016 đến nay, UBND quận Hoàn Kiếm triển khai tổ chức thí điểm nới rộng thời gian kinh doanh đến 2h sáng trong 3 ngày cuối tuần đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn quận. Hiệu quả thu được không chỉ là kết quả kinh doanh riêng của từng khu vực mà là sự cộng hưởng của cả chuỗi hoạt động kinh doanh tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận...
Còn theo Thượng tá Bùi Văn Đang, Phó Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm, các đội nghiệp vụ của Công an quận thường xuyên tổ chức kiểm tra 669 cơ sở lưu trú, 16 quán karaoke, các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, các nhà hàng trên địa bàn, mục tiêu là bảo đảm môi trường kinh doanh, du lịch văn minh, sẵn sàng đón đầu làn sóng du lịch trong thời gian tới.
Theo Đề án thí điểm phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, địa bàn phố cổ sẽ được tổ chức hoạt động xuyên đêm, có phân loại theo mô hình tổ chức... Nói như Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân, Quận ủy, UBND quận Hoàn Kiếm xác định sẽ thúc đẩy các loại hình thương mại, dịch vụ du lịch theo Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26-6-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo”. Quận Hoàn Kiếm đã, đang chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tổ chức khai trương “Không gian đi bộ mở rộng phía nam khu phố cổ”, dự kiến hoạt động vào ngày 1-7 tới...
Phố cổ đã “thức giấc”, kết nối với không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận thành một chỉnh thể thống nhất. Tất cả đã sẵn sàng cho nhịp sống sôi động trở lại!