Phim Việt kiều và những dấu ấn khó quên
Trong nửa đầu năm 2023, giới yêu điện ảnh Việt Nam nhận được nhiều tin vui: đạo diễn Trần Anh Hùng nhận giải Đạo diễn xuất sắc nhất, đạo diễn Phạm Thiên Ân nhận giải Camera vàng cho phim dài đầu tay (đánh dấu lần đầu tiên phim Việt đoạt giải) tại Liên hoan phim Cannes 2023. Hai đạo diễn trên chính là những minh chứng tiêu biểu cho sức hút khó cưỡng của dòng phim Việt kiều.
Kể từ bộ phim “Con thú tật nguyền” (được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Ngụy Ngữ) của đạo diễn Hồ Quang Minh, do hãng phim Giải phóng thực hiện được công chiếu vào năm 1986, các tác phẩm của những nhà làm phim Việt kiều tiếp sau đó cũng gây nhiều tiếng vang và nhận được sự chú ý. Hiểu một cách đơn giản thì phim Việt kiều là dòng phim bao gồm những tác phẩm do các nhà làm phim người Việt sống ở nước ngoài thực hiện. Đó là những bộ phim khắc họa đất nước, con người Việt Nam, có thể được quay tại Việt Nam hoặc ở nước ngoài. Họ có thể là những người đang mang quốc tịch Việt Nam hoặc/ và mang quốc tịch của nước sở tại.
Các thế hệ nhà làm phim nhiệt huyết, sáng tạo
Nhiều người cho rằng Hồ Quang Minh, Trần Anh Hùng là những người đầu tiên đặt nền móng cho dòng phim Việt kiều. Tuy nhiên, vào đầu những năm 1950, đã có một thế hệ đạo diễn trở về từ Pháp sau thời gian dài học điện ảnh như Phạm Kỳ Nam, Lê Anh Tuấn,... cùng đóng góp sức mình vào điện ảnh cách mạng. Ngoài ra, có một số tài liệu ghi nhận sau năm 1945, Việt Nam đã nhận được những thước phim tài liệu do Việt kiều Pháp gửi về như: “Hồ Chí Minh ở Pháp”, “Đời sống của những Việt kiều”,...
Bên cạnh những cái tên được học tập điện ảnh chính quy thì còn có một nhóm những người yêu điện ảnh và tự tìm tòi làm phim, đó là nhóm Ly Tao, nổi bật nhất là Phạm Văn Nhận. Họ được biết đến với tác phẩm “Một trang nhật ký”. Tuy nhóm tan rã không lâu sau đó song những giá trị của Ly Tao cũng góp phần định hình dòng phim Việt kiều.
Dù đã có những bước chân đầu tiên nhưng phải đến năm 1986, dòng phim Việt kiều mới chính thức bắt đầu đời sống của nó. Đây là một tín hiệu tích cực đối với những nhà làm phim, những đạo diễn Việt kiều đang có mong muốn trở về.
Nối gót Hồ Quang Minh là cái tên không mấy xa lạ - “chàng thơ của điện ảnh”, đạo diễn Trần Anh Hùng. Người được biết đến như một “báu vật” của điện ảnh Việt Nam nói chung và dòng phim Việt kiều nói riêng khi cho ra đời nhiều tác phẩm khắc họa đất nước, con người Việt Nam như: “Mùi đu đủ xanh” (1993), “Xích lô” (1995), “Mùa hè chiều thẳng đứng” (2000).
Trong đó, “Mùi đu đủ xanh” giúp Trần Anh Hùng mang về giải Camera Vàng cho Phim đầu tay hay nhất tại Liên hoan phim Cannes 1993, đề cử Phim ngoại ngữ hay nhất tại lễ trao giải Oscar lần thứ 66 (bộ phim nói tiếng Việt đầu tiên và duy nhất đến thời điểm hiện tại nhận được đề cử này); “Xích lô” giúp đạo diễn giành giải Sư Tử Vàng cho Phim hay nhất tại Liên hoan phim Venice 1995. Và gần đây là tác phẩm “The Pot-au-Feu” được Pháp đề cử tranh giải Oscar lần thứ 96. Tuy bộ phim này không được xếp vào phim Việt kiều nhưng việc tác phẩm do Trần Anh Hùng đạo diễn cũng đủ minh chứng cho tài năng của người con gốc Việt.
Bên cạnh Trần Anh Hùng, còn có hai cái tên khác cũng gây chú ý không kém vào những thập niên 90, đó là anh em Tony Bùi và Timothy Linh Bùi. Họ là những người đứng sau và tạo nên thành công của “Ba mùa”, một tác phẩm điện ảnh khác lạ với sự tham gia của diễn viên đến từ cả hai quốc gia: Mỹ và Việt Nam. “Ba mùa” đã đưa tên tuổi bộ đôi đạo diễn “nhà họ Bùi” lên cao khi là bộ phim Việt đầu tiên chiến thắng cả Giải khán giả (Audience Award), Giải giám khảo (Grand Jury Prize) tại Liên hoan Phim Sundance năm 1999.
Sau Trần Anh Hùng là những cái tên quen thuộc với công chúng nội địa bởi các tác phẩm của họ từng “càn quét phòng vé” hoặc mang đến những ấn tượng mạnh mẽ với người yêu điện ảnh Việt Nam. Đó là Nguyễn Võ Nghiêm Minh (phim “Mùa len trâu”), Lưu Huỳnh (phim “Áo lụa Hà Đông”), Leon Le (phim “Song lang”), Charlie Nguyễn (phim “Dòng máu anh hùng”), Victor Vũ (phim “Thiên mệnh anh hùng”, “Mắt biếc”),...
Tại sao thế hệ đạo diễn thứ hai lại có thể phá đảo phòng vé mạnh mẽ đến thế? Các nguyên nhân đến từ bối cảnh lịch sử, xã hội giúp họ được tiếp nối và được truyền thụ kinh nghiệm từ một thế hệ gặt hái nhiều thành công trước đó. Bên cạnh đó, họ đặt mục tiêu kinh tế lên trên các mục tiêu còn lại, cho nên họ nhanh chóng nắm bắt thị trường và nhận ra bản thân cần phải thực hiện những bộ phim đáp ứng thị hiếu của công chúng trong nước để thu hút khán giả nhanh chân đến rạp.
Tuy có những thành công nhất định nhưng không phải lúc nào phim do các đạo diễn Việt kiều thuộc thế hệ thứ hai sản xuất cũng thu về tiền tỷ. Có những tác phẩm vẫn rơi vào trường hợp lỗ nặng. Điển hình nhất là “Dòng máu anh hùng” do Charlie Nguyễn làm đạo diễn. Xét về độ yêu thích của người yêu điện ảnh cũng như các giá trị khác của bộ phim này là không thể phủ nhận. Ra mắt năm 2007, phim đã “phá đảo phòng vé” và thu về 10 tỷ đồng, một con số khổng lồ tại thời điểm đó. Tuy nhiên, so với chi phí sản xuất hơn 1,5 triệu đô la thì phim đã “thua đậm”.
Và gần đây, khi cái tên Phạm Thiên Ân phủ sóng gần như mọi mặt báo sau khi giành giải Camera vàng cho phim dài đầu tay tại Liên hoan phim Cannes 2022. Bộ phim “Bên trong vỏ kén vàng” do anh đạo diễn cũng vừa kịp ra mắt khán giả Việt Nam trong tháng 8/2023, thu về những phản hồi tích cực. “Đứa con” tinh thần này của Phạm Thiên Ân đã đánh một dấu vàng son trên hành trình chinh phục và nâng tầm điện ảnh Việt của anh. Và người yêu điện ảnh Việt Nam có quyền hi vọng về một thế hệ thứ ba của dòng phim Việt kiều đầy năng lượng sáng tạo với nhiều thành tựu.
Giá trị và sức ảnh hưởng của dòng phim Việt kiều
Trong những bộ phim Việt kiều có yếu tố chiến tranh, thậm chí đi sâu khai thác đề tài chiến tranh, khán giả dễ dàng bắt gặp hình ảnh người con đất Việt kiêu hùng, can trường. “Dòng máu anh hùng” là cái tên nổi bật nhất. Chính tác phẩm này đã đưa Ngô Thanh Vân lên một tầm cao mới nhờ vai diễn Thúy - một nữ trung hào kiệt dám chống chọi với kẻ thù bằng tài năng võ nghệ của bản thân để bảo vệ chính mình, bảo vệ đồng bào và hơn hết là giành lấy sự tự do của quốc gia dân tộc.
Trái với “Dòng máu anh hùng”, “Áo lụa Hà Đông” (đạo diễn Lưu Huỳnh) được xem như một lời hồi đáp trước những gì mà con người mường tượng về chiến tranh: chiến tranh là nơi sinh ra những vị anh hùng, chiến tranh là nơi tinh thần đoàn kết toàn dân tộc được dâng lên cao nhất. Nhưng, hóa ra chiến tranh cũng là thứ đẩy số phận của rất nhiều con người đến bờ vực tối tăm nhất, tuyệt vọng nhất. Nó cướp đi sinh mạng của An - đứa con gái đầu lòng mà Gù và Dần hết mực yêu thương. Không dừng lại ở đó, chiến tranh tiếp tục “phán tội chết” cho Dần bằng cơn lũ cuốn, cho Gù bằng ngọn lửa hung bạo…
Hình ảnh con người Việt Nam và những số phận đã được khắc họa rõ nét trong từng bối cảnh xã hội khác nhau. Họ là Gù, là Dần - những người dân lao động bình thường, cố gắng chống chọi với vòng xoay số phận trong “Áo lụa Hà Đông”. Nhưng, họ cũng sẵn sàng đứng lên và chống lại những sự đối xử hà khắc, bất công nơi xã hội lúc bấy giờ như cách mà Lý An đã làm trong “Hạt mưa rơi bao lâu” (đạo diễn Đoàn Minh Phượng). Bằng cách kể chuyện và xây dựng tuyến nhân vật độc đáo, những tác phẩm của các nhà làm phim Việt kiều thật sự đã chạm đến trái tim người xem - ngay cả những người không sinh ra và lớn lên trong thời chiến hay cùng thời đại trong phim.
Ngoài khai thác đề tài chiến tranh, các bộ phim Việt kiều còn đưa khán giả trở về những năm tháng xưa và ngắm trọn vẻ đẹp của quê hương. Đó là một miền Tây Nam Bộ hoang sơ với mênh mông nước trong “Mùa len trâu”. Đó là một Sài Gòn nhộn nhịp, huyên náo nhưng vẫn tồn tại những niềm đau, những nỗi sợ ẩn mình trong “Xích lô”. Và Sài Gòn ấy cũng thật khác với Sài Gòn vào những tháng năm hội nhập quốc tế nơi “Ba mùa”. Ở một số tác phẩm, có thể hình ảnh đất nước, con người Việt Nam có phần “khác hơn” so với thực tế. Song chính vì thế mà người xem lại có dịp chiêm ngưỡng trên màn ảnh một Việt Nam tuy lạ mà quen qua lăng kính của đạo diễn Việt kiều.
Để có thể khắc họa thành công những nhân vật trên, đạo diễn phải có vốn tri thức sâu rộng về văn hóa Việt Nam và tình yêu day dứt với quê hương xứ sở. Kết hợp với kiến thức và kỹ thuật điện ảnh đã thành nghề, các đạo diễn Việt kiều đã “thu phục” người yêu điện ảnh Việt bằng những bộ phim được đánh giá cao về mặt nội dung và cả nghệ thuật.
Có thể nhận định, đạo diễn phim Việt kiều từ thế hệ đầu tiên đã biết ứng dụng cách kể chuyện trong văn học vào điện ảnh. Như cách Trần Anh Hùng bày ra xung đột nhưng chẳng đẩy chúng lên cao trào trong “Mùi đu đủ xanh”, “Mùa hè chiều thẳng đứng”. Hay như Nguyễn Võ Nghiêm Minh đã đưa “Mùa len trâu” vào một vòng lặp (cảnh đầu và cảnh kết phim đều cùng một thời điểm), từ đó tôn vinh đức tính chịu khó “sống chung với lũ” của người dân miền Tây sông nước.
Ngoài cốt truyện, cách quay phim của các nhà làm phim Việt kiều cũng để lại nhiều ấn tượng sâu sắc. Khó ai có thể quên được hình ảnh giọt nhựa đu đủ chảy chầm chậm trắng ngần trong “Mùi đu đủ xanh” hay cảnh ba chị em quây quần bên nhau đầy ấm cúng trong “Mùa hè chiều thẳng đứng”... Tương tự ở “Thời xa vắng”, cách đạo diễn Hồ Quang Minh đặc tả miền quê Bắc Bộ đẹp hơn cả tranh vẽ cũng làm người xem không khỏi rung động. Tất cả đó đều là những thước phim vượt ra ngoài lẽ thường, đẹp hơn cả trong mơ.
Bên cạnh việc lan tỏa hình ảnh quê hương, đồng bào hay đóng góp vào phương diện nghệ thuật điện ảnh thì dòng phim Việt kiều cũng đã mang về nguồn lợi lớn cho kinh tế. Thứ nhất, đa phần các phim Việt kiều đều được đầu tư bởi các nhà sản xuất phim nước ngoài. Thứ hai, những tác phẩm được quay tại Việt Nam, có nhân sự là người Việt Nam cũng góp phần tăng thêm thu nhập cho nhiều người lao động. Thứ ba, việc các phim Việt kiều thành công về mặt doanh thu càng thôi thúc những hãng phim trong nước cạnh tranh lành mạnh. Từ đó thúc đẩy hoạt động kinh tế thêm năng động, phát triển.
Dòng phim Việt kiều đã có nhiều đóng góp và mang đến những giá trị nhất định với nền điện ảnh Việt. Từ đó, có thể thấy đây là một bộ phận quan trọng của điện ảnh Việt Nam. Những góc nhìn đa chiều sẽ mang đến những đánh giá bao quát về chất lượng điện ảnh Việt Nam những năm gần đây. Với những thế hệ các nhà làm phim nhiệt huyết với nghề, những công sức mà họ đã bỏ ra để góp phần vào nền điện ảnh nước nhà cần được trân trọng./.