Thế giới điện ảnh

Phim truyện điện ảnh: Vẫn thiếu những đề tài hiện đại

Minh Nguyệt 26/12/2023 06:14

Đề tài sáng tác và đối tượng khán giả luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà làm phim và là trăn trở của những nhà quản lý văn hóa, nhất là trong lĩnh vực nghệ thuật điện ảnh dù ở bất cứ giai đoạn nào. Việc mở được "chìa khóa" luận đề trên sẽ đảm bảo cho việc đầu tư và tổ chức làm phim đúng hướng, mang lại giá trị tinh thần thiết thực cho khán giả nói riêng và cho xã hội nói chung.

Chúng ta đang sống ở kỷ nguyên cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, một xã hội hiện đại với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ. Phim truyện điện ảnh cũng phải kịp thời bắt nhịp đời sống, để đáp ứng được yêu cầu, thị hiếu của khán giả và cao hơn là phát huy tính dự báo thời đại.

poster-phim-tuong-ve-huu.jpg
Poster phim “Tướng về hưu”.

"Đề tài hiện đại" là các nội dung bám sát cuộc sống, các vấn đề và những chuyển biến đương đại của đời sống hiện đại, có tác động đến tư tưởng của đông đảo công chúng, được tác giả sáng tạo thông qua các hình tượng nghệ thuật hiện đại.

Như chúng ta đã biết, hiện đại và đương đại hoàn toàn khác nhau; nội hàm của hiện đại là cơ sở hạ tầng khoa học kỹ thuật nhằm hỗ trợ các hoạt động liên quan đến sản xuất, đời sống của con người tại thời điểm hiện tại; còn nội hàm đương đại, là những vấn đề của xã hội hiện đại tác động đến tư tưởng, nhận thức và hành động của đại đa số dân chúng. Vì thế, những vấn đề đương đại sẽ nảy sinh những xung đột, mâu thuẫn, làm chất liệu tiền đề cho một câu chuyện phim.

Để khai thác được các đề tài hiện đại, ngoài những vấn đề đương đại có tác động tới tư tưởng công chúng thì cũng cần để ý tới các hình tượng, thủ pháp nghệ thuật. Nghệ thuật là sáng tạo, phải luôn cập nhật và phù hợp với xã hội hiện đại thì mới có thể thu hút khán giả. Vấn đề đặt ra hiện nay là, chúng ta đang có quá ít bộ phim về đề tài hiện đại.

poster-phim-mua-oi.jpg
Banner phim “Mùa ổi”.

"Khi những vấn đề lớn của cuộc sống được đặt ra, những vấn đề làm day dứt lòng người, rung chuyển thời đại, nhưng nghệ sĩ lại không thấu hiểu nó, không quan tâm tới nó, thậm chí còn thờ ơ với nó thì không sao đạt được tới một tác phẩm nghệ thuật có nội dung tốt" (Giáo trình mỹ học Mác - Lênin).

Điện ảnh Việt từng có thời kỳ hoàng kim với dòng phim chiến tranh cách mạng như “Mối tình đầu”, “Cánh đồng hoang”, “Đường về quê mẹ”, “Vĩ tuyến 17”, “Em bé Hà Nội”... Những tác phẩm đã lay động hàng triệu trái tim người Việt Nam, hun đúc mãnh liệt lòng yêu nước và thôi thúc thanh niên lên đường nhập ngũ, giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Hay những bộ phim hiện thực xã hội chủ nghĩa như: “Tướng về hưu”, “Mái trường yên tĩnh”, “Mùa ổi”… cũng gây được tiếng vang trong xã hội và đặt ra những vấn đề trăn trở thời cuộc.

Còn hôm nay, những bộ phim ra rạp, phần lớn là tâm lý xã hội thuần túy, cổ trang, hài hước; thế hệ trẻ đang rất thiếu những bộ phim có tính thời đại như trước đây, dẫn đến bỏ ngỏ một cánh cửa xung yếu trên mặt trận văn hóa trong việc giáo dục lý tưởng sống cho thanh thiếu niên.

Tính lý tưởng trong phim rất quan trọng. Đó là mục tiêu cao đẹp mà con người có khát vọng đạt tới, là tấm gương sáng mà con người muốn noi theo, là hình ảnh tươi sáng và hoàn chỉnh của tương lai mà con người coi là cần phải được thực hiện trên đường đời của mình. "Lý tưởng chính là cái mà vì nó người ta sống và dưới ánh sáng của lý tưởng người ta hiểu được ý nghĩa cuộc đời của mình" (I-va-nốp, Tâm lý học, 1959, tr.71).

Giống như bao hình thức nghệ thuật khác, phim truyện điện ảnh có tác động mạnh mẽ tới đời sống, tư duy con người. Đó là những phút giây người trẻ hoang mang tự hỏi, mình phải trở thành con người như thế nào, phải sống như thế nào để trở thành con người có ích hay là làm nên một cuộc đời có ý nghĩa?... Và rất nhiều trong số họ đã tìm thấy câu trả lời từ những bộ phim có ý nghĩa lớn lao về thời cuộc.

Chúng ta không hề thiếu những câu chuyện mang hơi thở cuộc sống hiện tại nhưng tại sao vẫn thiếu những bộ phim có đề tài hiện đại. Do thiếu kịch bản? Do thẩm định của hội đồng nghệ thuật? Hay là do thiếu sự chỉ đạo của cơ quan chức năng quản lý văn hóa? Đây là những câu hỏi cần nhiều bên liên quan cùng suy ngẫm và giải quyết.

Ở dòng phim lịch sử, chiến tranh cách mạng, nếu được khai thác thêm hoặc dựng lại phiên bản mới, cần nhiều hơn sự cẩn thận, tỉ mỉ và nghiên cứu kỹ về nền tảng văn hóa, bối cảnh lịch sử. Phải làm sao để vừa không có lỗi với các thế hệ cha anh đi trước, tạo hiệu ứng tích cực cho người xem, vừa trân trọng, biết ơn và bồi dưỡng tinh thần dân tộc.

Phim truyện điện ảnh ngày nay không còn phụ thuộc vào một kênh chiếu rạp để đến với khán giả nữa. Các không gian điện ảnh trên mạng internet đã bổ sung thêm cho khán giả những trải nghiệm mới mẻ và tiện lợi. Vì thế, khán giả xem phim điện ảnh không giới hạn ở độ tuổi nào. Và những điều này cũng đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết cho phim truyện.

Bên cạnh việc chú trọng thẩm định nội dung kịch bản, thì vấn đề quảng bá cho bộ phim cũng hết sức quan trọng. Về việc này, thì các hãng phim tư nhân làm rất tốt. Thật tiếc cho một số bộ phim được Nhà nước đầu tư với kinh phí lớn nhưng do truyền thông kém nên công chúng ít được biết tới. Tình trạng này dẫn đến cảnh phim bị “đắp chiếu” xếp vào kho tư liệu; vừa lãng phí tiền bạc, vừa lãng phí công sức của biết bao người.

Khi một bộ phim được ra mắt công chúng, không những mang đến ý nghĩa, giá trị về mặt nghệ thuật, nội dung mà còn là thêm một lần khẳng định giá trị thực tế của phim. Những phản hồi của công chúng với từng bộ phim là một kênh tham khảo quan trọng và cần được lưu tâm. Qua hiệu ứng khán giả, người làm phim sẽ nhận biết được nhu cầu, thị hiếu và mong muốn của khán giả; đánh giá được thực trạng công tác làm phim điện ảnh của nước nhà… Từ đó, giới làm phim có thêm những chiến lược đúng đắn hơn trong hành trình phát triển nền điện ảnh thời hiện đại và thúc đẩy nghệ thuật điện ảnh phát triển.

image1.png
"Bên trong vỏ kén vàng" là một bộ phim có nhiều giá trị tư tưởng.

Hiện nay, việc đánh giá phim truyện điện ảnh mới chỉ dừng ở hội đồng nghệ thuật chức năng mà bỏ khuyết phần đánh giá của khán giả - một kênh đánh giá khách quan và quan trọng không kém để có thể tham khảo. Ngoài một cách khá truyền thống là lấy ý kiến khảo sát khán giả sau mỗi bộ phim ra mắt thì người làm phim có thể lưu tâm theo dõi những phản hồi của công chúng trên mạng xã hội. Có rất nhiều diễn đàn thảo luận review phim, bàn về phim mới ra, so sánh phim cũ và phim mới… với sự tham gia chia sẻ của những khán giả bình dân đến những người có chuyên môn, kiến thức về điện ảnh. Qua đó, người làm phim biết được ưu, khuyết điểm của mỗi bộ phim; làm căn cứ để biên kịch, đạo diễn và nhà sản xuất rút ra được bài học, làm tốt hơn cho những bộ phim sau./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Phim truyện điện ảnh: Vẫn thiếu những đề tài hiện đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO