Phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ Hà Nội tiếp tục gương mẫu, đi đầu cả nước

30/03/2019 21:18

Nằm trên phố Hàm Long (thuộc phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), ngôi nhà số 5D thật giản dị với thiết kế một tầng, mái lợp ngói ta. Cách nay 90 năm, đây chính là nơi thành lập Chi bộ Cộng sản trong nước đầu tiên (tháng 3-1929), mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Tự hào với truyền thống ấy, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, củng cố tiềm lực quốc phòng và an ninh...,

Phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ Hà Nội tiếp tục gương mẫu, đi đầu cả nước
Nhà số 5D phố Hàm Long, Hà Nội - nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam (tháng 3-1929).

1. Trở lại lịch sử những năm cuối thế kỷ XIX, sau khi bình định xong Việt Nam, thực dân Pháp từng bước thực hiện các chính sách thực dân hà khắc, biến nước ta từ một nước phong kiến độc lập trở thành một xứ thuộc địa nửa phong kiến. Nhiều phong trào yêu nước mang tính chất dân chủ tư sản theo hai khuynh hướng bạo động và cải lương của các sỹ phu đã lần lượt thất bại vì thiếu một đường lối cứu nước đúng đắn, thiếu một tổ chức lãnh đạo có khả năng tập hợp sức mạnh của toàn dân tộc.

Trong bối cảnh đó, tháng 6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Đây không chỉ là bước ngoặt đối với cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, mà còn là bước ngoặt của cách mạng Việt Nam. Tháng 6-1925, Người thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, từng bước truyền bá có hệ thống chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong nước, đưa phong trào công nhân chuyển dần từ trình độ tự phát lên tự giác; đưa phong trào yêu nước chuyển dần sang lập trường cộng sản. 

Ở Hà Nội, những thanh niên tiêu biểu cho phong trào yêu nước đã đón nhận, khao khát tìm đọc, bất chấp sự khủng bố gắt gao của kẻ thù. Đó là học sinh trường Bưởi; Cao đẳng Sư phạm, Cao đẳng Thương mại, Kỹ thuật Thực hành... Như các đồng chí Ngô Gia Tự, Trịnh Đình Cửu, Trần Đăng Huyến, Nguyễn Văn Cừ, Lều Thọ Nam, Trần Tích Chu, Phạm Văn Đồng...

Hà Nội là trung tâm của phong trào yêu nước ở Bắc Kỳ. Phong trào đấu tranh chính trị ở Hà Nội mang tính chất dân tộc và dân chủ công khai rộng rãi đã tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân thành phố, trong đó tầng lớp tiểu tư sản thành thị đóng vai trò quan trọng, mà đi đầu là lớp thanh niên, học sinh.

Từ phong trào đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng, nhiều tổ chức yêu nước đã hình thành, trong đó có Hội Việt Nam cách mạng thanh niên được thành lập cuối năm 1926 ở làng Dịch Vọng, gồm 11 người, do đồng chí Nguyễn Công Thu làm Bí thư. Đây là sự kiện lịch sử quan trọng đánh dấu bước phát triển mới của phong trào yêu nước Việt Nam theo xu hướng vô sản, thể hiện tính nhạy bén cách mạng của tầng lớp thanh niên. Tháng 6-1927, Tỉnh bộ Việt Nam cách mạng thanh niên của Hà Nội được thành lập gồm 3 người, do đồng chí Nguyễn Danh Đới làm Bí thư Kỳ bộ Bắc Kỳ kiêm Bí thư Tỉnh bộ Hà Nội. Địa bàn hoạt động của Tỉnh bộ Hà Nội mở rộng đến các tỉnh lân cận Hà Đông, Sơn Tây, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Phú Thọ, Hưng Yên và huyện Gia Lâm (thuộc tỉnh Bắc Ninh cũ).

Bên cạnh các phong trào yêu nước của các tầng lớp thanh niên, học sinh, từ năm 1928, khi có phong trào “Vô sản hóa” đưa hội viên vào làm việc tại các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền thì giai cấp công nhân mới thực sự chiếm vị trí quan trọng trong phong trào yêu nước. Phong trào “Vô sản hóa” đã góp phần thực hiện việc kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước, thúc đẩy sự hình thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 9-1928, Đại hội lần thứ VI Quốc tế cộng sản họp thông qua Đề cương về cách mạng ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa, trong đó khẳng định việc giải phóng các nước thuộc địa và nửa thuộc địa là sự nghiệp sống còn của các dân tộc và là một bộ phận của cách mạng vô sản thế giới. Các nghị quyết của Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ VI là một trong những yếu tố góp phần thúc đẩy nhanh quá trình thành lập tổ chức cộng sản đầu tiên ở Hà Nội là một tổ chức chặt chẽ hơn, có cương lĩnh rõ ràng hơn, phương pháp hoạt động đúng đắn hơn, cơ sở quần chúng rộng rãi hơn mới có thể đáp ứng được những yêu cầu của phong trào cách mạng là hết sức cấp thiết.

Cuối tháng 3-1929, nhận thấy sự bức thiết phải thành lập một tổ chức cộng sản trong khi Tổng bộ ở nước ngoài còn chưa đặt vấn đề đó, những thanh niên tiên tiến trong Kỳ bộ Bắc Kỳ và Tỉnh bộ Hà Nội đã bí mật họp ở số nhà 5D Hàm Long, Hà Nội, thành lập tổ chức cộng sản đầu tiên ở trong nước. Ngôi nhà 5D Hàm Long là một trong 4 nhà 5A, 5B, 5C, 5D của một gia đình tư sản cho thuê. Kỳ bộ Bắc Kỳ đã thuê nhà 5D làm trụ sở bí mật và giao cho đồng chí Trần Văn Cung (bí danh Quốc Anh) cùng vợ là Nguyễn Thị Liên đến ở và trông nom ngôi nhà. Nhà có một phòng 24m2, sau có sân nhỏ, bếp và nhà vệ sinh. Đồ đạc chỉ có một bộ tràng kỷ và chiếc hòm hai đáy dùng để cất giấu tài liệu. Ban đêm, đồng chí Trần Văn Cung thường dùng mặt hòm để làm việc. Chi bộ 5D Hàm Long gồm 8 người, trong đó nòng cốt là các đồng chí: Trần Văn Cung, Trịnh Đình Cửu, Ngô Gia Tự, Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc... Đồng chí Trần Văn Cung được bầu làm Bí thư chi bộ.

Chi bộ đã chủ trương 3 vấn đề: Thứ nhất, đưa vấn đề thành lập Đảng Cộng sản ra Đại hội đại biểu Thanh niên Bắc Kỳ lần thứ hai để vận động các đại biểu tán thành. Thứ hai, vận động các đại biểu địa phương bầu những đồng chí của chi bộ làm đại biểu đi dự Đại hội thanh niên toàn quốc. Ở Đại hội thanh niên toàn quốc, đoàn đại biểu Kỳ bộ Bắc Kỳ sẽ đưa vấn đề thành lập Đảng ra và đề nghị Đại hội tán thành. Nếu Đại hội không tán thành sẽ bỏ ra về để tiến hành thành lập Đảng ngay. Thứ ba, Chi bộ có trách nhiệm thông qua Kỳ bộ Thanh niên để lãnh đạo các phong trào và phát triển tổ chức công hội, nông hội, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin; lựa chọn những hội viên thanh niên, bồi dưỡng cho việc thành lập Đảng Cộng sản.

Ngay sau khi ra đời, chi bộ đã tích cực đi sâu vào quần chúng công nông để tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, xây dựng và phát triển tổ chức, ra sức lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng. Ba tháng sau, ngày 17-6-1929, tại số nhà 312 phố Khâm Thiên, tổ chức cộng sản Bắc Kỳ - Đông Dương Cộng sản đảng, chính thức được thành lập. Chính cương và tuyên ngôn của Đảng được công bố. Chi bộ 5D Hàm Long đã thực sự trở thành nòng cốt của Đông Dương Cộng sản đảng, góp phần quan trọng vào sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Để sau đó, ngày 17-3-1930, tại số nhà 42 phố Hàng Thiếc, Ban Chấp hành lâm thời của Thành bộ Hà Nội được thành lập.

Sự ra đời của Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam tại Hà Nội vào tháng 3-1929 là thắng lợi quan trọng của tư tưởng vô sản trong cuộc đấu tranh với tư tưởng phi vô sản và các xu hướng quốc gia khác, mở ra quá trình trực tiếp thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3-2-1930, dẫn dắt đất nước ta đến những chiến thắng thần thánh trên con đường giành độc lập, tự do trong suốt 9 thập kỷ qua.

Năm 1960, nhà số 5D phố Hàm Long được khôi phục thành nhà lưu niệm trưng bày các tài liệu, kỷ vật gắn liền với sự ra đời và hoạt động của Chi bộ 5D Hàm Long. Bộ tràng kỷ, bộ ấm tích, 4 ghế đẩu, một giường gỗ, 2 hòm gỗ, nồi chảo, bát đĩa… là những hiện vật đã được phục chế. Nhà số 5D phố Hàm Long đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa năm 1964. Năm 2000, nhà số 5D phố Hàm Long tiếp tục được tu bổ, khôi phục diện mạo như thời điểm ra đời Chi bộ Cộng sản đầu tiên (tháng 3-1929). Trong suốt nhiều năm qua, nhà số 5D Hàm Long trở thành địa chỉ đỏ của đông đảo người dân, du khách trong và ngoài nước mỗi dịp đến Hà Nội. Đây cũng là trường học cách mạng để các thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về truyền thống anh dũng, kiên cường, bất khuất của Thủ đô và đất nước.

2. Việc ra đời Chi bộ Cộng sản đầu tiên của cả nước tại Thủ đô đã thêm một lần khẳng định: Hà Nội luôn là nơi phát sinh, phát triển những tư tưởng tiến bộ mới, các phong trào cách mạng trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Đó là trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thắng lợi Tổng khởi nghĩa của Hà Nội đã trở thành điểm tựa tinh thần cho đồng bào cả nước vùng lên, để ngày 2-9-1945, giữa Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh dõng dạc tuyên bố với toàn thể nhân dân thế giới Tuyên ngôn Độc lập khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã trở thành một nước tự do và độc lập…”. 

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai, cuộc chiến đấu 60 ngày đêm “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” ở Thủ đô Hà Nội đã góp phần quan trọng vừa bảo toàn lực lượng, vừa củng cố niềm tin cho đồng bào cả nước, để 9 năm sau, đất nước ca khúc khải hoàn với chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy và “năm cửa ô đón chào đoàn quân tiến về” giải phóng Thủ đô.

Trong kháng chiến chống Mỹ xâm lược, Thủ đô Hà Nội đã minh chứng cho thế giới biết được sức mạnh lương tri và phẩm giá của dân tộc Việt Nam, làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không” - đòn đánh quyết định cục diện chiến tranh, buộc đế quốc Mỹ ký Hiệp định Paris rút quân hoàn toàn khỏi miền Nam nước ta, tạo điều kiện để chiến dịch Hồ Chí Minh giành thắng lợi, non sông liền một dải... 

Bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, Hà Nội cũng luôn đi đầu, là nơi khởi nguồn của nhiều phong trào thi đua, đổi mới, sáng tạo của cả nước.

Vinh dự và tự hào khi từ một chi bộ ban đầu, ngày nay, Đảng bộ thành phố Hà Nội có số lượng đảng viên lớn nhất cả nước, gồm hơn 43 vạn đảng viên, trên 2.700 tổ chức cơ sở Đảng, trên 18.000 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ thành phố, nhân dân Thủ đô đã chung sức, chung lòng vượt qua khó khăn, thử thách, giành nhiều thắng lợi vẻ vang trên mặt trận phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng và an ninh, đối ngoại...

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ khóa XVI của Đảng bộ thành phố (giai đoạn 2015-2020), tập trung thực hiện 8 chương trình công tác, 5 nhiệm vụ chủ yếu, 3 khâu đột phá, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô giành được những kết quả toàn diện, nổi bật trên các lĩnh vực; đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển của đất nước. Tiêu biểu là năm 2018, dù còn có nhiều bất lợi do thời tiết, tình hình quốc tế và khu vực tiềm ẩn nhiều diễn biến khó lường (nhất là chiến tranh thương mại), nhưng thành phố đã đạt và vượt 20/20 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tinh thần và không khí ấy vẫn được lan tỏa, tiếp nối mạnh mẽ trong 3 tháng đầu năm 2019.
Phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ Hà Nội tiếp tục gương mẫu, đi đầu cả nước
Du khách tham quan Di tích nhà số 5D Hàm Long - nơi đồng chí Ngô Gia Tự và 7 đồng chí khác thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam (tháng 3-1929)

3. Tiếp bước truyền thống lịch sử vẻ vang, nét riêng có của một thế hệ người Tràng An trong thời đại mới, nhận thức rõ trách nhiệm của Thủ đô đối với đất nước, Đảng bộ thành phố Hà Nội đẩy mạnh các phong trào thi đua, quyết liệt thực hiện chủ đề “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”. Để làm được điều đó, thành phố Hà Nội tiếp tục quyết tâm làm tốt việc thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, 7 khóa XII về tiếp tục tinh gọn tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; tiếp tục chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với chủ đề năm 2019 “Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân”, Quy định số 08-QĐi/TƯ của Bộ Chính trị về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; củng cố tổ chức cơ sở Đảng, nhất là những nơi còn yếu kém hoặc có biểu hiện mất đoàn kết nội bộ… Để làm tốt những phần việc nặng nề nêu trên, Đảng bộ thành phố Hà Nội sẽ thực hiện mạnh mẽ các công việc cụ thể như sau:

Một là, hoàn thiện và trình Bộ Chính trị thông qua Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, trên cơ sở đó trình Đảng đoàn Quốc hội, Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ và Chính phủ thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù cần thiết cho Thủ đô trong thời gian tới. Triển khai sắp xếp, tổ chức các ban tham mưu của Đảng theo Quy định 04 của Ban Bí thư; chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị liên quan thực hiện Đề án thí điểm một số chức danh kiêm nhiệm.

Hai là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nắm chắc tình hình; chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng để tổ chức tốt Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, tiến tới Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, Đại hội lần thứ XIII của Đảng theo hướng dẫn của Trung ương, đảm bảo chất lượng, tiến độ quy định. Chú trọng rà soát, đánh giá cán bộ và thực hiện tốt công tác chuẩn bị nhân sự đại hội, đảm bảo chất lượng, dân chủ, công tâm, khách quan, lựa chọn, bố trí những cán bộ thực sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, thật sự vì Đảng, vì dân vào các vị trí lãnh đạo; xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn mới; đẩy mạnh thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp. Chủ động công tác xây dựng Văn kiện Đại hội XVII Đảng bộ thành phố đảm bảo chất lượng, tiến độ theo kế hoạch đề ra.

Ba là, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng. Tiếp tục tái cơ cấu các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý quy hoạch, xây dựng đô thị, xây dựng nông thôn gắn với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế; bảo đảm an sinh xã hội, đào tạo nghề, tạo việc làm và cải thiện đời sống nhân dân. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành và thực thi pháp luật. Củng cố quốc phòng, an ninh; đảm bảo trật tự an toàn xã hội. 

Bốn là, tăng cường đối thoại, lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý, phản biện tích cực của tổ chức, đảng viên và nhân dân để lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, xử lý kịp thời những vấn đề phức tạp phát sinh, không để trở thành điểm nóng. Các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị thực hiện đúng quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung, dân chủ; phát huy vai trò tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá, các vấn đề còn hạn chế, chậm chuyển biến, khắc phục; chỉ đạo và có giải pháp giải quyết hiệu quả đơn, thư khiếu nại, tố cáo, nhất là tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp ở một số địa phương, đơn vị.

Năm là, rà soát, chỉ đạo thực hiện rốt ráo các chỉ tiêu, nhiệm vụ 8 chương trình công tác, 5 nhiệm vụ chủ yếu, 3 khâu đột phá của thành phố; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; mở rộng quan hệ đối ngoại theo Kết luận số 37-KL/TƯ ngày 17-10-2018 Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII), Nghị quyết số 22-NQ/TU ngày 29-11-2018 của Thành ủy và các Nghị quyết của HĐND thành phố về nhiệm vụ phát triển kinh - tế xã hội năm 2019. Động viên, cổ vũ cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tạo không khí phấn khởi hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của thành phố; đồng thời, đổi mới việc tổ chức các phong trào thi đua đảm bảo sát hợp, hiệu quả.

Sáu là, đề cao vai trò người đứng đầu, các cấp ủy đảng và cán bộ chủ chốt. Theo đó, người đứng đầu tổ chức Đảng phải tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ. Trọng tâm là xây dựng phong cách, lề lối làm việc khoa học, dân chủ, kỷ cương, bám sát thực tiễn cơ sở, thực hiện nói đi đôi với làm. Đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính trong Đảng, nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của cấp ủy các cấp; kiên quyết chống bệnh phô trương, hình thức, quan liêu, giảm hội họp, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

*
* *
Nhìn lại chặng đường lịch sử Thủ đô Hà Nội 90 năm qua kể từ sự kiện thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên tại nhà số 5D Hàm Long, chúng ta thêm tự hào về lòng yêu nước, ý chí cách mạng và quyết tâm tiên phong dấn thân của các thế hệ cha anh đi trước. Từ đốm lửa đỏ cách mạng năm xưa, những phong trào cách mạng đã lan rộng và Hà Nội trở thành địa phương có nhiều đóng góp quan trọng, to lớn trong sự nghiệp cách mạng đất nước. 

Đón chào những sự kiện lớn đang đến gần: 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kỷ niệm 20 năm được UNESCO vinh danh "Thành phố vì hòa bình", 65 năm Giải phóng Thủ đô..., bằng bản lĩnh và quyết tâm đổi mới, bằng niềm tin vững chắc vào tương lai tốt đẹp, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tiên phong, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, huy động mọi nguồn lực xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
(0) Bình luận
  • Ô Quan Chưởng - Cửa ô cuối cùng của Hà Nội
    Cửa Ô Quan Chưởng nằm ở phía Đông thành Thăng Long xưa, hiện nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là một trong những cửa ô quan trọng của thành Thăng Long còn sót lại cho đến ngày nay. Chứng kiến biết bao biến đổi thăng trầm của Thủ đô, giữa phố phường Hà Nội nhộn nhịp hôm nay, Ô Quan Chưởng vẫn sừng sững uy nghiêm, khoác lên mình vẻ đẹp cổ kính, bình yên...
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ Hà Nội tiếp tục gương mẫu, đi đầu cả nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO