“Mái nhà chung” tình nghĩa
Đón khách đến thăm HTX Sức sống xanh vào một ngày thu, chị Lương Thị Minh Nguyệt, Chủ nhiệm HTX dẫn tôi ra trang trại của mình và các xã viên đang canh tác. Mô hình vườn - ao - chuồng xinh xắn, mướt mát màu xanh của đủ loại rau, cây ăn quả. Chị Nguyệt cho biết, bản thân bị liệt cả hai chân nên chị hiểu hơn ai hết cảm giác là gánh nặng của gia đình cũng như thái độ tự ti, ngại giao tiếp của những người khuyết tật. Bởi thế, chị tìm đến những người có hoàn cảnh giống mình rồi cùng nhau bàn bạc, tìm cách thức lao động, kinh doanh phù hợp với sức khỏe, khả năng của mình. Sau 1 năm đi vào hoạt động, hiện HTX là nơi sinh hoạt thường xuyên của 17 xã viên đến từ nhiều địa phương trong cả nước.
“Sẵn có khu đất rộng 13.000m2, tôi mở trang trại (có vườn và ao) để những bạn khuyết tật nhẹ có thể trồng, chăm sóc các loại cây như mít, bưởi, đinh lăng... Còn những bạn khuyết tật nặng (liệt hai chi hoặc tứ chi), đi lại khó khăn đảm nhận việc bán hàng qua mạng, tiêu thụ sản phẩm như: Tinh bột nghệ, mầm đậu nành, ngũ cốc dinh dưỡng, tinh bột sắn dây... của HTX và của người khuyết tật ở các đơn vị khác. Tôi cũng thường xuyên mở lớp đào tạo kỹ năng để các bạn có thể bán hàng qua facebook, zalo mà không cần phải đi đâu. Cũng tại đây, với sự khéo léo và tính cần cù, những người thợ khuyết tật còn làm ra những bức tranh Phật đính đá phục vụ Phật tử đi lễ chùa”, chị Nguyệt chia sẻ.
Miệt mài với bức tranh đính đá sắp hoàn thành, anh Hoàng Văn Tính (sinh năm 1985, quê ở Hòa Bình) cho biết, anh đã làm việc ở đây được khoảng 3 tháng, mỗi tháng thu nhập 2 triệu đồng. Trước đây, khi ở quê, anh nhận chở hàng bằng xe ba bánh, tuy nhiên công việc nặng nhọc và không phải lúc nào cũng có. “Thông qua Câu lạc bộ Chấn thương cột sống Khát Vọng (thuộc Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội), tôi biết HTX Sức sống xanh và được chị Nguyệt gợi ý về làm việc tại đây. Công việc nhẹ nhàng, cho thu nhập như hiện tại là điều đáng mơ ước đối với người bị chấn thương cột sống, phải đi lại trên xe lăn như tôi", anh Tính bày tỏ.
Anh Trần Thanh Hà (sinh năm 1981, quê ở Vĩnh Phúc), là nhân viên bán hàng online của Sức sống xanh, vui vẻ cho hay, làm việc tại HTX Sức sống xanh giúp anh có thêm nhiều mối quan hệ và nhận được sự đồng cảm, sẻ chia của những người có cùng hoàn cảnh. Đây là “mái nhà chung”, nơi mà mỗi xã viên chân tình coi nhau như người một nhà...
Không ngừng vươn lên
Ghi nhận và đánh giá cao mô hình hoạt động của Sức sống xanh, chị Ngô Thị Thủy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Dân cho biết, đây là một HTX đặc biệt khi cả Chủ nhiệm lẫn các xã viên đều là người khuyết tật, mọi công việc đều hướng tới người khuyết tật. Không chỉ lo chu đáo về nơi ăn chốn ở, HTX còn dạy nghề, hướng nghiệp, giúp người khuyết tật không ngừng vươn lên. Điều này góp phần lan tỏa lối sống tốt đẹp trong cộng đồng.
“Chị Nguyệt là người khuyết tật, đi lại gặp khó khăn nhưng rất năng nổ tham gia phong trào phụ nữ. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Dân cũng thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt để chị Nguyệt có thể phát triển kinh tế. Đặc biệt, hội là “cầu nối” để chị Nguyệt tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cũng như nhiều nguồn quỹ khác”, chị Ngô Thị Thủy khẳng định.
Chia sẻ về những dự định sắp tới, chị Lương Thị Minh Nguyệt cho biết, với lợi thế về địa lý, không quá xa trung tâm Hà Nội, nên trong tương lai, HTX sẽ đầu tư phát triển thêm mảng du lịch trải nghiệm. Theo chị Nguyệt, việc ra ngoại thành hít thở không khí trong lành, được nghỉ ngơi, thư giãn bên những người thân yêu là điều tuyệt vời. Và chị rất mong nhận được sự chung tay giúp đỡ, tạo điều kiện của các cấp chính quyền cũng như các cá nhân, doanh nghiệp để tinh thần Sức sống xanh lan tỏa đến với nhiều người khuyết tật hơn nữa.
Tiễn tôi về, chị Lương Thị Minh Nguyệt hào hứng: “Bao nhiêu nỗ lực, cố gắng trong thời gian qua, tôi chỉ mong một điều: Nơi đây sẽ là điểm hội ngộ của những người kiên cường biết vượt lên số phận, những người “tàn nhưng không phế”.