Tác giả - tác phẩm

Nỗi buồn trong tập thơ “Nằm nghe lá thở” của Ngô Thanh Vân

Ths. Hoàng Khánh Duy 21:49 10/07/2023

Là nhà thơ thuộc thế hệ 8X, Ngô Thanh Vân được biết tới ở cả 2 mảng sáng tác là thơ ca và văn xuôi. Trong số các tác phẩm đã xuất bản của chị, “Nằm nghe lá thở” được giới chuyên môn đánh giá cao, là minh chứng cho sự trưởng thành trong hồn thơ và nét độc đáo trong phong cách sáng tác của Ngô Thanh Vân. Mở cánh cửa vô hình của “Nằm nghe lá thở”, người đọc có thể phiêu lưu cùng nỗi buồn vừa duyên dáng, nữ tính, vừa khắc khoải, ám ảnh được thể hiện qua chữ nghĩa điêu luyện của tác giả.

nha-tho-ngo-thanh-van.jpg
Nhà thơ Ngô Thanh Vân

Nỗi buồn cho một tình yêu không trọn vẹn

Trong tập “Nằm nghe lá thở”, từ những bài thơ bước ra là một người thơ đã yêu đến tận cùng gan ruột với nhiều đắm say, rạo rực nhưng cuối cùng vẫn không tránh khỏi những đổ vỡ cá nhân. Và nỗi buồn cho một tình yêu không trọn vẹn trở thành sự ám ảnh trong thơ Ngô Thanh Vân. Nỗi buồn ấy đã được chị đan cài vào mọi cung bậc cảm xúc mà bất cứ ai khi yêu đều sẽ trải qua, có những cung bậc vui tựa như bao nốt thăng của một bản nhạc, cũng có cung bậc buồn tựa nốt trầm lặng lẽ, u uất, sầu não.

Cái hay của Ngô Thanh Vân là sự sắp xếp có dụng ý thứ tự các bài thơ (tất nhiên không phải là xuyên suốt tập “Nằm nghe lá thở”, mà đôi khi người đọc chỉ cần xâu chuỗi các nhan đề thôi cũng đủ hiểu phần nào tâm trạng của chủ thể. Chẳng hạn như: “Đợi”, không gặp được thì “Ước”, nhận ra thực tại cay đắng phũ phàng thì chấp nhận “Trả” những kỷ vật, kỷ niệm tình yêu, rồi lại nhớ da diết về “Ngày hôm qua” đã từng có nhau và hạnh phúc vô ngần, rồi lặng lẽ “Viết cho mình” trong cơn “Mưa đêm” để tỏ bày nỗi lòng… Nỗi buồn trở thành sợi dây kết nối những vần thơ tình lãng mạn, nhiệt huyết nhưng cũng đầy xót xa, u uất.

Trong từng bài thơ, Ngô Thanh Vân đã cụ thể hóa nỗi buồn đang mang gánh. Chị buồn vì “Đợi người từ khuya vắng/ Đến tàn canh úa nhàu/ Mà vẫn bặt tin nhau/ Từ muôn ngàn năm trước” (Đợi). Cảm giác đợi chờ một người trong vô vọng thật kinh khủng! Tình yêu trong suốt tập “Nằm nghe lá thở” là tình yêu đơn phương của người phụ nữ, sự nồng nhiệt, hết mình đó đã không được đáp trả xứng đáng, thế nên nhân vật trữ tình mới rơi vào tận cùng của nỗi buồn, nhận ra: “Bao nhiêu tháng năm buồn lên mắt/ Người lặng im còn ta úa nhàu” (Trả); và nỗi buồn đó càng sâu nặng hơn khi nhân vật trữ tình ngoái nhìn lại quá khứ có nhau, cùng thêu dệt biết bao kỷ niệm, mà giờ đây chỉ một mình mình biết, một mình mình hay: “Ta lạc mất mùa xưa tháng cũ/ Nợ nần nhau một tiếng yêu đầu/ Trong trẻo quá một thời khờ dại/ Trả được không đời đã lao đao?” (Trả).

Nỗi nhớ trong thơ của Ngô Thanh Vân vẫn không thoát khỏi nỗi buồn và nỗi nhớ đó cứ kéo dài sau một cuộc phân ly vĩnh viễn trong tình yêu: “Làm sao buộc được áng mây trôi/ Và gió nữa. Gió kia sao ngừng thổi?/ Nên xá gì đoạn đường bão nổi/ Mỗi khắc giờ có để mất nhau đâu” (Ngày chẳng dài như nỗi nhớ em đây). Và khi đã đi qua “đoạn đường bão nổi” trong tình yêu, với một trái tim đầy thương tổn, người phụ nữ đối mặt với cô đơn kiệt cùng. Nỗi buồn cứ thế mà thấm sâu: “Người nghĩ gì khi ngày đã cạn?/ và đêm buông lạnh lẽo chất chồng/ ta thao thức trở mình khuya vắng/ xoay bên nào cũng chạm cô đơn” (Ru mình).

Dù đã yêu hết mình, tận hiến hết mình trong tình yêu nhưng cuối cùng nhân vật trữ tình ấy chỉ còn lại một mình giữa bộn bề ký ức: “thôi thì đường vui cứ bước/ lối xưa chỉ có ta ngồi/ hạnh phúc ngỡ là giọt mật/ mà nghe đắng tận đầu môi” (Đoái trông cũng chỉ riêng lòng). Thế rồi trong một khoảnh khắc nào đó, khi tâm tư trống trải thì nỗi nhớ lại tìm đường trở về, khiến người phụ nữ càng thêm sầu muộn: “Dùng dằng đêm/ Nỗi nhớ anh tràn đầy các tế bào cơ thể/ Em gặm nhấm mình. Mằn mặn môi - Khoảng trống của ngày dễ lấp/ góc quán quen. Giọt đen trầm mặc/ Lệ Quyên thả những lời buồn” (Ngược ngày).

bia-sach-nam-nghe-la-tho.jpg

Đọc tập thơ “Nằm nghe lá thở” của Ngô Thanh Vân, độc giả dễ dàng bắt gặp sự xuất hiện của thời gian nghệ thuật đêm trường và thời gian tâm lý xoắn xít, đan xen với nhau. Có lẽ vì đêm là thời điểm thích hợp để con người sống thật với chính mình, “gặm nhấm” nỗi buồn mà thường ngày cần phải đậy che, trốn tránh. Một mình trong đêm khuya, khi mọi sự đã chìm trong bóng tối tịch mịch, “em” nhận ra: “Vẫn là đêm. Vẫn là em/ Vẫn là nỗi buồn dài như sợi tóc” (Ngược ngày). Người phụ nữ nhớ lại những giấc mơ thời tuổi trẻ của mình, giấc mơ về một tình yêu lâu bền, vĩnh hằng, giờ lại phũ phàng, nghịch lý - cũng trong đêm: “đêm nay, những cơn mơ đi hoang/ đánh thức nụ mầm trong em giấc ngoan thiếu nữ/ ngày xưa ai đó cầm tay vụng về chạm nhẹ môi rất khẽ/ rồi bên nhau đến tận bây giờ/ Vậy mà/ Lạc cả bến mê!” (Lạc). Hết đêm chính là khoảng thời gian mang ý nghĩa nhận thức, thức tỉnh nhân vật trữ tình về những nghịch lý thường thấy trong cuộc sống: “Đêm gối đêm tìm giấc ngủ/ Tay đan tay. Lạnh. Rã rời/ Người dưng trở mình mơ vội/ Tàn đêm. Đời bạc hơn vôi!” (Cuối mùa lưu luyến)…

Những nỗi buồn khác - kết quả của quá trình nhận thức cuộc sống

Nhiều tác giả thường có một sợi dây cảm xúc xuyên suốt những tác phẩm của mình, đó có thể là hùng tráng, dữ dội, bạo liệt, mơ hồ, buồn thương vấn vít. Và cảm xúc thống nhất trong tập “Nằm nghe lá thở” của Ngô Thanh Vân chính là buồn. Ngoài những nỗi buồn tình yêu, người thơ nhạy cảm ấy cũng thường buồn vì những điều vượt khỏi biên giới đó. Và có lẽ, quan điểm “cái đẹp thường sóng đôi với nỗi buồn” thật thích hợp khi đặt vào trường hợp thơ Ngô Thanh Vân.

Thật ra, từ xa xưa, con người đã buồn trước dòng chảy nhanh chóng, vội vã của thời gian, kiểu như “Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn/ Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại” (thơ Xuân Diệu) hay “Thời gian như là gió/ Mùa đi cùng tháng năm/ Tuổi theo mùa đi mãi” (thơ Xuân Quỳnh). Và việc nhận ra quy luật khắc nghiệt của thời gian đã khiến “cái tôi” trữ tình Ngô Thanh Vân rơi vào trạng thái buồn bã, hụt hẫng trước dòng thời gian không ngừng biến đổi: “Đoái vọng gì xa xôi/ Mơ mộng chi thực tại/ Mùa không quay trở lại/ Chớp mắt thời gian trôi” (Ngày hôm qua).

Thời gian trôi đi, tuổi trẻ cũng lặng lẽ qua mau trong sự tiếc nuối vô cùng của nhân vật trữ tình. Tất cả đã được gói ghém trong hình ảnh ẩn dụ “sợi tóc”: “năm tháng dài tuổi trẻ/ tóc giờ muốn nghỉ ngơi”, ngẫm một đời sợi tóc/ đen trắng cũng phận người/ mà bàn tay sấp ngửa/ khiến bao lần chơi vơi” (Đời tóc). Tuổi trẻ là điều quý giá nhất đối với mỗi người, nhất là phụ nữ. Bởi vậy, khi nhận ra tuổi trẻ không còn, thanh xuân ngủ yên trong quá khứ, Ngô Thanh Vân xót xa tự bày: “Em qua ‘cuối mùa nhan sắc’/ Chân chim đan vệt mắt cười” (Cuối mùa lưu luyến).

Đôi khi nỗi buồn đến từ những ngắm nhìn phong cảnh tự nhiên. Sinh ra và lớn lên tại phố núi Pleiku, Ngô Thanh Vân cảm nhận rõ hơn ai hết cái buồn lãng mạn vốn là “đặc sản” của Pleiku, được giấu kín sau màu sương mù bảng lảng: “Trập trùng nhấp nhô/ Những mái ngói lưng chừng đỉnh dốc/ Bầy sẻ nâu chiu chít gọi mùa/ Mùa đủng đỉnh vén màn sương lạnh/ Sương khuya tan vào ban mai” (Phác hoạ Pleiku). Những cảm nhận tinh tế đó cho thấy tình yêu sâu đậm của nữ sĩ dành cho nơi chốn sinh thành. Nỗi buồn cũng đến từ sự quan sát của chị về xứ Huế mộng mơ - nơi chất chứa biết bao giá trị văn hóa và trầm tích của thời gian. Huế là minh chứng cho một thời kỳ vàng son đã qua, một vài địa điểm nay chỉ còn “phế tích”: “Dựa vào thành quách ngàn năm cũ/ Rêu phong ghi dấu những phận người/ Thời gian tàn phá nào ai giữ/ Hoang lạnh kinh kỳ phế tích nay” (Ngẫm).

Dù không nhiều, nhưng trong tập thơ này, Ngô Thanh Vân cũng dành những vần thơ ấm áp, tràn đầy yêu thương và lòng biết ơn dành cho những người thân yêu trong gia đình của mình. Song đó vẫn là nỗi buồn trong những hoàn cảnh không mong muốn, là nỗi buồn của người cháu hiếu thảo chứng kiến sự ra đi vĩnh viễn của bà: “Bà ơi nước trắng mênh mông/ mảnh khăn xô trắng. Trời giông. Trắng trời/ Áo quan đỏ. Nước sông đời/ Sao bằng nước mắt đầy vơi khóc bà” (Tiễn bà). Nỗi buồn của đứa con gái sau khi đã trải qua những mất mát, khổ đau trong tình yêu lại trở về nằm yên trong vòng tay hiền từ của mẹ cũng được Ngô Thanh Vân diễn tả thật xúc động: “con về cuộn tuổi thơ như sóng/ gối mênh mang trên thảm lúa vàng/ khóc chán hòa vào sông vùng vẫy/ tay mẹ mềm đường hóa thênh thang” (Thưa mẹ).

Nỗi buồn trở thành dấu ấn đậm nét trong thơ Ngô Thanh Vân. Những gì chị viết đều xuất phát từ những trải nghiệm riêng của bản thân, cũng là một khẳng định rằng, để có được những vần thơ giá trị, chính nhà thơ phải có vốn sống về những hoàn cảnh, cảm xúc khác nhau. Đó là cả một sự đánh đổi tất yếu, nhưng hoàn toàn xứng đáng. Có thể nói rằng, thơ Ngô Thanh Vân không phải là kiểu thơ dễ dàng, cũng chẳng phải là cảm xúc nhất thời mà thành thơ. Những vần thơ ấy thật sự có giá trị và tác động mạnh đến cảm xúc của độc giả, nhất là những ai đã trải qua đổ vỡ trong chuyện tình riêng tư../.

Bài liên quan
  • Tiểu sử tự thuật viết ở Đông Berlin, tháng 9/1961
    Tháng 6/2023 là kỷ niệm đúng 60 năm ngày mất (3/6/1963) của nhà thơ lớn Thổ Nhĩ Kỳ Nazim Hikmet (1902 – 1963). Ông cũng là một chiến sĩ dũng cảm suốt đời đấu tranh cho hòa bình và công lý trên trái đất, đã được tặng Giải thưởng Hòa bình quốc tế do Hội đồng Hòa bình thế giới trao tặng năm 1950. Sau khi trải qua 17 năm tù đày dưới chế độ độc tài, khi ra tù, ông phải sống lưu vong đến hết đời ở nhiều nước, làm văn, làm thơ, viết báo, đồng thời là diễn giả sôi nổi trên các diễn đàn đấu tranh cho quyền tự do, d
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nỗi buồn trong tập thơ “Nằm nghe lá thở” của Ngô Thanh Vân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO