Trở về với Trung thu truyền thống
Nhiều năm trở lại đây, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã trở thành một điểm đến hấp dẫn của các du khách nhí mỗi dịp Tết Trung thu. Năm nay, từ ngày 15/9 (trước Trung thu một tuần), các em nhỏ đến Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam được trở về với Trung thu truyền thống qua nhiều hoạt động bổ ích. Tại đây các em đã được các nghệ nhân hướng dẫn làm đồ chơi trung thu truyền thống như: Ông tiến sĩ, ông đánh gậy, đèn ông sao, đèn ông sư, đèn con thỏ, tò he, hoa quả bằng bột, đầu lân, mặt nạ, đèn kéo quân, tàu thuỷ sắt tây. Bên cạnh đó các em còn được tham gia các trò chơi dân gian như: Thi đội nước (văn hóa Chăm), kéo co, kéo co ếch, đuổi quạ, bịt mắt đập niêu, diều hâu bắt gà con (văn hóa Chăm), đi cà kheo, nhảy dây, chơi chuyền, ô ăn quan… và còn được trải nghiệm làm bánh dẻo, cắt tỉa hoa quả, làm cốm Vòng. Tiếp sau chương trình “Cùng khám phá đồ chơi trung thu”, trong 2 ngày 22 và 23/9 (tức ngày 13 và 14 tháng tám Âm lịch), bảo tàng tiếp tục tổ chức chương trình “Trung thu 2018 – Sắc màu văn hóa Ninh Thuận” với nhiều hoạt động phong phú như: Trình diễn văn nghệ dân gian, trình diễn nghề thủ công truyền thống, ẩm thực Ninh Thuận và các trò chơi của người Chăm, người Raglai. Các nghệ nhân dân gian của Ninh Thuận sẽ trình diễn các tiết mục múa hát dân gian như: Trống ginăng, Paranưng, kèn Saranai, đàn Kanhi, Mã la, khèn bầu, đàn Chapi…
Một cảnh trong vở kịch “Niềm vui của đám gà nhà” của Nhà hát Tuổi trẻ.
Nằm trong chuỗi hoạt động giáo dục văn hóa, di sản được tổ chức thường xuyên tại Hồ Văn - Văn Miếu, chương trình “Ký ức mùa trăng” do Trung tâm VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức từ ngày 21 đến 23/9 tại khu vực Hồ Văn cũng hứa hẹn sẽ đưa các em nhỏ trở về với trung thu truyền thống. Không chỉ được thưởng thức múa lân, rước đèn, phá cỗ, trình diễn thư pháp… các em còn có cơ hội trải nghiệm làm mặt nạ giấy bồi, học làm bánh trung thu, đèn ông sao, đèn kéo quân… Ngoài ra, các em còn được thưởng thức những tiết mục nghệ thuật, ca múa nhạc, trình diễn thời trang do các tài năng nhí và các nghệ sĩ biểu diễn.
Các em nhỏ thích thú với những đồ chơi truyền thống.
Với mong muốn đưa các em nhỏ trở về với không gian đậm chất trung thu truyền thống, Ban quản lý phố cổ Hà Nội cũng tổ chức nhiều hoạt động bổ ích tại một số điểm di tích do Ban quản lý Phố cổ Hà Nội quản lý, tuyến phố đi bộ Khu Phố cổ Hà Nội và không gian Bích họa phố Phùng Hưng từ ngày 14 đến ngày 23/9/2018. Theo đó, tại Đình Kim Ngân, các nghệ nhân sẽ trình diễn và hướng dẫn cách làm đồ chơi dân gian: Các loại đèn ông sao, ông tiến sĩ, ông đánh gậy, diều giấy, tàu thủy bằng sắt tây, nghệ thuật con giống bột (tò he)…; tại Ngôi nhà Di sản, 87 Mã Mây sẽ giới thiệu không gian Tết Trung thu truyền thống của gia đình Hà Nội và triển lãm ảnh Trung thu Hà Nội xưa; tại Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội, sẽ giới thiệu 3 dòng tranh dân gian và trình diễn, hướng dẫn cách làm tranh Kim Hoàng, Đông Hồ; tại Đình Đồng Lạc, 38 Hàng Đào, phường Hàng Đào, Hoàn Kiếm, Hà Nội: Giới thiệu, trình diễn nghệ thuật làm mặt nạ giấy bồi.
Xuống phố đón trăng
Hòa trong không khí vui Tết Trung thu của trẻ thơ, trong hai ngày 15 và 16/9 tại Phố sách Hà Nội cũng đã diễn ra “Hội sách trăng tròn - Trung thu rước sách”. Để tăng tính hấp dẫn cho Hội sách trăng tròn, BTC đã trang trí phố sách đúng không khí của ngày Tết Trung thu. Ngay từ cổng vào hội sách là chiếc đèn ông sao khổng lồ cao 2,5m, từ đó mở ra một con đường lung linh với đèn lồng đưa bạn đọc đến với khu vực trung tâm của hội sách. Ở đây, độc giả có những góc “du hành thời gian” để trở về không gian Trung thu xưa với mặt nạ giấy bồi, đèn lồng đỏ, tò he nhiều màu, mặt nạ ông địa hay những trò chơi dân gian. Bên cạnh các hoạt động văn hóa truyền thống và trò chơi dân gian, trong “Hội sách trăng tròn” còn có talkshow “Đằng sau chiếc mặt nạ là câu chuyện văn hóa” nhân dịp ra mắt bộ sách tương tác “Sách mặt nạ” với sự tham gia của nghệ nhân mặt nạ giấy bồi Nguyễn Văn Hòa; hoạt động tìm hiểu và nặn tò he dành cho thiếu nhi với sự tham gia của nghệ nhân Đặng Văn Hậu - một trong những nghệ nhân trẻ tuổi nhất được UBND Thành phố Hà Nội tôn vinh vì có những đóng góp đặc biệt trong việc giữ gìn và phát triển nghệ thuật tò he truyền thống.
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam - điểm đến hấp dẫn dịp Trung thu. Ảnh: ĐT
Một không gian thú vị trong mùa trung thu năm nay đó là trung tâm phố đi bộ - Vườn hoa Lý Thái Tổ. Tại đây, vào lúc 20h10 ngày 23/9, sẽ diễn ra Lễ hội trung thu “Đêm rằm xuống phố” - 1 bữa tiệc đầy màu sắc bằng âm nhạc, hài kịch, xiếc và vũ điệu với sự góp mặt của các gương mặt, nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng như: Xuân Bắc, Tự Long, Isaac, Ái Phương, Nhà hát múa rối Thăng Long, Liên đoàn xiếc Việt Nam và các Câu lạc bộ thiếu nhi. Tại lễ hội trung thu “Đêm rằm xuống phố”, BTC sẽ tái hiện con đường đèn lồng và ngôi sao khổng lồ đầu tiên xuất hiện tại phố đi bộ hồ Gươm. Con đường đèn lồng rực rỡ sắc màu hứa hẹn sẽ trở thành điểm check in tuyệt đẹp dành cho các gia đình, khách đi bộ trong dịp lễ trung thu. Bên cạnh đó, một lễ hội carnaval với các hình thức múa rồng, múa lân, rước đèn sẽ được tổ chức tưng bừng xuyên qua các con phố cổ. Trong lễ hội, bên cạnh sự xuất hiện của các nhân vật quen thuộc như chú Cuội, chị Hằng, Tấm Cám, Thạch Sanh, Lý Thông, đại bàng, công chúa Quỳnh Nga, ông Bụt... còn có những nhân vật hiện đại được các bạn thiếu nhi yêu thích: công chúa Elsa, Anna, người nhện, đội trưởng Mỹ, Thor, siêu nhân Gao, người sắt, nàng Bạch Tuyết và bẩy chú lùn... Các nhân vật cổ tích, hoạt hình, các siêu anh hùng... sẽ cùng hàng trăm em nhỏ các độ tuổi khác nhau có mặt ở phố đi bộ để cùng trông trăng phá cỗ, rước đèn Trung thu. Tại khu vực sân khấu chính – Vườn hoa Lý Thái Tổ, bên cạnh màn ca múa hát rộn ràng, sẽ có tiết mục chị Hằng cưỡi trâu, chú Cuội bay từ trên trời xuống mặt đất, Bờm trổ tài cùng vũ điệu quạt mo cùng nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc. Với việc tổ chức một carnaval đường phố vui nhộn, đậm sắc màu Trung thu truyền thống, BTC hy vọng đây sẽ là hoạt động cộng đồng ý nghĩa dành cho người dân Thủ đô và du khách trong mùa Tết Trung thu năm nay.
Rộn ràng kịch, xiếc, múa rối
Theo thông lệ, mỗi dịp Tết Trung thu, các loại hình nghệ thuật biểu diễn như kịch, xiếc, múa rối… cũng nô nức đón trăng. Nhà hát Tuổi trẻ cùng lúc có đến 3 chương trình là “Ánh trăng cổ tích”, “Niềm vui của đám gà nhà” và “Căn bếp đại chiến. Dịp này, khán giả nhí sẽ không chỉ tiếp tục được gặp lại những nhân vật vui nhộn như Chuột cống, Mèo con, cô Chổi lúa, anh Tạp dề… (trong “Căn bếp đại chiến”) hay đám gà nhà, đại bàng, biệt đội hắc ám… (trong “Niềm vui của đám gà nhà”) mà còn được tham gia tương tác nghệ thuật với chương trình “Ánh trăng cổ tích”. Cùng với việc được xem kịch, ở không gian nghệ thuật độc đáo này, các em nhỏ vừa được xem xiếc “Trò chơi ma thuật”, nghe ca hát “Chú ếch cốm lém lỉnh” và cùng tham gia trò chơi đố vui “Nghĩ nhanh – nhanh nghĩ”…
Dịp này, các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam tiếp tục biểu diễn vở kịch “Cậu bé biết bay”. Vở kịch kể về cậu bé Peter Pan tìm cách chối bỏ “sự trưởng thành”, không chịu lớn lên. Peter mang hình hài của một thiếu niên 15-16 tuổi biết bay, luôn muốn vui chơi và hưởng thụ cuộc sống… Có rất nhiều điều thú vị về tình bạn về ước mơ và những chuyến phiêu lưu đang đón đợi khán giả nhí ở vở kịch này.
Chương trình xiếc đặc biệt “Ngày hội của muôn loài” được biểu diễn từ ngày 22/9/2018 là món quà các nghệ sĩ Liên đoàn xiếc Việt Nam muốn dành cho khán giả nhí nhân dịp Tết Trung thu năm nay. Đây cũng là lần đầu tiên Liên đoàn xiếc Việt Nam dàn dựng một vở xiếc xuyên suốt mang chủ đề về các loài động vật. 12 tiết mục là 12 trò diễn của những “diễn viên xiếc” đặc biệt như lợn, vẹt, đà điểu, chó… sẽ dẫn dắt các em nhỏ cùng khám phá thế giới thiên nhiên tươi đẹp. Qua đó, các em vừa có được những giây phút thư giãn thoải mái vừa nâng cao ý thức về việc bảo vệ môi trường, muôn loài, hệ sinh thái đang ngày dần cạn kiệt. “Qua vở xiếc này, rất mong các em nhỏ ngày càng yêu quý hơn các loài động, thực vật quý hiếm trong tự nhiên và những khu rừng đại ngàn đang bảo vệ sự sống của chúng ta như khu bảo tồn thiên nhiên – rừng nguyên sinh Cúc Phương” – Đạo diễn Nguyễn Văn Hoàn cho biết.
Sân khấu múa rối cũng rộn ràng sắc màu với những chương trình như “Phượt cùng bà lão đánh cá” (Nhà hát Múa rối Việt Nam) và “Thế giới của chúng em 3 – Chu du cùng chú Cuội và chị Hằng” (Nhà hát Múa rối Thăng Long). Với mỗi chương trình này, các em nhỏ vừa được thưởng thức nghệ thuật múa rối đặc sắc vừa được gặp gỡ các nhân vật cổ tích quen thuộc như nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn, vợ chồng ông lão đánh cá, chàng Alibaba… Nhưng những nhân vật này đều mang màu sắc đầy tươi mới, ngộ nghĩnh, hóm hỉnh cùng biết bao bài học về cách ứng xử, tình yêu thương… thật gần gũi.
Cũng trong mùa trông trăng năm nay, nhóm nghệ sĩ Tự Long - Xuân Bắc cũng có hai đêm hội ngộ cùng khán giả nhí với vở diễn “Biệt đội siêu anh hùng phá cỗ cùng Xuân Bắc – Tự Long” tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô, tối 23 và 24/ 9/ 2018. Còn CLB Sân khấu Mặt trời nhỏ do NSƯT Hoài Phương (Nhà hát Tuổi Trẻ) làm chủ nhiệm có 2 chương trình mới trông trăng cùng các em thiếu nhi năm nay là: “Quà tặng đêm trăng rằm” và “Điệp viên siêu siêu Cuội”. Theo NSƯT Hoài Phương, hai chương trình này được dàn dựng rất kỹ lưỡng, công phu và sẵn sàng phục vụ tại các cơ quan, trường học, khu chung cư…