Những cửa ô Hà Nội dưới triều Nguyễn

HNM| 12/09/2021 15:50

Ngày nay, rất nhiều người, kể cả những người đã và đang ở Hà Nội cho rằng Hà Nội có 5 cửa ô. Sự hiểu nhầm này bắt nguồn từ câu “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về...” trong bài hát “Tiến về Hà Nội” của cố nhạc sĩ Văn Cao và “Đường lộng gió thênh thang năm cửa ô” của cố nhạc sĩ Phan Nhân (“Hà Nội niềm tin và hy vọng”). Thực ra, trong ngày tiếp quản Thủ đô, các cánh quân tiến vào Hà Nội chỉ qua ô Cầu Giấy và ô Cầu Dền. Hơn nữa, Hà Nội vốn không chỉ có 5 cửa ô.

Những cửa ô Hà Nội dưới triều Nguyễn
Ô Quan Chưởng - cửa ô duy nhất còn nguyên vẹn của Thủ đô. Ảnh: Tư liệu

Trước khi nói về khái niệm cửa ô, chúng ta cần biết thêm một khái niệm nữa cũng liên quan đến lịch sử Hà Nội, đó là cửa thành. Thành Hà Nội xây dựng vào đầu triều Nguyễn, từ năm 1804 đến 1805, bao gồm toàn bộ kinh thành Thăng Long triều Lê, nhưng bị thu nhỏ hơn. Thành được xây bằng gạch vồ, có hình vuông và mở ra 5 cửa gồm cửa chính Bắc, chính Đông, chính Tây, Đông Nam và Tây Nam.

Người Pháp sau khi đánh chiếm Hà Nội đã phá bỏ thành Hà Nội để mở mang đường phố. Các cửa thành cũng bị phá hết, chỉ còn để lại duy nhất cửa thành chính Bắc với vết đạn đại bác của quân Pháp khi đánh thành Hà Nội lần thứ nhất (1873) còn in sâu trên tường (hiện còn nguyên vẹn trên phố Phan Đình Phùng). Vị trí các cửa thành tương đương với các phố Cửa Bắc, Cửa Đông, Cửa Nam ngày nay. Mặc dù Hà Nội không có phố Cửa Tây nhưng vẫn xác định được vị trí cửa chính Tây là khu vực Quảng trường Ba Đình ngày nay.

Theo sử sách ghi chép, năm 1749, chúa Trịnh Doanh đã cho đắp một tòa thành đất bao bọc khu hoàng thành Thăng Long, xung quanh bên ngoài có hào nước sâu cắm chông bảo vệ. Trên thân thành đất mở ra 8 cửa để cho người dân qua lại. Kiến trúc mỗi cửa được thiết kế gồm một cửa chính và hai ô cửa phụ hai bên, trên cửa có vọng lâu canh gác nên còn gọi là ô môn. Tất cả 8 cửa đều có kích thước, hình dạng giống nhau - như Ô Quan Chưởng còn sót lại ngày nay.

Số lượng cửa ô thay đổi tùy theo từng triều đại phong kiến, có nghĩa là có thể được mở thêm hay lấp bớt. Đầu thế kỷ XIX, Hà Nội có 21 cửa ô. Đến năm 1831, dưới triều vua Minh Mạng chỉ còn 16 cửa ô. Năm 1866, trước thời gian người Pháp phá thành thì có 15 cửa ô, và ngày nay chỉ còn lại cửa ô duy nhất là Ô Quan Chưởng. Như vậy, con số 5 chỉ liên quan đến 5 cửa thành Hà Nội triều Nguyễn chứ không phải toàn bộ số cửa ô của kinh thành Thăng Long xưa. Trong lịch sử, Thăng Long - Hà Nội không chỉ có 5 cửa ô. 

Theo “Bắc thành dư địa chí” soạn hồi đầu thế kỷ XIX, Hà Nội có 21 cửa ô, nhưng sách không liệt kê đầy đủ tên. Khi nhà Nguyễn hạ cấp kinh thành Thăng Long xuống chỉ còn là Bắc thành thuộc tỉnh Hà Nội, số cửa ô chỉ còn 16. Trong bản đồ Tòa thành Hà Nội (thành đất) do hai ông Lê Đức Lộc và Nguyễn Công Tiến dựng năm 1831 có ghi vị trí và tên của 16 cửa ô. Ngoài ra, trên tòa thành đất bao bọc vòng ngoài còn xác định được 2 cửa ô là Trung Hiền (ở ngã tư Bạch Mai - Đại La - Trương Định - Minh Khai) và cửa ô Tây Dương ở trước cây cầu Giấy bắc qua sông Tô. Nhưng đến bản đồ Tỉnh thành Hà Nội vẽ năm 1866, đời vua Tự Đức thì chỉ còn 15 cửa ô và không còn cửa ô Nhân Hòa. 

Những cửa ô Hà Nội dưới triều Nguyễn
Bản đồ Tỉnh thành Hà Nội (vẽ năm 1866) thể hiện Hà Nội có 15 cửa ô.

Thời xưa, đây là các cửa ra vào kinh thành. Ban đêm, tại các cửa ô đều có tuần phiên canh gác. Một điểm đặc biệt khác là, phần lớn các cửa ô đều thông ra sông Hồng và sông Tô Lịch. Phía tây có 2 cửa, phía nam có 3 cửa ra sông Tô Lịch; lối ra sông Hồng có 11 cửa. Lý do là bởi thời đó, đường giao thông nối Thăng Long với các vùng khác chủ yếu là đường sông. Dọc sông Hồng có nhiều bến, phố xá đông đúc, nhiều hiệu buôn lớn của người Việt và người nước ngoài đã tập trung tại đây.     

Ngày nay, các cửa ô của Thăng Long - Hà Nội gần như không còn dấu tích, chỉ còn lại duy nhất cửa ô Đông Hà, tức Ô Quan Chưởng còn nguyên vẹn. Những cửa ô cũ như Ô Yên Phụ, Ô Đống Mác, Ô Cầu Dền, Ô Đồng Lầm, Ô Chợ Dừa, Ô Cầu Giấy... nay đã trở thành những nút giao thông hoặc khu vực quan trọng của Thủ đô. Tuy thế, trong tâm thức của người Hà Nội, những cửa ô này vẫn còn hiện hữu...

(0) Bình luận
  • Phục dựng nghi lễ tế Đinh tại đền Đức Thánh Cả
    Ngày 9/3/2025, nghi lễ tế Đinh đã điễn ra tại đền Đức Thánh Cả, thôn Hữu Vĩnh, xã Bình Lưu Quang, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội. Việc phục dựng nghi lễ là một phần trong chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương.
  • Tây Hồ – Nơi giao thoa giữa quá khứ và hiện tại trong bảo tồn văn hóa
    Quận Tây Hồ, một trong những quận trung tâm của Thủ đô Hà Nội, không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp tự nhiên mà còn là nơi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa lịch sử. Quận Tây Hồ là một khu vực đặc biệt với sự kết hợp hài hòa giữa không gian xanh mát của các hồ, làng nghề truyền thống và các di sản văn hóa phong phú. Những năm qua, Tây Hồ đã và đang thực hiện công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, tạo nên một hình ảnh đầy bản sắc và thu hút du khách.
  • Một thoáng ký ức Hà Nội xưa
    Nếu mang nắng chiều chiếu nghiêng nghiêng vào ngăn ký ức của người Hà Nội, dễ sẽ thấy gói hàng Tết thời xa vắng, thấy chiếc áo chần bông xúng xính chờ cái rét ngọt để diện đi chơi… Thời gian có khả năng diệu kỳ, đôi khi có thể biến những khoảnh khắc tưởng chừng như thiếu thốn, khó khăn nhất trở thành tình cảm nhất, vui vẻ nhất; biến những điều răn dạy khắt khe nay trở thành lời vàng thước ngọc muốn gửi gắm lại cho thế hệ sau…
  • Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống qua chương trình "Tết Việt - Tết Phố 2025"
    Hòa chung không khí đón chào Xuân mới, Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội sẽ tổ chức chương trình hoạt động văn hóa với chủ đề “Tết Việt - Tết Phố 2025” nhằm lan tỏa những giá trị văn hóa độc đáo, kết nối cộng đồng và quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
  • Xôi cây làng Tây Mỗ
    Phường Tây Mỗ (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có ba thôn là Miêu Nha, Phú Thứ và Tây Mỗ. Nhắc đến Mỗ, người ta nhớ câu “Mỗ, La, Canh, Cót tứ danh hương”. Có danh hương từ bốn làng khoa bảng và hương nếp từ ngày hội thi xôi cây. Đình làng thờ Thủy Hải Long vương, Ả Lã nàng Đê - nữ tướng thời Hai Bà Trưng; đền làng thờ Phúc Vương Tranh - người con của vua Lê Thánh Tông.
  • Hà Nội - 36 khúc giao thời: Khám phá sự giao thoa quá khứ và hiện tại của 36 phố phường
    “Hà Nội - 36 khúc giao thời” - chuỗi hoạt động khám phá 36 phố phường Hà Nội và những nét văn hóa đặc sắc từ Hà Nội xưa sẽ diễn ra vào ngày 15/12/2024 tại Cafe Phố Hàng (251 Phố Hồng Hà, Phường Phúc Tân, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đến với không gian mang đậm dấu ấn đặc trưng của từng góc phố cổ Hà Nội, công chúng, đặc biệt là giới trẻ sẽ có cơ hội khám phá và hiểu hơn những giá trị văn hóa của Thủ đô.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Những cửa ô Hà Nội dưới triều Nguyễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO