Như bản tình ca đậm đà tình người xây dựng

Hoàng Cẩm Nga| 05/12/2019 09:01

Một năm là tuổi thôi nôi, tuổi cúng mụ của một bé thơ. Thôi nôi có nghĩa là bỏ lại cái nôi nhỏ bé để đến với một không gian rộng lớn hơn, bước những bước đầu tiên vào đời, đón đợi một tương lai tươi sáng với những ước mơ và hy vọng. Nhưng với Diễn đàn Văn thơ Xây dựng vừa tròn một năm thành lập thì không chỉ như vậy. Thôi nôi của Diễn đàn được đánh dấu bằng sự ra đời tập thơ văn “Như bản tình ca 1" - sản phẩm tinh thần đầu tiên, khẳng định sự phát triển của Diễn đàn và hứa hẹn một triển vọng tốt đẹp.

Như bản tình ca đậm đà tình người xây dựng

Ý tưởng xuất bản tập thơ văn "Như bản tình ca 1” đã được Ban chấp hành Diễn đàn thai nghén từ sau Đại hội Diễn đàn lần thứ nhất tháng 4/2019. Trải qua 8 tháng thu thập bài vở, biên soạn và biên tập tỉ mỉ, công phu, "Như bản tình ca 1” đã được Nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp phép xuất bản. Cuốn sách dày 200 trang, được kết cấu gồm 3 phần: Phần một là "Trang thơ khách mời"; Phần hai là "Thơ văn của Diễn đàn Văn thơ Xây dựng và Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư Visicons"; Phần ba là "Trang thơ văn bạn bè", bao gồm 99 bài thơ và 4 truyện ngắn của 53 tác giả.

Đây là kết quả sáng tác của các thành viên Diễn đàn trong những năm qua, phản ánh tâm nguyện của các tác giả mong muốn được bày tỏ tình yêu nồng đượm của mình đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Trong đó, chủ đề Xây dựng được đặc biệt ưu tiên với số bài và số trang nhiều nhất. Có thể khẳng định thông điệp tinh thần về ngành Xây dựng đã làm cho "Như bản tình ca 1" đậm đà tình người xây dựng.
Phần một của tập thơ văn có sự góp mặt của 11 nhà thơ danh tiếng Hội Nhà văn Việt Nam đã từng đoạt những giải thưởng cao quý về văn học nghệ thuật, đó là: Nhà thơ Hữu Thỉnh (Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT), nhà thơ Trần Đăng Khoa (Giải thưởng Nhà nước về VHNT), nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Giải thưởng Nhà nước về VHNT), nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn (Giải thưởng Nhà nước về VHNT), nhà thơ Nguyễn Đức Mậu (Giải thưởng Nhà nước về VHNT), nhà thơ Y Phương (Giải thưởng Nhà nước về VHNT), nhà thơ Trần Quang Quý (Giải thưởng Nhà nước về VHNT),  nhà thơ Vương Trọng (Giải thưởng Nhà nước về VHNT), cùng các nhà thơ Nguyễn Bình Phương, Đặng Huy Giang, Nguyễn Linh Khiếu từng đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và giải thưởng các cuộc thi thơ của các báo và tạp chí. Sự ưu ái tham gia của các nhà thơ khách mời trên đây chính là điểm tựa, là sự hướng đạo, chỉ dẫn mẫu mực cho Diễn đàn Văn thơ Xây dựng phát triển tiến lên trong tương lai. 

Phần ba của tập thơ văn "Trang thơ văn bạn bè" với sự có mặt của 5 nhà văn, nhà thơ Hội Nhà văn Việt Nam: Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Hồng Công, Văn Công Hùng, Đặng Cương Lăng, Nguyễn Ngọc Tung và 4 nhà văn, nhà thơ Hội Nhà văn Hà Nội: Nguyễn Việt Anh, Nguyễn Lâm Cẩn, Chung Tiến Lực, Trịnh Văn Túc. Sự nhiệt tình tham gia của các nhà văn, nhà thơ nói trên là niềm cổ vũ, khích lệ lớn lao đối với Diễn đàn. 

Phần hai của tập thơ văn là sự kết nối nghĩa tình thắm đượm đơm hoa kết trái giữa hai đơn vị: Diễn đàn Văn thơ Xây dựng và Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư Visicons. Sự kết nối này đã được Ban lãnh đạo Công ty, tiêu biểu là Tổng Giám đốc Hoàng Hoa Cương, Bí thư Đảng ủy Nguyễn Minh Tuấn và Phó Tổng giám đốc Nguyễn Phấn Tuấn đặc biệt quan tâm. Với 33 tác giả có mặt trong phần này, trong đó có 8 tác giả: Lê Thành Diệp, Lê Hương Giang, Trần Hoài Giang, Nguyễn Hoàng, Cao Thị Vân Huyền, Vũ Lan Hương, Bùi Ngọc Trung, Cao Quang Trường, là những cán bộ công nhân viên chức của Công ty Visicons đã làm cho "Những bản tình ca 1" đậm đà sắc màu xây dựng, góp phần làm phấn chấn lòng người xây dựng trên mọi miền đất nước. 

Thật vậy, chỉ riêng thơ, chưa nói đến truyện ngắn, có thể nói các tác giả "Như bản tình ca 1" đã dành tình cảm yêu quý, trân trọng đặc biệt đối với những người làm nghề xây dựng. Nhà thơ Hữu Thỉnh trực tiếp sống cùng những người thợ lặn cầu Thăng Long hàng tuần lễ để viết nên những vần thơ ca ngợi như khúc tráng ca về những người anh hùng trên mặt trận xây dựng cầu đường: 

Cả dòng sông đè lên trái tim anh
Anh đánh vật với bao nhiêu trôi dạt 
Anh lặng lẽ ném thân vào thử thách 
Anh thở dè, anh thở dè từng nấc
Lặng lẽ vượt qua mình trên nhịp quá chênh vênh... 
Dưới năm mươi thước nước sông Hồng 
Sóng nặng trĩu thét gào trên mạch máu... 
Một thế giới không màu mù mịt 
Sương trắng bay trong kỷ niệm xa vời.

Sau cuộc vật lộn sinh tử ấy là hình ảnh một cây cầu sừng sững, hiên ngang trên dòng sông đỏ nặng phù sa, bằng cảm hứng trữ tình, nhà thơ viết:
Cứ thế bao năm dưới đáy của dòng sông 
Với tất cả những gì biết được 
Đã làm anh giật mình sửng sốt 
Khi lên bờ
Bắt gặp lá tre non.

Đây là tiếng thơ của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu trong bài "Hành trình của bầy ong" khởi phát một tình yêu sâu đằm, khiến những người làm nghề xây dựng không thể không thấy mình trong đó:

Chắt chiu vị ngọt mùi hương 
Lặng thầm thay những con đường ong bay
Trải qua mưa nắng vơi đầy 
Men trời đất đủ làm say đất trời 
Bầy ong giữ hộ cho người 
Những mùa hoa đã tàn phai tháng ngày.

Những cây cầu, những ngôi nhà... do những người thợ xây dựng như bầy ong cần mẫn kiến tạo nên dù thời gian khắc nghiệt đến đâu cũng không thể tàn phai. 

Nhà thơ Nguyễn Quang Huệ nhìn chiếc cần cẩu màu vàng "Một mình lặng lẽ đứng trên đường" mà thấm thía công lao to lớn của anh công nhân lái cẩu bằng những câu thơ giản dị chân thực:

Tháng ngày chăm chỉ theo anh hết
Có em giúp sức sẽ giàu sang 
Nhà cao cửa rộng công em đấy
Xin chớ quên em cái Cẩu Vàng.

Đặc biệt, phải kể đến Bùi Ngọc Trung, kỹ sư xây dựng Công ty Vissicons, người luôn luôn quan tâm đến hoạt động văn hóa văn nghệ của Công ty. Anh đã đoạt giải trong cuộc thi thơ văn năm qua do Công ty phát động. Tôi xin trích ra đây nguyên văn bài thơ "Cảm tác nghề xây dựng" của anh:

"Nghề xây ai bảo khô khan 
Đến đây uống ánh trăng vàng cùng tôi
Thép vươn tay vẫy sao trời 
Giáo lênh khênh. Chú Cuội ngồi trên cao. 

Bê tông ôm thép thì thào
Tình ta kết trái, ngọt ngào trăm năm 
Ván khuôn đứa đứng, đứa nằm
Em đây bé tuổi, xin làm phù dâu. 

Không cau, cũng chẳng cánh trầu
Mà duyên thắm mãi một màu quê hương 
Ngày đêm rộn tiếng công trường 
Ta đi vui những dặm đường ước mơ...”.

Đó là vinh quang và niềm tự hào của những người làm nghề xây dựng, vinh quang của một nghề "Không cau, cũng chẳng cánh trầu/ Mà duyên thắm mãi một màu quê hương" - màu của ước mơ, màu của hạnh phúc. 

"Như bản tình ca 1" - đứa con tinh thần đầu lòng của Diễn đàn Văn thơ Xây dựng ra đời hy vọng sẽ góp thêm một tiếng nói tâm tình, làm cho lời ca trong ca khúc "Những ánh sao đêm" của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu cất cánh bay cao, bay xa trong sự âm vang và đồng vọng đi cùng năm tháng: "Anh còn đi xây nhiều nhà khắp nơi..., nhiều tổ ấm sống trong tình cùng lứa đôi... Anh càng yêu em càng hăng say xây cho nhà cao cao mãi. Ôi xinh đẹp Tổ quốc của ta. Anh lắng nghe bao lời ân ái những bài tình ca". 

Xin trân trọng giới thiệu tập thơ văn "Như bản tình ca 1" cùng bạn đọc.
(0) Bình luận
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • Một giấc mơ xa
    Vân nằm duỗi chân ở sofa, nghe đài mà hai con mắt cứ ríu lại. Jim và Coen vừa theo bố chúng ra ngoài. Ở thị trấn này, trẻ em và những chú cún luôn được thỏa thích dạo chơi. Ánh nắng của buổi sáng đẹp trời chiếu xuyên qua tấm rèm cửa khiến Vân không nỡ ngủ vùi. Cô sống cùng gia đình chồng ở một vùng phía đông Hà Lan, nơi mà cuối tuần nghe nói mình đi dạo là biết sắp được chở vào rừng. Sáng này nếu không thấy mệt trong người thì cũng đã…
  • Trên đỉnh gió
    Không lãng mạn như hình dung, chiếc tàu chở Lam từ bến cảng thành phố ra đảo chính là “tàu há mồm” có niên đại còn nhiều hơn tuổi của cô. Thủy thủ trên tàu lại càng không như cô vẫn thường tưởng tượng về những chàng lính hải quân đẹp trai, từng trải với trái tim nồng nàn và tâm hồn cực kì bay bổng.
  • Tàu xuôi ra Bắc
    Ba năm trước, tôi gặp Trang trên chuyến tàu mang số hiệu SE đang di chuyển từ miền Nam ra miền Bắc. Lúc đó, tôi ngồi đối diện với Trang ở toa ghế ngồi - toa thường dành cho người đi chặng ngắn. Trong toa xộc lên mùi thuốc lá, mùi dầu gió xanh, mùi bồ kết phảng phất từ mái tóc của mấy người đàn bà và mùi của vô số thứ hàng hóa trên sàn toa.
  • Những hòn đá
    Không ai biết tại sao những người lạ lại chuyển thẳng vào cư trú trong cái làng bẩn thỉu, gồ ghề những đá là đá và quanh năm gió quật. Vợ chồng người lạ nọ đã mua một lâu đài đổ nát nằm trên đồi, sừng sững ở đó từ thuở ấu thơ của họ, và nó thuộc về ngôi làng.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Huyện Thanh Oai: Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 30-CT/TU với tuyên truyền các Quy tắc ứng xử
    Huyện Thanh Oai đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
Đừng bỏ lỡ
Như bản tình ca đậm đà tình người xây dựng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO