Nhớ tiếng quạt nan của bà

Lê Phương Liên| 11/07/2020 07:02

Nhớ tiếng quạt nan của bà

Thủa nhỏ chúng tôi thường cùng ngủ chung trên một chiếc sập gụ. Nói "chúng tôi" tức là gồm nhiều đứa trẻ cùng là cháu nội, cháu ngoại của bà. Thường là bốn, năm, sáu, bảy, tám... đứa đều có thể cùng ngủ ngon lành trên "cái đệm cả gối dài"(*) đó.

Trong ký ức của tôi về những đêm hè nóng nực chỉ có tiếng quạt nan của bà tôi đều đều nhè nhẹ tạo ra một làn gió thoang thoảng khiến tôi có thể ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Có lúc chợt tỉnh dậy, tôi lại vẫn nghe thấy tiếng quạt của bà...

- "Sao bà không ngủ à? Bà để cháu quạt cho nào!". Tôi cầm lấy chiếc quạt từ tay bà. Nhưng cứ mỗi lần tôi tranh lấy quạt thay bà thì cả đàn cháu nhao nhao dậy tức thì... í ới ngay, nóng, nóng quá. Hóa ra tôi quạt rất vụng, có khi đánh cả vào... anh, chị, em bên cạnh... thế là một cuộc xô đẩy bấu chí nhau xảy ra... Khi tình hình nhốn nháo, các cháu không chịu ngủ thì bà tôi thường kể chuyện...

Bà tôi không biết chữ Quốc ngữ, thế mà Kinh Phật và cả Truyện Kiều bà thuộc làu làu. Không chỉ đọc Kiều, kể chuyện Kiều mà bà tôi còn giảng giải y như muốn truyền lại tất cả những nỗi niềm tâm sự của bà với thân phận cô Kiều. Nào là cảnh đi chơi xuân gặp Kim Trọng, nào là cảnh tai họa giáng xuống gia đình, nào là cảnh gặp Mã Giám Sinh, Tú Bà... Câu thơ nào cũng rung động tâm hồn thơ bé của tôi, mặc dù lúc ấy tôi hiểu lơ mơ vô cùng...

Cho đến mãi mãi về sau tôi vẫn nhớ trong tiếng muỗi bay vo ve, trong xa xa âm thanh chuỗi nhạc ve sầu nổi lên khi trầm khi bổng là tiếng bà tôi kể Kiều thổn thức... Đó là đoạn Thúy Kiều trao duyên cho em:

"Cậy em, em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy 
rồi sẽ thưa..."

Cứ mỗi lần kể đến đó, bà tôi lại lần lần túi áo cánh lấy ra cái khăn nhỏ thấm thấm nước mắt... Ôi chao tâm sự của người thiếu nữ phải thốt lên trước khi xa nhà dấn thân vào gió bụi trầm luân lại được bà tôi diễn tả thấu tình đến vậy...

"Mai sau dù có bao giờ
Đốt lò hương ấy, 
so tơ phím này.
Trông ra ngọn cỏ lá cây,
Thấy hiu hiu gió 
thì hay chị về..."

Trong tiếng kể Kiều khi trầm khi bổng của bà, đàn cháu nhỏ phần nhiều đã ngủ say, riêng tôi có lẽ đã có phận văn bút về sau nên vẫn thức chong chong chăm chú nghe đến tận lúc cao trào nhất:

"Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!

Thôi thôi! thiếp đã phụ chàng từ đây!"...

Kể đến đây, xúc động quá, bà tôi không đọc thơ tiếp được nữa, chỉ thều thào nói:

"Thế là... đến lúc ấy cô Kiều... ngất đi!"

Nghe thế, tôi ngồi nhỏm dậy rồi ngã lăn ra sập: "Có phải như thế này không hả bà?". Bà tôi phì cười, cười chảy cả nước mắt... Bà ôm lấy tôi, thế là tôi được nằm cạnh bà và ngủ say lúc nào không biết.
Bà không chỉ kể chuyện buồn mà còn hay kể chuyện vui, chuyện thanh, chuyện tục... Chuyện vui nhất là chuyện Trạng: Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, Trạng Vật, Trạng Cờ… Những câu chuyện của bà kể từ thủa ấu thơ đã mãi mãi đi theo tôi, thấm trong máu thịt của tôi như món bánh đúc ngô, món mắm tép, món rau muống luộc chấm tương... đã nuôi tôi lớn lên mạnh khỏe. Thế rồi ra đi dấn thân trong đời sống, học hành và lao động trở thành một con người như hôm nay. 

------------
(*) "Anh em đệm cả gối dài" - Đại Nam quốc sử diễn ca - Lê Ngô Cát - Phạm Đình Toái. Đoạn nói về đời nhà Trần, anh em trong hoàng tộc vương triều Trần khi họp mặt thường ngủ chung trên một chiếc gường có gối dài. 
(0) Bình luận
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • Một giấc mơ xa
    Vân nằm duỗi chân ở sofa, nghe đài mà hai con mắt cứ ríu lại. Jim và Coen vừa theo bố chúng ra ngoài. Ở thị trấn này, trẻ em và những chú cún luôn được thỏa thích dạo chơi. Ánh nắng của buổi sáng đẹp trời chiếu xuyên qua tấm rèm cửa khiến Vân không nỡ ngủ vùi. Cô sống cùng gia đình chồng ở một vùng phía đông Hà Lan, nơi mà cuối tuần nghe nói mình đi dạo là biết sắp được chở vào rừng. Sáng này nếu không thấy mệt trong người thì cũng đã…
  • Trên đỉnh gió
    Không lãng mạn như hình dung, chiếc tàu chở Lam từ bến cảng thành phố ra đảo chính là “tàu há mồm” có niên đại còn nhiều hơn tuổi của cô. Thủy thủ trên tàu lại càng không như cô vẫn thường tưởng tượng về những chàng lính hải quân đẹp trai, từng trải với trái tim nồng nàn và tâm hồn cực kì bay bổng.
  • Tàu xuôi ra Bắc
    Ba năm trước, tôi gặp Trang trên chuyến tàu mang số hiệu SE đang di chuyển từ miền Nam ra miền Bắc. Lúc đó, tôi ngồi đối diện với Trang ở toa ghế ngồi - toa thường dành cho người đi chặng ngắn. Trong toa xộc lên mùi thuốc lá, mùi dầu gió xanh, mùi bồ kết phảng phất từ mái tóc của mấy người đàn bà và mùi của vô số thứ hàng hóa trên sàn toa.
  • Những hòn đá
    Không ai biết tại sao những người lạ lại chuyển thẳng vào cư trú trong cái làng bẩn thỉu, gồ ghề những đá là đá và quanh năm gió quật. Vợ chồng người lạ nọ đã mua một lâu đài đổ nát nằm trên đồi, sừng sững ở đó từ thuở ấu thơ của họ, và nó thuộc về ngôi làng.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Phố cũ
    Chiều. Làn gió se lạnh vời vợi dọc theo những con phố. Gió về cuốn đi cái oi nồng của những ngày nắng hanh hao. Bỗng vòng xe vô tình rẽ vào phố cũ. Lâu lắm không về phố, hình như đã không còn cảm giác thân thuộc ngày nào. Phố cũ hiện ra trước mặt là lạ, quen quen…
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • 18 tỉnh, thành phố tham gia Hội chợ trái cây, nông sản an toàn tại Hà Nội
    Tối 22/11, Sở Công thương Hà Nội chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì tổ chức Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố tại Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Thanh Trì, Hà Nội.
  • Chung sức, đồng lòng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới
    Sau gần 40 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, tình hình kinh tế - xã hội đất nước có bước chuyển mình mạnh mẽ, đột phá, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân. Bên cạnh những thành tựu to lớn, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có tình trạng lãng phí, gây tác họa nghiêm trọng, lâu dài, khó khắc phục, cản trở đất nước vươn mình, giàu mạnh. Bởi vậy, hiện nay, Đảng, Nhà nước coi triệt bỏ lãng phí là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu.
Đừng bỏ lỡ
Nhớ tiếng quạt nan của bà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO