Nhiều chuyển biến tích cực trong thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn Thủ đô
Qua 4 năm thí điểm và triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn Thủ đô, các sở, ban, ngành, đoàn thể từ Thành phố đến quận, huyện, thị xã và cơ sở xuất hiện những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả và đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc.
Sáng ngày 19/10, tại xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố, Thành đoàn Hà Nội, Ban đại diện Hội người cao tuổi Thành phố tổ chức Hội nghị toạ đàm “Cách làm và kinh nghiệm hay trong thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình góp phần nâng cao chất lượng Gia đình văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.
Phát huy nét đẹp văn hoá đồng thời hạn chế tác động mặt trái của cơ chế thị trường tới gia đình
Phát biểu khai mạc đề dẫn Hội nghị toạ đàm, đồng chí Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội cho biết, mục đích của việc triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình là từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, cộng đồng, xã hội và đất nước, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội; nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội.
Trong những năm qua, Đảng bộ và chính quyền các cấp của thành phố Hà Nội luôn coi trọng công tác gia đình. Thành ủy Hà Nội đưa công tác xây dựng gia đình Thủ đô thời kỳ mới là nội dung quan trọng trong thực hiện các chương trình công tác toàn khóa, đặc biệt là Chương trình 06 - CTr/TU về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch - văn minh giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình 08 - CTr/TU về phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025 của Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVII.
Đại biểu Trần Thị Nhiên, Phó Chủ tịch UBND phường Khương Trung, quận Thanh Xuân chia sẻ, phường Khương Trung được Sở Văn hóa & Thể thao Thành phố Hà Nội chọn làm điểm thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trong gia đình. Dưới sự hướng dẫn của Sở Văn hoá và sự chỉ đạo của quận Thanh Xuân, UBND phường đã triển khai thực hiện thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” tại tổ dân phố số 4 và 12 với 300 gia đình ký cam kết thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình theo 4 nhóm đối tượng: Ứng xử giữa vợ chồng; cha mẹ với con cái; ông, bà với cháu và anh, chị, em. Kết quả thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại phường Khương Trung không xảy ra những tiêu cực về đạo đức và các mối quan hệ trong gia đình. Không xảy ra các hiện tượng bất bình đẳng, vợ chồng mâu thuẫn, ly hôn. Người già, người cao tuổi, trẻ em được tôn trọng, được quan tâm chăm sóc, không xảy ra hiện tượng ngược đãi ông bà, bố mẹ, trẻ em. Anh chị em đoàn kết chia sẻ giúp đỡ nhau.
Phát biểu chào mừng Hội nghị, đồng chí Nguyễn Khánh Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai (đơn vị đăng cai tổ chức Hội nghị) chia sẻ, công tác gia đình trên địa bàn huyện được triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp đã nâng cao nhận thức về tầm quan trọng trong công tác xây dựng gia đình của các cấp ủy Đảng, chính quyền, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa tại cơ sở, xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Nhiều hoạt động chuyên đề đã được triển khai từ huyện đến các xã, thị trấn như: tuyên truyền về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, biểu dương, khen thưởng các Gia đình văn hóa tiêu biểu. các hoạt động kỷ niệm Ngày gia đình Việt Nam...
Đa dạng hoá cách thức tuyên truyền Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình
Với chủ đề phong phú, đa dạng, Hội nghị toạ đàm lần này tập trung thảo luận các nội dung chính như: Vai trò của gia đình, cách ứng xử của các mối quan hệ trong gia đình nhằm xây dựng gia đình văn hóa với 4 tiêu chí chung đó là: Tôn trọng; bình đẳng; yêu thương; chia sẻ và 4 tiêu chí ứng xử cụ thể đó là: Ứng xử vợ chồng; cha mẹ với con, ông bà với cháu; con với cha mẹ, cháu với ông bà; anh, chị, em. Bàn về việc xây dựng con người có nhân cách tốt, lối sống đẹp, từ cách ứng xử trong gia đình là trọng tâm, cốt lõi của phát triển văn hóa; mọi hoạt động văn hóa đều phải hướng tới xây dựng, phát triển con người, định hướng hoạt động cho giai đoạn tiếp theo.
Dưới tác động mặt trái của cơ chế thị trường, mối quan hệ giữa các thành viên gia đình có biểu hiện ngày càng lỏng lẻo; một số giá trị đạo đức như: hiếu, nghĩa, thuỷ chung có biểu hiện xuống cấp kéo theo nhiều gia đình đứng trước nguy cơ bất ổn, tan vỡ, trực tiếp tác động đến hạnh phúc bền vững của gia đình. Tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em, nhất là ở khu vực đô thị có xu hướng gia tăng, tính chất ngày càng phức tạp.
Theo thống kê, từ 2018 – 2022, Thành phố có 711 vụ bạo lực gia đình, trong đó: 284 vụ bạo lực về tinh thần; 397 vụ bạo lực về thân thể; 07 vụ bạo lực về tình dục; 23 vụ bạo lực về kinh tế. Nạn nhân bị bạo lực gia đình chủ yếu là phụ nữ trong độ tuổi từ 16 đến 59 tuổi và trẻ em.
Do đó, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình về vai trò, ý nghĩa của đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình; vai trò các thành viên trong gia đình đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình, của dân tộc thông qua các Hội nghị toạ đàm như thế này là hình thức tuyên truyền cần thiết và đem lại hiệu quả thiết thực trong thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn Thủ đô. Qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình, góp phần xây dựng gia đình Việt Nam nói chung và Thủ đô nói riêng thật sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Đồng chí Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh: “Để thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới; Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030; Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; nhằm phát huy giá trị tốt đẹp trong các mối quan hệ cơ bản của gia đình, ngày 29/3/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 11/CT-TTg về việc đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng và triển khai “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”.