Tôi gặp nhà văn Tô Hoài từ những năm đầu của thập kỷ 80, lúc ấy tôi làm việc ở báo Văn nghệ và thi thoảng tôi thấy ông ghé qua tòa soạn. Nhưng cũng chỉ dừng ở vài ba cuộc chuyện trò chứ tôi chưa hiểu nhiều về ông. Mãi sau này (năm 1985), khi báo Người Hà Nội (nay là Tạp chí NHN) thành lập và tôi chuyển công tác về đây, được trực tiếp làm việc, gắn bó với ông, tôi mới hiểu và khâm phục hơn về cây đại thụ trong làng văn, làng báo ấy.
Tôi nhớ khoảng giữa năm 1986, trong một cuộc chuyện trò, nhà văn Tô Hoài có nhắc tới câu chuyện thuở ông mới về Hội. Ấy là năm 1966, tại Đại hội thành lập Chi hội Văn nghệ Hà Nội lần thứ nhất, nhà văn Tô Hoài trúng cử Ban chấp hành và được bầu làm Tổng Thư ký Hội.
Ông thủng thẳng: “Cách đây chừng trên 20 năm có ông bạn vàng biết mình sắp về làm “ông từ” canh ngôi đền văn học nghệ thuật Thủ đô đã nói thế này: “Ông Tô Hoài vẫn còn thích làm quan văn nghệ nữa à. Làm đến chức Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam rồi Phó Tổng Thư ký Hội Nhà văn Á - Phi từ khi còn trẻ, sang trọng đến thế còn muốn gì nữa? Mình chỉ cười chứ không nói ý định của tổ chức muốn mình về trụ trì khối văn học nghệ thuật Hà Nội thêm một thời gian nữa. Nghe ông ta nói kể cũng chạm tự ái đấy nhưng chấp nhặt làm gì”.
Ông Tô Hoài nói tiếp: “Tính đến nay, ngoảnh đi ngoảnh lại mình đã làm được 4 khóa, già rồi, cũng muốn nghỉ thôi”.
Nghe ông nói, tôi đáp lời: “Anh làm việc tín nhiệm thế, ai cho anh nghỉ, còn phải tiếp tục dài đấy! Nhưng kể ra đang làm việc ở cơ quan quốc gia, về địa phương làm thủ lĩnh cũng phí. Vậy họ nói cũng có lý anh nhỉ?”.
“- Địa phương ư? Hà Nội là nơi tập trung những danh sĩ tiêu biểu nhất của cả nước. Nào Hoàng Đạo Thúy, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tuân, Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Văn Cao, Bùi Xuân Phái, Bùi Hạnh Cẩn, Tạ Mỹ Duật, Trần Quốc Vượng, Tô Ngọc Thanh, Hoàng Vân, Phạm Tuyên cùng hàng nghìn văn nghệ sĩ có tên tuổi khác. Điều hành được cái cơ ngơi ấy để họ ủng hộ nghe theo đâu phải chuyện dễ. Chưa kể đến đội ngũ phóng viên, biên tập như các cậu: nào Triệu Bôn, Phan Thị Thanh Nhàn, Anh Biên, Hương Trâm, Trọng Tân, Như Mạo, Chử Văn Long, Hoàng Kim Đáng lại còn kiêm nhiệm cả tờ báo nữa… công việc bề bộn và cũng phức tạp lắm” - nhà văn Tô Hoài lập luận.
Quả đúng như vậy. Nhưng bên cạnh ông khi ấy còn có các phó giàu tâm huyết, có năng lực, có các trợ thủ tin cậy như: Vũ Cao, Nguyễn Xuân Sanh, Huyền Kiêu, Kim Lân, Phạm Thị Thành, Hoàng Quốc Hải, Hồ Quang Bình, Đào Trọng Khánh, Đan Thiết Thụ,… Bằng Việt.
Làm “nhạc trưởng” của Hội Văn học Nghệ thuật Thủ đô suốt 6 nhiệm kỳ, tròn 30 năm (1966 -1996), tài năng quản lý, điều hành của nhà văn Tô Hoài cũng thật “siêu hạng”. Nếu không có tài năng, đức độ, tâm huyết và hết mình xây dựng Hội có lẽ ông chẳng thể được “tín nhiệm” bầu chọn trong nhiều khóa liền như thế.
Tôi nhớ khi ấy, dù ông có tiêu chuẩn xe công vụ nhưng hàng ngày ông vẫn làm bạn với chiếc xe đạp mini từ nhà riêng ở phố Đoàn Nhữ Hài đến cơ quan Hội ở 19 Hàng Buồm. Ông có mặt đều đặn, làm việc với 9 hội chuyên ngành, trực tiếp duyệt bài và “sản xuất” một khối lượng tác phẩm văn học đồ sộ.
Không chỉ sát sao với công việc quản lý các hội chuyên ngành, ông còn dày công chăm chút cho báo Người Hà Nội - cơ quan ngôn luận của Hội trên cương vị Tổng Biên tập báo.
Khi giao cho tôi nhiệm vụ Thư ký tòa soạn báo Người Hà Nội, ông nhắc nhở: “Làm thư ký tòa soạn cũng như làm anh bếp trưởng. Dù cửa hàng có nhiều thực phẩm quý nhưng người đầu bếp kém, không biết chế tác thành phẩm, nấu nướng kém thì cũng chẳng cho ra một bữa cỗ ngon được. Tờ báo có “ngon” và đẹp, tạo được sự hấp dẫn đối với người đọc, đòi hỏi phải có anh đầu bếp giỏi”. Có lần đến tòa soạn duyệt nội dung bài vở trước khi đi nhà in, ông nhắc nhở chúng tôi: “Muốn cho tờ báo uy tín thì mỗi số báo cần mời bằng được vài ba cây viết, vẽ, nhạc sĩ cự phách. Có như thế mới mời gọi được thêm nhiều bạn đọc, tia - ra phát hành mới tăng”…
Có lẽ những ai đã từng làm việc với ông đều dễ dàng cảm nhận được sự cần mẫn, say mê với nghề của ông. Chẳng vậy mà có biết bao bài viết, câu nói về ông với tất cả sự trân trọng và cảm phục. Riêng tôi, tôi thích nhất là cách ví von của nhà thơ Trần Ninh Hồ: “Ông Tô Hoài viết văn dễ dàng như người “đan len” ấy. Tôi phục kiểu “đan len” của ông. Ông đi viện hay ngồi họp vẫn cứ tiếp tục “đan len” mà vẫn ra văn thì lạ quá”.
Kỷ niệm 55 năm thành lập Hội (1966 - 2021), tôi không phải là hội viên đầu tiên, chỉ là một nghệ sĩ, một người yêu kính ông mà viết ra những kỷ niệm về ông. Đối với tôi, Tô Hoài là một nhà văn lớn, nhà văn hóa lớn, nhà báo lớn, một nhà quản lý được xem như một kiến trúc sư tài năng và tâm huyết, một người đã đặt nền móng vững chắc xây dựng nên ngôi nhà chung - Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội từ thuở ban đầu.