Nhà văn Phùng Văn Khai: Chạy đua từng giờ cho sáng tác

Phương Khanh| 17/02/2021 08:54

Nhân dịp đón xuân Tân Sửu 2021, tạp chí Người Hà Nội có cuộc trò chuyện với nhà văn Phùng Văn Khai - Phó Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội về những chia sẻ buồn vui với nghề viết, đặc biệt là đề tài tiểu thuyết lịch sử, một thể loại còn trống khuyết, vắng bóng những tác phẩm hay phục vụ độc giả trong thời gian qua.

Nhà văn Phùng Văn Khai: Chạy đua từng giờ cho sáng tác
Nhà văn Phùng Văn Khai.

PV: “Im lặng” sau 3 năm ra mắt cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tay Phùng Hưng (ấn hành năm 2015), đến năm 2020, anh đã khiến độc giả không khỏi ngạc nhiên khi được đón đọc liên tiếp 3 cuốn tiểu thuyết: Ngô Vương, Nam Đế Vạn Xuân, Triệu Vương phục quốc với gần 2000 trang. Anh đã dành bao nhiêu thời gian để chuẩn bị tư liệu và hoàn thành 3 cuốn tiểu thuyết lịch sử đó?

Nhà văn Phùng Văn Khai: Chạy đua từng giờ cho sáng tác
Một số cuốn tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Phùng Văn Khai.

Nhà văn Phùng Văn Khai: Tôi đến với tiểu thuyết lịch sử trước tiên với tư cách độc giả. Năm 1994, khi là lính gác kho nơi rừng núi tôi đã may mắn được đọc cuốn tiểu thuyết lịch sử Thăng Long nổi giận của nhà văn Hoàng Quốc Hải. Cuốn sách đã như một cứu cánh khiến tôi thay đổi nhận thức rất nhiều. Lịch sử dân tộc Việt Nam rất hào hùng. Có lẽ nào chúng ta không tiếp bước tiền nhân trong công cuộc đổi mới hôm nay? Là bây giờ mới đặt ra câu hỏi như vậy, chứ ngày đó độ tuổi hai mươi ăn chưa no, lo chưa tới làm sao biết đến thế. Ấy vậy mà, chỉ bốn năm sau, năm 1998, tôi đã là phóng viên Truyền hình Quân đội nhân dân phỏng vấn nhà văn Hoàng Quốc Hải về sáng tác lịch sử. Quả là có duyên phận. Tuy vậy, cũng phải tới năm 2009, tức là hơn mười năm sau, khi được họ Phùng Việt Nam phân công viết về cụ Phùng Hưng tôi mới bắt đầu nhập cuộc viết tiểu thuyết lịch sử. Giấu các thầy mà viết. Và bại! Phải bỏ đi khi đã thành sách 200 trang. Rồi phá ra viết lại, đặt tên mới là Phùng Vương được bạn đọc đón nhận, đến nay đã tái bản lần thứ ba. Thời gian có thể gọi là trên mười năm, nhưng thời gian tiệm cận lịch sử là từ tấm bé. Nói thế để thấy chữ duyên với nhà văn quả thực quan trọng, từ đó để có được Ngô Vương, Nam Đế Vạn Xuân, Triệu Vương phục quốc đến với bạn đọc.

PV: Viết tiểu thuyết lịch sử, cái khó nhất là gì thưa anh?

Nhà văn Phùng Văn Khai: Viết bất cứ đề tài gì, truyện ngắn hay tiểu thuyết đều khó như nhau. Tuy nhiên sự khó ở tiểu thuyết lịch sử rất khác. Trước tiên là nguồn sử liệu không những mỏng manh mà còn nhiều bất cập. Chính sử vừa khái lược vừa là để phục vụ các triều đại cụ thể nên chỉ ưa thích nhìn vào mắt của các quân vương mà chép nên có không ít khúc khiến người đời sau hết sức băn khoăn, thậm chí rơi vào bế tắc. Kho tư liệu lịch sử từ dân gian, từ các thần phả, tộc phả, sắc phong, truyền thuyết dân gian nơi đình, đền, chùa, miếu khắp các thôn cùng xóm vắng vô cùng phong phú nhưng nhà văn cũng không thể dựa hoàn toàn vào đó mà phóng tác. Chỗ dựa duy nhất của nhà văn là nền kiến thức lịch sử và trí tưởng tượng của mình. Thiếu hai nền tảng căn cốt đó, nhà văn chắc chắn sẽ bại. Cái khó nữa chính là sự tự sợ hãi chính mình. Khi các cấp kiểm duyệt còn chưa có ý kiến, các nhà văn, thậm chí tự mỗi nhà văn đã tự kiểm duyệt mình, làm nhỏ bé mình khiến tác phẩm càng ốm yếu, ọp ẹp. 

PV: Sau khi ra mắt 4 cuốn tiểu thuyết dày dặn, về bốn nhân vật lịch sử đứng đầu 4 triều đại trong thời kỳ phục quốc, anh có hài lòng với những đánh giá của giới học giả và đông đảo bạn đọc cả nước về những đứa con tinh thần của mình?

Nhà văn Phùng Văn Khai: Trước tiên, tôi xin trân trọng cảm ơn độc giả đã đón đọc những đứa con tinh thần của mình. Khi một cuốn tiểu thuyết lịch sử đã đến với công chúng đọc, thì việc nhà văn - tác giả đưa ra những nhận định, ý kiến là không cần thiết. Tự mỗi cuốn sách có vị trí riêng trong lòng độc giả. Nhà văn nên hướng về những cuốn sách đang bắt đầu sẽ công bằng hơn. Dẫu là như thế, nhưng khi nhìn thấy những đứa con đã ra đời của mình được đón nhận, cá nhân tôi thấy hạnh phúc. Trong bốn cuốn tiểu thuyết lịch sử đã viết đều là về các anh hùng giải phóng dân tộc. Tôi xin nhắc lại là anh hùng giải phóng dân tộc rất ít, khác với anh hùng dân tộc đông hơn nhiều. Lý Nam Đế là anh hùng giải phóng dân tộc đánh đuổi giặc Lương giành độc lập dân tộc. Triệu Quang Phục là anh hùng giải phóng dân tộc phục quốc theo di mệnh của Lý Nam Đế. Phùng Hưng là anh hùng giải phóng dân tộc đánh đuổi giặc Đường. Ngô Quyền là anh hùng giải phóng dân tộc đại thắng quân Nam Hán lập ra thời kỳ tự chủ. Sau này, Hồ Chí Minh cũng là anh hùng giải phóng dân tộc theo nghĩa đó… Đó chính là vẻ đẹp tự cường của dân tộc ta và tác phẩm của tôi rất hạnh phúc khi được bạn đọc đón nhận trên tinh thần đó.

PV: Anh đã học hỏi và kế thừa được gì từ những đàn anh đi trước?

Nhà văn Phùng Văn Khai: Tôi học hỏi được rất nhiều nhưng tuyệt đối không học theo các nhà văn đi trước như Nguyễn Xuân Khánh và Hoàng Quốc Hải. Viết văn khác với xây dựng nhà cửa, đường sá, thậm chí là cao ốc và cao tốc là như thế. Mọi thông số kỹ thuật, nghệ thuật không thể đem áp dụng vào tác phẩm của mỗi người. Tự mỗi người phải tìm thấy một mã nghệ thuật riêng cho mình. Chính vì vậy nghệ thuật mới phát triển bền vững. Đã từng có một thời chúng ta áp đặt nghệ thuật minh họa vào văn học nghệ thuật và đã thất bại. Hiện nay, văn học nghệ thuật đang chịu đựng những thử thách lớn chính từ tầm vóc, tư duy thiên kiến, hạn hẹp của nhà quản lý và không ít các nhà văn. Chúng ta hãy rộng mở với chính mình và với nghệ thuật. Nghệ thuật luôn giúp ích con người. Nghệ thuật chưa bao giờ hại con người.

PV: Cảm xúc của anh khi được nhận giải Tư cho cuốn tiểu thuyết Ngô Vương của Hội Nhà văn Việt Nam?

Nhà văn Phùng Văn Khai: Trước tiên, tôi xin cảm ơn Hội Nhà văn Việt Nam đã trao giải cho tiểu thuyết lịch sử Ngô Vương trong cuộc thi tiểu thuyết 2014 - 2019. Tôi cũng đã từng nhận nhiều giải thưởng và luôn trân trọng các giải thưởng mà mình được nhận. Tuy nhiên, nhà văn nếu chỉ dựa vào giải thưởng thì thiếu công bằng, thậm chí dẫn đến hợm hĩnh so với các nhà văn khác. Giải thưởng hãy được hiểu như một sự tự nhiên, một sự đánh giá, khẳng định của một khoảng thời gian, một bình diện, một giới hạn văn học nhất định chứ không thể nào là một thước đo cao thấp của các nhà văn với nhau. Mong sao, Hội Nhà văn Việt Nam luôn làm tốt và thấu hiểu các nhà văn trong vấn đề giải thưởng.

PV: Trong thời gian tới, anh có tiếp tục với thể loại tiểu thuyết lịch sử, và nếu có, nhân vật anh sắp viết là danh nhân nào vậy?

Nhà văn Phùng Văn Khai: Phải thú thực rằng thời gian gần đây tôi luôn thèm viết, say viết, sẵn sàng bỏ mặc mọi thứ để sáng tác. Tuy nhiên, có những khu vực mình không thể nào bỏ được, như việc tổ chức thực hiện các Hội thảo khoa học về các danh nhân họ Phùng; công việc quản lý ở cơ quan; việc gia đình, dòng họ. Nhưng tôi luôn biết tổ chức thời gian hợp lý, thậm chí là vứt bỏ những cám dỗ không cần thiết để dành cho sáng tác. Tôi đang hoàn thành hai cuốn tiểu thuyết lịch sử Lý Đào Lang Vương và Lý Phật tử trong bộ tiểu thuyết Vương triều Tiền Lý. Phải chạy đua từng ngày, thậm chí từng giờ cho sáng tác. Tôi cho rằng đó chính là hạnh phúc lớn nhất của nhà văn.

PV: Trân trọng cảm ơn nhà văn!
(0) Bình luận
  • Trao giải 11 tác phẩm xuất sắc “Truyện ngắn Sông Hương 2024”
    Ban tổ chức đã trao giải 11 tác phẩm xuất sắc cho cuộc thi “Truyện ngắn Sông Hương 2024” do Tạp chí Sông Hương phát động.
  • Thiền đào
    Chàng vẫn âm thầm dõi theo những bài viết của nàng và không bỏ sót bất kỳ phóng sự nào về nàng. Đôi mắt nàng khi bảy tuổi hay của bây giờ vẫn vậy. Xoáy xiết, ám ảnh. Nhấn chàng xuống đỉnh vực. Vẫy vùng. Ngộp thở. Toàn thân không trọng lượng. Đôi vực sâu đồng tử đã xoáy chàng đến một nơi quen thuộc. Là dinh đào, khi ấy chàng đang ở tuổi mười ba.
  • Ăn Tết nay yêu Tết xưa
    Đợt rét ngọt đầu tiên của tháng Chạp đã luồn qua khe cửa, bà Ngân thoáng rùng mình khi trở dậy vào sáng sớm. Loẹt quẹt đi xuống bếp, rót đầy một cốc nước gừng nóng sực đã ủ sẵn trong bình, bà vừa xuýt xoa uống vừa nhẩm tính xem Tết năm nay nên sắm sửa những thức gì. Kỳ thực, quanh đi quẩn lại, năm nào bà cũng bày biện từng ấy món quen thuộc. Nhưng cái việc nôn nao nghĩ suy về cái Tết sắp đến mới ngọt ngào làm sao, nhất là khi năm nay gia đình bà có thêm cô con dâu mới.
  • Lễ phạt vạ
    Ba ngày nữa là đến giao thừa mà Cầm Bá Cường chưa thể về nhà. Đã vậy anh còn mắc vạ trưởng bản, phải chịu phạt. Ký túc xá giáo viên ở Mường Lôm giờ đây còn mỗi mình anh. Ôi chao là buồn! Cầm Bá Cường nhìn ra khoảng sân ký túc xá.
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tìm kiếm kịch bản điện ảnh kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng
    Hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2030), Cục Điện ảnh triển khai chương trình đầu tư chiều sâu nhằm tạo nguồn kịch bản phim truyện điện ảnh.
  • Khám phá hành trình nghệ thuật của họa sĩ Huỳnh Phương Đông
    Sáng ngày 11/4/2025, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ diễn ra lễ khai mạc triển lãm chuyên đề “Hành trình Huỳnh Phương Đông”. Triển lãm do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam và gia đình họa sĩ tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) và 100 năm ngày sinh chiến sĩ - họa sĩ Huỳnh Phương Đông (22/4/1925 – 22/4/2025), .
  • Đặc sắc phim tài liệu “Vượt sóng: Câu chuyện về thành phố 50 năm mùa hoa nở”
    Chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh vừa ra mắt, giới thiệu đến khán giả series phim tài liệu “Vượt sóng: Câu chuyện về thành phố 50 năm mùa hoa nở”.
  • [Podcast] Chùa Non Nước – Nơi hội tụ giá trị tâm linh, lịch sử của Thủ đô Hà Nội
    Hà Nội không chỉ nổi tiếng với những công trình cổ kính nơi phố thị mà còn ẩn chứa những ngôi chùa linh thiêng giữa núi rừng xanh ngát. Một trong những ngôi chùa mang đậm dấu ấn tâm linh, gắn liền với truyền thuyết Thánh Gióng và lịch sử dân tộc chính là Chùa Non Nước – một danh thắng tọa lạc trên núi Sóc, huyện Sóc Sơn. Chùa Non Nước được hình thành từ thời Đinh, sư trụ trì chùa đầu tiên là Khuông Việt Đại sư Ngô Chân Lưu (933 - 1011) - hậu duệ của Ngô Quyền và là vị Quốc sư được triều đình nhà Đinh, Tiền Lê và Hậu Lý kính trọng.
  • Hai bệnh viện lớn nhất Việt Nam ký kết hợp tác y tế giai đoạn 2025 - 2030
    Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Bạch Mai ký kết hợp tác hướng đến nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị bệnh nhân và phát triển vươn tầm khu vực, quốc tế.
Đừng bỏ lỡ
Nhà văn Phùng Văn Khai: Chạy đua từng giờ cho sáng tác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO