Từ kết quả bỏ phiếu kín của các ủy viên Ban Chấp hành Hội, Giải thưởng Thành tựu văn học trọn đời được trao cho cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và các tác phẩm của ông (những năm trước đây, khi còn sống, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã từng được Hội Nhà văn Hà Nội trao giải thưởng cho cuốn sách tùy bút, phê bình Giăng lưới bắt chim của ông).
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (1950-2021) ở Thái Nguyên nhưng quê gốc ở Thanh Trì-Hà Nội. Trước khi trở thành người viết chuyên nghiệp, ông đã có hơn 10 năm là một thầy giáo ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Ông xuất hiện khá muộn trong làng văn học Việt Nam với vài truyện ngắn đăng trên báo Văn Nghệ năm 1986. Ngay lập tức, ông trở thành trung tâm của những cuộc tranh luận văn chương sôi nổi bởi một giọng văn “rất đời”, dám đi đến tận cùng cái ác của con người để mà loại trừ, mà tận diệt nó.
Tên tuổi của ông gắn liền với các truyện ngắn như: Tướng về hưu, Muối của rừng, Không có vua, Con gái thủy thần, Những người thợ xẻ, Thương nhớ đồng quê, Sang sông, bộ ba truyện ngắn lịch sử Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết…
Ngoài ra, ông còn viết tiểu thuyết, kịch bản, thơ, tiểu luận. Nhưng thành công hơn cả vẫn là truyện ngắn. Ba cuốn tiểu thuyết đã xuất bản gồm: Tiểu long nữ, Gạ tình lấy điểm, Tuổi 20 yêu dấu.
Trong đó tiểu thuyết “Tuổi 20 yêu dấu” là thành công hơn cả, cuốn sách ông viết từ nguyên mẫu là con trai của mình, một cậu trai đã bị cơn bão ma túy và cơn bão của thời đại đô thị hóa mạnh mẽ cuốn đi. Ông vẫn còn có một cuốn tiểu thuyết hoàn thành đã lâu nhưng chưa xuất bản.