Văn học - Nghệ thuật

Nhà báo Tô Hoàng: nửa thế kỷ vượt vũ môn

Vân Thảo 20/06/2023 07:29

Nhà báo Tô Hoàng được biết đến không chỉ là tác giả kịch bản của nhiều bộ phim tài liệu và cuốn sách chuyên ngành điện ảnh “Một thế giới khác nhìn qua ống kính” mà còn là một cây bút phê bình phim sắc sảo.

img-6165.jpg
Nhà văn, nhà báo Tô Hoàng - cây bút phê bình phim sắc sảo.

Tô Hoàng yêu thích phim ảnh từ khi còn nhỏ, ông bảo tình yêu đó do bố ông truyền cho. “Thời kháng chiến chống Pháp, bãi chiếu phim cách nhà tôi chừng 5, 6 cây số. Để tránh máy bay, phim thường chiếu vào buổi tối. Bố tôi thường chuẩn bị những bó đuốc thật dài, để tan phim, soi đường rừng mà về. Không buổi chiếu nào bố không đưa tôi đi xem. Những phim Trung Quốc, Liên Xô xem thời đó tôi còn nhớ đến tận bây giờ, như “Matơroxốp lấy thân mình lấp lỗ châu mai”, “Năm 1919 đáng nhớ”, “Bạch mao nữ”…”, ông nhớ lại. Năm 1954, Thủ đô Hà Nội được giải phóng, cậu bé Tô Hoàng tiếp tục mê say với các Tuần lễ phim Liên Xô, phim Ba Lan, phim Cộng hòa dân chủ Đức. Và vẫn bố ông là người “thường xuyên cho tiền để tôi mua vé vào rạp. Thậm chí có phim hay mà lại được vé mời, tôi đưa sổ Liên lạc học sinh để bố tôi ký vào đó xác nhận tôi bị ốm; bố tôi ký luôn và tôi được nghỉ học xem phim”.

Năm 1958, khi đang học năm đầu cấp 3, Tô Hoàng viết bài báo đầu tiên về điện ảnh. Ông kể khi đó, Hà Nội ngập tràn phim Liên Xô, Đức, Tiệp, Ba Lan, Hungary, nhưng ông đặc biệt yêu thích các bộ phim Việt Nam như: “Chung một dòng sông”, “Vật kỷ niệm của người đã mất”, “Cô gái công trường”, “Vườn cam”... bởi với ông, xem phim Việt thấy con đò, cánh diều, con trâu lững thững bước đi trên triền đê, đặc biệt được nghe các nhân vật nói, cười đùa, giận dỗi nhau bằng tiếng Việt “là một điều thật kỳ lạ, thật hấp dẫn đối với đám thanh thiếu niên chúng tôi”. Sau khi xem phim “Vườn cam”, ông viết một bài báo ngắn gửi cho một tạp chí chuyên ngành điện ảnh và được đăng: “Bài dài chỉ khoảng chục dòng, trên trăm chữ. Ấy thế mà tôi cứ ngồi hàng giờ bồi hồi, sung sướng đọc những gì chính mình viết ra”, ông nhớ lại.

cuon-sach-cua-to-hoang.jpg

Sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ông nhập ngũ trở thành sĩ quan pháo binh chiến đấu tại chiến trường Bắc Quảng Trị rồi chuyển sang chiến trường Tây Nguyên. Đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, Tô Hoàng trúng tuyển trong cuộc thi sát hạch chọn người đi học tại Trường Điện ảnh Quốc Gia Liên Xô (cũ), nay thuộc Liên bang Nga. Tốt nghiệp về nước với tấm bằng đạo diễn phim tài liệu, Tô Hoàng cùng lúc hành nghề làm báo, làm phim. Trong những năm đầu thập niên 1990, ông là cây bút phụ trách phần giới thiệu phê bình phim trên báo Lao động. Sau này ông viết cho nhiều tờ báo khác và tham gia công tác giảng dạy tại Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và Đại học Sân khấu - Điện ảnh Tp. Hồ Chí Minh.

Làm báo và giảng dạy điện ảnh là cơ hội để Tô Hoàng được xem đi xem lại nhiều lần một bộ phim (đặc biệt là phim truyện Việt Nam). Tô Hoàng nói ông đặc biệt yêu thích những bộ phim truyện theo “dòng chính thống” xuất sắc của điện ảnh nước nhà được sản xuất sau năm 1986, tức giai đoạn đổi mới như “Thương nhớ đồng quê” của đạo diễn Đặng Nhật Minh; “Ngã ba Đồng Lộc” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh, “Đời cát” của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, “Thung lũng hoang vắng” của nữ đạo diễn Nhuệ Giang, “Sống trong sợ hãi” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và rất nhiều bộ phim khác. Theo ông, những bộ phim ấy đã vượt qua được căn bệnh công thức, giáo điều trong các bộ phim của thế hệ đi trước. Được hưởng làn gió dân chủ, cởi mở, những bộ phim này dám nhìn thẳng hiện thực đời sống, lôi ra ánh sáng công luận những điều phải lên án, phải được xóa bỏ ngay; phản ánh được những trăn trở, nhức nhối, những khát khao đổi mới của đồng bào mình. Xét thuần túy về nghệ thuật biểu đạt, những bộ phim này đã sải một bước tiến dài so với phim ảnh của các bậc cha chú đi trước, tiếp cận được cách kể chuyện từ màn ảnh hiện đại của nền điện ảnh các nước trên thế giới. Điều đáng nói, các bộ phim vừa kể trên vẫn đi đúng dòng chủ lưu của điện ảnh “chính thống” với đích tới là bám sát đời sống, phản ánh những niềm quan tâm căn cốt của hàng triệu người xem, toàn tâm biểu hiện những điều đó bằng nghệ thuật và kỹ thuật điện ảnh hiện đại.

Nhiều năm cầm bút viết giới thiệu, phê bình phim, Tô Hoàng chưa bao “đụng độ” với người làm phim khi luôn tôn trọng nguyên tắc làm việc của bản thân: Phim hay sẽ viết bài khen còn phim dở thì… im lặng không viết gì. “Vì sao tôi có sự “thỏa hiệp” này? Vì tôi hiểu, người ta bỏ cả một đống tiền ra, điều đương nhiên là phải mong đồng vốn phổng phao lên, không ai mong số vốn kia quắt queo đi. Còn, nếu nhìn thấy ở bộ phim nào sự tìm tòi trong cung cách thể hiện, trong diễn xuất, trong tạo hình; sự nỗ lực của đạo diễn, quay phim, thiết kế mỹ thuật… thì phải cố sử dụng cặp mắt tinh để nhận ra, để trân trọng, để bình giá để chỉ ra cái được, cái hay, góp phần nâng cao thụ cảm thẩm mỹ đang bị xuống cấp của không ít người xem”.

Chuyên tâm với nghề viết, Tô Hoàng còn cho ra đời kịch bản phim tài liệu nhiều tập “Hồ Chí Minh cội nguồn cảm hứng sáng tạo” và các kịch bản phóng sự tài liệu như “Đất trăn trở, đất sinh sôi”, “Chị Năm Hồng”, “Nhìn ra dòng sông”, “Chuyện còn chưa kể về rừng Sác”, “Còn lại với thời gian”… đầy ắp dữ liệu và các chi tiết đặc sắc khi lên phim giống như một bài báo bằng hình. Tô Hoàng bảo dù tạo ra sản phẩm thuộc thể loại nào, ông cũng đều không bỏ qua nhu cầu của đối tượng thụ hưởng hôm nay. “Theo cảm nhận của riêng tôi, điều tiên quyết để viết ra được một bài báo hay, quay được những thước phim không hời hợt, ít nhiều gây xúc động cho người xem nằm ở hai chữ Ấn tượng”, ông chia sẻ.

Mê xem phim từ nhỏ, viết bài báo đầu tiên về điện ảnh, nhưng việc yêu thích nghề báo lại bắt nguồn từ những trải nghiệm sống và chiến đấu tại chiến trường khi “Tham gia chiến đấu tại các chiến trường, tận mắt chứng kiến những hành động dũng cảm, can trường của đồng đội và bà con cô bác, như một nhu cầu tự nhiên, tôi thấy cần phải viết về những con người sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của đất nước. Cứ thế dần dà, tôi trở thành… nhà báo”, Tô Hoàng nói. Ông cũng chưa nhận mình là “phu chữ” bởi ông quan niệm: “Ai nghĩ được rằng nghề viết là “phu chữ”, tôi tin người đó sẽ viết giỏi bởi thế mới có nhiều bài báo/ tác phẩm văn chương đã động được tới tâm can bạn đọc. Tôi vẫn nhớ lần tham dự một trại sáng tác văn học, trong một buổi lên lớp, nhà văn lão thành Nguyễn Tuân đã yêu cầu anh chị em chúng tôi phải phân biết cho rành rọt: Đọc sách khác đọc chữ và viết văn khác viết chữ như thế nào. Cụ nói: Trẻ con hết lớp mẫu giáo là đã có thể đọc chữ và viết chữ rồi. Còn đọc để hiểu một trang văn, viết ra nổi một dòng văn - đó lại là chuyện “cá vượt vũ môn”. Nửa thế kỷ cầm bút, Tô Hoàng vẫn khiêm nhường nói rằng mình đang vượt vũ môn./.

Nhà văn, nhà báo, đạo diễn phim tài liệu Tô Hoàng sinh năm 1941, tại Hưng Yên. Tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ông nhập ngũ trở thành sĩ quan pháo binh chiến đấu tại chiến trường Bắc Quảng Trị rồi chuyển sang chiến trường Tây Nguyên. Sau ngày thống nhất đất nước, ông theo học ngành đạo diễn phim tài liệu tại trường Điện ảnh Quốc gia Liên Xô – VGIK (nay thuộc Liên bang Nga). Tốt nghiệp về nước, ông công tác tại Xưởng phim Quân đội (nay là Điện ảnh Quân đội Nhân dân). Năm 1988, ông chuyển vào sống tại thành phố Hồ Chí Minh và chuyên tâm vào làm báo, làm phim. Ông là Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình – Dịch thuật hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh khóa VII (2015 – 2020) và Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình Hội Nhà văn Việt Nam khóa IX (2015 – 2020). Ngoài các kịch bản phim tài liệu do ông viết đã kể trên, có thể nhắc tới các truyện ngắn, tập truyện, tản văn tiêu biểu của ông như: “Ngửa mặt kêu trời”, “Quanh năm là tháng bảy”, “Nỗi buồn quên lâu”, “Số một và số nhiều”…

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Ra mắt bộ sách ảnh “Saigon 365” chào mừng Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam
    Chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), nhiếp ảnh gia Nguyễn Thanh Tùng và con trai - Nguyễn Huỳnh Bách, vừa ra mắt bộ sách ảnh streetlife (Cuộc sống đường phố) mang tên “Saigon 365” tại Đường Sách TP. Hồ Chí Minh.
  • Cơ hội khám phá thế giới sách tranh thiếu nhi UK
    Từ ngày 21/3 đến ngày 28/3/2025 tại NXB Kim Đồng, 55 Quang Trung, Hà Nội sẽ diễn ra "Tuần lễ sách tranh thiếu nhi UK: Khám phá, Mơ mộng, Sáng tạo". Đây là một hoạt động văn hóa ý nghĩa nhằm giới thiệu tinh hoa sách tranh thiếu nhi Anh quốc đến độc giả Việt Nam.
  • Phát động Cuộc thi văn xuôi “Trang viết và cuộc sống"
    Tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025), Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Ninh Bình phát động Cuộc thi Văn xuôi “Trang viết và cuộc sống” trên tạp chí Văn nghệ Ninh Bình năm 2025 với chủ đề “Chung một cơ đồ Việt Nam”.
  • Di sản nét mực: Cuộc thi viết toàn cầu cho người trẻ Việt Nam 2025
    Với sứ mệnh tôn vinh văn hóa và bản sắc Việt, cuộc thi "Di sản nét mực: cuộc thi viết toàn cầu cho người trẻ Việt Nam 2025" (Legacy in Ink: Vietnamese Writers’ Global Contest) chính thức khởi động với chủ đề "Bản sắc chúng ta". Đây là cơ hội để các bạn trẻ Việt Nam trên toàn thế giới khẳng định tiếng nói của mình qua ngòi bút.
  • Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23 sẽ được tổ chức tại thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình
    Ngày 12/2/2025, tại thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23 sẽ chính thức được tổ chức với chủ đề “Tổ quốc bay lên”. Đây là lần đầu tiên sự kiện thơ lớn này được tổ chức ngoài Thủ đô Hà Nội, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc đưa Ngày thơ Việt Nam đến gần hơn với công chúng cả nước.
  • Phát triển văn học Việt Nam trong thời kỳ mới (Bài 2): Khơi thông nguồn lực, tạo sức mạnh nội sinh
    Dự thảo “Nghị định quy định về khuyến khích phát triển văn học” do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xây dựng, dự kiến được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định ban hành trong năm 2025 được kỳ vọng sẽ khơi thông nguồn lực, tạo sức mạnh nội sinh để văn học nước nhà bứt phá trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nhà báo Tô Hoàng: nửa thế kỷ vượt vũ môn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO